;
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1254 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Chỉ cần những cú click chuột, tiếng lạch cạch của bàn phím và tiếng chuông thông báo của mạng xã hội, nghệ thuật trò chuyện và giao tiếp đã bị thu gọn thành những bình luận nhanh chóng, liều lĩnh, dẫn dắt dư luận và phong phú như một bữa chè chén toàn đồ ăn nhanh và cũng không kém phần sôi nổi như một cuộc trộm xe hơi đầy kịch tính.
Bàn phím và điện thoại thông minh trên tay mỗi chúng ta có thể tạo thành một bãi chiến trường, nơi sự kiềm chế bị đẩy lên đỉnh điểm, và hầu hết trong các trường hợp, lực đẩy này lại luôn là kẻ chiến thắng. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số và các thông tin lan tràn trên mạng, thì con đường Bát chánh đạo của Phật giáo, đặc biệt là chánh ngữ, là một liều thuốc giải cho những nỗi ưu tư và phiền não như thế.
Chánh ngữ, một trong những phẩm chất đạo đức của Phật giáo, không phải là sự kiểm duyệt sau khi đã thốt ra lời nói, mà là ý định, nhận thức và những gì gợn sóng trong tâm trí của chúng ta trước khi sắp sửa cất lời. Hãy tưởng tượng nếu trước khi đưa ra một câu bình luận nửa vời đối với một tiêu đề nào đó trên màn hình vừa thoáng lướt qua, chúng ta hãy thử dừng lại, hít thở thật sâu và cân nhắc sức nặng của lời nói cũng như những bình luận mà chúng ta sắp sửa phun ra một cách vô tâm từ chiếc điện thoại thông minh của mình.
Chánh ngữ cũng không phải là một cái rọ mõm ngày xưa mà là một ý niệm mang tính cách mạng, phải thoát khỏi sự cám dỗ để không trở thành một phần của tiếng ồn náo ngoài kia, kiềm chế bản thân để có thể nói không với việc thảy đồng xu duy nhất của mình vào một đài phun nước với đầy ắp những đồng xu khác.
Khi cuộn qua bất kỳ phần bình luận nào, bạn sẽ chứng kiến một bãi chiến trường hỗn độn do những cái lưỡi không được kiểm soát gây ra (có thể là những ngón tay trong trường hợp này). Mỗi bình luận thể hiện sự háo hức “mắc nói” của những người phía sau màn hình điện thoại hơn là sự tương tác có ý nghĩa đối với bài viết, và thường bày tỏ cho thiên hạ biết về bản thân họ hơn là những gì họ hiểu và nhận ra.
Những dòng bình luận ngắn gọn nhưng vô tận hầu hết chỉ là những cuộc nói chuyện phiếm vô ích. Hành động bình luận đó tự nó đã bị chìm nghỉm trong một căn phòng ồn ào, nơi mà việc lắng nghe và thấu hiểu bị chính sự vội vã chà đạp đến mức thương vong. Hãy để mạng xã hội thực sự hoạt động bình thường như một nơi kết nối chúng ta với gia đình và bạn bè đang sống rải rác đâu đó trong một thế giới bận rộn, ồn ào và khắc nghiệt như hiện nay.
Như những gì đã nói ở trên, sự thúc đẩy phải nói lên quan điểm cá nhân của mình về những chuyện viển vông, ngay cả khi nó chỉ mới hình thành được nửa vời, cũng đã trái với truyền thống thiền tập của Phật giáo, bởi mọi hành động và lời nói đều xuất phát từ suy nghĩ. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xem mỗi bình luận là một viên sỏi thả vào nước, những gợn sóng của nó sẽ lan ra và rộng khắp. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với một bài đăng trên mạng xã hội, nó thực sự có thể tạo ra một hố sâu tâm lý bên trong mỗi người.
Giới luật về khẩu nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng của chánh ngữ không chỉ đơn thuần là một phương tiện để kiềm thúc tâm thức loạn động mà còn là một cách để giải thoát bản thân ra khỏi những hành nghiệp xấu ác một cách căn bản nhất. Thông qua sự kết nối với phẩm chất đạo đức này, chúng ta học cách chọn lọc những ngôn từ có tính khai mở, khuyến khích, và chân thành nhất.
Lời nói của chúng ta thậm chí có thể khơi dậy cảm xúc trong tâm người khác, nhưng nói chung, tất cả đều phải xuất phát từ nhận thức và ý định rõ ràng. Đây không phải là kiểm soát, mà là sự giải phóng - một phương pháp dẫn đến sự tương tác tỉnh thức có thể biến căn phòng bình luận lố bịch với những phản ứng có điều kiện theo kiểu Páp-lốp trở thành một không gian dành cho một cuộc đối thoại nội tâm nhằm đưa ra những giải pháp cho chính bản thân mình.
Đối với những bộ óc sẵn sàng dũng cảm bơi ngược lại những thác ghềnh dữ dội của sự vội vã và xem các loại bình luận là vô ích, thì đây là một đề xuất cấp tiến: hãy đọc các bài báo phản ánh đầy đủ các sự kiện. Sau đó, nếu được, bạn hãy để lại nhận xét mang tính đóng góp trên tinh thần tôn trọng việc trao đổi ý tưởng. Đây là chánh ngữ trong thời đại kỹ thuật số: kiềm chế là nổi loạn và chú tâm tỉnh giác là thái độ mang tính cách mạng.
Phần bình luận là mô hình thu nhỏ của thế giới. Nó có thể là vùng đất hoang vu nơi sản sinh ra những lời nói vô giá trị, nhưng cũng có thể là nơi ẩn náu của những trao đổi sâu sắc. Bằng cách áp dụng chánh ngữ, chúng ta có thể lựa chọn một trong hai điều sau. Chúng ta có thể chọn tôn trọng sự im lặng cũng như việc lên tiếng, coi trọng sự góp ý xây dựng hơn là phản ứng và cố chấp vào sự hiểu biết của bản thân, xem đó là trung tâm của sự giao tiếp. Hoặc chúng ta thả trôi tư tưởng của mình vào vùng đất hoang vu của ngạ quỷ lang thang trong trạng thái vô minh tự mình chuốc lấy. Ở đây, sự lựa chọn là chìa khóa quan trọng!
Vì vậy, lần tiếp theo khi sắp sửa bình luận một điều gì đó, hãy tạm dừng lại, suy nghĩ thật sâu rồi mới lên tiếng. Hãy sử dụng lời nói của chúng ta dưới sự soi sáng của chánh niệm và trí tuệ. Và hãy thực tập lời nói đúng đắn. Mỗi khoảnh khắc, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ đều là những câu kinh tuyệt vời mở ra trước mắt ta và dạy cho chúng ta rất nhiều điều nếu biết quan sát và suy xét. Vậy nên hãy cẩn thận!
Tâm Tuệ dịch/Báo Giác Ngộ