;
Họ (các thế lực đánh phá Phật giáo) trong thâm tâm cũng biết những điều ngụy tạo của mình chẳng thuyết phục được ai, không dễ để người khác tin, không thể lái nổi lịch sử sang hướng khác, nhưng cứ theo bài học Tăng Sâm giết người, nói hoài nói mãi cũng có người tin, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nên Họ thao thao bất tuyệt lập đi lập lại rằng Bồ tát Quảng Đức bị chích thuốc mê rồi đem đốt.
Năm 1963, năm Bồ tát Quảng Đức tự thiêu để bảo vệ chân lý, bảo vệ sinh mệnh của đạo pháp, chúng tôi còn quá nhỏ không hiểu gì về cái chết thiêng liêng, quả cảm của Bồ tát cho đạo pháp, nhưng rồi không hiểu sao mẹ tôi đi chùa về cầm mấy tấm ảnh Bồ tát tự thiêu đưa cho tôi xem nói rằng:" Nè con! Con xem Bồ tát Quảng Đức tự thiêu bảo vệ đạo, và trái tim Ngài đốt không cháy, trái tim bất diệt".
Mẹ nói chừng đó, và cầm những tấm ảnh đen trắng Bồ tát ngồi trong lửa đỏ, rồi ngã xuống cong queo với hai bàn tay còn chắp đã ám ảnh, đã đi theo tôi suốt cuộc đời.
Từ ngày đó tôi yêu thương Phật, yêu thương đạo và luôn tìm hiểu lịch sử đất nước, lịch sử đạo để trang bị cho mình một kiến thức để củng cố niềm tin, để không bị người thiên hạ mà mắt dối gạt, đó là chuyện những ngày xa xưa còn nhớ lại.
Nhớ thêm chuyện nữa:
Cách đây 9 năm có dịp tôi về tỉnh Bến Tre, dạo một vòng để biết "Dáng đứng Bến Tre" để tìm hiểu khái quát của một vùng đất có rất nhiều dừa, có ông Đạo dừa [1] có chùa Nam Quốc Phật mà tôi đã thấy qua tranh ảnh báo chí, tôi có đến thăm ngôi mộ của ông, nhà thờ ông và trò chuyện với những người đệ tử của ông mặc quần áo nâu đầu búi tóc (cả nam lẫn nữ) tuổi trên 60 - 70 - 80 tôi hỏi:" Các ông các bà ở đây nhang khói cho Ngài bao lâu rồi ?
- " Chúng tôi là đệ tử Thầy, theo Thầy từ ngày Thầy sáng lập Đạo đến ngày Thầy mất ở luôn nơi Tháp mộ của thầy , để hương khói cư tang Thầy, chúng tôi sống độc thân không có gia đình, tu tập theo lời Thầy dạy và mong ước khi chết đi được gặp thầy nơi cõi khác". Ngỏ lời hỏi thăm và được trả lời như thế! Chỉ chừng đó thôi, vậy mà mà gần mười năm rồi tôi vẫn còn nhớ như in về buổi viếng thăm Bến Tre, viếng thăm ngôi mộ, nhà thờ ông Đạo Dừa.
Bài học tôi ghi nhận hôm đó là bài học tình Thầy trò, theo Thầy học Đạo, sống độc thân, Thầy chết cư tang Thầy bên mộ, có nhiều người cư tang hơn hai mươi năm. Tôi suy ngẫm về hạnh tu của ông Đạo Dừa, ông phải là người có một nhân cách lớn mới được tín đồ đệ tử thương mến như thế!
Tiểu sử Bồ tát Thích Quảng Đức:
Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tuất, (1897 - 11 tháng 6 năm 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện.
Sau khi chết, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận.
Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn.
Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, Lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước, lấy được trái tim của Thích Quảng Đức. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức.
Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.[2]
Cuộc đời hành đạo của Bồ tát, xây dựng trùng tu tất cả là 31 ngôi chùa, luôn gần gũi quần chúng khổ đau, chữa bệnh bốc thuốc Nam, Bắc cho những người bệnh, mở trường dạy học cho con em nhà nghèo, giảng kinh, quy y cho Phật tử...
Không quyến luyến chấp giữ ngôi chùa mình xây dựng trùng tu, phật sự thành tựu ở lại giáo hóa quần chúng một vài năm rồi chuyển đi nơi khác. (Như lời viết của Thượng Tọa Thiện Hòa (chức vụ lúc bấy giờ), Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trong văn thơ đề ngày 18-1-1962: "Thượng Tọa có đủ duyên tốt là đến đâu một thời-gian thì cảnh chùa ấy trở nên lành kín và vui vẻ, nhưng ở một lúc khai hóa rồi đặt người giao phó lại đi nơi khác, nhờ không trụ-trước ngã sở mà Phật-sự làm được nhiều.") [3].
