;
Cần thống nhất quan điểm về am, cốc, thất
Xóa am, cốc, thất tự phát và mục tiêu phát triển giáo điểm ở các đô thị vệ tinh TPHCM
Đề xuất một giải pháp về vấn đề Am, cốc, thất
Am, cốc, thất: phủ nhận hay chấp nhận?
Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am khác nhau như thế nào ?
1. Dẫn vào giới thiệu tư liệu:
Gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một địa phương có ban hành một văn bản, đưa ra khái niệm tự viện chưa hợp pháp, trong đó có tiêu chí về đất tôn giáo.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, xin giới thiệu dưới đây bài viết: ““Địa điểm hợp pháp” trong quy định của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo”, tác giả ông Nguyễn Khắc Huy, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ, đăng trên Tạp chí Công tác tôn giáo.
Đọc bài viết này, đối chiếu với quan điểm tự viện hợp pháp phải có đất là đất tôn giáo, thì coi chừng buộc tự viện hợp pháp phải là tự viện đất tôn giáo là vi phạm Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành (sẽ có bài phân tích chi tiết, cụ thể sau).
Bài viết được giới thiệu dưới đây còn là gợi ý thảo luận vấn đề thế nào là “địa điểm hợp pháp” cho sinh hoạt tôn giáo, vốn được tư liệu được giới thiệu đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Tư liệu được giới thiệu mở đầu bằng việc trích dẫn Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành như sau: “Khoản 15 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) về giải thích từ ngữ quy định: “Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Đây là một trong những quy định mới của Luật so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong các hoạt động tôn giáo liên quan đến địa điểm phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo tập trung hay đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc”.
Tư liệu được giới thiệu kết thúc như sau: “Quy định về “địa điểm hợp pháp” là một trong những điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây nhằm tháo gỡ những bất cập của Pháp lệnh với các quy định pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo được thuận lợi. Việc thực hiện theo quy định mới này đã giải quyết được vấn đề đặt ra là tổ chức, các nhân có nhu cầu sinh hoạt, hoạt động tôn giáo nhưng chưa có địa điểm được giao cho mục đích tôn giáo, nếu được chấp thuận hoạt động có thể thuê, mượn “địa điểm hợp pháp” để phục vụ cho hoạt động tôn giáo”.
Như vậy, “địa điểm hợp pháp” của hoạt động tôn giáo, trong đó có tự viện, không phải chỉ là các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho mục đích tôn giáo mà còn có thể thuê, mượn “địa điểm hợp pháp, nghĩa là chỉ cần hội đủ điều kiện “có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
Đối với Phật giáo, nếu cho rằng địa điểm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho mục đích tôn giáo là tự viện chưa hợp pháp là trái với Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành.
Tuy nhiên, tư liệu được giới thiệu có đưa ra hai cách hiểu khác nhau như sau: “Quá trình thực hiện Luật liên quan quy định này đã có những ý kiến trong cách hiểu và áp dụng, cụ thể: có ý kiến cho rằng, quy định địa điểm hợp pháp phải là địa điểm đã được giao cho mục đích tôn giáo hoặc có mục đích sử dụng cho hoạt động tôn giáo; ý kiến khác cho rằng, địa điểm hợp pháp theo quy định này với đất là bao gồm tất cả các loại đất trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp...
Qua tham khảo Luật và các quy định pháp luật có liên quan, xin chia sẻ như sau:
Thứ nhất, về ý kiến cho rằng “địa điểm hợp pháp là bao gồm tất cả các loại đất trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp:
Tại Điều 1 của Luật quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong đó có “hoạt động tôn giáo” là một trong những phạm vi được điều chỉnh; Điều 2 về giải thích từ ngữ quy định cách hiểu một số từ ngữ trong các quy định của luật này, trong đó có quy định về “địa điểm hợp pháp”.
