;
Chùa Hưng Phúc, thôn Đinh Xuyên, xã Hoà Nam, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội là một ngôi chùa đã có từ rất lâu trong lịch sử. Nơi đây có cây cây xi cổ thụ hàng nghìn năm tuổi mà thân cây to khoảng 5 người mới ôm xuể. Tại ngôi chùa đó vào sáng ngày 30 tháng 03 năm 2012, ba gia đình là người dân trong làng đã chuyển về chùa hai pho tượng hộ pháp, mỗi pho nặng gần 1 tấn bằng gỗ mít về cung tiến cho nhà chùa. Gia đình ông Nguyễn Hà Bang một pho, pho tượng còn lại là của hai gia đình bà Thái Mỹ và bà Định Niêm. Trị giá hai pho tượng khoảng trên dưới 200 triệu đồng.
Theo như lời của ông Bùi Huy Nhượng, một người cao tuổi trong làng nói, thì: Ngày xưa, chùa Hưng Phúc đã có 2 pho tượng hộ pháp bằng đất xét, kết hợp luyện với giấy ta để tạo nên hai ông thiện, ông ác và được đặt trong chùa cũng tưng tự vị trí hai pho tượng hộ pháp bây giờ. Kích cỡ cũng vậy. Nhưng trong thời Pháp thuộc, lính Pháp kéo đến phá chùa, hai pho tương bằng đất xét kết hợp với giấy ta ấy, họ mang quẳng ra rệ ao. Bị mưa nắng, thời tiết kết hợp với thời gian đến nay hai pho đấy không còn nữa. Sau 4 lần sửa chữa, trùng tu chùa, người dân yêu cầu phải có hai vị hộ pháp để thờ phụng cho tốt. Bởi vì vậy mà từ năm trước, 3 gia đình kể trên đã đem tấm lòng thành đặt tượng và bây giờ mang đến cung tiến cho nhà chùa.
Việc chuyển tượng lên chùa được bắt đầu từ sáng sớm. Nhiều già làng tín lão đã có mặt tại chùa để cầu kinh niệm phật cho hai pho hộ pháp. Hơn 8h thì hai pho tượng được lần lượt chuyển về chùa Hưng phúc. Pho tượng nặng, hơn ba chục người từ các cụ ông cho đến các bác, các chú và anh em thanh niên trai tráng trong làng cùng góp sức, góp trí, tập trung lại để đưa pho tượng vào đặt ngay ngăn trong chùa. Pho tượng rất nặng, được bàn đi tính lại nhiều lần và dùng nhiều hình thức khác nhau mới đưa được pho tượng vào trong chùa và đặt đúng vị trí mà không làm hư hại đến pho tượng. Qua chín bậc lên thềm đã là một nỗ lực vất vả đối với mọi người. Nhưng đưa được các vị qua cánh cửa thì quả là một điều không hề đơn gian. Bởi pho tượng nặng và lớn so với chiều cao, chiều ngang của cửa. Sự phối hợp nhịp nhàng, tinh ý, các pho tượng lần lượt được đắt vào đúng vị trí. Những tiếng cười, tiếng hoan hô và cả giọt mồ hôi qua từng công đoạn đã làm ai nấy như tăng thêm sức mạnh, sự hiệp đồng, đoàn kết của người dân quê hương. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, việc chuyển tượng về chùa đã hoàn tất, ai nấy đều hồ hởi vui mừng. Mọi người cùng nhau thụ lộc nhà chùa bằng những trái cam, trái táo, lon nước, đĩa sôi, đĩa chè… và ngồi quây quần đông vui, bởi nhiệm vụ đã được hoàn thành.
Đây là một phần công đức, tấm lòng thành của người dân với ngôi chùa linh thiêng của làng quê mình. Qua đó, còn thấy được cả sức mạnh đoàn kết, sự tinh trí sáng tạo của người dân quê hương. Tất cả những cái đó đã thể hiện được một nét đẹp, sáng ngời trong tâm của một làng quê văn hoá đang phát triển và vững bước đi lên.
Văn Bình