;
Hàn Quốc: Tin Lành cuồng tín tiếp tục phá rối Phật giáo tại Tào Khê Tự
Nhận định về một khiếm khuyết trong giáo dục PG Việt Nam
Lễ cầu siêu các nạn nhân vụ lật xe thảm khốc trên sông Sêrêpốk
Đổ xô xem cá lóc nổi chữ Hán trên đầu
Chỉ trong vài ngày qua những thông tin về một đôi cá trên đầu có dòng chữ Hán khiến hàng trăm người lũ lượt kéo về chùa Phổ Quang (thôn 1, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk) để được một lần tận mắt chiêm ngưỡng và cầu xin “đôi cá thần” này ban phúc đến cho gia đình, người thân...
Dòng người đến chiêm bái đông như trảy hội
Chùa Phổ Quang, xã Quảng Tiến vốn được nhiều người dân trong vùng biết tới với bức tượng Phật trong tư thế tọa thiền, cao 1,7m (không kể tòa sen) và nặng 1.100 kg, thế nhưng thời gian gần đây ngôi chùa này lại thu hút được nhiều khách thập phương không phải vì bức tượng khổng lồ và cảnh trí nơi đây mà là một loại vật nuôi. Đỉnh điểm về số lượng người dân tới chùa Phổ Quang là vào trưa 17-5-2012, hàng nghìn người đã kéo về chùa để tận mắt chứng kiến hai con cá lóc (một đực, một cái)được cho là nổi chữ Hán trên đầu đang được nuôi tại đây. Trụ trì chùa, sư thầy Thích Tâm Định cho biết, mỗi con cá nặng khoảng 4kg, dài 70cm được bắt trong ao của một người dân xã Ea Nang (huyện Cư Mgar).
Ngày 14-5-2012, đôi cá lạ được những người giấu tên mang đến tặng cho chùa. Thấy cá lạ, thầy Tâm Định đã mời một người rành về tiếng Hán và mang kính lúp để xem chữ trên đầu cá. Cũng theo thầy Tâm Định, trên đầu con cá đực có 18 chữ Hán nằm rải rác(?!). Tuy nhiên, mới chỉ tạm dịch được 12 chữ. Theo đó, bên trái đầu cá được cho là ba chữ “Thủy Hỏa Tương” tạm dịch là nắng mưa tương đồng; bên phải đầu cá là ba chữ “Trường Thiên Hạ” tạm dịch là mọi người, mọi loài hưng thịnh phát triển; ở giữa đầu cá là bốn chữ "Đăng Nguyệt Mỹ Định" tạm dịch là Ánh trăng đẹp khi mặt nước yên lặng; hai bên lỗ mũi là chữ “Hỷ”và chữ “Phúc”. Ngoài ra, trên đầu con cá cái cũng có chữ nhưng khá mờ, không thể đọc được(?!). Ông M'Tar, một người dân sống gần chùa Phổ Quang cho biết: "Chùa Phổ Quang trước đây cũng được nhiều người dân trong vùng biết tới, nhưng chỉ thời gian ngắn gần đây số lượng người tới vãn cảnh chùa tăng lên đột biến, nhiều người ở tận Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM… cũng tới đây. Từng hàng xe cứ nối dài trước cổng chùa".
Chỉ trong vài ngày, số lượng người được ghi nhận tới chùa đã lên tới hàng nghìn, phần nhiều là khách thập phương nghe tin chùa có nuôi cá lạ nên đến để chiêm ngưỡng. Bà N.Đ.T (Lâm Đồng) nói: "Tôi được bạn bè giới thiệu chùa Phổ Quang mới nuôi đôi cá lạ có chữ nổi trên đầu, điều hấp dẫn tôi hơn là đôi cá này có khả năng ban phước lành cho con người…".
Chuyện kỳ bí hay thêu dệt?
Được biết rằng sau khi tiếp nhận 2 con cá lạ, chùa Phổ Quang đã thả nuôi trong chiếc chậu lớn bằng đá, nhưng do có nhiều người đến đây xin nước từ chậu cá nên nhà chùa đã quyết định đậy nắp chậu lại cẩn thận. Thầy Tâm Định kể về cơ duyên đôi cá lạ này với chùa Phổ Quang: Ban đầu các phật tử định đem đôi cá lạ này ra chùa Hoa Nghiêm để phóng sinh nhưng không hiểu vì sao tài xế lại chạy thẳng vào chùa Phổ Quang. Và nếu xe chỉ cần nhanh hoặc chậm một chút là không thể gặp thầy. "Có lẽ đôi cá này có thiện duyên với chùa Phổ Quang, nên chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục chăm sóc chúng…"- thầy Tâm Định bày tỏ. Thầy Tâm Định cũng cho biết thêm, 2 con cá này không tanh, không ăn cá con như những con cá lóc "bình thường" khác. Hơn thế nữa cá rất thích nghe tụng kinh, hàng ngày vào giờ nhà chùa cầu kinh khấn Phật, đôi cá đều đứng im một chỗ "lắng nghe" mà không chịu bơi lội. Một điểm đặc biệt nữa là cá biết "dị ứng" với người lạ, người lạ đụng tay vào thì chúng vùng vẫy dữ dội nhưng khi các sư thầy bắt lên thì chúng nằm yên. "Chỉ có các nhà sư trong chùa Phổ Quang mới có thể bắt được đôi cá lạ này, còn không một ai khác có thể dễ dàng chạm được vào chúng…"- một Phật tử chia sẻ.
