;
Hoà thượng Thích Huyền Quang và trái tim không cháy của Hòa thượng Thích Quảng Đức biểu tượng tập hợp sức mạnh đoàn kết, khởi đầu làn sóng phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Bức ảnh dưới đây là Hoà thượng Thích Huyền Quang đang nâng trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức sau khi thiêu lại lần thứ hai vẫn không cháy. Bức ảnh này được đăng trên trang bìa của tạp chí Life của Hoa Kỳ. Life là một tạp chí rất có uy tín trong làng báo chí Mỹ, có thời điểm đã bán được 13,5 triệu bản trong một tuần. Life có một đội ngũ phóng viên ảnh hùng hậu, họ đã săn được những bức ảnh mang tính tư liệu lịch sử quý giá, điều này đồng nghĩa với việc khi một bức ảnh được đăng lên trang bìa của Life thì lập tức nó trở thành một bức ảnh có giá trị lịch sử quý hiếm.
Bức ảnh Hoà thượng Huyền Quang nâng trái tim bất hoại của Bồ-tát Thích Quảng Đức đăng trên trang bìa của tạp chí Life có số hiệu Vol 57, no 24. Dec 11.1964 (tức là tập 57, số 24, xuất bản ngày 11 tháng 12 năm 1964).
[Xem https://books.google.com.vn/books?id=nlEEAAAAMBAJ&pg=PA34... - Nguyễn Đính dẫn link].
Trong cuộc đấu tranh chống đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963, Hoà thượng Huyền Quang lúc đó 44 tuổi đang là Thư Ký kiêm trưởng khối soạn tài liệu đấu tranh của Uỷ Ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo hội nghị với Uỷ Ban Liên Bộ của chính phủ Tổng thống (TT) Diệm để ra Thông cáo chung giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo qua việc chính quyền các nơi đã có hành động đàn áp gây thương vong cho Phật tử trong thời gian vừa qua. (điều đáng tiếc là bản Thông Cáo Chung có chử ký khán của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Hoà thượng Thích Tịnh Khiết đã không được các cấp chính quyền thi hành).
Ngắm nhìn bức ảnh đã được chụp cách đây hơn sáu mươi năm, tôi thấy tâm mình rung động vì cảm nhận được sự nhiệm mầu đã xảy ra như được Long Thần Hộ Pháp sắp sẵn. Hoà thượng Huyền Quang lúc đó tương đối trẻ (chỉ mới 44 tuổi) và chưa phải là hàng giáo phẩm cao cấp nhất của PG, nhưng cơ duyên đã an bài cho ngài được nâng trên tay trái tim bất biệt của Bồ-tát như là một sự uỷ thác truyền thừa mạng mạch Phật giáo nước nhà trong tương lai.
Không ai ngờ rằng vị Thượng toạ trẻ tuổi Huyền Quang lúc đó ba mươi năm sau đã trở thành vị lảnh đạo cao nhất trong GHPGVNTN. Mầu nhiệm thay khi đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu, đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch vào ngày 23.4.1992, HT. Huyền Quang đã phụng hành di huấn của đại lão Hoà thượng nhận ấn tín của giáo hội PGVNTN trong cương vị Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống. Và rồi ngài đã trở thành Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN. Với tôi đây là một sự nhiệm mầu của Phật pháp mà không phải ai cũng nghĩ đến!
Mấy ngày này đang diễn ra đại lễ Phật đản Vésak tại Việt Nam. Trái tim bất diệt của Bồ- tát Thích Quảng Đức được tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự để phật tử chiêm bái, đảnh lễ.
Sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu để chống đối cho sự đàn áp Phật giáo của chính quyền TT. Diệm và cầu nguyện cho sự trường tồn của Phật giáo vượt qua cơn pháp nạn đã gây chấn động toàn thế giới. Trước lúc tự thiêu, HT. Thích Quảng Đức có để lại một bức thủ bút bằng chữ Nôm. Đây là một văn bản rất ít người được biết đến và chính là lời tâm nguyện của HT Thích Quảng Đức trước lúc đi về miền Tây phương cực lạc.
Phiên âm:
“Lời nguyện tâm quyết
Tôi là Tỳ kheo Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm Phú Nhuận Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa. Tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên toạ thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dưỡng chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức, Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.
Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.
Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, đều thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Làm tại chùa Ấn Quang ngày bốn tháng sáu năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba.
Tỳ kheo Thích Quảng Đức thủ ký.”
Trong hàng trăm nhân chứng chứng kiến cảnh HT Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt thì có 5 nhân vật là tường tận nhất:
1. Hoà thượng Thích Đức Nghiệp: người hỗ trợ cho HT Quảng Đức được thực hiện tâm nguyện.
2. Đại đức Thích Chơn Ngữ, thế danh Huỳnh Văn Hải, người tưới xăng lên mình Ngài Quảng Đức.
3. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông, người được cho là mật vụ của TT Diệm, chứng kiến từ đầu sự kiện HT Quảng Đức tự thiêu.
4. Thông tín viên Malcolm Browne, nguyên là Trưỏng nhiệm sở của Thông tấn xã Mỹ Associated Press (AP) tại Sài Gòn. Ông là một trong những nhà báo ngoại quốc được thông báo trước để quan sát cuộc Tự thiêu của Ngài Quảng Đức. Tấm hình chụp cuộc tự thiêu của ông được giải thưởng World Press Photo of the Year (1963).
