;
Một hôm, trước giờ bố-tát của chư Tăng tại chùa Từ Đàm, Huế, chư Tăng đang chuẩn bị y áo để lên chánh điện nghe giới. Hòa thượng bỗng cao tiếng hỏi: “Các thầy nghĩ thế nào về câu kệ: Vô thượng thậm thâm vi diệu Pháp…?”. Đó là câu mở đầu trong bài kệ “khai kinh” (mở kinh) rất quen thuộc với tất cả Tăng Ni Phật tử. Ai cũng nằm lòng.
Cái quá quen thuộc bỗng trở nên cái quá xa lạ với mọi người. Tiếng lao xao trò chuyện của một số người bỗng im lặng. Cả thiền đường im lặng. Hòa thượng tiếp: “Vô thượng không có nghĩa là không với tới, thậm thâm không có nghĩa là không thể đạt đến”. Cả thiền đường im phăng phắc. Chỉ có mùi hương trầm thoảng nhẹ trong hư không.
“Vô thượng thậm thâm, không với tới được, không đạt tới được là vì cái quá bình thường nó chặn lại. Đạo Phật là đạo Vô ngã, nếu lấy cái ngã mà hiểu thì làm sao có thể hiểu được cái cao xa, sâu sắc của Phật pháp. Lấy cái ngã để làm thì làm sao thâm nhập Phật pháp. Cũng giống như khi vào chùa lạy Phật, không để tâm nơi lễ Phật mà nhìn quanh, nhìn trước, nhìn sau, coi thử vị trí mình đang đứng có đúng với danh phận mình trong Giáo hội, ngoài đời chưa.
Lạy Phật như vậy thì chỉ thấy mình mà không thấy Phật”. Hòa thượng tiếp câu nói, rồi thong dong đắp y hậu lên chánh điện niệm hương bạch Phật. Chư Tăng tháp tùng theo trong mùi hương trầm quyện tỏa.
Câu chuyện này chúng tôi được nghe trong một lần hầu chuyện với Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội PG Thừa Thiên Huế nhân Hòa thượng vào TP. HCM dự phiên họp cuối năm vừa qua của Trung ương Giáo hội.
Hòa thượng Giác Quang kể lại trong niềm kính nhớ sâu xa và tiếc nuối về sự ra đi của những bậc Thầy, những người tu. Đôi khi quý ngài không làm gì, nhưng luôn là nơi nương tựa tâm linh của nhiều người, nhất là giữa lúc sự nhiễu nhương lại được công khai chấp nhận là chuyện bình thường.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu là người gần gũi với mọi người. Càng cao tuổi, Hòa thượng càng quý thời gian, đọc, nghiên cứu, dịch kinh luận, trách nhiệm Giáo hội trước Tăng Ni Phật tử…, điều Hòa thượng nhất là gần gũi người trẻ, lắng nghe họ nói với niềm từ ái và chia sẻ.
Con người Hòa thượng toát lên điều gì đó chân thật, đôi khi như lão nông. Mà có khi là lão nông thật. Một lão nông thâm nhập Phật pháp. Nhẹ nhàng, thanh thoát tự nhiên. Phật pháp với Hòa thượng cũng như chuyện gieo mạ, chăm lúa. Việc của mình. Việc bình thường. Không nói năng to tát.
Một mẫu chuyện khác, do Tăng Ni sinh tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ghi lại. Một hôm, Hòa thượng lên lớp giảng về giáo lý Vô ngã. Sự đối chiếu rộng, suy chiếu sâu làm không ít người tỏ ra thích thú.Kết luận của chuyên đề đó không phải bằng cách trích dẫn một nhận định của một học giả nào đó như thường thấy, mà Hòa thượng trở về lối nói của… “lão nông” thâm nhập Phật pháp: “Đạo mình là đạo Vô ngã, nhưng coi chừng, không thì ngã…vô (vào – NV) hồi nào không biết”. Đạo Phật không phải là lý thuyết mà chính là thực hành. Học để hành. Xoay một cái, giáo lý Vô ngã đi vào cuộc sống. Nhiều người ngơ ngác sực tỉnh. Buổi học kết thúc trong tiếng cưới.
Xin được kể như vậy, chỉ hai trong nhiều câu chuyện khác liên quan đến Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm quà đầu năm theo phong tục ngày Tết cổ truyền của thiền môn. Đây cũng chỉ là điều người viết nghe được trong sự giới hạn của mình, còn muôn vàn câu chuyện thiền vị sinh động khác liên quan trong ứng xử đời thường của các bậc Thầy, những người học – hành theo lời Phật.
Mọi vấn đề, với người học Phật, có nguồn gốc tự nội. Hạnh phúc, bất như ý, không toại nguyện , hỷ xả, ghen tỵ, từ ái cũng từ nơi mình…tùy thuộc việc có thực hành phần nào giáo lý “vô ngã” của Đức Phật đã dạy hay đang bị…ngã vào cái ngã đầy những rối rắm của chính mình mà thôi.
Tạp Chí văn Hóa Phật Giáo số 74