"Cuối năm 1958 khi trụ sở của Phật Học Nam Việt dời về chùa Xá Lợi mới được xây nguy nga tráng lệ, và mặc dù được ông Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Học thỉnh Ngài trụ trì, nhưng Ngài đã từ chối. Trái lại, Ngài đã về vùng Cai Lậy nghèo nàn, dân cư lam lũ nhận lãnh hai chùa và hành đạo hai năm ở đây.
Ở đây, Ngài đã nhận làm trụ trì chùa Thiên Phước, chùa Long Phước và được mời giảng dạy tại chùa Phật Ân, thành phố Mỹ Tho, trụ sở của Hội Phật Giáo tỉnh Định Tường. Thiên Phước là một ngôi chùa nhỏ, hẻo lánh, ngoài việc trùng tu và mở trường tư thục dạy học" [4].
Bồ tát là một vị thầy tu ưu thời mẫn thế, luôn lo lắng cho vận nước, vận đạo, biết rõ tình hình thời cuộc, nên làm gì và làm lúc nào, bị mật vụ Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm khó dễ đủ điều, đi đâu cũng phải xin giấy phép, đến giai đoạn khó quá phải thay tên đổi họ.
Từ Lâm văn Tuất đổi thành Nguyễn văn Khiết. Bồ tát giỏi chữ Hán, chữ Nôm và trong sách " Những giai thoại về Bồ tát Thích Quảng Đức" của tác giả Thích Như Hoằng có kể lại Bồ tát nói chuyện được với lính Pháp. Chúng tôi xin được giới thiệu những bài thơ, văn chữ Nôm của Bồ tát để qua đó thấy được hạnh đức tu hành của Ngài:
Trong "Lời nguyện tâm huyết", Bồ tát viết như sau:
“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định.
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:
1/ Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt nam ghi trong bản tuyên ngôn.
2/ Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
3/ Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác gian.
4/ Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc...
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp”.
Nam Mô Đấu Chiến thắng Phật.
Làm tại Chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão
Tỳ Kheo Thích Quảng Đức Kính bạch.
Thơ di bút của Bồ tát Quảng Đức bằng chữ Nôm:
Kẻ thiêu thân cúng dường vì Chánh Pháp
Kính dâng Thập phương chư Phật
Đệ từ hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thức nương về giúp sinh linh
Hởi ai mộng ảo đang còn mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình.
Dâng chư Hiền Thánh Tăng:
Phật giáo sử vàng máu thay son
Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn
Quyết diệt suy tàn nền Chánh Pháp
Làm cho Tăng, Tín phải chết mòn
Vì sự bất công tôi thiêu xác
Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan
Kính chúc Tăng, Ni tâm dũng tiến
Chánh Pháp ngày mai phải trường tồn.
Cùng toàn thể tín đồ Phật giáo:
Cùng hàng Phật tử ở tại gia
Hãy quên bản ngã bỏ cái ta
Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc
Ngàn năm sử việt vẫn Phật gia
Thân tôi dù cháy linh thiêng máu
Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà
Đã mang đoàn thể còn nòi giống
Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra.
Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia:
Thầy đã đến lúc biệt các con
Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn
Những gì đáng độ Thầy đã độ
Thầy tranh Chánh Pháp lúc mất còn
Gia Định Sài gòn hỡi các con
Hà Tiên, Cai Lậy Thầy vẫn còn
Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu
Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son.
Xuất kệ vân:
Nền Phật dò lần kiếp tẩy sang
Phủi tay rửa sạch nợ trần gian
Tránh đàng danh lợi tìm nơi tịnh
Niệm chữ từ bi tránh cửa quan
Chuỗi hột tay lần khuya với sớm
Kệ Kinh tụng niệm vái rồi van
Một lòng thành kính lòng mình nguyện
Tịnh độ từ đây rất ở an.
Tỳ kheo Thích Quảng Đức
Kính đề
Văn xuôi của Bồ tát viết bằng chữ Nôm:
"Sau khi sơn sửa lại chùa, và tổ chức hai buổi lễ chính, Ngài đã vận động quyên góp được một số tài chánh tương đối. Từ trước đến năm 1962 chùa chỉ thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, do vậy khi làm trụ trì, Ngài đã vận động bà Phan Cẩm Lợi cúng một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni để thờ ở chánh điện. Trong dịp lễ an vị Phật vào ngày vía đức Phật Thích Ca thành đạo năm 1962, trong lời chào đón quan khách Ngài đã viết trong bản văn Nôm:
Chúng tôi thấy chùa Quán Thế Âm này vì còn thiếu một tượng đức giáo chủ Thích Ca để cho tín đồ chiêm ngưỡng lễ bái công phu tịnh độ, để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thập phương bá tánh, nam nữ Phật tử tăng long phước thọ, phát bồ đề tâm tăng trưởng.
