;
Ai được hưởng lợi từ khoản tiền thu phí nơi cửa Phật ?*
Để thắp hương chiêm bái phật tại Chùa Yên Tử người dân phải mua vé với giá 40.000 đồng/lượt/ người lớn. Ảnh nguồn VnExpress
Sau 10 năm tạm dừng, Quảng Ninh thu phí chùa Yên Tử trở lại với mức giá 40.000/người lớn và 20 nghìn/trẻ em. Đa số du khách cho rằng đến chùa yên Yên Tử phải mất rất nhiều khoản phí như gửi xe, phí cáp treo, xe điện, phí tham quan vào cửa như vậy là phí chồng phí. Cửa bán vé chẳng khác nào “trạm BOT” trước cửa chùa.
Lý giải cho việc thu phí, trả lời trên Diễn đàn doanh nghiệp ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian qua, khu di tích Yên tử được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng (như: đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, Cẩm thực, Giải Oan, Hoa Yên... mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, tuyến đường kết nối từ Ngọa Vân Đông Triều về Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử...).
Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư, tu bổ sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách và việc chi phí cho hoạt động quản lý lễ hội hằng năm... đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Như vậy có thể hiểu, việc thu phí vào chùa Yên Tử nhằm hoàn lại khoản tiền đã đầu tư vào công trình cơ sở hạ tầng quan trọng như: đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa.
Trước lý giải của đại diện chính quyền về nguyên nhân thú phí vào Chùa Yên Tử, trao đổi với phóng viên Đại Đức Thích Nhân Tuấn – Chủ trì chùa Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho rằng, ngành văn hóa, chính quyền đã thương mại hóa Phật giáo, lợi dụng lòng tin của con người để bắt chẹt, để thu tiền.
Đại Đức Thích Nhân Tuấn cho biết, đối với Đạo Phật từ xưa đã có câu nói “cửa Phật là bến đò ngang, ai qua cũng trải, ai sang cũng chèo”. Tức là quý, tiện, hiền, ngu bình đẳng, giàu khó, sang hèn khi đến của Phật đều được đối đãi như nhau.
Bảng giá thu phí vào chùa Yên Tử. Ảnh Báo Lao Động
Khi đi lễ chùa, người giàu có cúng nhiều tiền, người nghèo khó cúng ít tiền, không mấy ai đi đến cửa Phật không cúng giàng vào đó cả. Vậy tiền cùng giàng để làm gì?
“Trong đạo Phật chúng tôi, tiền cúng giàng thứ nhất là để phụng sự cho sư, tăng ăn học để tạo vượng phúc cho thế gian; thứ hai tu bổ chùa, tô tượng đúc chuông.
Đương nhiên tiền mà khách thập phương bỏ vào hòm công đức khi đến chùa là tiền kiến thiết xây dựng chùa rồi. Thế thì hàng năm anh thu biết bao nhiêu tỉ đồng từ di tích chùa Hương và chùa Yên Tử - những thánh địa với đạo Phật chúng tôi. Hàng năm thu biết bao nhiêu tỉ tiền công đức thì các anh ngành văn hóa để làm gì? Tại sao bây giờ anh lại đặt ra barrier cấm chợ, ngăn sông người đến chùa?”, Đại Đức Thích Nhân Tuấn đặt câu hỏi.
“Chưa nói nào là cáp treo, xe điện, phí gửi xe, thậm chí nhiều nơi đẩy bãi xe xa khu di tích để khách thập phương phải đi xe điện vào, chẳng khác nào buôn thần bán Phật. Các vị đang thương mại hóa Phật giáo, lợi dụng lòng tin của con người để bắt chẹt, để thu tiền”, Đại Đức Thích Nhân Tuấn thẳng thắn cho biết.
Theo cách lý giải của đại diện chính quyền Quảng Ninh, việc thu phí chùa Yên Tử nhằm hoàn tiền đầu tư vào đường xá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa… Tuy nhiên, Đại Đức Thích Nhân Tuấn thắc mắc có rất nhiều di tích quốc gia đặc biệt nhưng không thu vé vào.
Đơn cử như Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Nam Định, Đền Trần Thái Bình hay Di tích đặc biệt Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)… Họ cũng làm đường, cũng xây dựng kiến thiết nhưng họ không thu vé vào cổng.
“Các vị biện minh như vậy, xin hỏi Văn miếu Quốc Tử Giám xây dựng đường nào mà cũng thu vé vào cổng, Đền Ngọc Sơn xây dựng đường nào mà cũng thu vé vào cổng? Đền Quán Thánh có làm đường không mà cũng thu vé vào cổng? Trong khi gần đó, Chùa Trấn Quốc không thu vé vào cổng. Tất cả cái này do ngành văn hóa các vị đặt ra để thương mại hóa đạo Phật chúng tôi”, sư thầy Thích Nhân Tuấn nói.
Theo sư thầy Thích Nhân Tuấn, trong kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết – Đại biểu Quốc hội Khóa 14, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cũng đã có phát biểu không nên thu phí, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh cũng có văn thư gửi HĐND nhưng vẫn quyết định thu phí.
“Chúng tôi là những tu sĩ Phật giáo, cũng như hàng triệu phật tử những thiện nam, tín nữ của một dân tộc có 80% theo đạo Phật như Việt Nam. Mong dư luận lên tiếng góp lên tiếng nói để tránh thương mại hóa, thế tục hóa đạo Phật chúng tôi”, Đại Đức Thích Nhân Tuấn nói.
Dùng 50% tiền công đức tu bổ chùa
Giải bài toán không thu phí vẫn có tiền trùng tu chùa, di tích Đại Đức Thích Nhân Tuấn cho rằng hãy mở rộng các cửa chùa để khách thập phương được đến, dựa theo quy luật “giàu 1 bó, khó có tâm” để cúng vào việc tu bổ sửa chữa di tích.
Không ai đến lễ chùa mà không cúng giàng, kể cả đến chơi rồi đi về số đó rất ít và cũng nên thỏa mái chứ không nên cấm đoán.
“Về nguồn tiền tu bổ di tích có thể yêu cầu chủ trì các chùa trích 50% tiền công đức thu được để dùng vào việc làm đường, làm bến bãi. Chứ không thể trong chùa thu tiền công đức, ngoài cổng thu tiền vé vào. Tôi cho rằng Phật giáo ngày càng bị thương mại hóa và thế tục”, Đại Đức Thích Nhân Tuấn nhấn mạnh.
Theo Đại đức Thích Nhân Tuấn, việc thu phí vào chùa khiến Phật giáo ngày càng bị thương mại hóa. Ảnh: Đại đức Thích Nhân Tuấn thứ 2 từ phải qua, hàng dưới cùng.
Cũng theo Đại Đức Thích Nhân Tuấn, việc chùa Hương, chùa Thầy, chùa Mía (Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Đền Quán Thánh, Văn miếu Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, chùa Yên Tử… thu phí là điều không nên. Bởi những chùa nào của dân lập lên, hoặc chùa cổ, di tích lịch sử từ xưa để lại và những chùa có sư chủ trì tuyệt đối không được thu phí.
Còn chùa do doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng như Đại Nam Văn Hiến, chùa Bái Đình mới (chùa Bái Đính cổ nằm sâu phía trong)... do doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư xây dựng. Ai đến thăm quan phải bỏ phí ra để vào chơi bù vào khoản đầu tư doanh nghiệp bỏ ra.
“Chùa tư người dân thích thì đến không thích thì thôi, không bắt buộc. Người dân đến chùa tư thì phải chấp nhận bỏ tiền. Giống như chúng ta sử dụng dịch vụ, dùng dịch vụ phải bỏ tiền. Doanh nghiệp bỏ tiền tỉ ra đầu tư làm chùa mới họ có quyền thu phí, cái đấy chúng tôi không nói.
Nhưng đối với chùa công, tức chùa của làng xã, chùa của cha ông tổ nghiệp để lại, di tích lịch sử văn hóa quốc gia, chùa công của giáo hội do sư chủ trì người ta đã tiến cống tiền dầu, hương, công đức vào chùa thì chùa phải bỏ tiền đó ra để tu tạo, kiến thiết chứ không được thu thêm phí nữa”, Đại đức Thích Nhân Tuấn nêu quan điểm.
Đạo Phật là tôn giáo rất chí tôn, thánh thiện, từ bi. Tuy từ nước ngoài truyền vào nhưng gắn với dân tộc suốt hơn 2.000 năm. Và nó là một thành tố quan trọng cấu thành lên văn hóa dân tộc. Nếu giờ bỏ hết nghi lễ Phật giáo, bỏ hết chùa chiền, kiến trúc nghệ thuật hội họa của Phật giáo thì văn hóa dân tộc không còn bao nhiêu.
