;
Phật tử đối trị dịch bệnh như thế nào
Đức Phật nói về nguyên nhân hiểm nạn, thiên tai, bệnh tật và cách hóa giải
Dễ thương sư thầy, chú tiểu phát khẩu trang miễn phí cho dân phòng virus corona
Trong khi dịch bệnh đang lan tràn khắp nơi, nhất là vùng tâm dịch thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã làm dấy nên nỗi lo sợ cho toàn thế giới về một đại dịch đang và đã lấy đi tín mạng hàng ngàn người và gần trăm ngàn người nhiễm bệnh. Và người phật tử chúng ta cần làm gì trong thời gian và khoảnh khắc này để giúp cho dịch bệnh được giảm trừ và đẩy lùi?
Hằng ngày khi thức dậy, chúng ta đọc tin tức thì lại thêm số người chết vì dịch bệnh Corona ngày càng tăng lên. Số người mất đó chỉ là những con số thống kê, còn thực tế nhiều hơn bao nhiêu thì chúng ta chưa biết được, vì có người còn đang ủ bệnh chưa phát hiện, có người mất tại nhà hay chưa tới bệnh viện, hay chưa kịp xét nghiệm vì sự quá tải của những người mắc bệnh nhiều hơn sự cung ứng và phục vụ y tế của bệnh viện.
Nên bệnh viện dã chiến, bệnh viện cách ly được lập ra thêm nhiều để tăng thêm giường bệnh. Tuy là bệnh dịch xảy ra trong nhiều tháng nay nhưng vắc xin để phòng và trị bệnh thì đang là ẩn số mơ hồ, vì có khi chúng ta nghe được thông tin vắc xin đã tìm ra hay dùng cách chữa bằng phác đồ trong đó dùng thuốc sốt rét hay thuốc trị HIV để điều trị và tăng khả năng miễn dịch giúp hỗ trợ cho bệnh nhân vượt qua đang có hiệu quả như báo chí đã đưa tin. Nhưng sự vượt qua đó hiện phần nhiều là do kháng thể tự thân bệnh nhân chống chịu và vượt qua được chứ không hẳn có thuốc đặc trị.
Còn về nguồn gốc của dịch bệnh thì chưa biết chắc chắn vì những thông tin trái chiều hay có che dấu thông tin nên khi thì do chợ thịt tươi sống ở thành phố Vũ Hán hay trong lẩu dơi có dịch bệnh virut Corona nên ăn lẩu dơi bị, có bài báo lại nói dịch bệnh từ con tê tê hay do từ phòng thí nghiệm virut cách khu chợ tươi sống của thành phố Vũ Hán chưa tới 30 km gây ra.
Nhưng tạm gác lại một bên nguyên nhân trực tiếp, chúng ta hay tìm nguyên nhân gián tiếp gây ra dịch bệnh hiện nay. Sự sống tha hóa của một số bộ phận dân sinh, cộng đồng thông qua sự hưởng thụ đã làm sát hại không biết bao sinh mạng, làm chết không biết bao loài để phục vụ cho sự ưu thích khoái khẩu ăn uống của tự thân, mà nghiệp sát lại là nghiệp nặng nhất trong các nghiệp bởi sự ác tâm, vô tâm hay thờ ơ gây ra.
Chung quy vô minh che đậy tâm trí làm bùng phát tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến mà ra. Trong cái nghiệp đó thì có có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp chiêu cảm bởi những người có nghiệp gần giống nhau nhân qua đời tiền kiếp hay quá khứ gây ra, còn biệt nghiệp là nghiệp chiêu cảm có sai biệt giữa mỗi cá thể, giữa mỗi người thông qua cách sống, sinh hoạt hay hành vi ứng xử hằng ngày mà từ quá khứ tới giờ chiêu cảm nhận lãnh. Nên tuy có người mang bệnh lại có người mất người lành. Lành thì do phước đức đủ lớn để vượt qua nạn tai mà cứu lấy mạng sống vô thường, còn mất thì do đức chưa đủ phước chưa dày nên khó mà vượt qua được.
