;
Để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19, lễ tưởng niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với hai điểm cầu chính tại thành phố Hồ Chí Minh (Hội trường Thống Nhất) và Hà Nội (Công viên Thống Nhất), được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng ở nhiều đài truyền hình địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa đến điểm cầu tại thành phố Hồ Chí Minh để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Tham dự Lễ tưởng niệm tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tham dự còn có đại diện các sở, ngành, tổ chức tôn giáo, lực lượng tuyến đầu chống dịch và gia đình các nạn nhân Covid-19.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài. Tham dự Lễ tưởng niệm có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cùng đại diện các sở, ngành, tổ chức tôn giáo, lực lượng tuyến đầu chống dịch và gia đình các nạn nhân Covid-19.
Nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí
Sau những thước phim xúc động về những hy sinh, mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong đại dịch, nhất là đợt dịch thứ tư vừa qua, phát biểu tại Lễ tưởng niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng thành kính, gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19. Trong gần 2 năm qua đại dịch Covid-19 bùng phát gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”. Trong đó, hàng triệu phần quà, túi an sinh, hàng tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được gửi đến những nơi có dịch, chia sẻ với người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng đánh giá cao các hoạt động nghĩa cử của đồng bào, chiến sĩ cả nước trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong đó, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình.
“Nhiều cán bộ, chiến sĩ hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ; có những người khi bố mẹ qua đời không thể về chịu tang, thật là xót thương. Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng nghìn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, Tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí”, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã “chiến đấu kiên cường”, làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Thế nhưng, do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm nên đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh cướp đi sinh mạng của hơn 23 nghìn đồng bào, đồng chí. Đặc biệt, đại dịch tràn qua đã để lại hàng nghìn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời.
“Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán để lại nỗi day dứt trong lòng người thân, đồng đội, đồng chí. Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa”, đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu.
Không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng
Trong bối cảnh, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng. Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.
“Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, với sự nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân cả nước sẽ biến đau thương thành hành động, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh. Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Ngay sau phát biểu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể người dân cả nước tham dự Lễ tưởng niệm đã dành một phút để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Tiếp đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố và nhân dân tại hai điểm cầu chính thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dâng hương, hoa để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Để tưởng nhớ đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, ngay sau Lễ tưởng niệm, tại nhiều tỉnh, thành cả nước đồng loạt diễn ra các hoạt động thắp nến, dâng hương, thả đèn hoa đăng, các cơ sở tôn giáo rung chuông tưởng niệm. Trong đó, các con tàu trên các tuyến kênh ở thành phố Hồ Chí Minh kéo còi, còn nhiều nơi người dân tắt đèn, thắp nến tưởng niệm…
Tại Hà Nội, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Phạm Tiến Dũng cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị trên 5.000 cơ sở thờ tự trên địa bàn Thủ đô cùng tham gia Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 bằng hình thức phù hợp. Cụ thể, các cơ sở thờ tự trên địa bàn Thủ đô cùng tham gia hoat động Lễ tưởng niệm bằng việc thỉnh chuông vào lúc 20h30 và các nghi thức cầu nguyện tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm ở điểm cầu Hà Nội (Công viên Thống Nhất):
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm ở điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh: