;
Với sự hướng dẫn của Đại Đức Thích Viên Ngộ (Chùa Phước Viên, Biên Hòa, Đồng Nai), hơn 70 thành viên đã tham dự thiền tọa và lắng nghe những chia sẻ trong khuôn khổ nội dung thời pháp để được chia sẻ những khó khăn, bế tắc trong công việc, trong cuộc sống.
“Hạnh phúc tùy cách nhìn” là điều giản dị nhưng không phải ai cũng nhận ra
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta ít khi nhìn lại chính mình, để thấy rõ được những giá trị đích thực của sự sống, thương yêu bản thân mình và thương những người chung quanh. Bởi vì, tình thương là điều kiện tất yếu để đem lại hạnh phúc chân thực. Nếu đời sống mà thiếu vắng tình thương yêu thì sẽ trở nên khô khan, trơ trọi và không có ý nghĩa gì cho cuộc sống. Mà tình thương có mặt, là nhờ vào tuệ giác vốn có ở nơi mỗi chúng ta được phát khởi, và trí tuệ chỉ biểu hiện khi tâm trở về trọn vẹn với thân.
Vạn vật luôn biến chuyển
Nương tựa có trong nhau
Ẩn tàng hay biểu hiện
Tùy ở mỗi cái nhìn.
Mỗi con người hiện hữu giữa cuộc đời này, đều có hoàn cảnh sống khác nhau. Người thì của cải dư thừa, ăn ngon mặc đẹp, ngược lại có những kẻ nghèo khổ thiếu thốn mọi bề. Tuy nhiên, về phương diện tinh thần, dù người ta có nhiều tiền bạc đến mấy chăng nữa, nhưng không có cái nhìn sâu sắc vào đời sống hiện thực thì cũng khó tìm ra được hạnh phúc trọn vẹn. Còn đối với những người tuy đời sống lam lũ, nhưng tâm hồn luôn thanh thản và trong sáng thì vẫn có thể thừa hưởng được những cái hay, cái đẹp vốn có trong cuộc đời này. Vì thế, hạnh phúc hay khổ đau còn phải tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người!
Sống trên đời ai mà chẳng mong muốn mình có được ấm no, hạnh phúc? Người ta không chỉ cầu mong cho bản thân, mà còn ao ước cho những người thân quen cũng được an lành và sung túc. Có lẽ vì nhu cầu đó, nên con người mới dùng hết khả năng của chính mình để suy tính làm ăn, hy vọng tương lai sẽ được tươi sáng, huy hoàng.
Cách suy nghĩ này có lẽ chưa thỏa đáng, vì nếu mãi hướng đến hạnh phúc ở tương lai thì vô tình chúng ta bỏ quên đi những gì đẹp đẽ, an vui đang có trong hiện tại. Đơn cử như ông bà, cha mẹ, anh chị em… và nhiều điều kiện khác nữa cũng là yếu tố tích cực để làm nên hạnh phúc. Thế nhưng, ta không chịu tiếp nhận và thừa hưởng, để rồi một ngày nào đó khi người thân yêu xa lìa, chia cách ta lại hối tiếc trong sự muộn màng! Có thể nói rằng, lối sống hờ hững với người thân và lãng quên những gì ta đang có, là sự thiếu sót và thiệt thòi vô cùng lớn lao cho những ai sống thiếu an trú trong hiện tại.
Thói quen của chúng ta là khi việc này làm chưa xong lại lo tính tới những công việc khác. Thậm chí đến lúc ngồi vào bàn ăn rồi, nhưng tâm tư vẫn chưa được yên ổn. Công việc luôn luôn hối thúc ta phải ăn cho nhanh để còn phải đi làm cái này hoặc giải quyết chuyện nọ. Và cứ thế, ta bận rộn suốt cả cuộc đời, đến khi tắt hơi thở rồi nhưng mọi chuyện vẫn chưa giải quyết xong. Có lẽ vì quá bận rộn và lo lắng như thế, cho nên sống trên cuộc đời này ít ai có thể an hưởng được niềm an vui trọn vẹn.
Thực ra, bất cứ ai cũng phải làm việc cho dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, đối với người có cái nhìn thấu đáo được mọi vấn đề của cuộc sống thì ngay trong mỗi việc làm của họ đều có thể đem lại sự an vui mà không cần phải chờ đợi sau khi hoàn tất công việc, đó là sự thật. Và điều này, đòi hỏi chúng ta cần phải chiêm nghiệm từ bản thân mình để thấy ra được lẽ thật ấy. Có những người đặt hi vọng rằng, nếu mình đi tới ở được nơi môi trường đó và sống chung với con người đó, chắc chắn sẽ có hạnh phúc lớn. Thế nhưng, khi về sống với nhau rồi lại có những nỗi khổ niềm đau khác phát sinh. Và như vậy, ước mơ kia chỉ là bóng dáng của cái ta ảo tưởng bày vẽ ra, còn sự thật thì lại khác biệt. Do đó, hạnh phúc là thái độ sống tùy thuộc vào mỗi người chứ không nhất thiết phải thay đổi hoàn cảnh hoặc vì những điều kiện khách quan khác.