Cho nên, chúng tôi nhờ lòng hảo tâm những người lúc trước đã lập ngôi chùa này. Sau đó nhờ lòng đạo tâm của hai ông bà Lý Văn Lang có lòng xây dựng quỹ ngôi chùa. Nay có nhân duyên bà Phan Cẩm Lợi cúng một vị tượng Thích Ca Mâu Ni Phật để tôn thờ sùng bái tu học giáo pháp của Ngài cải tâm niệm của chúng sinh .. . Nhờ sự hảo tâm của chư thiện tín cho nên chúng [giúp]tôi Phật sự được viên thành.
Ngày nay sự hiện diện đông đủ của quý Ngài từ trong đạo cho đến ngòai đời, điều đó đã chứng minh sự khích lệ và ưu ái của quý vị đối với chúng tôi trên con đường phụng sự chánh pháp.
Cũng trong dịp lễ vía Phật thành đạo tại chùa Quan Thế Âm vào cuối năm 1962, Ngài đã có những nhận định thời cuộc lúc đó "hoàn cảnh khó khăn, nhân tâm tao loạn," và "Chúng ta hãy noi gương cao cả của đức Từ Phụ trọn đời hy sinh cho mọi loài." Tinh thần Bồ Tát của Ngài cũng đã được biểu lộ rất rõ ràng qua bài giảng ngày hôm đó:
Vậy chúng ta là Phật tử, chúng ta không nên nghĩ chỉ làm lễ kỷ niệm Ngài qua một hình thức thông thường cho có, mà cần phải nhận thức đời sống có đức Phật tinh thần, tu học theo chánh pháp.
Cố gắng cởi mở bớt các nghiệp chướng phiền não, diệt trừ tam độc tham sân si, sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả, mong có hy vọng đạt thành quả vị giác ngộ, đem lại không khí an bình với tình thương chân thật cho mọi loài. Chỉ có thực hành như thế mới khả dĩ gọi là kỷ niệm đức Phật mà thôi.
Tinh thần và bổn nguyện Bồ tát của Ngài được biểu lộ qua các câu nói "trọn đời hy sinh", "sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả mong có hy vọng đạt thành quả vị giác ngộ, đem lại không khí an bình với tình thương chân thật cho mọi loài." Tinh thần này đã được Ngài đem ra áp dụng trong cuộc đời hành đạo, và nhất là việc tự thiêu thân mình gần nửa năm sau [5]
Văn chữ Hán của Bồ tát:
Chúng ta tìm hiểu thêm lối hành văn chữ Hán và chí nguyện xuất trần vì chúng sinh đau khổ của Bồ tát qua hai câu đối: "Ngài viết ở chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, một năm trước ngày Ngài tự thiêu. Ngài nguyện xả bỏ cái thân mộng huyễn này là vì báo đáp ơn đức của Phật và vì muốn cứu giúp nhiều người ra khỏi hoạn nạn.
Bời vì có xả bỏ thân hình giả tạm này một cách uy hùng và không thể nghĩ bàn được thì mới cứu giúp cho Phật Pháp được mãi mãi trường tồn. Và nếu làm như thế sẽ để lại tiếng thơm cho đời sau, không phải chỉ nơi này mà còn vang vọng khắp nơi.
佛恩以報誓捨幻身還渡恒娑衆
法藏長存誓成正覺流芳塵刹土
不思議!
Phiên âm:
Phật ân dĩ báo thệ xả ảo thân hoàn độ hằng sa chúng.
Pháp tạng trường tồn thệ thành chánh giác lưu phương trần sát độ.
Bất tư nghì!
Dich nghĩa:
Vì báo ơn đức Phật nguyện bỏ huyễn thân để độ hết thảy chúng sanh,
Vì chánh pháp trường tồn nguyện thành chánh giác để lưu tiếng thơm cho đời.
Không thể nghĩ bàn!"[6]
Người đương thời thương mến Bồ tát:
Sau nhiều tuần thiền định và tụng kinh Pháp Hoa để nuôi dưỡng tâm bồ đề, sáng ngày 11.6.1963 giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, Sài Gòn , giữa vòng vây yêu thương của Tăng Ni Phật tử Bồ tát ung dung tẩm xăng quẹt lửa, ngọn lửa bốc lên "Bùng cháy! Ngọn lửa ngất trời! Không thể nào tả xiết nỗi bàng hoàng của tất cả Tăng Ni và những người đứng xung quanh! Lệ rơi! Tiếng khóc vang lên! Sau 30 phút, thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo.
Tới cổng chùa ông Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới thi hài của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giảng. Rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ tát đã thiêu thân. Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều kính cẩn đưa tin tự thiêu này"[7] .
