nguoiphattu.com Ngày 05 tháng 11 năm 2012, nhằm ngày 22 tháng 09 năm Nhâm Thìn, nhận lời mời của Ban tổ chức, Đại đức Thích Đức Lợi – Phó thư ký Ban hoằng pháp TW đã quang lâm giảng đường chùa Bằng, có thời pháp thoại tới hàng Phật tử với chủ đề “Ý nghĩa mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư”.
Chúng ta thường cầu nguyện Đức Phật Dược Sư, Ngài đã phát 12 đại nguyện cứu chúng sinh. Ngài đã phát Bồ Đề tâm hành Bồ Tát đạo, Ngài đạt trọn vẹn 12 đại nguyện Cứu khổ ban vui mới thành tựu quả vị Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Trong bài giảng, Đại đức Thích Đức Lợi đã giảng giải cho hàng Phật tử hiểu rõ ý nghĩa mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư. Nguyện thứ nhất: trong ba thân của Phật: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân. Hào quang tiêu biểu cho Pháp Thân Phật. Đức Phật Dược Sư đã thành tựu được 3 thân như vậy, chúng ta theo Phật Dược Sư cũng được 3 thân như Ngài. Đó là hướng tu Đại Thừa nhận được Phật lực gia bị. Pháp thân Phật bao trùm khắp cả Tam thiên thế giới, chúng hữu tình vì vô minh nghiệp chướng ngăn che nên không thấy Pháp thân Phật. Đại đức khuyến tấn hàng Phật tử hãy nương theo ánh quang Phật hằng hữu, hay hướng về Pháp thân Phật tu hành, trí tuệ sẽ sáng suốt, thâm nhập giáo lý của Đức Phật dạy, xa rời những khổ đau do Tam độc gây nên, quay về an trú trong hiện tại. Nguyện thứ hai, Đại đức khẳng định Nguyện thứ nhất khó, nguyện thứ hai còn khó hơn nữa, là phải “làm được tất cả”. Thể hiện thân như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, hào quang rực rỡ, thành tựu thân phước đức và trí tuệ sung mãn, như thế tiêu biểu cho Báo Thân Phật mới có khả năng cứu độ giáo hóa chúng sinh. Muốn hành Bồ Tát đạo, cứu đời, phải tốt thật sự, không có lỗi lầm, không có tỳ vết, ví như ngọc lưu ly; Phải rèn luyện phước đức trí tuệ hoàn hảo là hai việc chủ yếu để thành tựu quả vị Phật. Nguyện của Đức Phật Dược Sư là nếu người quán tưởng được Báo thân Ngài,thì thân của họ cũng được thay đổi tốt đẹp, trong sạch, tùy theo mức độ của ta cảm tâm với Phật, cảm được phần thân nào với Phật chúng ta được phần hảo tướng đó. Hiểu được ý này, cái gì xấu ác chúng ta không nhìn, chỉ hướng tâm về Phật bằng cách thường chiêm ngưỡng lễ lạy tượng Phật, nghĩ về Báo Thân Phật, lâu ngày hảo tướng chúng ta hiện ra. Nguyện thứ ba, Đức Phật Dược Sư tiêu biểu cho Ứng thân của Ngài để cho mọi người trên cuộc đời được an vui, hạnh phúc. Ba đại nguyện đầu của Đức Phật Dược Sư là ba việc khó làm nhất mà Ngài đã thành tựu viên mãn, chư Bồ Tát và các vị A La Hán đang trải thân thực nghiệm cho được. Còn chúng ta cần được Phật cứu độ, cho nên 9 nguyện tiếp theo, mà Đức Phật Dược Sư phát nguyện nhằm đến đối tượng của chúng ta là những Bồ Tát giới, là những hành giả Pháp Hoa, là những Phật tử có lòng tin Phật phải cố gắng thực hiện bằng được. Nguyện thứ tư, đó là đại nguyện của Phật Dược Sư cũng là việc làm của Phật Thích Ca, đã từng thực hiện trên bước đường giáo hóa chúng sinh, những người tu theo tà đạo đã được Đức Phật chuyển hóa họ cải tà quy chính như 5 anh em Kiều Trần Như, Ngài Xá Lợi Phất, 3 anh em Ca Diếp…Nếu tu theo Nhị thừa Đức Phật sẽ khiến họ cầu Vô Thượng Chính Giác. Tu theo Nhị thừa thì họ chỉ cần giải thoát cho riêng mình, Đức Phật sẽ khiến họ phát tâm rộng lớn để cứu độ người khác. Khi Phật đề cao các vị Bồ Tát hạnh, thường cứu giúp mọi người. Tấm lòng thương người là quan trọng hơn, tấm lòng vị tha càng lớn, việc làm càng tốt. Nguyện thứ năm, cảm thấy sâu sắc ý này, phát tâm Đại Thừa sống trong giáo pháp Phật, Ngài sẽ bảo hộ chúng ta, khiến mọi hoàn cảnh của chúng ta trở thành an ổn, tốt đẹp, giúp chúng ta dễ dàng tiến tu. Nếu ở trong chính Pháp đã phát tu Bồ Tát đạo, nhưng chưa đủ trí tuệ, nghiệp chướng còn nhiều, chắc chắn sẽ phạm lỗi lầm, bị ray rứt khổ đau vì tội lỗi. Vì thế Đức Phật Dược Sư nguyện gia bị cho người lỡ phạm tội lỗi, bị đọa Tam Đồ, để họ được an tâm hành Bồ Tát đạo. Chỉ cần hướng tâm về Đức Phật Dược Sư, Ngài sẽ phóng quang gia bị cho tâm chúng ta thanh tịnh, không đọa ác đạo. Tụng kinh Dược Sư, nghĩ đến Phật Dược Sư Ngài sẽ bảo vệ tâm cho không bị ảo giác chi phối. Tâm được Phật cưu mang bảo vệ cho thanh tịnh để vào thế giới chư Phật. Nguyện thứ sáu, điều này nói về những người có hoàn cảnh bất như ý, vì đời này phải gánh lấy túc nghiệp, bởi đời trước đã tạo ra, nên sinh trong đời này phải gánh nghiệp tật bệnh như thế. Nhưng biết đó là nghiệp của mình, phát tâm nương theo Phật Dược Sư tu hành, được Ngài gia bị, từng bước cũng tháo gỡ bệnh nặng thành nhẹ đến khỏi. Bệnh nặng được giảm bớt, hoặc Phật khiến người tốt dẫn đến bác sĩ giỏi, cho thuốc uống được bớt đến khỏe mạnh. Nguyện thứ bảy, Đại đức giảng giải cho hàng Phật tử hiểu được rằng nếu ai bệnh nguy hiểm, bà con bạn bè kinh sợ, không dám gần gũi cho đến xa lánh, nhưng nếu phát tâm tu hành, nương theo gia trì lực của Phật Dược Sư, khiến có người đến giúp đỡ hay cao hơn nữa, không chữa bệnh bằng thuốc mà chữa bệnh bằng tâm niệm, bằng cầu nguyện cũng hết bệnh, những trường hợp này hiếm người được. Phần lớn là may mắn gặp được Bác sĩ giỏi, trị đúng thuốc, nên được khỏi bệnh. Nguyện thứ tám, được hiểu rằng muốn chuyển thân nữ thành thân nam, cần phải chuyển tính người nữa thành tướng trượng phu, bởi tính người nữ hay nghiệp người nữ còn ủy mỵ, yếu đuối, thích nương tựa, dễ phiền muộn, hay ganh tỵ, thích rắc rối. Nói chung tâm tính thì không định tĩnh. Nhưng nếu có căn lành quyết tâm tu, nương theo lực gia hộ của Phật Dược Sư, tâm hồn thanh thản, sáng suốt, chẳng những không bị khổ vì những tính xấu của nữ nhi thường tình, mà còn làm được những việc như nam giới, hay hơn cả nam giới. Nguyện thứ chín, người bị hoàn cảnh lỡ theo tà giáo, bị tà giáo buộc ràng, không dám bỏ vì sợ bùa chú làm hại. Nhưng khi quyết tâm theo Phật, nương theo lực gia trì của Phật Dược Sư, tà ác tự tan rã, mọi việc tốt đẹp. Nguyện thứ mười, nói rằng những người nỡ phạm sai lầm, bị giam cầm, rất khổ, nghe danh Phật Dược Sư nhất tâm cầu nguyện, nhờ hướng tâm về Phật, nghĩ nhiều đến Phật, tội lỗi mất, hiện tướng hiền lành, có thể không bị hành hạ, hoặc được giảm án. Nguyện thứ mười một, nguyện này Đức Phật Dược Sư trải lòng từ ban vui cứu khổ, những người kém phước chịu đau khổ tột cùng. Nhờ nghĩ đến Phật Dược Sư ngài sẵn sàng cưu mang, cho đủ vật thực, đồ dùng để sống, còn tham vọng chắc chắn không được. Nguyện thứ mười hai, nếu người nào nghèo khó phát tâm tu, thực hành đúng giáo pháp Phật dạy trong cuộc sống, chắc chắn Đức Phật Dược Sư sẽ gia hộ cho hành giả “có đủ đồ dùng, y phục tốt đẹp, của báu dư thừa”. Cuối bài giảng, Đại đức khuyến tấn hàng Phật tử hãy tinh tấn đọc tụng kinh, suy nghĩ về 12 đại nguyện của Phật Dược Sư, phát tâm tu, thực hành đúng giáo Pháp Phật dạy trong cuộc sống để thoát khỏi khổ đau, thăng hoa phước đức, trí tuệ, có cuộc sống an lạc. Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được của ngày thứ 2 Pháp hội Dược Sư: