;
Di ảnh cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Thể
Hoà thượng họ Đặng, huý Hữu Tường, Pháp danh thượng Nguyên hạ Phước, tự Quang Thể, hiệu Đạt Minh, đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế chánh tông. Hoà thượng thọ sanh ngày 19 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1922), trong một gia đình thâm tín Phật pháp tại làng An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Chánh quán tại làng Quảng Lăng, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ của Hoà thượng là cụ ông Đặng Văn Vịnh (tức Nuôi), thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ớt. Hoà thượng là trưởng nam trong một gia đình gồm có 5 anh em: 3 trai, 2 gái. Năm Hoà thượng lên 9 tuổi, phụ thân qua đời. Từ đó, mẫu thân của Hoà thượng tần tảo một mình nuôi con.
Năm 11 tuổi (Nhâm Thân 1932), Hoà thượng được mẫu thân gởi đến ở với thầy Tư Tri để học chữ Nho tại chùa An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Sau đó, Hoà thượng xuất gia với Ngài Giám tự pháp hiệu thượng Thiện hạ Trí tại chùa Linh Quang – Huế. Dưới sự dẫn dắt của Hoà thượng Bổn sư, đạo phong của Ngài ngày một tăng trưởng, được chư Tôn đức thương mến, pháp lữ kính nể. Những người cùng tu học với Hoà thượng tại Phật học đường Báo Quốc ngày ấy là chư vị Hoà thượng Thích Thiên Ân, Hoà thượng Thích Đức Tâm, Hoà thượng Thích Minh Tánh, Hoà thượng Thích Thiện Châu…
Năm 1937 Hoà thượng tham gia vào khoá tu học tại Phật học đường Báo Quốc – Huế đến năm Kỷ Mão 1939, Ngài phụ tá Bổn sư khai kiến chùa Hiếu Quang và tiếp tục tu học tại đây.
Cuối năm Giáp Thân (1944), chiến tranh Việt-Pháp xảy ra, Hoà thượng tản cư vào Quảng Nam. Ở đây, Hoà thượng vận động thành lập Chi Hội Phật giáo Nồi Rạng, nay thuộc xã Duyên Thọ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Đến năm Kỷ Sửu (1949), tròn 28 tuổi, đạo phong vững mạnh, Ngài được Hoà thượng Bổn sư cho thọ Tam đàn cụ túc giới tại Giới Đàn Hộ Quốc tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc-Huế, do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Hội Phật giáo Việt Nam làm Đàn đầu. Cùng thọ giới trong giới đàn này có các Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Hoà thượng Thích Thiện Minh…
Năm Quý Tỵ (1953), Ngài trở về An cư kiết hạ tại chùa Báo Quốc-Huế dưới sự chủ trì của Hoà thượng Thích Thanh Trí. Năm Giáp Ngọ (1954), Ngài được Bổn sư cho phép trở vào Đà Nẵng, ở tại chùa Linh Ứng. Tại đây, Ngài đã tổ chức khoá An cư kiết hạ cho chư Tôn thiền đức ở Huế và Đà nẵng. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đã tổ chức lớp học giáo lý tại gia và tiến hành thành lập khuôn hội tại đây.
Từ năm Giáp Ngọ (1954), Ngài là thành viên của Ban Hoằng pháp Hội Phật học Trung phần và đi thuyết giảng tại các tỉnh miền Trung.
Năm Mậu Tuất (1958), Hoà thượng cùng chư Tôn đức trong tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng thành lập Phật học viện Phổ Đà. Đây là cơ sở đào tạo Tăng tài, Bố tát và an cư, ngày nay là Trường Trung cấp Phật học thành phố Đà Nẵng.
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài chính thức khai sơn chùa Thọ Quang, thuộc xã Hoà Thọ, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc TP. Đà Nẵng). Năm Nhâm Dần (1962), công việc xây dựng chùa hoàn thành.
Sau lễ khánh thành, vì nhu cầu Phật sự cần thiết, Giáo hội Tăng già Trung phần bổ nhiệm Hoà thượng trụ trì chùa Tỉnh hội Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Năm Quý Mão (1963), Hoà thượng cùng chư Tôn thiền đức tỉnh Bình Thuận hướng dẫn Tăng tín đồ Phật giáo Phan Thiết tham gia phong trào đòi năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo góp phần đưa cuộc đấu tranh Phật giáo đi đến thắng lợi trong tinh thần bất bạo động.
