;
Không biết họ sẽ lấy đâu ra tiền để lo cho con đi học? Nào là tiền trường, quần áo, tập vở, bút mực… Đó là chưa nói có những nhà một lúc 2 - 3 đứa con cùng tuổi ăn, tuổi học, thì gánh nặng ấy càng nặng nề biết bao. Càng nghĩ, chị càng xót xa, thương cho những cháu học sinh đến trường với chiếc áo sờn vai, chiếc cặp cũ kỹ, trong đó chưa có quyển tập mới nào.
Chị Ba Sương thấy mình phải có trách nhiệm làm một điều gì đó thiết thực, nhằm chia sẻ khó khăn, vất vả với những gia đình nghèo. Chị Ba Sương vận động bà con, bạn bè thân thuộc, cùng chung góp tiền bạc đi mua nào là tập vở, quần áo, bút mực... tặng cho các cháu học sinh nghèo. Cháu nào nhà xa, chị còn tặng thêm xe đạp, chỉ với một yêu cầu là các cháu phải siêng năng học tập cho thật giỏi, để mai sau này giúp ích cho đời, giúp lại cho học sinh nghèo.
Việc làm xuất phát từ tấm lòng đầy nhân ái của chị Ba Sương được mọi người đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, chị Ba Sương được Hòa thượng Thích Giác Thuận, Viện chủ chùa Như Lai quận Gò Vấp, TPHCM hết lòng động viên, giúp đỡ. Hòa thượng còn hướng dẫn cho chị cách làm từ thiện đúng với đạo, hợp với đời, vừa hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động lâu dài, để người nghèo lúc nào cũng được giúp đỡ. Qua đó, Ban Từ thiện chùa Như Lai ra đời, đến nay đã tròn 20 năm. Nơi này đã trở thành địa chỉ thân thiện với người nghèo trên mọi miền đất nước.
Cũng nhờ tâm huyết cộng với uy tín, chị Ba Sương được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng ban. Dốc lòng cho việc thiện, chị Ba Sương cùng Ban Từ thiện chùa Như Lai thành lập Ban Tương tế, lo giúp đỡ miễn phí toàn bộ hậu sự cho người nghèo chẳng may qua đời. Nhờ đó mà nhiều gia đình nghèo qua được cơn khốn khó. Những năm các tỉnh miền Tây Nam bộ bị lũ lụt, chị Ba Sương cùng Ban Từ thiện chùa Như Lai lại tất bật lên đường. Hành trang mang theo cho mỗi chuyến đi nào là gạo, mì gói, quần áo, thuốc men, mùng mền, xuồng ba lá và tiền mặt… Chi phí cho mỗi chuyến từ thiện như vậy hàng trăm triệu đồng.
Hình ảnh người phụ nữ luống tuổi với nụ cười hồn hậu luôn nở trên gương mặt chị Ba Sương, không chỉ quá quen thuộc và thân thương với bà con miền Tây, mà nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng chẳng lạ gì. Những năm các tỉnh phía Bắc bị rét đậm rét hại hoành hành, chị Ba Sương và Ban Từ thiện chùa Như Lai cũng có mặt kịp thời tận nơi giá rét ấy. Những món quà từ miền Nam được chị mang ra miền Bắc với tất cả nghĩa tình sâu đậm, phần nào sưởi ấm bà con trong cái rét giá buốt tê người. Mỗi khi năm hết tết đến, cũng như Trung thu hàng năm, chị Ba Sương như con thoi, đi hết nơi này đến nơi nọ, tặng quà tết cho người nghèo, tặng bánh Trung thu, lồng đèn cho các cháu. Chị đi đến đâu, là nơi ấy có niềm vui và ấm áp tình người. Những căn nhà mục nát sắp sập vì chủ hộ nghèo quá không có tiền cất lại, được thay thế bằng những căn nhà tình thương xinh xắn, ấm cúng do chị Ba Sương và Ban Từ thiện chùa Như Lai vận động xây dựng. Những căn nhà như vậy cứ tiếp tục mọc lên ở nhiều nơi. Rồi những chiếc cầu bê tông kiên cố, thay thế cho những chiếc cầu khỉ được hoàn thành, tạo nét đẹp mới cho những vùng sâu, vùng xa ở đồng bằng sông Cửu Long.
Làm được nhiều việc thiện như vậy, nhưng nếu có ai hỏi chị Ba Sương đã làm được những gì, thì chị chỉ cười và lắc đầu, “có làm được bao nhiêu đâu, bà con còn nghèo quá, mình còn cần phải làm nhiều hơn nữa”. Chỉ tính riêng 2 năm 2009 và 2010, chị Ba Sương cùng Ban Từ thiện chùa Như Lai đã giúp cho người nghèo 3 tỷ 580 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã giúp 1 tỷ 70 triệu đồng. Qua 20 năm hết lòng vì người nghèo, chị Ba Sương được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng kỷ niệm chương về thành tích giúp đỡ người nghèo và UBND TPHCM, UBMTTQ TPHCM cũng tặng nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích này.
Nhận xét về chị, Hòa thượng Thích Giác Thuận, Viện chủ chùa Như Lai, cho rằng: “Việc làm nhân nghĩa của chị Ba Sương đã góp phần tô điểm cho tình người thêm nồng ấm. Một việc làm không phải vì thành tích, mà vì cái tâm từ bi cứu giúp những mảnh đời bất hạnh”.