Vì thế, Đại đức Thích Nhân Tuấn cho rằng, mỗi người dân nên có trách nhiệm giữ gìn nét đẹp đạo Phật, gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của đạo Phật, đừng vì đồng tiền mà làm những giá trị tốt đẹp của một tôn giáo gắn với lịch sử dân tộc suốt hơn 2.000 năm qua bị mai một.
"Bán 40 củ xu hào mới đủ vào Chùa Yên Tử"
Trở lại câu chuyện thu phí Chùa Yên Tử, Đại đức Thích Nhân Tuấn đặt câu hỏi tại sao phải thu phí ở chỗ đó, người ta đến đã cúng tiền rồi, khi nhà nước đặt ra thu phí 40.000 đồng/người nhưng có những người đến chùa cúng 500 – 1 triệu chứ không phải chỉ có 40.000 đồng.
Đại đức Thích Nhân Tuấn cho rằng, có người vào chùa cúng 500 - 1 triệu, có người cúng hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu hàng tỉ đồng vào việc trùng tu di tích sẽ bù cho người không cúng. Riêng thánh địa Yên Tử và Chùa Hương có nhiều cách để huy động vốn xã hội hóa để trùng tu.
“Ban quản lý di tích có thể làm dự án cụ thể về việc làm đường tu sửa bãi đỗ xe, xây đài hóa vàng… Anh công bố rộng rãi đến thập phương, minh bạch kinh tế tài chính, sẵn sàng có người cúng hàng chục triệu đồng, việc gì anh phải thu mót như vậy?”, Đại Đức Thích Nhân Tuấn đặt câu hỏi.
Trên phương diện kinh tế khi đặt ra trong việc thu phí Đại đức Thích Nhân Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải nuôi thêm bao nhiêu con người. Phải trả lương, nuôi thêm một bộ máy đó tức anh đã lấy tiền của Phật.
“Việc gì phải “bóp cổ” người dân hàng ngày đang phải bòn mót mớ rau, bát gạo. Chi bằng giải tán trạm thu phí đó đi, người dân phấn khởi tiến cúng có khi còn lớn hơn tiền thu phí.
Đối với cán bộ công chức thì 40.000 không lớn, nhưng chúng tôi ở chùa nhà quê chúng tôi cảm nhận 40.000 là số tiền lớn. Bởi vì hiện nay như người dân chúng tôi đây đang bán 1.000 đồng/ củ xu hào, để vào được cửa chùa Yên Từ phải mất 40 củ xu hào, chưa nói đến tiền ăn, tiền tàu xe.
Cả năm trời làm ăn vất vả đến mùa xuân người ta muốn về nơi đất Phật cầu an hướng thiện làm lành mà lại bị chặn cửa thu tiền như thế là quả là sự bất cập cần phải thay đổi, xóa bỏ”, Đại Đức Thích Nhân Tuấn nói.
Nguồn: https://tintucvietnam.vn/bot-cua-chua-sao-bat-dan-ngheo-ban-40-cu-su-hao-moi-vao-duoc-chua-28778
Thiện Trí
Bản thân Tôi là người con Miền Bắc được điều động vào Nam công tác từ thời thanh xuân. Nay tóc đã bạc về Miền Bắc muốn đi Chùa Lễ Phật và cũng để vãn cảnh nhưng thấy rất lạ Chùa lại thu vé vào cổng. Không riêng gì ở Yên Tử mà rải rác ở một số Chùa khác cũng vậy (Chùa Thầy Ở Quốc Oai, khi tôi về dịp tết cũng thu tiền vào trong". Không dừng ở đó nạn mời gọi, chèo kéo một cách thái quá, mua nhang, mua vàng, bạc....mất đi sự tôn nghiêm thanh tịnh trong một Chùa Phật giáo. Cũng biết rằng luật nhân quả ai gieo thì người ấy nhận nhưng im lặng trước sự tà hành của những người ở Chùa thì cũng nhận quả báo vậy. Qua đây đề nghị GHPGVN cần đưa ra các tiêu chí chung cho một Nhà chùa theo đúng chính pháp như: Không đốt vàng mã, bốc săm, quẻ, xem bói, tử vi, cúng sao, hạn....
Thích Trả lời 4/12/2018 12:37:00 PM