Từ năm Đinh Mùi (1967) đến năm Ất Mão (1975), Hoà thượng về lại Đà Nẵng và được các Đại hội thỉnh cử giữ chức vụ Chánh Đại diện cho đến ngày hoà bình trở lại trên quê hương.
Năm Canh Tuất (1970), Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã tổ chức Đại giới đàn Vĩnh Gia, Ngài được thỉnh cử chức vụ Phó chủ đàn; Hoà thượng Thích Tôn Thắng làm Chánh chủ đàn. Đây là Đại giới đàn được tổ chức quy mô với sự hiện diện của các bậc cao Tăng lãnh đạo Giáo hội và sự tham dự hàng nghìn giới tử xuất gia và tại gia trong cả nước.
Từ năm Mậu Thân (1968) đến năm Ất Mão (1975) đồng bào tỵ nạn chiến tranh vào Đà Nẵng rất đông, Ngài đã chỉ đạo tiếp cư đồng bào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Với lòng từ bi lân mẫn Ngài đã đứng ra kêu gọi và trấn an dân chúng trong những ngày sắp giải phóng, nhờ đó đã góp phần ổn định đời sống dân chúng thành phố.
Từ năm Ất Mão (1975), tức sau ngày đất nước được giải phóng, Ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo hội, tổ chức tu học cho Tăng tín đồ. Đồng thời Ngài được mời tham gia vào Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về sau giữ cương vị phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Năm Bính Thìn (1976) đến năm Đinh Tỵ (1977), khi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín cũ và Đà Nẵng sát nhập thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Dưới sự lãnh đạo của GHPGVNTN cũ, một Ban Đại diện Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập. Ngài được tiếp tục cung thỉnh cử làm Chánh Đại diện Tỉnh hội Phật giáo.
Năm 1980, Ngài được thỉnh cử làm Đệ thất Tôn chứng Đại giới Đàn Thiện Hoà được tổ chức tại chùa Ấn Quang, thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, tháng 5 năm 1982 (Nhâm Tuất), Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ nhất đã thỉnh cử Ngài làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng nam – Đà Nẵng. Ngài giữ chức vụ này trải qua 3 nhiệm kỳ 1982-1987, 1987-1992, 1992-1997 và được suy cử vào Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN.
Năm Giáp Tuất (1994), Đại giới đàn Báo Quốc được tổ chức tại Huế, Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng sư.
Năm Bính Tý (1996), Đại giới đàn Phước Huệ do Ban Trị sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng nam – Đà Nẵng tổ chức tại chùa Phổ Đà, TP. Đà Nẵng, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hoà thượng. Trong giới đàn này, giới tử xuất gia gồm 300 vị, giới tử tại gia thọ Thập Thiện giới và Bồ Tát giới khoảng 1640 vị, tổng cộng gần 2000 vị.
Năm Đinh Sửu (1997), tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách ra thành hai đơn vị hành chính là thành phố Đà nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam. Ngày 19, 20 tháng 4 năm 1997, trong Đại hội Đại biểu Phật giáo TP. Đà Nẵng lần thứ nhất, Ngài được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự THPG TP. Đà Nẵng, nhiệm kỳ 1997-2002 và được Đại biểu suy cử vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN. Ngài tiếp tục giữ các chức vụ trên trong nhiệm kỳ V (2002-2007).
Năm Canh Ngọ (2000), Hoà thượng Bổn sư viên tịch, Ngài trở về Huế lo tang lễ một cách hoàn mãn, đền đáp ơn giáo dưỡng của ân sư.
Với tinh thần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Ngài đã hiến trọn đời mình cho công cuộc giáo dục – hoằng pháp lợi sanh.
