;
Để tưởng nhớ công ơn sâu dày của Hòa thượng Tôn sư, nhân dịp lễ húy nhật lần thứ 39 ngày Cố HT. Thích Trí Hữu viên tịch, HT. Thích Thiện Nguyện – UVTT HĐTS GHPGVN, Quyền Trưởng BTS GHPGVN Tp Đà Nẵng, Trú trì Tổ đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, Tp Đà Nẵng) cùng Chư Tôn đức môn đồ pháp phái đã long trọng tổ chức Đại lễ Trai đàn Cầu siêu – Bạt độ – Chẩn tế – Cúng dường Trai Tăng trong 3 ngày 26, 27, 28/11/Giáp Ngọ (16, 17, 18/01/2015) tại chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn dưới sự chứng minh của HT. Thích Như Thọ – UV HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN Tp Đà Nẵng. HT. Thích Trí Viên – UVTT BTS GHPGVN Tp Đà Nẵng, Trưởng BTS GHPGVN quận Sơn Trà; TT. Thích Minh Thành – Trưởng ban nghi lễ GHPGVN Tp Đà Nẵng; ĐĐ. Thích Thông Đạo – UVHĐTS GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Tp Đà Nẵng làm Sám chủ cùng Chư Đại đức Tăng ban kinh sư.
Cố Hòa thượng thượng TRÍ hạ NĂNG hiệu HƯƠNG SƠN tự TRÍ HỮU sinh năm 1913 tại làng Quá Giáng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Năm 1929, Ngài phát nguyện xuất gia tại Tổ đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn với Bổn sư là Hòa thượng Như Thông Tôn Nguyên và được Bổn sư cho theo học tại Đà Thành Phật học viện vào năm 1935, sau đó ra Huế học tại Phật học viện Báo Quốc vào năm 1937. Cùng học với Ngài có các Hòa thượng như: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Trí Nghiễm, Trí Nghiêm v.v…Ngài thọ Cụ túc giới vào năm 1938.
Sau khi tốt nghiệp Phật học viện Báo Quốc Huế vào năm 1945, Ngài vào Sài Gòn cộng tác với tạp chí Từ Quang và làm Giáo thọ sư tại các trường Phật học.
Đến năm 1949, Ngài xây am thất tại Vườn Lài đặt tên là Am Trí Tuệ sau đổi thành chùa Ứng Quang. Sau đó Ngài hiến cúng để thành lập Phật học đường Nam Việt đồng thời là trụ sở Giáo hội Tăng Già Nam Việt. Cố HT. Thích Thiện Hòa (nguyên Phó Tăng Thống GHPGVNTN) tiếp nhận trùng tu và đổi tên thành chùa Ấn Quang (Quận 10, Tp HCM).
Năm 1951, Ngài là đại biểu chính thức Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo tại Tổ đình Từ Đàm Huế.
Năm 1957, do nhu cầu Phật sự tại quê nhà, Ngài trở về trú trì Tổ đình Linh Ứng tại núi Non Nước Ngũ Hành Sơn. Từ đó Ngài mở trường dạy học, thu nhận đệ tử. Đến năm 1960, khi Phật học viện Phổ Đà (Đà Nẵng) khai giảng, Ngài được mời làm Giám viện Phật học viện.
Năm 1961, Ngài làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng.
Năm 1962, Trú trì chùa Pháp Lâm, trụ sở tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng.
Năm 1963, Ngài đã lãnh đạo Tăng Tín đồ Phật giáo Đà nẵng đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo.
Năm 1964, Ngài làm Chánh đại diện Phật giáo Việt Nam miền Liễu Quán.
Năm 1973, Ngài được Đức Tăng Thống tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và là thành viên Hội đồng giáo phẩm viện Tăng Thống GHPGVNTN.
Song song với việc tu học, đào tạo Tăng tài, Ngài còn dành thời gian dịch thuật kinh sách với những tác phẩm: Lời Phật dạy, Kinh Viên Giác, Kinh Phật địa, Phật học danh số, Duy thức dị giảng và sáng tác cuốn Lịch sử Ngũ Hành Sơn, đặc biệt tác phẩm Lịch sử Ngũ Hành Sơn là cuốn sách rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của Phật giáo tại núi Ngũ Hành.
Ngài đã được cung thỉnh tại nhiều Đại giới đàn: Giáo Thọ A Xà Lê tại giới đàn chùa Long Tuyền Hội An (1965), Đệ Thất Tôn chứng tại giới đàn Phật học viên Hải Đức Nha Trang (1968), Đệ Ngũ Tôn chứng tại giới đàn Vĩnh Gia Đà Nẵng (1970), Giáo thọ A Xà Lê tại giới đàn Tu viện Quảng Đức – Thủ Đức Sài Gòn (1971).
Ngoài việc khai sơn chùa Ứng Quang (tức là chùa Ấn Quang – Sài Gòn bây giờ), Ngài đã vận động đại trùng tu chùa Linh Ứng (1972), khai sơn chùa Hòa Phước (1950), Chùa Bảo Minh (1965) huyện Hòa Vang, chùa Từ Quang-Điện Bàn, Chùa Bích Trân, Chùa La Thọ tại Quảng Nam.
Tháng 10/1975, Ngài thọ bệnh và được đệ tử đưa vào Sài Gòn chữa trị. Đến giờ Ngọ ngày 28/11/Ất Mão (1975), Ngài đã viên tịch tại chùa Ấn Quang-Sài Gòn, nơi mà 37 năm về trước Ngài đã đặt những viên đá đầu tiên kiến tạo với 63 tuổi đời và 38 tuổi đạo. Sau khi trà tỳ, hài cốt của Ngài được phân làm hai phần: một phần thờ tại chùa Ấn Quang và một phần đem về nhập bảo tháp tại chùa Linh Ứng-Ngũ Hành Sơn.