Như vậy, “địa điểm hợp pháp” theo cách giải thích như trên chỉ nhằm đáp ứng các quy định của Luật để điều chỉnh đối với “hoạt động tôn giáo” và chỉ áp dụng cách hiểu đó trong khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các điều luật có liên quan quy định này. Riêng đất đai với cách hiểu là “địa điểm hợp pháp” trong Luật đương nhiên phải là những địa điểm phù hợp cho việc làm trụ sở tổ chức tôn giáo, cơ sở đào tạo tôn giáo, nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung cho cộng đồng tôn giáo.
Chắc chắn đất nông nghiệp như đất trồng lúa, đất lâm nghiệp như vườn quốc gia, rừng phòng hộ.... không thể là địa điểm thích hợp để đề nghị cho các hoạt động nêu trên. Vì vậy, việc xác định “địa điểm hợp pháp” phù hợp để chấp thuận việc sinh hoạt tôn giáo tập trung và các hoạt động tôn giáo liên quan khi có đề nghị của tổ chức tôn giáo là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật”.
Căn cứ khoản 15, Điều 2 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành, thì “đất đai hợp pháp” không giới hạn loại đất. Như vậy, cách hiểu có loại đất bị loại trừ như đất trồng lúa, đất lâm nghiệp... là không đúng với nội dung Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành.
Phật giáo là tôn giáo có nhiều sinh hoạt dã ngoại, như thiền hành, thiền định dưới bóng cây theo truyền thống thời Đức Phật. Cho nên, đất rừng, đất trồng cây ăn quả lâu năm... vẫn có thể là những địa điểm sinh hoạt của Phật giáo.
Nếu đất đó có “quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật” thì vẫn có thể được chấp thuận là địa điểm hợp pháp cho sinh hoạt tôn giáo. Đối với Phật giáo đó là địa điểm hợp pháp cho tăng ni tu học.
Một vị sư có kể lại với tôi, trước đây chính quyền không chấp nhận cho tăng ni lập am, cốc, thất tạm tu dưới tán rừng của núi Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên sau này, tăng ni đã không còn bị ngăn cấm, xua đuổi.
Cách hiểu “địa điểm hợp pháp” sinh hoạt tôn giáo loại trừ một số loại đất chẳng những không phù hợp với Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành mà còn không phù hợp với Phật giáo Việt Nam, ảnh hưởng đến việc tu học của tăng ni muốn xa lánh trần tục, ẩn tu nơi rừng núi.
Trong trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau về luật pháp, thì chúng ta phải kiên định căn cứ đúng câu chữ, lời văn của văn bản luật và không chấp nhận mọi sự suy diễn chủ quan không có trong luật.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có thể căn cứ một cách triệt để văn bản luật, vì nếu có những quyết định không phù hợp, cơ quan đó có thể bị khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính.
Còn những văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp nếu không đúng với pháp luật thì tăng ni Phật tử phải căn cứ vào pháp luật và không căn cứ vào những văn bản trái pháp luật. Những văn bản trái pháp luật mặc nhiên vô hiệu.
2. Xuất xứ tư liệu:
2.1. Tên tư liệu: ““Địa điểm hợp pháp” trong quy định của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo”.
2.2. Tác giả: Nguyễn Khắc Huy (Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ).
2.3. Thông tin xuất bản: Tạp chí Công giáo Tôn giáo, số 10 (158), 10/2019 năm thứ mười lăm, số 9-2018, trang 23-24.
3. Trích dẫn giới thiệu:
“Địa điểm hợp pháp” trong quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo
Khoản 15 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) về giải thích từ ngữ quy định: “Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Đây là một trong những quy định mới của Luật so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong các hoạt động tôn giáo liên quan đến địa điểm phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo tập trung hay đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Trong Luật, tại các Điều 16, 17 về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; các Điều 18, 19 về đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 22 về công nhận tổ chức tôn giáo; các Điều 28, 29 về thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; các Điều 37, 38, về thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo và Điều 47 về sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đều có quy định về điều kiện phải có địa điểm hợp pháp và giấy tờ chứng minh tính hợp pháp đó để sử dụng cho sinh hoạt tôn giáo tập trung hoặc đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo.
Quá trình thực hiện Luật liên quan quy định này đã có những ý kiến trong cách hiểu và áp dụng, cụ thể: có ý kiến cho rằng, quy định địa điểm hợp pháp phải là địa điểm đã được giao cho mục đích tôn giáo hoặc có mục đích sử dụng cho hoạt động tôn giáo; ý kiến khác cho rằng, địa điểm hợp pháp theo quy định này với đất là bao gồm tất cả các loại đất trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp...
Qua tham khảo Luật và các quy định pháp luật có liên quan, xin chia sẻ như sau:
Thứ nhất, về ý kiến cho rằng “địa điểm hợp pháp là bao gồm tất cả các loại đất trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp:
Tại Điều 1 của Luật quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong đó có “hoạt động tôn giáo” là một trong những phạm vi được điều chỉnh; Điều 2 về giải thích từ ngữ quy định cách hiểu một số từ ngữ trong các quy định của luật này, trong đó có quy định về “địa điểm hợp pháp”.
Như vậy, “địa điểm hợp pháp” theo cách giải thích như trên chỉ nhằm đáp ứng các quy định của Luật để điều chỉnh đối với “hoạt động tôn giáo” và chỉ áp dụng cách hiểu đó trong khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các điều luật có liên quan quy định này. Riêng đất đai với cách hiểu là “địa điểm hợp pháp” trong Luật đương nhiên phải là những địa điểm phù hợp cho việc làm trụ sở tổ chức tôn giáo, cơ sở đào tạo tôn giáo, nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung cho cộng đồng tôn giáo.
Chắc chắn đất nông nghiệp như đất trồng lúa, đất lâm nghiệp như vườn quốc gia, rừng phòng hộ.... không thể là địa điểm thích hợp để đề nghị cho các hoạt động nêu trên. Vì vậy, việc xác định “địa điểm hợp pháp” phù hợp để chấp thuận việc sinh hoạt tôn giáo tập trung và các hoạt động tôn giáo liên quan khi có đề nghị của tổ chức tôn giáo là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật.
Thứ hai, về ý kiến cho rằng “địa điểm hợp pháp” là đất, nhà ở hoặc công trình đã được giao cho mục đích tôn giáo:
Khoản 4, Điều 102 Luật Đất đai 2013 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất quy định: “Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Được Nhà nước cho phép hoạt động; (b) Không có tranh chấp; (c) Không phải là đất nhận chuyển nhượng, tặng cho sau ngày 01-7-2004.
Điều 159 Luật Đất đai 2013 về đất cơ sở tôn giáo quy định: “(1) Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo”.
Trong các điều của Luật có quy định liên quan đến “địa điểm hợp pháp” đều là các trường hợp tổ chức đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được sinh hoạt tôn giáo tập trung, hoạt động tôn giáo của tổ chức, công nhận tổ chức tôn giáo hoặc thành lập mới tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo.
Theo quy định của các Điều 102, 159 Luật Đất đai 2013 nêu trên, chỉ có các cơ sở được Nhà nước cho phép hoạt động tôn giáo mới được giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho mục đích tôn giáo, trong khi các trường hợp theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nêu trên mới đang đề nghị Nhà nước cho phép sinh hoạt, hoạt động thì đương nhiên chưa có địa điểm được giao cho hoạt động tôn giáo.
Quy định về “địa điểm hợp pháp” là một trong những điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây nhằm tháo gỡ những bất cập của Pháp lệnh với các quy định pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo được thuận lợi.
VIỆC THỰC HIỆN THEO QUY ĐỊNH MỚI NÀY ĐÃ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ ĐẶT RA LÀ TỔ CHỨC, CÁC NHÂN CÓ NHU CẦU SINH HOẠT, HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO NHƯNG CHƯA CÓ ĐỊA ĐIỂM ĐƯỢC GIAO CHO MỤC ĐÍCH TÔN GIÁO, NẾU ĐƯỢC CHẤP THUẬN HOẠT ĐỘNG CÓ THỂ THUÊ, MƯỢN “ĐỊA ĐIỂM HỢP PHÁP” ĐỂ PHỤC VỤ CHO HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO” (người trích dẫn nhấn mạnh).
MT (giới thiệu)
___________________________
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com,
vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.