Từ Huế Sư Bà Diệu Không nghe tin Bồ tát tự thiêu đã khóc thương:
Bài thơ như sau:
“Thầy ơi! Con biết tính sau đây
Lễ kính lòng đau trước thánh thây
Lửa dậy lưng trời, thân chẳng động
Dầu loang khắp đất, ý không lay
Tiêu diêu cõi Tịnh, Thầy theo Phật
Lận đận trần lao con nhớ Thầy
Phật tử Việt Nam còn nhớ mãi
Nét son lịch sử vẫn không phai”[8]
(Nhiếp ảnh gia Nguyễn văn Thông, người chụp ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963)
- "Ông Nguyễn Văn Thông, mật vụ theo dõi hoạt động đấu tranh của Phật giáo và chứng kiến từ đầu đến cuối vụ tự thiêu, cũng công khai bác bỏ sự xuyên tạc Bồ tát Thích Quảng Đức bị chích thuốc mê. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn xúc động khi nhớ lại: “Chúng tôi đã theo sát vụ tự thiêu này ngay từ đầu ở chùa Xá Lợi.
Chính mắt tôi và các cảnh sát khác đều thấy ngài Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, quay mặt xá tứ phương, rồi ngồi kiết già trước khi chính tay mình châm lửa tự thiêu. Những hành động bình thản của một nhà tu hành thượng đẳng như vậy không thể là người bị thuốc mê.
Còn các nhà sư khác chỉ đứng vòng quanh tụng kinh cho ngài và ngăn chặn cảnh sát. Không có bàn tay nào tác động, xâm phạm đến hành động tự thiêu của ngài”[9]
Cư sĩ Tống Hồ Cầm"Trong lúc này, ở tuổi 95, tôi đang ngồi tưởng nhớ lại đại nguyện thiêng liêng vì sự trường tồn của Phật giáo 50 năm trước, tưởng nhớ một con người vĩ đại, tưởng nhớ một vị Bồ-tát với bao cảm xúc dâng trào…
Sự kiện vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức là dấu ấn lịch sử ghi đậm trong lòng của biết bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.Với một cư sĩ như tôi, đời sống phạm hạnh trong sáng, thuần tịnh và ngọn lửa mang tinh thần Đại từ, Đại bi 50 năm trước của bậc xuất trần thượng sĩ là những bài học vô giá, tạo dựng niềm tin bất diệt về Chánh pháp ở cõi nhân gian này"[10]
. Thế hệ sau thương mến Bồ tát: Ngoài chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN (trong và ngoài nước), cộng đồng Tăng Ny, Phật tử kính yêu thương mến, còn có các cá nhân tưởng niệm Bồ tát hết lòng, tiêu biểu như:
- Hòa thượng Thích Thiện Dương: "Và hôm nay, tại tổ đình Linh Sơn thôn Hiền Lương xã Vạn Đức huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, nơi Bồ Tát trụ trì trong tám năm (1940-1948) một ngôi nhà làm toàn bằng gỗ để kỷ niệm Bồ Tát Quảng Đức được hoàn thành.
Tổ đình Linh Sơn trước đây chỉ là một vùng đất hoang vắng, rừng tiếp với biển. Vào thời vua Lê Hiển Tông thuộc thế kỷ 18 có vị Hòa Thượng Đại Bửu mang pháp hiệu Kim Cang Đại Lão Tổ Sư đến ngồi tu thiền dưới gốc một cây kén cổ thụ lối đầu thôn.
Thấy nơi đây phong cảnh u nhã, đại sư quyết định ở lại đại đạo hoằng hóa nên ra công xây dựng một ngôi phạm vũ, hoàn tất vào năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) đặt tên chùa là Sa Long Tự. Năm Tự Đức Thứ 21 (1867) chùa bị cháy và được xây cất lại. Sau khi trùng tu, chùa đổi tên là Linh Sơn Tự.
Bồ Tát Quảng Đức là vị Tổ sư thứ 6.
Hiện nay các công trình xây dựng chùa của Bồ tát vẫn còn: Các cột ba biểu, ngôi cổng tam quan, miếu cô hồn và ngôi nhà tu niệm (ngôi nhà này mới đây đã bị sụp đổ vì mục nát) được thay thế bằng một ngôi nhà gỗ.
Ngôi nhà gỗ gồm toàn danh mộc. Trong 70 cây cột có đến 64 cây cột bằng gỗ mít rừng (một danh mộc có tên trong nhóm gỗ quí). Mỗi cây to có đến một người ôm cao đến 5 thước.
Các cây xiềng, đính, kèo, đòn tay rui mè đều là danh mộc như trắc, soan, ché v.v.. và nhất là có một số gỗ huỳnh đàn. Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Dương, đệ tử đời thứ 8 đã đích thân vào rừng, vùng núi Vạn Ninh, là một vùng núi nổi tiếng về trầm hương của tỉnh Khánh Hòa, cùng với các thợ rừng có tên tuổi đi tìm và đem về trong suốt 14 năm ròng rã.
