Lương y Nguyễn Sinh Châu |
Bắt bệnh sỏi thận
Sinh ra và lớn lên ở trong một gia đình có truyền thống về thuốc nam, từ nhỏ ông đã được gia đình truyền lại bài thuốc chữa sỏi thận. Tham gia Hội đông y xã, kinh nghiệm hành nghề hàng chục năm cộng với những lần được cử đi tập huấn các khóa huấn luyện về y học cổ truyền, ông Châu đã thành một “lão làng” trong nghề. Bài thuốc chữa sỏi thận của ông đã được Hội đông y huyện kiểm nghiệm, công nhận là bài thuốc gia truyền.
Lương y này cho rằng có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sỏi thận, chủ yếu là các dạng sau: Có thể là do uống nước không đủ, một số người lao động nặng nhọc, lúc nghỉ ngơi thì uống rất nhiều nước nhưng lượng nước uống vào không đồng đều. Nhiều lần như vậy sẽ tạo thành thói quen, do tác động của việc đi tiểu không điều độ có thể làm ảnh hưởng đến ống thoát nước tiểu, nước tiểu sẽ bị ứ đọng do không được thoát hết ra ngoài, lâu ngày tạo thành sỏi.
Lý do nữa là ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều thịt hoặc quá nhiều rau. Lại có những trường hợp bị chấn thương nặng, phải nằm một chỗ, nhất là vết thương ở đùi, khi người bệnh uống nhiều sữa, ít nước sẽ dễ ảnh hưởng đến nước tiểu và ảnh hưởng đến ống thoát nước tiểu.
Theo ông Châu, ở phụ nữ thường khi bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục do không vệ sinh thường xuyên, vi trùng có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó tạo thành sỏi. Cũng có thể do người bệnh bị u xơ tiền liệt tuyến, lâu dần dẫn đến u xơ đội lên trong lòng bàng quang khiến nước tiểu đọng lại ở khe kẽ. Cũng có những trường hợp rất kuf dị như lá cây, cỏ, rơm… vô tình lọt vào trong ống dẫn nước tiểu gây bí tắc, dẫn đến sự tạo thành những viên sỏi.
“Những viên sỏi được tạo từ trong thận có nhiều kích thước khác nhau. Có thể nhỏ như hạt cát, có những viên sỏi to có kích thước bằng quả trứng. Những viên sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài bằng đường nước tiểu, nhưng cũng có những sỏi thận lớn gây đau đớn vì chúng không thể tự thoát ra ngoài”, ông lão cho biết.
Người mắc bệnh thường có các cơn đau quặn thận. Đau từng cơn, lúc đầu chỉ đau ở hai thắt lưng, sau đó lan ra bụng, lan xuống bụng dưới, rồi xuống đùi. Các cơn đau được sinh ra do các viên sỏi chặn đường nước tiểu. Nếu các cơn đau chỉ kéo dài thời gian ngắn thì do viên sỏi chưa đủ lớn để bưng bít kín mít ống dẫn nước tiểu, một thời gian nó lại nhúc nhích đến vị trí khác.
Trường hợp viên sỏi lớn sẽ làm cho các cơn đau buốt kéo dài dai dẳng. Người ta cũng có thể chỉ đau ở một bên thì chỉ bị thận một bên, nếu bị sỏi ở cả hai thận sẽ dẫn đến người bệnh bị đau ở hai hố thắt lưng. Hiện tượng đái buốt, đái rắt, đái ra máu là do sỏi đã va vào niệu quản. Nguy hiểm nữa là các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn. Bệnh sỏi thận không được chữa kịp thời sẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận dạng cấp tính, nặng hơn là mãn tính. Riêng đối với dạng mãn tính thì tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%.
