;
Ngày 04/03/2015 (nhằm ngày 14/01 Ất Mùi), nhận lời mời của Đại đức Thích Chiếu Túc, Thượng tọa Thích Chân Tính đã quang lâm về chùa Tân Pháp, ấp Xóm Chùa, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Tp.HCM giảng pháp nhân ngày sám hối đầu năm.
Trong buổi nói chuyện, Thượng tọa đã trình bày những vấn đề liên quan đến việc hiến cúng tịnh thất Pháp Hòa (nay là chùa Tân Pháp) của bà Nguyễn Thị Kim Chi.
Tịnh thất Pháp Hòa do cụ Nguyễn Thị Khỏa pháp danh Lãng Ân thành lập năm 1970. Sau đó, cụ giao cho người em út là bà Nguyễn Thị Của, pháp danh Diệu Tâm trông coi và tu tập tại gia. Đến 1990 bà Của mất, làm di chúc để tịnh thất cho bà Nguyễn Thị Kim Chi, pháp danh An Hòa. Tổng diện tích đất của tịnh thất là 8178.1 m2. Trải qua thời gian từ năm 1995 đến năm 2010, ngôi tịnh thất này đã có chư Tăng, chư Ni về tu học. Thế nhưng họ chỉ ở được một thời gian rồi rời đi nơi khác.
Đến năm 2010, bà Kim Chi quyết định hiến cúng tịnh thất này cho chùa Hoằng Pháp để quý thầy thành lập cơ sở chi nhánh, nhằm mở rộng công việc hoằng pháp lợi sinh. Sau khi chuyển nhượng giấy tờ (có sự chứng nhận của các cấp chính quyền), tịnh thất Pháp Hòa được quý thầy chùa Hoằng Pháp xây dựng lại khang trang và ngày càng nhiều Phật tử về tu tập, đặc biệt vào những ngày lễ lớn hàng ngàn người đã tập trung về tham dự lễ. Được sự cho phép của Giáo hội và chính quyền địa phương, tịnh thất Pháp Hòa được đổi tên thành chùa Tân Pháp do Thượng tọa Thích Chân Tính làm trụ trì. Một năm sau ngày làm giấy hiến cúng đất, bà Kim Chi lại thưa kiện lên tòa án, yêu cầu quý thầy chùa Hoằng Pháp trả lại mảnh đất đã hiến cúng.
Trên mặt pháp lý, chùa Tân Pháp hoàn toàn có chủ quyền (có đơn xin tự nguyện hiến cúng và các giấy tờ liên quan như Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất đều được công chứng), bà Chi không thể lấy lại đất. Thế nhưng vì không muốn gây tranh chấp và tạo nên mối thù oán với bà Kim Chi trong tương lai, chùa Hoằng Pháp sẽ gởi trả lại đất cho bà. Hiện nay chùa Hoằng Pháp có hơn 21 chi nhánh, việc nhận chùa không phải vì mục đích cá nhân mà chỉ vì trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh của người con Phật, Thượng tọa hy vọng sau khi ngôi chùa được trao trả vẫn tiếp tục hoạt động để đem lại lợi ích cho mọi người.
Thời Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị trưởng giả như Cấp Cô Độc, Visakha cúng dường những tịnh thất lớn như Kỳ Viên, Đông Phương Lộc Mẫu,... Ngày nay có người cúng dường đất hay chùa cho chư Tăng, chư Ni, nhưng sau này con cháu của họ lại gây khó dễ và tìm cách lấy lại. Đời cha mẹ ông bà thì “cải gia vi tự”, đến đời con cháu lại “cải tự vi gia”. Tâm tánh con người thật khó lường, khi họ hoan hỷ thì mọi sự đều tốt đẹp, khi họ không hài lòng thì bực tức và tìm cách gây khó dễ. Đây cũng là một bài học cho những người cúng và người nhận chùa cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để khỏi tạo ra phiền não và nghiệp báo.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận