;
Tôi không quen biết nhà thơ Trần Hậu, chưa được gặp anh một lần nào. Trong một lần vô tình (qua nhạc sĩ Trần Đức Tâm), nhìn thấy và giở trang bìa tập thơ “Biển Đời Trăn Trở” của anh , ngay sáu câu thơ đầu dùng làm lời tựa trong bài thơ Trăn Trở đã cuốn hút tôi nhanh chóng. Làm như vậy có lẽ nhà thơ nghĩ rằng thơ là hơi thở, là cuộc sống và là cung cách của riêng mình, cho nên dùng chính lời thơ ấy để nói lên điều mình muốn nói, thay vì nhờ cậy một ai đó viết lời giới thiệu. Chính những dòng đó như chứng minh với mọi người rằng chân lý Phật đà luôn hiện hữu quanh ta, trong khổ đau cũng như trong hạnh phúc. Mà dường như điều tưởng nhỏ nhoi ấy ai cũng dễ dàng nhận ra, đôi khi chỉ bằng cảm quan chung quanh, những cảm quan mang tên rất “Như Thị”.
Ảnh tập thơ Biển Đời Trăn Trở.
Dòng sông nào khi tìm về với biển
Cũng phải qua những khúc khuỷu nông sâu
Phải vặn mình chịu đựng những cơn đau
Chứa con nước lớn ròng trăn trở
Như hạnh phúc vốn đến từ đau khổ
Trong cuộc hóa thân nào cũng có nổi đau riêng.
(Thay Lời Tựa)
Giờ đây người viết mới hiểu tại sao bài thơ Trăn Trở được chính nhà thơ chọn làm tiêu biểu và được người nhạc sĩ thân cận Trần Đức Tâm ưu ái phổ thành bàn nhạc cùng tên.
Nhà thơ Trần Hậu và nhạc sĩ Trần Đức Tâm.
Để bắt đầu từ đó, người đọc như chìm sâu vào cái biển đời trăn trở ấy của Trần Hậu và theo nhà thơ đi xuyên suốt mọi khổ sầu vui sướng với nhiều trạng thái khác nhau, có cả giận hờn man mác lẫn mạnh mẽ; những chê trách và kể cả lên án một bóng đen nào đó trong cuộc sống. Nhà thơ dẫn chúng ta đi bằng từng nhịp bước của 122 bài thơ được rút ta từ con tim chan chứa sự từng trải, ma sát với cuộc đời đến khốc liệt:
Hay là ta lên tới đỉnh chiêm bao
Hay là ta vùi dập ở cõi nào
Hay là ta lưng chừng đèo ảo mộng
Hay là ta đứng lặng để kêu gào
Hay là ta qua hai lòng chế độ
Còn sống đây lơ lững xác thân thừa
Kẻ hiền kẻ ngu trần gian lẫn lộn
Ai biết ai tri kỷ với
Với những khi đụng chạm men đời đắng ngắt ấy, nhà thơ chỉ biết tin và dựa vào một khung trời của cõi thơ, một nơi yên bình nhất của riêng mình:
Chì có một điều lòng ta luôn hẹn
Bay về Thơ cõi ấy rất tinh khôi
Ở cõi ấy cái tình luôn bổi hổi
Chẳng tính toan hơn thiệt của đời thường
Ơi oan nghiệt! Đời thường là chân lý
Hay là ta còn nợp những oan khiên..
(Hay Là Ta)
Với bạn bè, với quê hương bản sở, cái tình của những đứa con xa xứ lúc nào cũng đau đáu nỗi khoắc khoải chờ mong, mong khi nhẹ gánh áo cơm về lại chốn xưa nối lại dây đời truyền thống, huống đây lại là tâm trạng của một nhà thơ thì cái nỗi nhớ mong mong ấy nó da diết biết chừng nào!
Nghe gió bắc thì ngựa Hồ lại hí
Thấy Cành Nam Chim Việt vẫn bay về
Bao trăng rồi từ độ ta xa quê
Nỗi nhớ cứ đầy lên theo ngày tháng…
Nhớ núi nhớ sông nhớ bạn nhớ bè
Nhớ những đêm thơ Vệ Giang Trà Khúc
Ơi Quảng Ngãi đứa con xa xin khóc
Cũng ví áo cơm đành phải ra đi
Mơ một ngày về lại mái nhà xưa
Nằm nghe gió nghe mưa trên biển sóng.
( Về Quảng Ngãi và Bạn Bè Tôi)
Trong nổi niềm u hoài này, với bạn bè chung quanh, lắm khi nhà thơ cũng như muốn bật lên tiếng nói làm ta chợt nhớ đến tiếng nấc của Tô Đông Pha ngày trước, đem nổi buồn của mình lý giải những khung trời xa: “Sầu cô quạnh tung trời lên Bắc đẩu/ Dãi Ngân Hà tan tác lá thu bay”. Với cõi thơ của Trần Hậu ta cũng bắt gặp điều tương tự khi anh đứng trước những bậc thềm trong tình nghĩa anh em để rồi thi vị hóa bản thể của mình của chung quanh:
Ta từ cái cõi xa xôi
Về đây ngồi lại chỗ ngồi năm xưa
Ngồi mà nhớ những đêm mưa
Ngồi mà nhớ những sớm trưa đi về
Ngồi nghe chim gọi cuối khuya
“Bớ thằng chăn vịt” mà chua xót lòng
Ta từ phương ấy xa xăm…
(Về Lại Nhà Bạn)
Cuộc ra đi nào cũng có lằm nguyên do, xa xứ, từ biệt xứ nhuộm nhiều màu sắc, nhưng với nhà thơ cái màu sắc ấy chỉ có một. Đó là cái chất mạnh mẻ trong từng câu thơ mềm mại trên bất kỳ chất liệu giấy nào ở cõi trần gian:
Ta đi ôm một bầu nghĩa dũng
Khuầy thành men rượu tưới trần gian
Còn lại xin mời nầy tri kỷ
Nâng chén giang hồ giữa biển trăng..
( Ta Đi Đây)
Đất Sài gòn luôn là chân dừng chân của nhiều hoài bảo, dù lớn dù nhỏ hay đó chỉ là một dự định trong cuộc mưu sinh. Sài gòn không có thơ, Sài gòn không có nhiều không gian ảo mộng huyền diệu nhưng Sài gòn luôn sòng phẳng với tất cà những gót chân lưu trú. Và như vậy Sài gòn là nơi làm nên đáp án bài thi trắc nghiệm quan trọng nhất cho từng số phận con người đi qua nó. Nhìn Sài gón cũng chính là nhìn một cánh của trần gian vừa chợt hé mở:
Nhớ Sài gòn những đèn xanh đèn đỏ
Với ba, tư, năm sáu, bảy, ngả đời
Tình yêu cũng chạy theo thời hối hà
Còn ngả nào? Sao tôi đứng ngần ngơ.
(Nhớ Sài gòn)
Và còn nhiều trăn trở nữa trong suốt mỗi bài thơ của Trần Hậu. Xếp tập thơ lại rồi mà vẫn thấy chơi vơi ngay trong cuộc sống của mỗi chủng tử thế gian này đang còn muốn hé mở nhiều uần khúc.
Nghe được thêm thông tin hiện giờ nhà thơ Trần Hậu đang sống những ngày tháng sau cùng với căn bệnh nan y mà lòng tôi chùng xuống! Đoạn kết của một nghiệp đời là cả một biển đời trăn trở là đây, chất chứa trong đó vô vàn buồn vui lẫn khóc hận. Nhưng một ý thơ, một lời thơ của anh vẫn luôn là một lối ứng xử đàng hoàng, tử tế với chung quanh. Trên giường bệnh, nhà thơ Trần Hậu cố gượng dậy viết lên bảng đen bốn câu thơ cảm ơn nhạc sĩ Trần Đức Tâm sau khi anh được vị nhạc sĩ này mở cho nghe bản demo bài nhạc Trăn Trở lấy ý thơ của chính mình. Bài nhạc này đã nhanh chóng có mặt trên trang xã hội You tube
Câu thơ viết trên bảng đen.
Xếp lại tập thơ “Biển Đời Trăn Trở” rồi mà vẫn nghe sóng vỗ trong lòng. Âm thanh tiếng sóng của một kiếp nhân sinh, đi gần hết cả một đời rồi mới nhìn thấy biển, biển đời! Cũng như tất cả những dòng sông, mang theo từng thân phận con người mà đổ ra biển cả, và đối với con nhà Phật chúng ta ai cũng dễ dàng nhận ra đó chính là biển khổ mênh mông không hơn không kém.
Nếu nhà thơ Trần Hậu có đọc được bài này thì cũng xin được hai chữ hoan hỷ, vì dám bình phẩm lời thơ anh theo cách suy nghĩ của riêng mình. Và nếu được vậy thì xin được là món quà nhỏ tặng anh- một người chưa quen biết để có được một thoáng niềm an vui trong tháng ngày chóng chọi với bệnh duyên, nhìn lại cái Biển Đời Trăn Trở của cõi lòng mình.
Nguyện cầu chư Phật từ thùy gia hộ cho anh.
Sài Gòn ngày 13/6/2015
Thu Nom
Rất xúc tích, rất hay. Cảm ơn tác giả nói thay lời thơ nhiều ý nghĩa. Thích nhất đoạn phân tích sài gòn luôn sòng phẳng với mọi bước chân lưu trú. Tôi cũng là người xa xứ phiêu bạt, nhận ở Sài gòn nhiều cơ duyên nhưng cũng phải đánh đổi những vết trầy xướt có khi đến rỉ máu. Cảm ơn bài viết , cảm ơn nguoiphattu.com.
Thích 3 Trả lời 6/13/2015 6:50:09 AM