Sự chuyển vận vừa bằng sức người, sức trâu. Sân sau chùa, gần bên cây kén cổ thụ, gian trại mộc được thành lập, qui tụ các thợ mộc nổi danh về ngày đêm xẻ gỗ. đục bào. Công việc xây dựng mãi đến 4 năm mới hoàn thành"[11].
- Giáo sư Lê Mạnh Thát: Là nhà nghiên cứu, sử gia Phật giáo có uy tín, có nhiều công trình về sử, văn học Phật giáo giá trị đã tìm hiểu nghiên cứu về Bồ tát Quảng Đức, và đã cho xuất bản tập sách "Bồ tát Quảng Đức ngọn lửa và trái tim" (nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM năm 2005).
- Đại đức Thích Như Hoằng: Trụ trì chùa sắc tứ Thiên Tứ, làng Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa sắc tứ Thiên Tứ Bồ tát Quảng Đức trụ trì khoảng 23 năm (Bồ tát chính thức ởchùa Thiên Tứ, nhưng đi hoằng hóa trùng tu xây dựng chùa khắp nơi, thỉnh thoảng về chùa Thiên Tứ một thời gian rồi lại ra đi) Đại đức Như Hoằng là người vô cùng kính yêu Bồ tát cũng đã để nhiều thời gian công sức, sưu tầm tư liệu liên quan Bồ tát và có viết một tác phẩm: "Những giai thoại về Bồ tát Thích Quảng Đức"Nhà xuất bản thông tấn xã Việt Nam, xuất bản năm 2008" Đại đức đã tìm tư liệu về Bồ tát suốt 23 năm. Những tư liệu về Bồ tát Quảng Đức Giáo Sư Lê Mạnh Thát và Giáo sư Nguyễn Tri Ân có được cũng từ nơi Đại Đức Như Hoằng cung cấp.
- Giáo Sư Nguyễn Tri Ân: ( Người Mỹ gốc Việt) là giáo sư Đại học Bates (Bates Colleghe) đã nhiều lần về Việt Nam (kể từ năm 1991) để nghiên cứu về văn hoá, mỹ thuật Phật giáo. Ông tâm sự: “Mình không phải là nhà khoa học - công chức bàn giấy nên phải đi, đi thực tế để nghiên cứu, tìm hiểu”.
Mới đây, ông có một chuyến về Việt Nam 3 tuần, tham dự Phật đản ở Huế, rồi đi đến tham cứu ở các chùa ở TP.HCM, Cai Lậy (Tiền Giang), Khánh Hoà để tìm thêm những “dấu tích” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Nghiên cứu về Bồ tát Thích Quảng Đức chính là 1/57 đề tài nghiên cứu được Hội đồng Hiệp hội Học thuật Hoa Kỳ - American Council of Learned Societies) chọn tài trợ nghiên cứu từ 1136 người nộp đề tài.[12]
Những lời phát biểu đồng tình còn đọng lại với lịch sử:
Lúc nhìn hình HT. Quảng Đức tự thiêu, Tổng thống Mỹ, John Kennedy, nhận định,“trong lịch sử, chưa có một bức hình nào trên báo đã tạo được nhiều xúc động cùng khắp cả thế giới như bức hình này”...
New York Times (Nữu Ước Thời Báo): Số ra ngày 8-8-1963 viết:
“... Chính phủ Hoa Kỳ đã tìm đủ mọi cách để buộc ông Diệm phải giải quyết vấn đề Phật giáo. Nhưng người ta hết sức kinh ngạc khi nghe bà Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng thống Diệm, vu khống các lãnh tụ Phật giáo là phiến loạn, sát nhân, và áp dụng chiến dịch Cộng sản.
Có tin cho biết, chồng bà Nhu, em của Tổng thống Diệm, có thể cầm đầu một cuộc đảo chánh đã làm cho Hoa Kỳ lo ngại. Có nhiều người cho rằng những tin đồn về cuộc đảo chánh như vậy là một phần trong chiến tranh tâm lý chống Phật giáo, và cũng là một sự hăm dọa đối với Hoa Kỳ”.
Hình tự thiêu của HT. Quảng Đức cũng là một ấn tượng ảnh hưởng đến Tòa Bạch Ốc. Tôi (Browne) được biết rằng lúc ông Henry Cabot Lodge đến gặp cố Tổng thống Kennedy về việc được bổ nhiệm chức đại sứ tại Việt Nam, Kennedy cũng đã có một bức hình tự thiêu của HT. Quảng Đức trên bàn giấy. Cái chết của ngài Quảng Đức có lẽ là một trong những yếu tố chính cuối cùng Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc chống ông Diệm, và thay đổi một vài chính sách lớn ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam”.
Miến Điện: Sau ngày các chùa tại Việt Nam bị bố ráp, Chính phủ Miến Điện càng công phẫn hơn. Báo “Guandiantai” tại Rangoon, thủ đô Miến Điện, cực lực lên án chính sách bạo ngược của chính phủ Ngô Đình Diệm. Báo viết:
“Mỹ sẽ lầm khi nghĩ rằng tiếp tục ủng hộ một chính phủ đang ngự trị trên thân xác đau thương của những Phật tử Việt Nam mà có thể giữ được nguyên vẹn tình cảm ngoại giao với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á”.
Thái Lan: Ngày 22-8-63, Thống chế Sarit Thanarat, Thủ tướng Thái Lan, đề nghị triệu tập một hội nghị sơ bộ gồm các nước Phật giáo trước lúc đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Bốn ngày sau đó Đại tá Mutukhan, Phó Giám đốc Nha Tôn giáo thuộc Bộ Giáo dục, đã khuyến cáo Chính phủ Việt Nam bằng những lời gay gắt và như một tiên tri:
“Vì đã đàn áp Phật tử Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ hứng chịu hết những tai họa dưới đủ mọi hình thức, hiểu theo giáo lý nhà Phật, kể cả diệt vong và đọa địa ngục...”.
Liên Hiệp Quốc: Những hình ảnh Phật tử Việt Nam bị đàn áp, bắt bớ, tù đày, vu khống bởi chính quyền Ngô Đình Diệm được đăng tải trên trang nhất của hầu hết các báo khắp thế giới, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã không thể làm ngơ, ngày 24-9-1963, một phái đoàn đặc biệt được gửi đến Việt Nam để điều tra vụ Phật giáo.
Mặc dầu chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc tự do đến những nơi cần thiết để điều tra, nhưng cuối cùng phái đoàn cũng đã thu thập đủ bằng chứng để kết luận rằng ‘Phật tử Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị, khủng bố, tra tấn, tù đày, giết hại và cải đạo trong nhiều năm qua’.
“Tự tử là một hành động tự hủy do những nguyên nhân sau đây: (1) Thiếu ý chí để sống và gặp những khó khăn; (2) Thất bại trong cuộc sống và tuyệt vọng; (3) Không muốn sống... Vị tu sĩ tự thiêu (Thích Quảng Đức) không mất nghị lực, không thiếu hy vọng; cũng như không phải không muốn sống.
Trái lại, ngài có đầy nghị lực, tràn hy vọng và mong ước một cái gì tốt cho tương lai. Ngài không có ý nghĩ tự hủy; nhưng tin vào những hoa trái tốt từ sự tự hy hiến đời mình cho kẻ khác...
Tôi tin chắc rằng tất cả các vị sư tự thiêu không muốn những người cai trị chết, nhưng chỉ nhằm thay đổi chính sách của họ. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Kẻ thù của chúng ta là sự thiếu khoan dung, cuồng tín, độc tài, tham đắm, hận thù và kỳ thị, chúng đang nằm sẵn trong tâm của con người”. (Thượng tọa Nhất Hạnh)
Khác với các lời xuyên tạc của những người bênh vực nhà Ngô, ký giả Nữu Ước Thời Báo (New York Times) David Halberstam đã tường thuật bằng những lời vừa ngạc nhiên vừa kính nể:
“Tôi được thấy lại cảnh tượng ấy, nhưng chỉ một lần cũng đã quá đủ. Lửa phủ khắp người; thân từ từ khô lại, đầu cháy đen như than, không khí bay mùi khét thịt, thân hình chìm trong lửa quá nhanh chóng và kinh ngạc. Phía sau, tôi có thể nghe tiếng khóc của những người đang lần lượt kéo đến.
Tôi quá xúc động khóc không nên lời, quá bàng hoàng để ghi chép hoặc hỏi vài câu, quá bối rối để suy nghĩ... chìm trong biển lửa nhưng ngài vẫn bất động, thịt gân không nhúc nhích, không một tiếng rên, ngài bình thản điềm đạm trước bao người òa khóc xung quanh”.
Đối với nhiều người Mỹ, hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc về việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức năm 1963 như là một ký ức lâu dài nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tháng 6 năm đó, sự phản đối của Phật tử chống lại Ngô Đình Diệm giúp họ có thêm động lực thúc đẩy, người tu sĩ già ngồi ở tư thế hoa sen tự thiêu trên đường phố náo nhiệt ở Sài Gòn.
Sự tự thiêu của Ngài đầu tiên là gây ấn tượng nhất cho cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, là một hành động phản đối không thể tin nổi đã thúc đẩy dư luận của thế giới, là một tấm gương gây xúc động mạnh mẽ của người dân miền Nam chống chế độ Diệm, đã in một dấu ấn không bao giờ phai nhòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam (Robert J. Topmiller)
Có nhiều nhân tố để tạo nên cảm xúc cho văn thi sĩ, một trong những nhân tố là bắt gặp sự kiện lớn. Không có sự kiện năm 1963 Phật giáo bị chà đạp, bức hại, có thể đưa đến sự hủy diệt. Không có Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để bảo vệ chân lý, và để lại trái tim bất diệt sẽ không có bài thơ lửa từ bi của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Không có đại hội thống nhất các hội đoàn, hệ phái Phật giáo năm 1964 tại chùa Xá Lợi Sài gòn sẽ không có bài Đạo ca Phật giáo Việt Nam. Và chính sự kiện đau buồn đêm 20 tháng 08 năm 1963 (Ngô Đình Nhu tổ chức chiến dịch Nước Lũ tổng tấn công chùa chiền bắt giam Tăng Ni)mà hai năm sau ngày 20 tháng 08 năm 1965, tuần báo Thiện Mỹ của Phật giáo mới có bài, đăng bài Kinh Cầu Nguyện tràn đầy cảm xúc thiết tha, không hờn oán hận thù những kẻ đã gây ra đau khổ cho Đạo mình.
Bài Kinh Cầu Nguyện này các văn khố lưu trử của PGVN có thể không còn, tôi đã tìm thử khắp trên mạng thấy không có, may mắn thay chúng tôi còn giữ được số báo này [13]. Xin đăng nguyên văn để cộng đồng có tư liệu.
Nguyên văn: Kinh Cầu Nguyện
(chậm rãi trang trọng) Để cho lửa hận thù thôi bốc cháy, không thể đốt thêm một ngọn lửa hận thù. Để cho lửa hận thù tàn tạ, suối từ bi phải được từ lòng người khơi mở.
(Khẩn thiết) Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Lời dạy của Thế Tôn mát mẻ như một dòng suối thơm lành, đức từ bi của Thế Tôn là dòng suối ngọt chảy trong sa mạc khô cháy, là đóa sen tươi mát hiện trong thế giới dầu sôi, lửa bỏng, cho chúng con được thấm nhuần trong biển đại lượng bao dung của từ bi hỷ xả, của trí giác năng nhân.
(Chậm rãi) Ngày 20 tháng 8 là ngày chứng tỏ niềm tin mãnh liệt của Phật tử Việt Nam đối với giáo lý từ bi của đức Giác Ngộ. Bạo lực càng cao thì từ bi càng sáng rỡ. Đúng nửa đêm, tiếng reo hò vang dậy. Từ huyệt sâu của bạo lực của căm thù, chân giậm giày đinh, tay ghìm báng súng, họ đã tiến lên vây kín ngôi chùa thiêng, trong đó 20 thế kỷ niềm tin đã ngự trị.
(Khẩn thiết) Lạy Phật! Cho chúng con nhớ rằng oán thù chỉ khơi dậy oán thù. Cho chúng con vững tâm tin tưởng rằng chỉ có tình thương mới kêu gọi được tình thương. Cho chúng con được an trú vững vàng nơi từ bi chánh định.
(Chậm rãi) Một tiếng hô lên; Dưới bóng đèn khuya, bọn họ hiện hình. Họng súng lưỡi lê. Hận thù ngùn ngụt lửa. Những gót giày đinh ác quỷ giậm đạp không thương tiếc trên mảnh đất của tình thương.
(Khẩn thiết) Lạy Phật từ bi! Cho chúng con vững tâm nguyện cầu, bình tĩnh mỉm cười trong tinh thần từ hòa bất bạo động. Cho đuốc Bi Trí Dũng bừng lên soi sáng cho chúng con những lúc nguy nan.
(Khẩn thiết) Hai mươi tháng tám đau thương! Ác quỷ xa tăng xông vào điện Phật, lưỡi lê, súng thép, giày đinh. Máu linh chảy chan hòa lòng đất nước. Trong đêm sâu, tiếng kêu la dậy đất.
(Khẩn thiết) Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Cho nước mắt của chúng con được chảy cho vẹn tình sau trước. Cho lòng ruột chúng con xin đau để nghĩa được vẹn toàn. Cho tất cả chúng con hòa hợp lại trong ý nghĩa bảo vệ niềm tin, bảo vệ chánh pháp, bảo vệ quyền tự do tối thượng của con người. Xin ban một giọt nước tù bi cho hận thù trở nên thương xót.
(Chậm rãi) Ngọn lửa thiêng của tuần lễ Kim Cương bừng cháy. Ôi trái tim ngàn muôn năm bất diệt! Bảy vì Thánh tử đạo đã nối tiếp theo nhau đốt lên ngọn đuốc thương yêu. Quách Thị Trang ngã xuống. Từng lớp người đứng lên, lòng nặng xót thương, lao mình vào sắt thép, ngục tù.
(Khẩn thiết) Lạy đức Phật từ bi! Cho chúng con hôm nay tưởng niệm và tri ân tất cả những người đã vì chúng con mà gục xuống. Cho chúng con trang trọng nhắc lại lời hứa không bao giờ dám phản bội ân đức của các Thánh tử đạo và của bao nhiêu người, hữu danh cũng như vô danh, đả đem niềm tin, tình thương và sự hy sinh cứu lấy phẩm giá và tự do của con người.
