;
Theo huyền thoại xa xưa của Trung Hoa chép rằng, lúc cửa Long Môn (龍門, nay là
dòng Y thủy 伊水 ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam) chưa mở, dòng Y Thủy đã bị núi Long Môn chặn lại, tạo thành một hồ nước lớn ở phía Nam.
Cá chép ở sông Hoàng hà (黃河) nghe nói Long Môn có phong cảnh đẹp muốn đến tham quan. Chúng khởi hành từ sông Hoàng hà ở Mạnh tân (孟津), băng qua sông Lạc (洛河)... Bơi đến phía Bắc chân núi, tất cả bị kẹt lại bởi không còn đường thủy.
Một con cá chép đỏ to lớn, dũng khí, làm gương cho đàn, nhảy qua, dùng hết sức lực giống như một mũi tên rời khỏi dây, lao lên mây... Bỗng nhiên có một quả cầu lửa trên trời đuổi theo từ phía sau, đốt cháy phần đuôi của nó, rất đau đớn, tiếp tục lao về phía trước, cuối cùng vượt qua núi Long Môn, rơi xuống hồ nước phía Nam ngọn núi, trong nháy mắt biến thành một con rồng khổng lồ.
Nhưng chỉ là số ít vượt qua được Long Môn. Số còn lại nhảy lên không trung, rơi xuống sẽ có một vết sẹo đen trên trán. Truyền thuyết cá chép vượt Long Môn có từ đây (Lý ngư khiêu Long Môn 鯉魚跳龍門).
Lý Bạch, đại thi hào đời Đường đã viết một bài thơ tả chuyện này:
“黃河三尺鯉,
本在孟津居,
點額不成龍,
歸來伴凡魚。”
(Hoàng hà tam xích lý,
Bổn tại Mạnh tân cư,
Điểm ngạch bất thành long,
Quy lai bạn phàm ngư).
Tạm dịch:
Chép ba thước Hoàng Hà,
Vốn sống ở Mạnh Tân,
Trán điểm không hóa rồng,
Trở lại đàn làm cá.
Sau khi hóa rồng thì như thế nào? Trong luật Dược sự của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tả có hai loại rồng: Một loại thì tự phát nguyện đến quy y Phật, nghe pháp giác ngộ như rồng Kṛṣṇa (Hắc giả long vương 黑者龍王) và rồng Gautamaka (Kiều-đàm-ma long vương 憍曇摩龍王).
Loại thứ hai, hung dữ, ngay cả Phật nó còn tấn công, tấn công bằng mưa đá, đất cát, đó là rồng phá hại mùa màng, không có cây lúa nào sống được với nó, nên mệnh danh Vua rồng Không Cọng Lúa (Vô đạo cán long vương 無稻稈龍王, Apalāla).
Phật quán, loại này phải làm cho nó sợ hãi mới nhiếp phục được, Ngài sai Dược xoa Kim Cang Thủ, dùng chày kim cang kích phá đỉnh núi, núi kia nghiêng đổ đè bẹp một nửa ao rồng. Lúc này Vua rồng Không Cọng Lúa sợ hãi mới đến cửa Phật quy y.
Thành ngữ “cá chép hóa rồng” là một bước đăng trình đỗ đạt khoa cử, thay đổi mệnh đời, số phận vinh hiển. Nhưng thành “rồng” cần có đánh đổi, trả giá. Và “rồng” nào cũng phải học đạo lý giác ngộ, đạo lý làm người.
Bởi có một số “rồng” ngạo mạn với vinh quang, đem đồng tiền thể hiện sức mạnh với xã hội, cộng sinh cùng quyền lực, hung hãn cái mình thành tựu, đến khi “Kim Cang Thủ” trong cuộc đời tiến đến, cháy nhà, lụt lội, con cái phá sản, cơn thịnh nộ của thiên tai, thắng một thời cũng bị kẻ khác đánh bại...
Lúc này, sự thật tàn nhẫn, bào mòn tất cả cảm xúc... mới học được bài học của cuộc sống, bèn đến cửa chùa:
“Cửa Phật đây rồi, tôi thấy tôi,
Mơ trời cao cả luyến xa xôi
.............................................
Tôi người mê muội ham cùng cả
Coi nhẹ trăm năm hận một ngày!”
“Kim Cang Thủ” là chân lý của nhà Phật, là người phá hoại sự trưởng thành, thịnh vượng của dục vọng thế gian. Đừng đợi phải học pháp khổ rồi mới tìm đạo. Ngộ đạo đâu cần đánh đổi gì. Kinh Pháp hoa dạy người sơ cơ hành đạo thật đơn giản, vào chùa dù tâm loạn động nhưng chỉ một tiếng chào “Nam mô Phật”, người ấy quyết sẽ thành Phật (妙法蓮華經卷1, T9 No 262, p. 9a24, 若人散亂心入於塔廟中一稱南無佛皆已成佛道).
“Sương xuân rải xuống sơn hà
Lòng đêm xa vắng mở ra nhiệm màu.”
Năm rồng, xuân Di-lặc – 2024.
Tâm Nhãn
Nguồn trích lục: 根本說一切有部毘奈耶藥事, T24, no. 1448 & baike.baidu.hk/item/龍門.