;
1.Trụ trì cơ sở chùa chiền
Hòa thượng nhắc lại từ khởi thủy, trụ trì là các vị Bồ-tát vân tập tại pháp hội đạo tràng để nghe pháp và hộ trì chánh pháp, trang nghiêm pháp hội. Qua thời gian, sự biểu hiện ấy được cụ thể hóa dần dần, có nghĩa là từ các tịnh xá, tu viện được thành lập do các vị quốc vương, trưởng giả, cư sĩ thiết lập để dâng cúng cho đức Phật và chư Tăng. Từ đó, đức Phật và chư đệ tử của Ngài tiếp nhận cơ sở và ngoài trách nhiệm hộ trì pháp tạng, còn có trách nhiệm hộ trì cơ sở vật chất do tín đồ hiến cúng.
Ngày nay, việc trụ trì cơ sở do chư Tăng Ni duy trì và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tu học và hoằng pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người xuất gia là sống trong tinh thần bình đẳng, ví như muôn loài đều chia sẻ bình đẳng bầu không khí để cùng chung sống với nhau. Người xuất gia cần phát triển Bốn tâm vô lượng: Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng trong tinh thần bình đẳng. Đức Phật dạy một vị Tỳ-kheo, trước khi đi nhận một ngôi tinh xá phải an trụ trong bốn pháp: Từ, Bi, Hỷ và Xả. An trụ được trong bốn pháp Vô lượng tâm là an trụ trong chánh pháp, an trụ trong chân tâm thường trú, như thế người trụ trì mới có đủ khả năng trụ trì cơ sở vậy.
Mỗi người chúng ta đều có chánh báo, y báo riêng của mỗi người. “Hữu tâm vô tướng, tướng khởi từ tâm. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt”. Chánh báo trang nghiêm sẽ có Y báo trang nghiêm. Chánh báo trang nghiêm là tâm thanh tịnh của chư Tăng Ni, nhờ đó mà Y báo trang nghiêm là các ngôi đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh mà người trụ trì đang quản lý và vận hành. Theo truyền thống giáo pháp, cơ sở là y báo của vị trụ trì. Điều này có nghĩa là do đã gieo trồng công đức từ trước nên kiếp này vị trụ trì có đủ nhân duyên quản lý một cơ sở Giáo hội tương ứng với chánh báo người ấy. Theo điều 57 Hiến chương; điều 16, 17, 18, 19 chương V - Nội quy Tăng sự Trung ương quy định, cơ sở của Giáo hội là các tự viện, tổ đình, thiền viện, tu viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Tùy có chùa công, chùa tư, chùa hội, chùa làng như tất cả đều hoạt động dưới cùng một cơ chế chung. Dù sinh hoạt theo hệ phái biệt truyền, Tăng Ni trụ trì các cơ sở vẫn tuân thủ theo các điều quy định trong Nội quy Tăng sự.
Cơ sở các đạo tràng là điều kiện tối thiểu để người đệ tử Phật và trụ trì hành đạo và hoằng pháp, do đó, người trụ trì cần phải giữ gìn, phát huy và trang nghiêm cơ sở vật chất của ngôi Tam bảo vật chất.
Nguyện đem thân tứ đại này,
Tô bồi đạo pháp, dựng xây đạo tràng.
Cúng dường Tam bảo nghiêm trang,
Làm cho đời đạo ngày càng đẹp tươi.
Bằng tinh thần vô ngã, vị tha, không trụ trước, trụ trì luôn trang nghiêm cơ sở mình quản lý một cách không mệt mỏi, với mục đích duy nhất là làm tròn bổn phận trụ trì do nhân duyên đã định, Giáo hội giao phó, Phật tử tin tưởng cúng dường, hết lòng hộ trì Tam bảo trong tinh thần phụng sự đạo pháp, phát huy văn hóa tâm linh qua sự hiện hữu của ngôi chùa ở thế gian.
2. Pháp tạng trụ trì
Người trụ trì cần trang nghiêm cho mình khả năng gìn giữ pháp tạng của Như Lai. Giáo pháp của đức Phật chứa đựng trong con đường trung đạo của Bát chánh đạo. Chỉ nơi Bát chánh đạo mới có bốn quả Sa-môn. Giáo pháp đức Phật thiết lập để đáp ứng nhu cầu của chúng sanh. Vì muốn giúp chúng sanh đạt đến vô tham, vô sân và vô si, thành tựu Giới, Định, Huệ mà đức Phật chế định ra giới luật, lập ra kinh tạng và luận tạng. Mỗi Tăng Ni cần phải đầy đủ Tam tạng tại tâm. Kinh, Luật, Luận là Giới, Định, tuệ do từ tâm vô tham, vô sân, vô si mà có. Tu tập Tam Vô lậu học trên cơ sở tự tâm là điều quan trọng.