Cho chúng con ý thức rằng các vị Thánh tử đạo đã trao trên vai chúng con trách nhiệm của một lời nguyện lớn. Xin mười phương chư Phật hộ niệm cho chúng con thành tựu được nghĩa vụ vẹn toàn.
. Nửa thế kỷ trôi qua, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo đồng thời với Bồ tát rất nhiều vị đã trở thành người thiên cổ, tuy vậy lớp tăng ny trẻ kế thừa lớp lớp vẫn sản sinh, vẫn noi gương uy hùng của Bồ tát tinh tấn tu tập, làm đạo. Nhân 50 năm (1963-2013) ngày Bồ tát tự thiêu (11/06) Tăng Ni, Phật tử ở các thành phố lớn Sài gòn, Hà Nội, Huế, Nha Trang....
Và cả chư tôn đức Tăng Ny Phật tử nước ngoài cùng long trọng tổ chức kỷ niệm, cùng ôn lại bài học lịch sử, cùng nhắc nhau theo hạnh nguyện của Bồ tát, luôn gần gũi quần chúng khổ đau, biết hy sinh cho đại nghĩa dân tộc, biết xả thân làm đạo để cho đạo pháp trường tồn.
. Năm mươi năm nay Tăng ny, Phật tử luôn cầu nguyện ao ước trái tim bất diệt của Bồ tát, là quốc bảo của quốc gia phải có Tháp 9 tầng thờ phụng, thì hôm nay nhân duyên hội đủ, ngày 02 tháng 7 năm 2013 tại thiền viện Quảng Đức, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đã tổ chức Hội Nghị và ra quyết nghị 14 điều, trong điều 7 có nội dung:"
Hội nghị nhất trí chủ trương xây dựng Bảo tháp tôn thờ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Giao Văn phòng Trung ương Giáo hội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh phối kết hợp lập đề án xây dựng bảo tháp và báo cáo Hội nghị Thường niên của Hội đồng Trị sự vào tháng 12/2013".
Lời kết:
Qua chuyện ngoài lề của ông Đạo Dừa cũng góp cho ta một chút nhận định:" Chủ thể không có nhân cách cao quý, không có đức hy sinh, không có đạo tâm đức độ, thì tìm sao cho ra đối tượng để nhớ để thương về chủ thể".
Qua những tư liệu và dữ kiện nêu trên chúng ta đã thấy quá rõ về công hạnh, hành trạng, quá trình tu tập của Bồ tát và những linh cảm tiên đoán về thời cuôc và vận hạn của Phật giáo mà Bồ tát đã có những bước chuẩn bị chu đáo cho ngày mình tự thiêu để bảo vệ đạo pháp.
Công đức tu hành như thế, hạnh nguyện lợi tha vì chúng sinh như thế, lòng từ bi vô lượng như thế, để lại cho nhân thế cho Phật giáo một trái tim bất diệt đó là trái tim từ bi của Bồ tát, cố nhiên.
Những luận điệu thù hận, lật ngược lịch sử nói rằng Bồ tát bị chích thuốc mê rồi đem đốt, cũng chỉ là luận điệu của những ai không dám nhìn thẳng sự thật. Vì sự thật muôn đời vẫn là sự thật.
Thích Giác Tâm
--------------------
Dẫn chiếu:
. [1] Ông Đạo Dừa sinh năm 1909 tại xã Phước Thịnh , tổng An Hòa, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Người sáng lập ra Đạo dừa (Hòa Đồng Tôn Giáo) http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_D%E1%BB%ABa
. [2] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
. [3] [4] [5] [6] trích: Bồ tát Quảng Đức: Cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu - Giáo sư Nguyễn Tri-Ân, Đại Học Bates, Hoa Kỳ
. [7] Những điều chưa kể vụ tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức - Hồi ký của HT. Thích Đức Nghiệp.
. [8] Nguồn: Sư bà Thích Nữ Diệu Không, Đường thiền sen nở (hồi kí), NXB. Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2009, trang 105.
. [9]http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/381801/Trai-tim-bat-tu---Ky-4-Su-that-ve-loi-xuyen-tac.html.
. [10] Trích: Bồ- Tát trong lòng tôi của Cư sĩ Tống Hồ Cầm. Giác Ngộ số 693. Chuyên đề đặc biệt: Một thiên thu tuyệt tác! Kỷ niệm 50 năm Bồ-Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân 1963-2013.
. [11] Trích: Lửa Từ Bi của Quách Giao, Tập san Quảng Đức Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Khánh Hòa số 09/2013. Kỷ niệm 50 năm Bồ-Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân 1963-2013.
. [12] Lưu Đình Long - Báo Giác Ngộ
. [13] Tuần báo Thiện Mỹ số 39-20/08/1963