Cũng theo thầy Tâm Định, các dòng chữ nói trên được tạm dịch lần lượt là: "Nắng mưa tương đồng", "Mọi người, mọi loài hưng thịnh phát triển" và "Ánh trăng đẹp khi mặt nước yên lặng". Đây là một cơ duyên mang đến điềm lành, tốt đẹp cho chùa. "Kể từ khi đôi cá lạ xuất hiện, chùa Phổ Quang đã được nhiều người biết tới hơn, chính đôi cá đã mang lại điềm lành, sự hưng thịnh cho ngôi chùa và những Phật tử tịnh tu nơi đây"- thầy Tâm Định nói. Bà H.H., một Phật tử tại chùa Phổ Quang cho hay: Đôi cá lóc này có tính cách như con người, cũng biết vui, buồn, hờn, giận. Những khi vui vẻ đôi cá thường tung tăng bơi lội, nhưng khi buồn thì cũng bỏ ăn như người. Hơn thế nữa đôi cá này chỉ ăn chay những thức ăn của nhà chùa, có những thời điểm do lượng người đến chiêm bái quá nhiều làm đôi cá cảm thấy mệt mỏi, không chịu bơi lội, bỏ ăn, khiến cho các sư trong chùa lo lắng. "Cá thần khôn lắm, hễ gặp người quen là quẫy đuôi đập nước vui mừng. Tôi thường thấy cá lặng yên nghe các sư đọc kinh, những lúc đó cảm giác đôi cá như một phần của ngôi chùa vậy"- bà H. bày tỏ.
Trước thông tin về việc nước nuôi cá có thể trị "bách bệnh", thầy Tâm Định chia sẻ: Đôi cá này có điểm lạ là nổi chữ trên đầu, từ khi được đưa lên chùa nó đã mang lại cho ngôi chùa này sự thịnh vượng. Nhưng việc nước chứa trong chậu để nuôi cá có thể chữa được bệnh như nhiều người nói thì thực sự chưa có điều kiện để kiểm chứng. Dù đã có người tới cảm ơn nhà chùa vì giúp người thân của họ khỏi bệnh nhờ ban “nước thánh” từ chậu nuôi cá, nhưng không ai dám chắc người đó khỏi bệnh thực sự từ loại nước này. Tuy nhiên, sau sự việc đó nhà chùa đã phải đậy nắp chậu nuôi cá vì có khá nhiều người tới đây múc "trộm" nước mang về nhà, gây ảnh hưởng xấu tới điều kiện sinh sống của đôi cá lạ…
Cần xác minh lại cơ sở khoa học của sự việc này
Ông Trịnh Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk đã khẳng định: "Mọi chuyện liên quan đến đôi cá thần ở chùa Phổ Quang đều không đúng thực tế, tất cả chỉ là chuyện thêu dệt và hoàn toàn không có cơ sở khoa học". Ông Minh cũng khẳng định thêm rằng: "Thực ra đôi cá này chỉ có vài hình chấm trên đỉnh đầu, thế nhưng qua những lời đồn thổi của nhiều người những hình chấm đó lại "bỗng dưng" trở thành "Hán tự", hiện Sở Khoa học Công nghệ đang yêu cầu xác minh lại sự việc, đồng thời cũng có đề nghị CA, chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra toàn bộ nguồn gốc sự việc".
Mặt khác có những ý kiến không đồng ý với quan điểm của ông Minh, theo ông Nguyễn Văn Hải, một cán bộ về hưu của Phòng Kế hoạch-Đầu tư huyện Cư Mgar, từng tốt nghiệp Trường Trung ương dân tộc thuộc Học viện Bắc Kinh, người tham gia dịch chữ trên đầu cá, nói: "Những chữ trên đó là gần giống và được suy luận ra chứ không y chang nét như chữ viết". Bản thân ông Hải mặc dù khẳng định cá "mọc" chữ trên đầu là đúng, nhưng lại không "dám" xác minh nét chữ viết giống y chang, điều này khiến cho câu hỏi về việc đôi cá lóc này thực sự có chữ trên đầu hay không càng khó tìm được câu trả lời đích thực.
Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng những chuyện trên đã và đang khiến nhiều người hiếu kỳ kéo về chùa Phổ Quang. Theo thầy Tâm Định, trong 3 ngày qua đã có ít nhất hơn 2.000 người đến xem cá. Do người kéo về quá đông nên nhà chùa quyết định chỉ mở cửa vào 8h sáng và 2h chiều cho người dân vào xem cá. Để tìm hiểu thực hư sự việc trên chỉ còn cách gặp người đã hiến tặng cho chùa, nhưng "tung tích" của các phật tử mang cá đến cho chùa lại rất mơ hồ.
Vậy phải chăng trong câu chuyện này đang có điều gì uẩn khúc? Trước tình hình này, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm chứng, có ý kiến cụ thể, tránh để tin đồn lan nhanh gây xáo trộn ở địa phương cũng như các hoạt động tiếp tay cho mê tín dị đoan có điều kiện bùng phát tại đây.
Hà Thái - (PL&XH)