;
Tôi biết đến báo Vô Ưu cũng từ số đầu tiên ra mắt năm PL 2542 - 1998 từ lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, người học tăng trẻ tôi rất quý mến khi ấy với lời tâm sự chân thành lúc tiễn tôi ra ngưỡng cửa chùa Pháp Vân (Nguyễn Văn Đậu- Quận Bình Thạnh) rằng "Anh thấy không, tờ báo Phật giáo của một tỉnh lẽ mà họ đã dũng cảm, đứng ra làm được như vậy, sau này tôi và anh nhất định phải ủng hộ họ, ít nhất là về tinh thần".
Đường về khuya một mình trên phố vắng, lòng vẫn cứ lang mang về câu nói ấy của thầy mà sau đó mới chợt hiểu ra đó không chỉ là lời tâm tình mà còn là lời nhắn gởi thiết tha. Giao tiếp với thầy, vì nhận ra thầy là một vị tăng trẻ có tấm lòng thiết tha với đạo pháp, không hề có câu nệ tông môn tổ đường hoặc phe nhóm nhỏ nhen như thói thường trong thiên hạ.
Một nơi nào đó tượng Phật hay chùa chiềng bị xâm phạm, đập phá, lòng thầy vẫn nhói đau như chính mái chùa thân yêu của mình vậy. Cho nên tôi rất tin tưởng và trân trọng những gì thầy trao đổi. Hôm nay, viết đôi dòng này cho Vô Ưu, chắc chắn thầy sẽ rất vui lóng vì nhận thấy lời nhắn gởi, ký thác năm xưa đã được thực hiện, và tất nhiên trên trang wedisite xa xôi của thầy cũng sẽ đăng trang trọng bài này.
Đó cũng là niềm vui muốn chia sẻ cùng báo Vô Ưu nhân tròn 18 tuổi góp mặt với cuộc đời trong sự nghiệp hoằng pháp còn lắm gian nan. Mười tám tuổi, cái tuổi của một chàng thanh niên tuấn tú, trưởng thành từ trong gian khó, Vô Ưu đã đi lên bằng chính đôi chân vững chắc của mình. Những người làm báo Phật giáo có lẽ phải nghiêng mình trước sự trưởng thành và tồn tại này.
Tồn tại ngay trên mảnh đất mình sinh ra mà khi đã trưởng thành rồi vẫn chưa có một cơ ngơi trụ vững để làm nơi tập hợp hay tránh mưa trú nằng cho chính mình. Tồn tại ngay trong quá trình vật lộn tứ tung để có được sự tồn tại ấy mà ít ai thấy ra rằng nó được vân tập từ vài ba ngọn lửa lẻ loi trong trái tim của anh em Ban Biên tập.
Tồn tại và mừng ngày lễ trưởng thành 18 năm bước vào đời mà vẫn chưa thoát ra được sự hy sinh tận tụy của một vài anh em đó, phải bôn ba xuôi ngược, đi "xin" (xin lỗi- tôi dùng từ "đi xin" có lẽ hay hơn là "vận động") nguồn tài trợ! Cầm món quà nặng trĩu trên tay của chàng trai Vô Ưu 18 tuổi mà nghe mặn đắng bờ môi, lòng chùng nặng xuống tận tâm cang!
Nghĩ về Vô Ưu và nhìn Vô Ưu như vậy mới thấy hết những nổ lực vượt quá sức của từng thành viên trong Ban Biên tập ít ỏi nơi vùng cao nguyên đất đỏ này, cho nên so sánh với bất kỳ tờ báo Phật giáo nào vì như thế sẽ không những khiên cưỡng mà còn rất không xứng đáng với Vô Ưu.