Ngài chú trọng mở trường đào tạo Tăng tài, tổ chức An cư kiết hạ, Bố tát, Tự tứ, bồi dưỡng đạo phong cho Tăng Ni Đà Nẵng. Ngài đã hoàn thành nhiều tâm nguyện, vượt qua hơn 50 năm trên cương vị lãnh đạo thực hiện các công tác Phật sự, Ngài không từ gian nguy khó nhọc, ở đâu có nhu cầu Phật sự là có Ngài hiện diện. Ngài rất quan tâm đến các đơn vị chùa cơ sở, thăm viếng các Đạo hữu, Phật tử tuổi già sức yếu để sách tấn tu học. Đối với các huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử, Ngài rất thương mến, động viên tu học làm tốt đạo đẹp đời. Với hạnh nguyện lớn lao ấy, Ngài xứng đáng với bài kệ phó pháp mà Hoà thượng Bổn sư đã trao cho:
Nguyên Phước tương thừa liễu đạo tông
Thiện lai Quang Thể khế tâm dung
Đạt Minh diệu chỉ siêu chơn tế
Tục diệm truyền đăng phổ chiếu đồng.
Tạm dịch:
Nguyên Phước nối dòng rõ tâm tôn
Lành thay Quang Thể hợp tông môn
Đạt Minh diệu chỉ siêu chân vọng
Truyền đăng diệu pháp chiếu càn khôn.
Thừa hưởng và thấm nhuần nguồn mạch Đạo phong của chư Tổ, Ngài đã nỗ lực tham gia các công tác Phật sự mà Ngài còn canh cánh bên lòng việc trao truyền yếu chỉ của tông môn. Đệ tử xuất gia của Ngài có khoảng 30 vị Tăng và Ni. Các vị cũng đã tiếp bước Bổn sư, tích cực phát huy sự nghiệp “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh” trong phạm vi tỉnh nhà và các tỉnh khác.
Ngoài ngôi chùa Thọ Quang do Ngài khai sơn, phần lớn các chùa cơ sở, niệm Phật đường trong thành phố Đà Nẵng đều được xây dựng dưới sự chứng minh của Ngài. Đối với các Phật sự chung như: tạo tượng, đúc chuông… từ thành thị đến thôn quê, Hoà thượng đều đến chú nguyện, động viên tạo niềm phấn khởi cho Phật giáo tại cơ sở.
Sau khi thọ Đại giới, Ngài được Giáo hội Phật giáo Trung phần cử về Trụ trì chùa Pháp Lâm – Đà Nẵng vào năm 1951 đến năm 1962, Ngài được cử Trụ trì chùa Tỉnh hội Phan Thiết. Năm 1964, Hoà thượng trở về lại Đà Nẵng tiếp tục giữ chức vụ Chánh Đại diện rồi Trưởng Ban Trị sự Phật giáo cho đến nay.
Trong suốt những ngày cuối cùng, mặc dù được Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, môn đồ Pháp quyến và các Y, Bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng sức khoẻ đã kiệt, hạnh nguyện đã mãn, Ngài an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 08 giờ 00 ngày mồng 3 tháng 6 năm Ất Dậu (nhằm ngày 08 tháng 7 năm 2005), tại chùa Thọ Quang, Đà Nẵng. Ngài trụ thế 84 tuổi đời, 57 tuổi đạo.
Cuộc đời Hoà thượng là một tấm gương sáng về giới đức, đạo hạnh, hết lòng vì đạo với tâm nguyện giữ đạo kiên cố, giáo dục bồi dưỡng Tăng tài và đặc biệt có công lớn trong công cuộc xây dựng Phật giáo tỉnh nhà. Trên 50 năm hành đạo, trong đó có đến 30 năm đứng trên cương vị Chánh Đại diện, Trưởng Ban Trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo Đà Nẵng, Hoà thượng đã dày công xây dựng cho Phật giáo Đà Nẵng một sức sống mãnh liệt. Tinh thần phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, tinh thần hoằng pháp lợi sanh của Hoà thượng đã ở trong lòng Tăng Ni, Phật tử trên toàn thành phố Đà Nẵng và đồng bào Phật tử các giới.
Chiều ngày 28/6/2014, BTS GHPGVN Tp Đà Nẵng đã đến dâng hương và tưởng niệm cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thế
Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thể
ĐĐ. Thích Thông Đạo đảnh lễ cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thể
ĐĐ. Thích Đạo Lực đảnh lễ cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thể
Chư Ni dâng hương và đảnh lễ cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thể
BHD PB GĐPT Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm ân sư
Chùa Tân Thành dâng hương đảnh lễ cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thể
Môn đồ cố Trưởng lão HT. Thích Quang Thể tác bạch cúng dường Chư Tôn đức
Nguyên Dũng – Nguyên Hà – Văn Khỏe