Hạnh phúc trước hết là người có tâm hồn trong sáng và tự do. Tâm tư người ấy không bị vướng kẹt vào những chuyện đã xảy ra trong quá khứ và chẳng bận lòng trông ngóng hay chờ đợi bất cứ việc gì ở ngày mai. Bởi cả hai khuynh hướng này đều không có thực, nếu tâm tư người nào thường bị vướng kẹt vào hai ý niệm trên thì cuộc sống trở nên bất an khốn khổ. Chính vì lẽ đó, nên Đức Phật dạy rằng:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
(Kinh Trung Bộ III, tr.442)
Bài kinh trên cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc được làm bằng chất liệu của hiện tại. Và chỉ cần tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang có mặt trong hiện tại, ta có thể tận hưởng được niềm an vui một cách toàn vẹn rồi, không cần phải chờ đợi gì nữa cả! Mặt khác, mạng sống của con người quá mong manh và giả tạm, không ai có thể biết chắc rằng, mình sẽ tồn tại được bao lâu trên cõi đời này. Do đó, hứa hẹn và trông chờ những gì tốt đẹp ở ngày mai là sự suy nghĩ vô cùng sai lầm, làm uổng phí và thiệt thòi cho cả một kiếp người!
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải biết nhìn lại chính mình để khám phá và thừa hưởng những gì đang có. Ví dụ ta có hai con mắt sáng là điều kiện rất lớn để đem lại hạnh phúc, nhưng đôi lúc ta không hề để ý tới và chẳng biết trân quý đến nó. Khi con mắt dính bụi bặm hoặc bị thương tích bởi tai nạn xe cộ thì ta mới thấy được sự hiện hữu và giá trị của đôi mắt vô cùng lớn lao.
Chúng ta thừa biết rằng, có những người do phước đức thiếu kém, khi sinh ra đã bị mù lòa cả hai mắt, suốt cuộc đời họ chẳng bao giờ nhìn thấy người thân quen, đất trời, cỏ cây và sông núi. Mơ ước lớn nhất của họ là chỉ cần nhìn thấy được người thân yêu và cảnh vật xung quanh thôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, chứ không đòi hỏi gì thêm nữa cả!
Trong khi đó, chúng ta có hai con mắt sáng trưng, muốn ngắm nhìn cái gì cũng được; bầu trời trong xanh, đám mây trắng bay lơ lửng, hàng cây xanh tươi ven đường, hoa mai vàng nở rộ, dòng sông uốn lượn quanh co chuyên chở những cụm hoa lục bình lững lờ trôi chảy và còn nhiều vẻ đẹp thiên nhiên khác nữa. Thế nhưng, ta lại chối bỏ niềm hạnh phúc đó, để rồi than thân trách phận và muốn phải như thế này hay được như thế nọ thì quả thật uổng phí biết bao!
Để có cái nhìn sâu sắc và thấu triệt được mọi vấn đề của cuộc sống, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại một cách rõ ràng, khách quan và trung thực. Dù bất cứ ở đâu, tiếp xúc với ai bạn cũng nên quan sát như thế. Mọi sự việc diễn biến ra như thế nào bạn ghi nhận y như vậy, không cần phải sử dụng thêm phương pháp gì nữa cả.
Việc quan sát này không để cho tâm ý xao lãng hoặc buông lơi đương tại, và chẳng cần phải nỗ lực để đạt được một mục đích cao siêu nào. Bởi nhiều khi sự cố gắng ấy là do “cái tôi” âm thầm tạo dựng ra, để thỏa mãn cho cái tôi vi tế hơn, chứ chưa phải phương pháp hữu hiệu giúp cho ta vượt thoát sinh tử khổ đau. Chỉ đơn giản là, khi đi thì rõ biết mình đang đi, ngồi xuống nhận biết toàn thân ta đang ngồi xuống, khi nâng tách trà lên uống, bạn nhận biết hương vị thơm ngon của trà, thế thôi!
Thật giản dị và tự nhiên, không cần phải làm theo một quy định hay nguyên tắc nào cả. Khi tâm ý không bị vướng kẹt vào đâu, ngay trong giây phút ấy bạn được tự do, an lạc và giải thoát. Lúc bấy giờ cái nhìn của bạn đối với cuộc đời này không còn oán trời trách người nữa, mà chỉ có cái nhìn thương yêu và trân quý.
Mời đạo hữu, huynh đệ, anh chị em Phật tử xem thêm hình ảnh trong khuôn khổ nội dung Pháp thoại “Hạnh phúc tùy cách nhìn”:
Trà An Lạc