Cũng chính vì những nỗi lòng ấy mà tôi không muốn nói về Vô Ưu trong việc tổ chức chương trình kỷ niệm . Tuy nhiên cũng xin thật lòng nói ra đây vài điểm thiếu sót . Đó là :
1) Chương trình kỷ niệm chính thức sáng 1/10/2016, nhiều lưộm thuộm và mang nặng dấu ấn các nguồn "tài trợ" khuynh loát, can thiệp quá sâu do Vô Ưu nễ nang và dễ dãi. Buổi lễ đã kết thúc trong sự mệt mõi và ê chể của người hân hoan ban đầu khi đến tham dự.
2) Chương trình giao lưu văn nghệ buổi tối cùng ngày, không rõ Ban tổ chức học hỏi kinh nghiệm từ đâu ra mà lại để anh chị em muốn hát thứ gì tùy thích, nào Núi Đôi, nào Quê Hương nào Mẹ tôi.v...v.. Có người nói vui chỉ còn thiếu "Sư Đoàn 307" hay "5 anh em trên một chuyến xe tăng", "Những đôi mắt mang hình viên đạn" là cùng nhau ra trận diệt quân thù ngay!
Người xem muốn lắng nghe nội dung về Phật pháp, về chính cái ngày kỷ niệm 18 năm của Vô Ưu, (như bài thơ của Huyền Lan được nhạc sĩ của Phước Hoa -Giác An , một nhạc sĩ lớn của PG rất mát tay, rất hợp phổ thơ của nhà thơ Huyền Lan, ca đi ca lại vài lần nào có ai trách cứ gì vì nó đúng với chủ đề) chứ những tác phẫm ấy nào có thiếu gì vá có khó khăn gì ngoài đời, chỉ cần một động tác bấm nút là có ngay.
Do đó thấy thương Vô Ưu nhiều hơn trách móc trong chương trình này. Tôi đến tham dự với tư cách một cộng tác viên của Vô Ưu và nhờ sự tận tình hỗ trợ phương tiện đi về của thầy Chánh Tài, thế nhưng cùng vài anh em khác chúng tôi bổng dưng bị biến thành "những khán giả" ngồi xem tấu hài với hạng vé "cá kèo"! Không biết rồi mai này, chàng trai tuổi 18 Vô Ưu sẽ phát triển và tồn tại ra sao nhưng nhất định phải sửa đổi những sai sót nhỏ này.
Tứ trái sang, tác giả bài viết, nhạc sĩ Đặng Công Ninh, nhạc sĩ Thanh Hiệp.
Trở lại với ân tình dành cho Vô Ưu, sẽ không còn gì tốt đẹp hơn cho văn hóa và hoằng pháp Phật giáo nước nhà nếu bước sang tuổi 18 Vô Ưu sẽ tiếp tục trưởng thành và đi lên vững chắc bằng chính đôi chân nội lực của mình.
Theo tôi Vô Ưu không cần phài so sánh với ai, nhìn ai, bởi quá trình sinh ra và tồn tại của mình đã là một bài học lớn cho những ai muốn thật tâm phụng sự Phật pháp, dù rằng ê kíp biên tập không nhiều học hàm học vị.
Điều đó cho thấy làm Phật sự trước hết phải cần có cái tâm trong sáng thật sự. Và hơn thế nữa, qua nhận xét, nhiều người cũng đồng cảm với tôi rằng qua bao nhiêu năm, Vô Ưu hoàn toàn chưa bị bất kỳ một cá nhân nào khuynh loát hay biến nó thành công cụ thương - ghét cho ai đó để tỏ thái độ ghét - thương với bất kỳ ai. Chỉ như vậy thôi Vô Ưu xứng đáng là một tờ bào sống mãi trong trái tim những ai yêu thích và phụng sự chánh pháp.
Cầu chúc Vô Ưu sẽ mãi là Vô Ưu đúng nghĩa. Chúng tôi - những cộng tác viên từ phương Nam xa xôi nguyện hứa sẽ hết lòng sát cánh , đồng hành cùng cháng trai 18 tuổi sung sức mang tên Vô Ưu trong những chặng đường tiếp theo
Giác Đạo - Dương Kinh Thành