;
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO – Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
1. Kính bạch Hòa thượng, Hòa thượng hoan hỷ chia sẻ cho chúng con được biết thêm về những định hướng dành cho Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp nói chung và Tăng Ni sinh khóa VII nói riêng?
Tăng Ni sinh khóa VII sau khi tốt nghiệp thì có thể tu tập trong nước và ngoài nước, hoặc tham gia các hoạt động Phật sự, hoạt động xã hội dưới các phương diện sau đây:
- Trụ trì hoặc hỗ trợ các vị trụ trì viện chủ các Tổ đình, Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường để hướng dẫn Phật tử các khóa tu như Bát quan trai, khóa tu chánh niệm, hướng dẫn hành thiền, trại hè…
- Các Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp sẽ được các ban Trị sự tỉnh thành bổ nhiệm làm hoằng pháp viên để hoằng dương Phật pháp, hoặc mở các lớp giáo lý cho gia đình Phật tử tại các tỉnh thành hoặc vùng sâu, vùng xa để đem Phật chất vào đời sống xã hội góp phần ổn định xã hội.
- Các Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp nếu đủ điều kiện sẽ đi dạy các lớp Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp ở các tỉnh thành, quận huyện.
- Một số các Tăng Ni sinh nếu có nguyện vọng có thể học thêm các lớp chuyên ngành dịch thuật Hán Việt hoặc học các cấp bậc cao hơn như lớp bồi dưỡng sau đại học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM hoặc là học cao học tại các trường đại học trong nước, hay có thể du học tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan…
- Một số Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp cũng có nguyện vọng tịnh tu ở một số rừng thiền như ở Miến Điện, các trung tâm Thiền học ở Thái Lan, Việt Nam…
Đó là những định hướng Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp.
2. Kính bạch Hòa thượng, hiện nay sự nghiệp giáo dục Phật giáo tại Việt Nam đang từng ngày phát triển, như vậy, các vị Tăng Ni sau khi tốt nghiệp cần phải làm gì để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển đó ạ?
Để đóng góp được hiệu quả, Tăng Ni sinh cần phải nghiên cứu học hỏi chuyên sâu nhiều hơn nữa. Khi đó có thể đóng góp khả năng mình vào việc giảng dạy hoặc lập các bộ sách giáo khoa sơ cấp, trung cấp, đại học để từ đó có một giáo trình giảng dạy cho thống nhất.
Đối với việc giáo dục, không phải chỉ trong một thời gian ngắn mà phải đầu tư cả cuộc đời, cần một thời gian dài. Do vậy, đòi hỏi cần phải có ý chí và có mục đích chung với nhau thì đó là phát triển Phật giáo theo con đường giáo dục.
3. Kính bạch Hòa thượng, ngày lễ cấp phát văn bằng cử nhân Phật học cũng có thể nói là ngày tôn vinh các vị sứ giả của Như Lai. Là người mô phạm trong lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp, Hòa thượng có thể hoan hỷ chia sẻ cho chúng con được biết điều kiện cần và đủ của một vị sứ giả Như Lai đó là gì ạ?
Một vị sứ giả Như Lai cần phải hội đủ ba yếu tố đó là Tâm đức, Trí đức và Hạnh đức.
Về Tâm đức: phải có tâm hồn hướng về vấn đề giáo dục.
Về Trí đức: dù ta có giỏi đi nữa mà không có đạo đức thì cũng không thể hướng dẫn người khác đi đúng đường được.
Về Hạnh đức: tự bản thân ta phải nên xây cái hạnh của mình đó là hạnh người xuất gia, vừa hướng dẫn người khác tu học nhưng cũng phải là một vị gương mẫu cho đàn hậu tấn. Vì người sau nương theo ta là nương theo đạo hạnh, uy tín chứ không phải chỉ đơn thuần nương theo trí tuệ. Để rồi từ đó mới trở thành một người xuất gia hoàn hảo hơn, nghiêm trì giới luật, có kiến thức, có khả năng và phải biết dấn thân thì mới làm được Phật sự.
4. Kính bạch Hòa thượng, với quý Thầy Cô là Tăng Ni sinh khóa VII hiện giờ chắc hẳn đang có một tâm trạng rất khó diễn tả khi rời ghế Học viện và bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của mình. Vậy Hòa thượng có điều gì ấn tượng nhất đối với Tăng Ni sinh khóa VII không ạ?
Tăng Ni sinh khóa VII thật ra vẫn chưa quen với hệ thống tín chỉ mới đưa vô nên vẫn còn chút bối rối, do vậy vẫn còn một số vị “kẹt” lại một số môn, chưa thể cấp bằng được dù con số đó không đáng kể.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM có những chương trình học tập và hoạt động nổi bật hơn so với những Học viện khác. Nổi bật nhất hiện nay là bắt đầu từ khóa VII được dạy theo hệ thống tín chỉ, đây là hệ thống nổi bật nhất trên thế giới hiện nay trong lĩnh vực giáo dục, hiện ngành giáo dục Việt Nam cũng đang áp dụng. Học viện Phật giáo Việt Nam là học viện duy nhất có hệ thống tín chỉ với nhiều vị giáo sư, trên 50 tiến sĩ, thạc sĩ thật hùng hậu của nhiều bộ môn.
Điều ấn tượng nhất hiện nay đối với Tăng Ni sinh đó là sau khi học xong thì khả năng được khẳng định rõ ràng. Khi kết thúc chương trình học của một môn, Tăng Ni sinh phải viết luận văn, do đó, sau bốn năm học với số lượng luận văn đáng kể như vậy sẽ giúp Tăng Ni sinh dễ dàng trong việc viết bài hoặc viết báo. Bên cạnh đó, học viện Phật giáo Việt Nam mang nhiều nét đặc thù mà chưa có học viện nào đạt được như vậy, chẳng hạn như hoạt động của Hoằng Pháp Trẻ bởi Tăng Ni sinh học viện, đội tuyên truyền phòng chống HIV… giúp đi sâu vào xã hội được nhiều hơn, giúp người dân xây dựng được sự hiểu biết trước những mối đe dọa của căn bệnh thế kỷ, xây dựng đời sống tâm linh vững chắc, có niềm tin trong cuộc sống.
TT. THÍCH NHẬT TỪ - Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
1. Kính bạch Thượng tọa, nhân dịp tổ chức lễ cấp phát bằng cử nhân Phật học khóa VII và Tổng khai giảng khóa VIII - IX của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, được biết buổi lễ lần này sẽ được tổ chức theo mô hình quốc tế, Thượng tọa hoan hỷ cho chúng con được biết chương trình sẽ có những nghi thức ra sao?
Về nghi thức thì cũng không có gì thay đổi nhiều so với mọi năm, không có nghi thức tôn giáo. Tuy nhiên, lần này sẽ có sự tham dự của nhiều vị giáo sư nổi tiếng của các nước, chẳng hạn có sự tham dự của giáo sư hàng đầu về Phật học của Mỹ; Hòa thượng hiệu trưởng trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn– chủ tịch sáng lập của đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc; Hòa thượng Tăng thống Bangladesh. Hai vị lãnh đạo giáo hội và một vị giáo sư lỗi lạc là ba nhân vật lỗi lạc hàng đầu của cộng đồng Phật giáo thế giới đã có những đóng góp rất lớn cho lĩnh vực Phật học và nghiên cứu học thuật nói chung.
2. Kính bạch Thượng tọa, Thượng tọa đánh giá về công tác chuẩn bị năm nay ra sao ạ?
Công tác chuẩn bị năm nay tương đối là khá tốt. Ngay ngày lễ tốt nghiệp, các Tăng Ni sinh bắt buộc phải có buổi tập dợt vào ngày 4/9. Mục đích của việc diễn tập là để cho các Tăng Ni sinh làm quen với cách ngồi, đi, đứng, tiếp nhận văn bằng rồi quay trở lại vị trí ghế ngồi của mình để ổn định trong một không khí trang nghiêm và thiền vị. Thường các trường đại học trên thế giới đều có buổi diễn tập như thế, riêng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên với một trường Phật giáo được áp dụng, đồng thời số lượng Tăng Ni sinh cũng đông. Ngoài vấn đề đó ra, các Tăng Ni sinh cũng được yêu cầu không được mang máy quay phim, máy chụp ảnh, điện thoại di động vào trong hội trường nhằm tạo không khí trang nghiêm. Nhưng bù lại, sau buổi lễ trường sẽ tặng cho các Tăng Ni sinh một đĩa quay quang cảnh của lễ tốt nghiệp và có ảnh của mình. Ngoài ra, còn có các chuẩn bị khác liên hệ đến phần trang trí. Theo phong cách của thế giới nói chung, lần này sẽ làm những cổng chào mừng lễ tốt nghiệp, khoảng sáu cổng chào. Ví dụ: Chúc mừng tân cử nhân Phật học. Cổng chào đó sẽ khích lệ về mặt tinh thần và tạo cơ hội cho Tăng Ni sinh cùng với thân nhân như cha mẹ hoặc thầy tổ của mình hoặc các Phật tử thuần thành nơi chùa mình làm trụ trì hoặc cư trú có thể chia sẻ niềm vui sau bốn năm trông chờ một vị Thầy tâm linh và đạt được kết quả như ý.
3. Như vậy, với sự thay đổi này sẽ rất khác biệt so với những năm trước, ban tổ chức có gặp điều gì khó khăn trong quá trình chuẩn bị không ạ?
Khó khăn thì không. Nói chung, vì thời gian để chuẩn bị tương đối là ngắn so với nhu cầu thực tiễn, việc thông báo sẽ cố gắng hết mức để các Tăng Ni sinh nắm hết được các thông tin và những quy định từ buổi diễn tập. Đến thời điểm này, vẫn có khoảng 50 Tăng Ni sinh chưa nắm bắt được thông tin nên chưa nhận được thư mời để tham gia buổi diễn tập. Đó chính là khó khăn duy nhất. Và trong thông báo của trường, Tăng Ni sinh nào không diễn tập thì sẽ không được nhận văn bằng ở hội trường. Đó là quy định chung ở khắp các nơi để tạo sự ổn định. Hy vọng sau buổi diễn tập ngày mai, các thông tin của trường sẽ đến với Tăng Ni sinh còn lại chưa nhận thẻ đeo để tham gia buổi diễn tập.
4. Chúng con cũng hy vọng với mô hình này sẽ là tiền đề cho các buổi lễ tốt nghiệp cử nhân Phật học được tổ chức vào những năm sau. Thượng tọa có thể hoan hỷ chia sẻ thêm về mặt thuận lợi của quá trình tổ chức lần này đó là gì ạ?
Mặt thuận lợi ở đây đó là Hòa thượng viện trưởng và chư Tôn đức trong hội đồng điều hành đều thấy được tầm quan trọng của buổi diễn tập và những thông tin cần thiết cho ngày lễ tổng kết phát văn bằng cũng như là khai giảng. Cho nên, đã cho phép chúng tôi xuất bản ba tập sách nhỏ:
- Thứ nhất là chương trình của lễ phát văn bằng và khai giảng, các thông tin cần thiết mà trước đây chỉ cung cấp cho nhóm thông tin báo chí, phương tiện truyền thông. Còn bây giờ sẽ cung cấp toàn bộ cho tất cả những vị đi tham dự lễ.
- Thứ hai là sách về chương trình chương cử nhân Phật học để dành cho các tân Tăng Ni sinh dự lễ khai giảng để họ đọc và chọn lựa sau khi đã tìm hiểu về hệ thống tín chỉ, các phân khoa… Chương trình đó sẽ được triển khai vào lúc 14 giờ ngày 5/9.
- Thứ ba đó là lần đầu tiên công bố bốn quy chế: quy chế sinh viên, quy chế đào tạo cử nhân theo tín chỉ, quy chế đào tạo đại học từ xa, quy chế học bổng của học viện mà những khóa trước mặc dù muốn nhưng vẫn còn những khó khăn chưa thực hiện được. Khóa này, có thể nói về phương tiện truyền thông, những thông tin cần thiết mà các tân Tăng Ni sinh ngay những ngày đầu nhập học đã có được may mắn có đủ được thông tin cần thiết và bổ ích. Chúng tôi tin chắc rằng những cuốn sách ấy sẽ là bạn đồng hành cho các Tăng Ni sinh chọn môn thích hợp để sau này kiến thức đó có thể đóng góp cho công việc hoằng truyền Phật Pháp và mang lại lợi lạc cho những người hữu duyên.
5. Mô hình tổ chức năm nay thật sự rất mới so với mọi năm, như vậy chương trình lần này có điểm gì khác biệt so với những năm trước ạ, thưa Thượng tọa?
Những điều vừa nêu chính là sự khác biệt và đó cũng là tiêu chuẩn của học thuật nói chung. Lần này Hòa thượng viện trưởng nhấn mạnh ba tầm quan tọng của việc giáo dục Phật học.
Thứ nhất: xem giáo dục Phật học không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để đạt được tri kiến Phật Pháp. Do vậy, không nên dừng lại tại đó mà phải phát huy nhiều hơn nữa.
Thứ hai: làm sao đưa tri kiến Phật học này vào trong đời sống để việc tốt nghiệp không phải đơn thuần là tích tụ kiến thức mà là một quá trình để thực tập. Nhờ đó đóng góp thiết thực của Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp sẽ vững vàng hơn.
Thứ ba: trong việc ứng dụng, Hòa thượng nhấn mạnh góc độ đồng hành với dân tộc, tức là lấy yếu tố con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam để làm bối cảnh cho việc truyền bá Phật học được xem là mối quan tâm hàng đầu.
Đó chính là ba trọng tâm và chỉ đạo của Hòa thượng làm sao trong lễ tốt nghiệp nêu bật được ý nghĩa đó để các Tăng Ni sinh thấy rõ và có định hướng, dù ở vai trò là cử nhân Phật học cũng có thể làm được những việc cần làm và có ý nghĩa ở mức độ nhất định.
