;
Theo đó, căn cứ trên công văn số 710/UBND-NC ngày 22 tháng 3 năm 2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chấp thuận sư trụ trì chùa Lam Sơn, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu. BTS GHPGVN tỉnh đã có quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Văn trụ trì chùa Lam Sơn, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Tượng Phật Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ nu nghiến nguyên khối với chiều cao 3,8m, nặng hơn 3 tấn.
Lầu chuông, trống cơ bản đã hoàn thành.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân và Phật tử, ngày 8-11-2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 4446/QĐ-UBND-NC về chấp thuận phục hồi cơ sở Phật giáo chùa Lam Sơn (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ngày 19-11-2013, UBND tỉnh đã có quyết định số 5472/QĐ-UBND-ĐTXD phê duyệt quy hoạch chi tiết về xây dựng chùa Lam Sơn với tổng diện tích đất chùa được quy hoạch 5.482,37m2, trong đó diện tích xây dựng chùa 1.961.38m2. Vào cuối năm 2013, công tác khôi phục, trùng tu, xây dựng chùa Lam Sơn được triển khai. Theo thiết kế, chùa được xây dưng theo lối kiến trúc chùa chiền cổ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ.
Sau khi hoàn thành, chùa không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương.
Chùa gồm các hạng mục nhà thờ tổ; đại hùng bảo điện, hai bên là lầu chuông và lầu trống; tả hữu hành lang; cổng tam quan và các công trình phụ trợ khác. Công trình có tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa.
Đại đức Thích Quảng Văn hướng dẫn phật tử trong nghi lễ tắm Phật trong mùa Phật đản.
Các hạng mục của ngôi chùa được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim và gỗ sến nhập khẩu từ châu Phi với tổng khối lượng khoảng 1.200m3. Riêng khu nhà thờ tổ được làm hoàn toàn bằng gỗ kiền kiền. Trong đó, cột gỗ cao nhất là 7,58m, đường kính tất cả các cột là 55cm. Công trình do những nghệ nhân từ Ninh Bình thi công. Đến thời điểm hiện nay, chùa Lam Sơn đã hoàn thành phục dựng xong đại hùng bảo điện và đặt bộ Tam thế Phật, bộ Thích Ca Liên Hoa và một số tượng Phật khác. Các tượng Phật chủ yếu được chạm trổ bằng gỗ quý. Hậu cung Tam bảo, nhà trung và nhà hạ của Tam bảo, nhà thờ tổ, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống cũng đã cơ bản hoàn thành.