;
(Kỷ niệm lần thứ 47 Hoà thượng Thích Mật Nguyện viên tịch (1972-2019)
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại, khi nhắc đến phong trào chấn hưng Phật giáo Miền Trung từ 1931 không ai không nhớ đến tên tuổi vang bóng một thời trong các vị pháp sư trẻ lúc đó: Giảng sư Thích Mật Nguyện. Hoà Thượng thế danh là Trần Quốc Lộc, pháp danh Tâm Như, pháp hiệu Mật Nguyện, đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế.
Sinh năm 1911 trong một gia đình truyền thống đạo đức, từ nhỏ theo tân học, đến năm 1926 Ngài xuất gia với Hoà Thượng Giác Tiên, chùa Trúc Lâm Huế. Vốn có sẵn trình độ thế học Ngài tiếp thu Phật pháp rất nhanh. Chỉ năm năm sau (1931) Ngài đã tốt nghiệp đại học Phật giáo vàđược cử vào chức giảng sư của Hội Việt Nam Phật học. Ngài là một trong những vị giảng sư trẻ danh tiếng của Hội thời đó như các Ngài Mật Khế, Mật Hiển, Quy Thiện, Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Thể…
Mang hoài bảo và niềm tin của tuổi trẻ Ngài đã vân du hoằng hoá khắp các tỉnh miền Trung từ Nghệ -Thanh đến Khánh Hoà, Phan Thiết. Vừa giảng vừa sáng tác đăng bài trên các tạp chí Phật giáo lúc đó như Viên Âm, Từ Quang, Liên Hoa…
Năm 1937 sau khi được thọ đại giới tại giới đàn chùa Tịnh Lâm (BìnhĐịnh) Ngài lại tiếp tục làm giảng sư Phật Học Đường Tây Thiên Huế. Năm 1946 Ngài được cung thỉnh giữ chức trú trì chùa Linh Quang, trụ sở của Sơn môn Tăng già Thừa Thiên. Đầu năm 1951 đảm trách chức vụ Trị sự trưởng Sơn môn Tăng già Thừa Thiên, Ngài vừa là giáo thọ sư Phật học đường Báo Quốc và là Tổng thư ký của Sơn môn Tăng già Trung Việt.
Từ năm 1954 đến 1964 Ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung Việt. Năm 1959 đại hội Giáo Hội Tăng già toàn quốc kỳ 2 tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn) đã cung thỉnh Ngài làm Trị sự phó Giáo Hội Tăng già toàn quốc kiêm Trưởng ban Nghi lễ. Năm 1963 pháp nạn xảy ra, Ngài là một trong những bậc tôn đức lãnh đạo uy tín tại miền Trung đấu tranh bảo vệ đạo pháp. Năm 1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài được mời giữ chức Phó đại diện Miền Vạn Hạnh kiêm tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên. Năm 1968 Ngài được công cử đảm nhiệm chức vụ Chánh đại diện Phật Giáo Miền Vạn Hạnh kiêm tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên và thị xã Huế.
Mặc dù bận rộn với bao công tác của Giáo Hội Ngài cũng dành thời gian để làm các Phật sự khác như: Khai sáng chùa Từ Hàng Quan Âm tại quận Nam Hoà (1957),kiến tạo Quan Âm Đài trên núi tứ tượng quận Nam Hoà (ngày nay thành trung tâm du lịch Phật giáo thuộc Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Thừa Thiên-Huế mà hằng năm tổ chức Lễ Hội Quán Thế Âm vào ngày 19/6/âm lịch), trùng kiến chùa Linh Quang Huế (1960). Ngài đã nhận lời cung thỉnh làm Chánh chủ đàn, cố vấn Ban tổ chức hoặc Chứng minh đạo sư các giới đàn Vạn Hạnh Huế (1964), Vĩnh Gia Đà Nẵng (1970), giới đàn Nha Trang, Long Khánh… Ngài đã cùng với chư tôn đức mở lớp chuyên khoa nội điển Liễu Quán tại chùa Linh Quang Huế (1967), chuyên khoa Phật học Ni viện Diệu Đức Huế (1970)…
Trong thời gian từ 1963 –1972 miền Trung là nơi xảy ra nhiều biến động, Pháp nạn liên tục, biến cố Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972. Là một người lãnh đạo Giáo hội trong cơn nguy khốn, sự thế đảo điên, nhân tâm ly tán, Ngài đã cùng chư Tôn đức bôn ba từ nơi này đến nơi khác uỷ lạo trấn an. Vừa đối nội, vừa đối ngoại. ngài đã là trung tâm hoá giải những chính kiến dị biệt để cùng nhau lèo lái con thuyền Giáo Hội qua bao sóng gió.
Đối với hàng đệ tử Ngài đã dạy: “…Các con phải nhìn hoàn cảnh, xét nội tâm, cố gắng tinh tiến và gia tâm tu học, diệt trừ dục vọng và ma oán để thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sanh…”.
Suốt một đời Ngài đã hy sinh không ngừng nghỉ cho Giáo hội, cho quần chúng nhân dân, mãi đến lúc phát bạo bệnh vẫn lo cho sự tồn vong của Đạo Pháp. Nhưng rồi thân tứ đại phải trở về với tứ đại, cánh chim bằng đã ngưng vỗ cánh để quay về với tịch xứ hằng nhiên. Ngài ra đi giữa lúc đất nước còn ngửa nghiêng, Giáo hội đang lênh đênh giữa bao song gió thời cuộc. Ngài đã rũ áo lâm hành giữa vô vàn kính thương của Tăng Ni tín đồ Phật tử vào ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Tý (18/8/1972), trụ thế 62 năm, 35 hạ lạp. “SƠN HÀ BI LỆ”, giới thức giả ngày ấy đã cảm nhận như vậy trong bức trướng kính viếng Ngài. Chư Tôn Đức trong Hội Đồng lưỡng viện GHPGVNTN, những đồng sự pháp lữ của Ngài ngày đó đã ngậm ngùi ai điếu:
ĐỒNG BÀO CÒN ĐAU KHỔ, NHÂN LOẠI CÒN NHIỄU NHƯƠNG, LÁ VÀNG RƠI XƠ XÁC CỘI BỒ ĐỀ, HOÀ THƯỢNG RA VỀ CHI QUÁ VỘI !
ĐẠO PHÁP CẦN PHÁT HUY, ĐÀN EM CẦN HƯỚNG DẪN, MÂY TRẮNG PHỦ LỜ MỜ TRĂNG BÁT NHÃ, CHÚNG TÔI Ở LẠI TÍNH SAO ĐÂY !
Năm tháng qua đi, thời gian đã phủ lớp bụi mờ trên dòng sinh diệt có không, nhưng những công hạnh của Ngài vẫn ngời sáng trong lòng Tăng Ni Phật tử và mãi mãi là tấm gương để hậu thế muôn đời noi theo.
Đệ tử: TÁNH CẦN -TÁNH THUẦN cẩn bái