5. Nhà văn, nhà báo David Halberstam (1934-2007), chuyên gia về những vấn đề Việt Nam cho nhật báo The New York Times tại Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1960’. Ông có mặt tại hiện trường trong cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức. Sau đó, ông tường trình lại cuộc tự thiêu nầy trên The New York Times và nhờ vậy được Giải thường báo chí Putlizer năm 1964, năm ông mới 30 tuổi.
Sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu để bảo vệ đạo pháp cách đây hơn sáu mươi năm về trước đã được các sử gia, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá… trong và ngoài nước nhận định, phân tích một cách thấu đáo với góc nhìn đa chiều và khách quan, tưởng cũng đã minh bạch lắm rồi!
Đối với hậu thế muốn tìm hiểu sự kiện lịch sử này một cách nghiêm túc thì đã có hành trăm tài liệu, hàng ngàn trang sách viết ra tha hồ mà tìm hiểu để có cái nhìn khách quan và trung thực. Chứ đừng vội vàng thấy một vị “sử gia facebook” nào đó với thâm ý của họ đăng một status hay một bức ảnh, viết vài dòng chữ lấp lững rồi vội nhào vô cmt với những lời lẽ hằn học, sân hận, xúc phạm đến một Thánh Tử Đạo của Phật giáo, xúc phạm đến đức tin thiêng liêng của hàng chục triệu phật tử, như thể trút được cơn giận hay sự thù ghét một cách hả hê lên đầu những người mà vốn dĩ không hề có gì liên quan đến mình. Mà Phật tử vốn thấm nhuần lời dạy của Đức Phật: “Luôn quay về bên trong để tu tâm ý, sửa chữa những lỗi lầm của mình, chứ không quay ra ngoài mà nói lỗi của người klhác cho dù họ có xúc phạm đến mình”, thế nên họ tiếp tục múa gậy vườn hoang mà không hề có chút ngại ngần!
Còn chuyện trái tim bất hoại của Bồ tát Thích Quảng Đức thì sử sách cũng đã ghi lại một cách minh bạch rồi ai muốn tìm hiểu để hiểu biết một cách tường tận cũng không khó, có hàng trăm tư liệu để cho ai muốn tìm hiểu vấ đề này một cách nghiêm túc.
Vào những tháng cuối năm 1963 bối cảnh xã hội có nhiều biến động, tình hình chính trị bất ổn, chính quyền TT Diệm luôn tìm cách để chiếm đoạt trái tim thiêng liêng này, GHPGVNTN đã gửi Trái Tim Bất Diệt vào Ngân Hàng Thương Tín 17 Bến Chương Dương - Quận I - Sài Gòn từ Tháng 9-1963. Sau năm 1975 trái tim vủa Bồ tát vẫn được bảo quản một cách nghiêm mật tại ngân hàng nhà nước VN. Nhân dịp đại lễ Vésak này trái tim bất diệt của Bồ-tát được rước về Việt Nam Quốc Tự để phật tủ chiêm bái và sau đó được tôn trí ở tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.
Cuối năm 1992 Hòa thượng Thông Bửu trưởng tử của Bồ-tát Quảng Đức đã đặt một khối đá hồng ngọc từ Myanmar để chế tác trái tim bồ-tát tôn thờ tại phòng lưu niệm Bồ-tát Quảng Đức và một trái tim khác chế tác bằng hổ phách được tôn trí trong Đại Hùng Bảo Điện Tổ đình Quán Thế Âm, nhà điêu khắc Thụy Lam đã hoàn thành 2 tác phẩm này trước 40 năm ngày tự thiêu ( 20/4/ Quý Mão- 20/4/ Quý Dậu).
Hình ảnh trái tim màu hổ phách chúng ta thấy trên các trang MXH là phiên bản đã nói ở trên, một số người không tìm hiểu tường tận về trái tim Bồ-tát khi nhìn thấy phiên bản trên đã vội vàng phán: “Trái tim bất diệt của TQĐ mà GHPGVN cho thiên hạ chiêm ngưỡng làm bằng đá muối Hymalaya!”. Đúng là tay nhanh hơn não!
Xin giới thiệu một số trang web và tư liệu về sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức cho những vị nào muốn tham khảo:
https://thuvienhoasen.org/.../27-xuyen-tac-ve-cuoc-tu...
https://quangduc.com/.../tai-sao-trai-tim-ngai-quang-duc...
https://luatkhoa.com/.../hoa-thuong-thich-quang-duc-tu.../
https://thuvienhoasen.org/.../gap-go-giao-su-nguoi-my-goc...
https://nguoiphattu.com/tin-tuc/tai-sao-trai-tim-ngai-quang-duc-thieu-khong-chay.d-4587.aspx
-Bồ-tát Quảng Đức ngọn lửa và trái tim: Mạnh Thát chủ biên
-Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu qua lời kể của ông Nguyễn Văn Thông. (Ông Nguyễn Văn Thông là mật vụ của TT Diệm được phân công theo dõi các cuộc biểu tình của PG lúc bấy giờ).
Nhân ngày đản sinh của Đức Thích-ca từ phụ, xin nguyện cầu cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc, người và người sống trong yêu thương chan hoà./.
Viết trong mùa Phật đản PL 2569-DL 2025.
Tâm Lễ
Nguyễn Ngọc Luật, 07-05-2025.