Chia sẻ bí quyết chữa bệnh gia truyền
Ông Châu cho rằng mình có thể “tiêu tán” những viên sỏi to bằng quả trứng gà chỉ với những cây thuốc nam. Tuy là bài thuốc gia truyền nhưng ông cũng không giấu bí quyết và kê đủ những vị thuốc: Cây xạ bướm, dây mộc thông, dây ngũ da bì (cây chân chim), cây râu mèo, cây ý dí, rễ cỏ xương, cây sa ngạn, cây mã đề, cây gai nước, cây cối xay, cây phèn đen ( làm vết thương mau hồi phục, sỏi mòn đến đâu là hổi phục đến đó), cây thóc bút. Không sợ bài thuốc gia truyền bị người khác “học lỏm”, ông lão cười: “Làm nghề bốc thuốc này chủ yếu là để chữa bệnh cứu người. Càng phổ biến thì càng chữa được nhiều người, làm sao phải giấu giếm”
Công đoạn chế biến bài thuốc khá đơn giản: Những cây thuốc này được hái về rửa sạch, thái dài khoảng 5cm, phơi khoảng một tuần. Mỗi vị thuốc lấy một chén để tổng hợp thành một thang thuốc. Đun sôi khoảng 30 phút rồi bắc xuống để nguội, uống nhiều lần trong ngày, nên cách khoảng một tiếng đồng hồ lại uống một bát. Mỗi thang thuốc uống được 3 ngày lại thay thang khác.
“Thời gian chữa khỏi bệnh không cố định. Người nào bị nhẹ, viên sỏi nhỏ thì chữa rất nhanh, có thể chỉ đến 3 ngày uống thuốc là có thể thải được viên sỏi ra ngoài. Đối với những viên sỏi quá lớn cần có một thời gian bào mòn khá lâu mới có thể thoát ra ngoài”, lão lương y giải thích.
Ông Châu lý giải về cơ chế của bài thuốc một cách dân dã, dễ hiểu: “Cứ tưởng tượng xem ở ruột phích bị đá vôi ăn vào, cọ cũng không ra, nhưng đổ nước thuốc chữa sỏi thận vào cái là từng mảng bay hết. Chữa bệnh sỏi thận cũng vậy, chỉ cần uống một thời gian thì nó sẽ tự bào mòn viên sỏi và “tiêu tán” viên sỏi to”.
Những thang thuốc cuối cùng được bổ sung loại thuốc kháng sinh. Đó là lá cây xạ đen chuyên dùng để trị các loại ung thư. Loại lá này có tác dụng chống viêm sưng, kích thích ăn ngủ. Sau khi lấy lá về, thái nhỏ, phơi khô một tuần nắng. Khi có hiện tượng sỏi đã ra khỏi ống nước tiểu thì cho vị thuốc này vào đun cùng với những thang thuốc cuối để làm chất kháng sinh.
Mỗi thang thuốc của ông Châu có giá 30 ngàn đồng. “Đấy là tiền công đi hái. Cả nhà đi khắp các vùng đồi núi Hòa Bình để tìm thuốc, có những cây phải xuống tận Ninh Bình mới có. Có lúc công việc đồng áng chững lại vì có nhiều người đến tìm thuốc quá. Gia đình không có tiền để thuê người đi hái, hơn nữa để người khác đi hái sợ không đúng thuốc thì khổ. Với số tiền công đó cũng chỉ đủ cả nhà rau cháo qua ngày. Quan trọng nhất ở điều cứu được bệnh cho người ta là tôi vui rồi”, ông lão chia sẻ.
Ông Bùi Phi Diệp, Phó chủ tịch UBND xã Yên Trị xác nhận bài thuốc chữa bệnh gia truyền của gia đình ông Nguyễn Sinh Châu nổi tiếng ở xã. “Nhiều trường hợp bệnh nhân tìm đến nhờ ông Châu chữa đều đã khỏi bệnh. Bài thuốc đã được Hội đông y huyện kiểm nghiệm và chứng nhận”, vị Chủ tịch xã cho biết.
Sỏi thận là tình trạng một hoặc vài viên sỏi kết tụ nơi thận hoặc đường tiểu ngăn trở việc bài tiết nước tiểu. Sỏi thận hình thành qua thời gian dài, người bệnh thường chỉ biết được từ những cơn đau quằn quại dữ dội ở vùng bụng dưới và xác định qua chụp X - quang hoặc siêu âm. Chế độ ăn uống không hợp lý khiến cơ thể rất dễ mắc bệnh sỏi thận. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần ăn uống điều độ, uống nhiều nước. |
Hoàng Thế Tào - PLVN