;
Xuân Đài là một trong số những ngôi cổ tự nằm trên địa bàn huyện Lộc Hà, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng hơn 18 km về phía Đông Bắc.Theo thời gian chùa bị mai một và xuống cấp nghiêm trọng, tuy vậy, Phật cảnh và những di tích còn sót lại cho thấy nơi đây là một vùng đất hưng thịnh một thời của Phật giáo Hà Tĩnh.
Những năm gần đây, được
sự quan tâm của Ban Trị sự Phật giáo Hà Tĩnh, đứng đầu là HT Thích Bảo Nghiêm, Đại đức Thích Quảng
Duyên được cắt cử về trụ trì chùa, nhằm khôi phục chùa cảnh, xây dựng đạo
tràng, mặc dù thời gian về chùa chưa lâu, với điều kiện kinh tế nhân dân khó khăn eo hẹp, vị trí chùa nằm
xa trung tâm thành phố, người dân trong huyện phần đông là giáo dân, cuộc sống vất vã mưu sinh với ruộng đồng và biển cả, mong chi đến chuyện đi chùa.
Tuy nhiên, chứng
kiến một số cơ sở hạ tầng của chùa được tôn tạo mới, hình ảnh những tà áo lam, cờ ngũ sắc tung bay, và thấp thoáng màu vàng y
của chư Tăng, chúng tôi thật sự xúc động, và tự hào rằng Phật pháp đã và đang
lan tỏa đến những nơi xa xôi nhất, nghèo khó nhất, đặc biệt là nơi có cuộc sống
mưu sinh đặc thù bằng nghề đánh bắt hải sản, rồi đây ngọn hoa đăng mang chất liệu từ bi, trí tuệ, sẽ soi sáng và mang niềm an vui, thịnh vượng, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, là nơi quy ngưỡng tâm linh làm nền tảng đạo đức
góp thêm cho môi trường sống của xã hội những con người tốt.
Trên tinh thần hoằng
pháp lợi sanh, mang niềm hỷ lạc cho đông đảo Phật tử, và
người dân nhân ngày thành đạo của đức Từ phụ Như Lai.
Nhận lời thỉnh mời của Đại đức trụ trì Thích Quảng Duyên, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó thư ký, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN - Phó ban kiêm Tổng thư ký ban Hoằng pháp thành hội Phật giáo TP.HCM - Trụ trì chùa Giác Ngộ TPHCM, đã quang lâm về chùa chia sẽ Phật pháp với bà con Phật tử và người dân lân cận.
Đến với chùa Xuân Đài,
Thượng tọa Thích Nhật Từ xúc động, tán thán công đức to lớn của Đại đức trụ trì cũng
như tinh thần học Phật của bà con, thượng tọa đã chia sẽ thời pháp có nội dung gần gũi, và thiết thực, đúng với lòng mong mỏi cũng như tâm nguyện của đại chúng,
đặc biệt với hàng Phật tử sơ cơ, pháp thoại có đoạn như sau:
.."Sát sinh, trộm cắp, tà dâm là những việc làm
tội lỗi, tạo thành thân nghiệp. Khẩu nghiệp tội lỗi do phạm phải bốn điều là
nói không đúng sự thật, nói thêu dệt, nói lời hung ác và nói lời gây chia rẽ. Ý
nghiệp gồm có tham lam, sân hận và si mê. Đó là những mặt xấu của ba nghiệp
thân khẩu ý.
Theo lời Phật dạy, người Phật tử tại gia hạn chế
ba nghiệp của thân, khẩu, ý, nghĩa là không sát sinh, không trộm cắp, không tà
dâm, không nói sai sự thật, không nói lời độc ác, không nói bịa đặt, không nói
lời gây mâu thuẫn, không tham lam, không giận dữ, không sai lầm. Nhờ giữ gìn ba
nghiệp thân khẩu ý không phạm những lỗi lầm như vậy, người Phật tử tại gia sẽ
hạn chế được những việc ác theo thế gian, từ đó sẽ hoàn thiện được nhân cách
tốt đẹp, có được cuộc sống an lạc cho mình .
Đức Phật dạy Người Phật tử tại gia chẳng những
không sát sinh mà còn hộ mạng, bảo vệ sự sống cho mọi người, mọi loài; chẳng
những không trộm cắp mà bố thí, san sẻ tiền bạc, y phục, v.v… cho những người
kém may mắn hơn mình và luôn xây dựng một gia đình đạo đức mẫu mực, hạnh phúc. Đó
chính là việc phát huy mặt tích cực của ba nghiệp thân khẩu ý bằng mười thiện
nghiệp.
Ngoài việc tự thân thực hiện ba nghiệp thân khẩu
ý tốt đẹp, người Phật tử tại gia còn hướng dẫn, giúp đỡ người xung quanh thực
hiện mười hạnh lành của thân khẩu ý để cùng nhau xây dựng xóm làng, đoàn
thể, xã hội an vui ngay trong cuộc sống hiện tại này”... – (hết trích).
Trong thời Pháp thoại,
rất nhiều lần đại chúng hoan hỷ vỗ tay tâm đắc với những lời chia sẽ thiết thực và rất đời thường của Thượng tọa, kết thúc thời pháp nhiều Phật tử cảm thấy rất vui, rất ấn tượng và thiết thực, để lại trong lòng mỗi người những cảm nhận và nhiều điều thú vị bổ ích làm nền tảng,
hành trang trên con đường học Phật của mình./.
Một số hình ảnh ghi nhận: