;
>Chùa Bằng ngày thứ 5: "Ý nghĩa và phương pháp tu hành theo Pháp hội Dược Sư"
Ngày 17 tháng 10 năm 2014, nhằm ngày 24 tháng 09 năm Giáp Ngọ, nhận lời mời của Ban tổ chức, Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban Pháp chế TW GHPGVN, Phó trưởng BTS kiêm Chánh thư ký GHPGVN thủ đô Hà Nội đã quang lâm chùa Bằng (Linh Tiên Tự) và có buổi pháp thoại chia sẻ tới đại chúng với chủ đề "Công đức của sự trì tụng Kinh Dược Sư".
Mở đầu bài giảng, Thượng tọa đã chia sẻ với hàng Phật tử hiểu rốt ráo về Kinh Dược Sư cũng như pháp môn tu Tịnh Độ: “Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên đó là giải quyết vấn đề sinh tử của chúng sinh. Cuộc đời này của chúng ta không gì quan trọng hơn sự sống và cái chết. Chỉ có sống chết mới là việc lớn nhất của cuộc đời, ngoài hai chữ sống chết ra không có gì quan trọng hơn, bức thiết hơn. Do đó, chúng ta thấy trong vô vàn những bài Pháp mà Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy, có hai pháp môn Đức Phật giảng giải kĩ lưỡng, trở thành hai bộ kinh điển quan trọng mà hầu như các Phật tử thuộc Phật giáo Bắc Truyền đều biết, đó là Kinh Dược Sư và Kinh A Di Đà. Kinh Dược Sư nói về vị Đông Phương Giáo Chủ, Kinh A Di Đà nói về vị Tây Phương Giáo Chủ. Hai bộ kinh này nhằm nói lên 2 vấn đề sinh tử của chúng sinh. Phương Đông là chỉ nơi mặt trời mọc, biểu thị cho trí tuệ, cho sự sống và cái bắt đầu. Phương Tây là nơi mặt trời lặn, biểu thị cho cái chết, cho chỗ trở về. Do đó, để giải quyết 2 vấn đề sống chết cho chúng sinh, Đức Phật thuyết 2 bộ kinh này tạo nên 2 pháp môn tu tập đều là pháp môn Tịnh Độ (Tịnh Độ Phương Đông và Tịnh Độ Phương Tây)”.
Sau đó, Thượng tọa nhấn mạnh kinh mà hàng Phật tử đang trì tụng trong Pháp hội 7 ngày đêm lần này, là đang nhằm giải quyết vấn đề cuộc sống của con người chúng ta trong thế giới hiện tại. Thượng tọa đã giải thích về hai chữ “Dược Sư” là vị thầy thuốc có thể chữa lành bệnh thân và tâm cho chúng sinh. Thượng tọa đã phân tích về nguyên nhân gây nên căn bệnh “thân” và “tâm” trong cuộc sống hiện tại của chúng sinh, qua đó nhấn mạnh “thảo dược thì chữa bệnh về thân nhưng pháp dược thì chữa bệnh về tâm”. Do đó, các Đức Phật là bậc đại y vương, tùy vào bệnh của chúng sinh mà cho thuốc, bệnh nào uống thuốc ấy thì mới chữa trị được. Chúng sinh có tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, đó chính là tám vạn bốn ngàn căn bệnh khác nhau, do đó Chư Phật cũng thuyết giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn khác nhau để ứng trị, chữa lành tám vạn bốn ngàn căn bệnh cho chúng sinh.
Trong bài giảng, Thượng tọa đã nhắc lại 12 đại nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, 12 đại nguyện đó nhằm giải quyết tận cùng những nỗi khổ, sự bất an về thân và tâm của chúng sinh, giúp chúng sinh có một cuộc sống đích thực, an vui ngay trong đời hiện tại. Cho nên danh hiệu của Ngài có chữ Lưu Ly Quang, thân tướng của Ngài mang màu sắc xanh của ngọc lưu ly. Và bên cạnh Ngài có hai vị đại Bồ Tát là Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát và Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. Nhật – là mặt trời biểu tượng cho trí tuệ. Nguyệt – là mặt trăng biểu tượng cho từ bi. Từ bi và Trí tuệ chính là Phật pháp. Tất cả các Đức Phật đều có đầy đủ hai đức từ bi và trí tuệ, các vị Bồ Tát là biểu thị cho công hạnh của Phật. Trong Kinh có nói “mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, còn trí tuệ của Đức Phật thì soi sáng cả ngày đêm”. Do đó, Mặt trời, Mặt trăng và Lưu Ly Quang chính là biểu tượng của toàn thể vũ trụ và đó chính là nơi chúng ta đang sống, hàng ngày chúng ta đang đi đứng nằm ngồi trong ánh lưu ly quang của Đức Phật Dược Sư, trong ánh Nhật Quang Nguyệt Quang của hai vị Đại Bồ Tát. Và cuộc sống của chúng ta có thật sự tiếp xúc được với ánh lưu ly quang, ánh Nhật Quang Biến Chiếu, Nguyệt Quang Biến Chiếu hay không phải đòi hỏi chúng ta có thật sự thực hành theo đúng Pháp môn Dược Sư mà Đức Phật chỉ dạy hay không, mới có thể đạt được đến kết quả chúng ta có cuộc sống an lạc ngay trong đời hiện tại.
Thượng tọa chia sẻ lời Phật dạy không phải là chỉ để trì tụng, mà phải là để thực hành, để chuyển hóa thân tâm. Pháp hội chính là cơ hội để chúng ta nghe Pháp, thực tập lời Phật dạy để áp dụng vào đời sống.
Thượng tọa nhấn mạnh Tiêu chuẩn của việc hành trì Kinh Dược Sư, đó là một chữ nhỏ trong Kinh Dược Sư, nhưng lại là mấu chốt, đó chính là "thiện nam tử, thiện nữ nhân". Vậy thế nào là Thiện? Thiện là phàm chúng ta nói năng điều gì, suy nghĩ gì, hành động gì đều phải đem lợi ích cho người. Tiêu chuẩn thấp nhất của Thiện là đó là tam quy ngũ giới, sau đó là thập thiện. Nếu chúng ta không đạt được tiêu chuẩn này thì không có cách gì để chúng ta trì tụng kinh này mà hữu cầu tất ứng. Và khi trì tụng Kinh Dược Sư, còn một tiêu chuẩn nữa, đó là "thụ trì Bát phần trai giới". Tiêu chuẩn cao nhất là thụ trì Bát phần trai giới trong một năm mới có thể chuyển tụng Kinh Dược Sư. Tiêu chuẩn thứ nữa là 3 tháng trường trai trong một năm: tháng giêng, tháng năm và tháng chín. Hoặc là chí ít phải tu Bát quan trai giới trọn vẹn trong 7 ngày 7 đêm, như Pháp Hội Dược Sư lần này. Còn tiêu chuẩn Thiện của thế gian đó là: hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu 10 thiện nghiệp.
Cuối cùng, Thượng tọa khẳng định tụng kinh Dược Sư có được công đức lợi ích khi chúng ta đạt được những tiêu chuẩn trên, nhờ nghe danh Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai được lợi ích: diệt được tội lỗi, diệt tham lam keo kiệt được công đức của sự bố thí; diệt trừ được tội phạm giới và thành tựu được sự trì giới; diệt trừ được tật đố được lợi ích giải thoát; diệt trừ được tội lão hại và được lợi ích an lạc tự tại. Trì tụng Kinh Dược Sư còn có lợi ích được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.