nguoiphattu.com Ngày 11 tháng 11 năm 2012, nhằm ngày 28 tháng 09 năm Nhâm Thìn, nhận lời mời của Ban tổ chức, Đại đức Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp THPG Hà Nội đã quang lâm chùa Bằng, có thời pháp thoại với chủ đề “Ý nghĩa của cầu nguyện”.
Cầu nguyện, cầu xin hay ước nguyện là một trạng thái tâm lý mong mỏi một điều gì đó sẽ được thực hiện, sẽ được thành tựu hay xảy ra theo như ý của người mong muốn. Nó phản ánh một thực trạng mong chờ mọi việc diễn ra theo ý muốn của mình.
Tính chất đạo đức của cầu nguyện được xác định tốt hay xấu tùy thuộc vào mục tiêu của nó cũng như hệ quả của nó diễn ra đối với đối tượng được mong cầu. Nếu các ước mong của cầu nguyện hướng về tư lợi, tư hữu về cho mình hay gia đình mình thì Phật giáo cho đây là trạng thái tâm lý “ Tham”. Còn nếu mong muốn điều tốt đẹp đến cho mọi người, cho tất cả chúng sinh được an lạc, hạnh phúc thì là trạng thái tâm lý “ Vị tha”, đây chính là ước nguyện chính đáng và mang tính cách thiện ích.
Cầu an nghĩa là cầu cho một người nào đó hay nhiều người được khỏe mạnh và an lạc. Hay nói cách khác cầu an là mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc. Nó không giới hạn ở việc cầu cho người bệnh sớm khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi…Mà muốn thân được khỏe mạnh, tâm được an vui, theo đạo Phật thì mọi người phải tự trau dồi đời sống đạo đức và trí tuệ, làm các hạnh lợi tha giúp đỡ mọi người, sống đời sống lành mạnh, luôn chính niệm trong từng phút giây của hiện tại, không hoài vọng về quá khứ, không ước muốn về tương lai, sống một cách sáng suốt, bình thản trong hiện tại để khắc chế mọi than ưu ở đời. Người sống được như vậy thì lúc nào cũng “an”, lúc nào cũng khỏe mạnh, hạnh phúc. Trái lại, nếu chúng ta sống buông lung, sa đọa, bỏ rơi hiện tại, không làm các điều thiện, thì có cầu an bao nhiêu cũng không thể an ổn được.
Trong Kinh Pháp Cú, hai câu đầu tiên của Phẩm Song Yếu đức Phật dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não sẽ theo sau
Như xe theo chân vật kéo”
Và
“Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.”
Qua câu kinh trên chúng ta thấy cái “an lạc” hay không là tùy thuộc vào ý của chúng ta. Ý thành tựu hay ý ô nhiễm. Tức là nếu chúng ta nói và làm với tâm thanh tịnh thì an lạc sẽ tới liền chứ không phải đợi đến đời sau, không phải ở một thời gian nào khác. Còn nếu chúng ta khởi một tâm xấu ác thì “quả” sẽ đồng với chúng ta như chiếc xe chạy theo sau con vật kéo, chứ không phải chờ đến đời sau hay tương lai nào hết. Khi chúng ta khởi lên một niệm giận dữ đối với người khác thì ngay lúc đó mình sẽ bị khổ liền. Hoặc mình buồn ai thì “quả” cũng đồng thời theo đó mà tới. Còn nếu mình thương ai, ban phát cho ai cái gì đó, khuyên nhủ được người nào cho họ vui lên thì ngay lúc đó tâm mình sẽ rộng rãi, thênh thang, hoan hỷ…
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết rõ: Nếu chúng ta muốn được an tâm, muốn dứt được hết khổ đau thì chỉ có một cách là chúng ta đừng tham luyến để tâm mình không dao động. Song không dễ điều phục được nó, trong kinh Pháp Cú có ghi rõ:
Tâm khó thấy, tế nhị
Theo các dục quay cuồng
Người trí phòng hộ tâm
Tâm mà được bảo hộ
Thì an lạc sẽ đến.
Chạy xa, sống một mình
Không thân ẩn hang sâu
Ai điều phục được tâm
Thoát khỏi ma trói buộc.
Nhìn lại tâm của chính mình, chúng ta sẽ thấy nó luồn lách rất khéo léo, nó đi từ thái cực này sang thái cực khác một cách rất mau chóng và chúng ta dễ dàng chấp nhận như đã từng chấp nhận bất cứ gì xảy ra trong giấc mộng. Chính vì lẽ đó cho nên điều phục được tâm của chính mình không phải là chuyện dễ dàng.
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng thường luôn cầu nguyện. Song việc cầu nguyện của chúng ta thường khó phân định được đâu là thấp kém, đâu là cao thượng. Cầu nguyện thấp kém là lòng mong ước những điều bất chính, có hại cho nhân quần, xã hội, đi ngược lại lợi ích của số đông. Đôi khi có những lời cầu nguyện xấu đã trở thành những lời nguyền rủa, vị kỷ, cá nhân mà không tùy hỷ với những thành công và hạnh phúc của người khác. Tất cả những ước nguyện như vậy đều thuộc về thấp kém, không có đạo đức.
Cầu nguyện cao thượng là xuất phát từ lòng vị tha, từ tình thương không phân biệt giới tính, giai cấp xã hội, không phân biệt thân sơ, bạn thù, chỉ vì mong mang lại lợi ích, phúc lợi và niềm an vui cho người khác….Chẳng hạn như những ước muốn cho chiến tranh chấm dứt, không còn cảnh máu đổ, không còn cảnh sát hại con người, động vật và môi trường; những ước muốn cho hạnh phúc đôi lứa của kẻ khác được lâu bền, cảnh chia rẽ phân hóa được trở nên đoàn tụ, liên kết nhau; những ước muốn cho mọi người có công ăn việc làm ổn định, không ai cướp bóc sức lao động và tài sản của ai, mọi người yêu thương đùm bọc nhau… là những ước muốn hay cầu nguyện cao thượng có giá trị đạo đức.
Như vậy để có an lạc hạnh phúc, chúng ta phải tu tập công đức, làm việc lành, sống tiết chế, ăn uống ngủ nghỉ thích hợp, an trụ vào hiện tại, lấy chính niệm và sự tỉnh thức làm phương châm cuộc sống. Được như thế thì sự an lạc sẽ hiện diện như người bạn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc đời.
Sau đây là một đoạn kinh đức Phật dạy trong Kinh Tương Ưng chỉ cho chúng ta thấy rất rõ:
"Nếu ai làm 10 nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sinh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Làm 10 nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Sự thể như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo 10 nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ "(Tương Ưng IV, 313).
Tóm lại người Phật tử chân chính ý thức sâu sắc rằng một khi đã tạo nghiệp ác, dù có van xin thì chúng ta vẫn là người gặp kết quả khổ đau do chính chúng ta tạo ra. Không ai có thể thay đổi quy luật muôn đời này. Vì cầu nguyện có giá trị rất giới hạn trong đời sống đạo đức của người Phật tử. Chúng ta thực hành theo đúng tinh thần đạo Phật là nắm vững nguyên lý nhân quả nghiệp báo. Và chính đó là cán cân thưởng phạt chính xác, công bằng, nên không mất công nhọc sức mong đợi, vọng cầu.
Chúng ta hãy sống với một thái độ tự tin vào các việc làm thiện và đạo đức của bản thân trong việc mang lại hạnh phúc và sự toại nguyện trong cuộc đời. Một khi chúng ta hiểu được giáo lý nhân quả của đạo Phật, nghĩa là không ai cầm cân cuộc sống thưởng phạt ngoài chính hành vi thiện ác của chúng ta. Người Phật tử không phải mất thời giờ để cầu nguyện hay ước muốn này nọ.
Không có gì cao đẹp bằng khi người Phật tử làm bất kỳ việc thiện gì không phải vì mình mà cho người khác, vì người khác và nói rộng ra là tất cả chúng sinh. Sự nhiệp cũng như mục tiêu lớn nhất của người Phật tử là hướng đến sự giác ngộ chính mình và chúng sinh.
Sự phát nguyện và hồi hướng công đức của chúng ta không ngoài mục tiêu giác ngộ trọn vẹn, nghĩa là cùng nhau tu hành thành Phật:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
Buổi chiều, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự và toàn thể Phật tử đã tụng kinh Dược Sư tạ đàn Pháp hội Dược Sư 7 ngày. Sau đó là lễ Mông sơn thí thực.