Đức Phật dạy các đệ tử nên thừa tự giáo pháp của Như Lai, chớ không nên thừa tự tài vật (Trung A-hàm). Do đó, người trụ trì cần phải phát huy giáo pháp, sống đúng theo giáo pháp, hành trì và truyền bá chánh pháp, coi đó là sự nghiệp trọn đời của người trụ trì. Bên cạnh đó, người trụ trì cần nhờ những vị giảng sư, pháp sư hỗ trợ mình giảng dạy giáo pháp để mọi người cùng thấu hiểu pháp và theo đó hành trì cho đúng. Như vậy, người trụ trì mới làm tròn bổn phận lợi đạo ích đời.
Tỳ kheo vui chánh pháp,
An trụ trong chánh pháp,
Tư duy về chánh pháp,
Thực hành theo chánh pháp,
Làm lợi ích chúng sanh,
Ấy là hạnh sa-môn
(Kinh Pháp Cú, câu 79-86)
Từ ý nghĩa trên, người trụ trì nên nỗ lực hành trì giáo pháp; đồng thời truyền bá chánh pháp bằng nhiều phương tiện khác nhau, làm cho chánh pháp được lan truyền đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh, khuyến khích mọi người thực hành pháp thí. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Trong tất cả các sự cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết”. Do đó, trụ trì nên mở các lớp giáo lý cho Phật tử để có phương tiện học pháp càng nhiều càng tốt.
Hào thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN giảng tại Pháp viện Minh Đăng Quang. - ảnh Liên Trí.
3. Quyến thuộc trụ trì
Tình quyến thuộc trong ngôi nhà Phật pháp rất quan trọng. Chúng ta đã từng gieo nhân duyên quyến thuộc Phật pháp từ trong quá khứ rồi, nên kiếp này tiếp tục nuôi lớn, thắt chặt tình quyến thuộc Phật pháp càng keo sơn, gắn bó, nhân rộng ra để tạo nhân lành không những trong kiếp này mà còn mãi ở những kiếp sau. Sự hòa hợp cần thể hiện từ trên cơ sở tướng: cùng tham gia các lớp dạy học, đào tạo Tăng tài cho Phật pháp, cùng tham gia các Phật sự chung của Giáo hội. Như lời Tổ Quy Sơn dạy “Nguyện đời đời kiếp kiếp xin làm bạn với nhau trong chánh pháp”.
Người trụ trì cần đóng vai trò chủ đạo và tích cực trong việc kết nối và tạo nhân duyên quyến thuộc trong cộng đồng Tăng Ni và Phật tử để tạo thành một khối đoàn kết, thống nhất, cùng tham gia các Phật sự chung, cùng gặp nhau trong tình thân chia sẻ nhau trong tinh thần hỗ trợ nhau để cùng tu học. Kết duyên quyến thuộc trong chánh pháp là tạo nhân lành không chỉ đời này mà còn mãi mãi nhiều kiếp về sau.
4. Bản thể trụ trì
Cần phải xây dựng đạo tâm vững chắc, trang nghiêm thanh tịnh, đạo lực kiên cường mới có thể làm nền tảng vững chãi cho các Phật sự.
Xuân về hoa nở trên đất tâm,
Trăng sáng năm xưa tỏ hơn rằm,
Vườn hoa đạo lý hương ngào ngạt,
Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương.
Chúng ta nên an trụ tự tánh Tam bảo, nhà Tam bảo trong tâm: giữ tự tánh sáng suốt là Phật bảo, tự tánh thường trú là Pháp bảo, tự tánh thanh tịnh là Tăng bảo. Người trụ trì một khi an trụ trong ngôi nhà Tam bảo đúng nghĩa như vậy mới có thể chu toàn mọi Phật sự mà tâm vẫn như như bất động, vô chấp, vô trụ trong tâm thanh tịnh để không mệt mỏi, phiền não trong các Phật sự. Trong từng phút giây, trong mỗi Phật sự đều nên tâm niệm:
Mỗi bước lần sang chốn Niết-bàn,
Lướt dòng sanh tử chẳng hề nan.
Chơn không dần bước trong ly niệm,
Tịnh độ là đây, cũng Niết-bàn.
Bằng sự phân tích rõ ràng, khúc chiết, Hòa thượng đã triển khai cụ thể bốn phận sự của một vị trụ trì: (1) trụ trì cơ sở vật chất, (2) thấu hiểu Pháp tạng để tự thân hành trì và hoằng truyền chánh pháp, (3) tạo quyến thuộc trong các Phật sự chung của giáo hội và (4) giữ tâm thanh tịnh, an nhiên và vô ngại vô chấp trong tất cả các Phật sự. Nhờ đó, chư Tăng Ni tham dự khóa học hiểu rõ những phận sự và trách nhiệm, vừa cao quý vừa nặng nề của một người nhận lãnh trách nhiệm “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
Sau một tiếng rưỡi chia sẻ, thời pháp “Ý nghĩa trụ trì” khép lại trong tinh thần hoan hỷ của đại chúng.