6. Với quy mô xây dựng một buổi lễ cấp phát văn bằng cử nhân Phật học với tầm cỡ quốc tế như vậy, Thượng tọa hoan hỷ chia sẻ cho chúng con biết về cảm xúc của Thầy trong những ngày chuẩn bị cho ngày lễ chính thức 5/9 sắp tới?
Cảm xúc của Thầy lúc này đó là sự háo hức, làm cho mình giống như sống lại thời Tăng Ni sinh. 20 năm trước Thầy cũng đã từng trải qua những cảnh như thế. Nhưng bối cảnh lúc đó thì mình đang gặp những hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước nên có muốn làm cũng không làm được, còn giai đoạn này thì hội đủ những điều kiện thuận lợi nhất nên đã thực hiện được. Từ đó, ta thấy rằng việc làm theo mô hình chuẩn mực chung của thế giới cũng là trách nhiệm của những người có vai trò trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo. Với đà phát triển ấy, hy vọng mô hình này sẽ được các trường Phật học ở cấp cao đẳng, đại học trở lên của Phật giáo có thể tham khảo để thực hiện ngày càng tốt đẹp hơn đối với Tăng Ni sinh và đưa họ vào quỹ đạo phục vụ cho quần chúng trong tương lai.
7. Thượng tọa có thông điệp gì cần nhắn gửi đến quý Thầy Cô là Tăng Ni sinh khóa VII đang chuẩn bị nhận bằng cử nhân Phật học và tân Tăng Ni sinh khóa IX đang chuẩn bị bắt đầu năm học mới tại giảng đường Học viện Phật giáo Việt Nam không ạ?
Thông điệp mặc dù là không có nhưng những cảm xúc chia sẻ cũng cần thiết ở góc độ này hay góc độ khác.
Thứ nhất: hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang có những cánh cửa mở rộng để việc giáo dục Phật học đạt ở mức độ cao nhất. Đồng thời, sắp tới đây, chương trình đào tạo bồi dưỡng 10 ngày sau đại học sẽ được tiến hành, vì vậy các Tăng Ni sinh trúng tuyển sẽ có cơ hội chắp cánh cao hơn nữa trên lý tưởng nghiên cứu Phật Pháp và ứng dụng vào đời sống. Với sự hướng tâm như vậy thì việc học sẽ có sự tiếp nối.
Thứ hai: Tăng Ni sinh Việt Nam may mắn hơn Tăng Ni sinh và các sinh viên Phật học của các nước ở chỗ chương trình Phật học của chúng ta bao hàm được ba phương diện đó là Phật giáo nguyên thủy, Nhất thiết hữu bộ và Phật giáo đại thừa. Trong khi hiếm có một trường đại học nào có đủ ba phương diện đó. Sau khi tốt nghiệp, dù ở trình độ cao đẳng Phật học hay cử nhân Phật học thì một Tăng Ni sinh vẫn đủ cơ hội và năng lực thực sự để làm Phật sự được thành công. Bao gồm giảng kinh, thuyết pháp, giáo dục quần chúng, viết sách, dịch thuật… Ở Việt Nam, nhiều bậc Tôn túc dù không có bằng cấp nhưng nhờ bối cảnh và quy trình đào tạo giáo dục Phật học ở Việt Nam tương đối là chuẩn nên sau khi hoàn tất vài ba năm học Phật Pháp cũng có thể làm thành tựu những Phật sự lớn mà đôi lúc những vị giáo sư, tiến sĩ về lĩnh vực đó chưa chắc đã có những thành công như vậy.
Với hai nhận thức trên, hy vọng thế hệ Tăng Ni trẻ ngày nay sẽ có những vượt trội hơn thế hệ đi trước của chúng tôi để trở thành những người giỏi thật sự. Và khi đất nước Việt Nam có nhiều các Thầy, các Sư cô trẻ và giỏi với lòng khiêm tốn, nhiệt huyết lớn, đạo lực mạnh, giới hạnh trang nghiêm, trí tuệ trong sáng thì không lo gì Phật giáo Việt Nam không phát triển như ở thời đại Lý – Trần. Và đó chính là hy vọng lớn nhất của chúng tôi nhân buổi lễ tốt nghiệp này.
Xin trân trọng cảm ơn chư Tôn đức đã hoan hỷ dành chút thời gian cho chúng con về buổi chia sẻ hôm nay. Kính chúc chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, là bậc thạch trụ nơi chốn Tùng lâm cho đàn hậu học và Phật tử chúng con nương tựa. Xin nhất tâm nguyện cầu “Đạo Pháp vĩnh cửu xương minh. Chánh Pháp trường lưu bất diệt”. A Di Đà Phật.
Nguồn :Hoa LinhThoại