Vậy gặp nạn mà vượt qua, gặp bệnh mà có khỏi, gặp khó khăn gian nguy mà không sao thì tất cả chung quy cũng do phước đức có lớn hay không mà nhận lãnh nghiệp nặng nhẹ có sai khác. Có câu " đức năng thắng số" là số mệnh tuy là kết quả của nhân quá khứ chiêu cảm nghiệp báo, nhưng do đức năng đã tạo mà kết quả nhận có nặng hay nhẹ tùy đức năng cạn hay sâu.
Muốn có đức năng thì chúng ta tu thân khẩu ý thông qua hành thập thiện nghiệp đạo. Thập thiện nghiệp là mười điều thiện của thân, khẩu, ý. Trong đó thì thân có ba, khẩu có bốn, ý có ba. Về mười điều của thân, khẩu, ý như sau:
1. Những nghiệp dữ
Những nghiệp dữ chia ra như sau:
a) Những nghiệp dữ về Thân có ba là: Sát sanh, trộm cắp, dâm dật.
b) Những nghiệp dữ về Khẩu có bốn là: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
c) Những nghiệp dữ về Ý có ba là: Tham lam, giận hờn, si mê.
Cộng tất cả Thân, Khẩu, Ý thì có mười nghiệp dữ.
2. Những nghiệp lành
Nếu con người làm ngược lại với 10 nghiệp dữ trên đây thì sẽ có được 10 nghiệp lành. Mười nghiệp lành chia ra như sau:
a) Về Thân có ba: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dật.
b) Về Khẩu có bốn: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác.
c) Về Ý có ba: Không tham lam, không giận hờn, không si mê.
Vậy tu thập thiện nghiệp là chuyển hóa thân, khẩu, ý thành tốt lành, từ đó hình thành đức hạnh thông qua hành vi, ứng xử và niệm suy. Tu thập thiện hóa giải hay giảm được nghiệp chứng của nhân đời trước hay quá khứ, chiêu cảm quả tốt lành cho hiện tại và tương lai.
Để kiến tạo một thế giới an lành thì trong tâm mỗi người cần có thế giới tâm hồn trong sáng. Mà để trong sáng tâm hồn thì hãy hiểu đạo, tu đạo, hành đạo và sống đạo mới ngõ hầu tìm được cánh cửa hạnh phúc chân thật của tự tâm.
Đối với dịch bệnh thì ta hãy bằng con mắt của tuệ giác, tri giác nhận thấy bệnh là kết quả của nghiệp chiêu cảm, là sự vận hành của quy luật nhân quả thông qua tạo tác quá khứ chiêu cảm hiện tại. Khi mà con người sống chỉ biết bản thân, tham sân si dẫn tới tự làm hại bản thân mà cũng gây họa cho người khác hay loài khác trên trái đất thì tất yếu nhận sự phản hồi phản tác dụng ngược lại là sự gánh chịu khổ đau và phiền não.
Là người Phật tử chúng ta hãy nguyện cầu cho những ai đang bệnh thì mau lành, mau khỏi; những ai đã mất thì an lành,siêu thoát; những ai chưa bệnh thì mong được an lành sức khỏe. Lời nguyện cầu từ tâm thành, ý thiết ắt có sự nhiệm màu. Hãy chung tay vì một mái nhà chung của trái đất, tuy vô thường nhưng là nơi sinh sống của muôn loài, là nơi ta hành đạo, là nơi chốn tu tập.
Và khi bệnh tới làm cho ta thấy cuộc đời thật vô thường, không biết thần chết vô thường gõ cửa gọi tên ta lúc nào không hay. Vì vậy khi còn đang khỏe mạnh, còn đang tốt lành ta hãy tu mau kẻo trễ, tu hành tinh tấn, hành đạo giúp đời để đức năng có thể thắng số hay ít ra cũng có thể cải sổ giảm mệnh xấu đi. Nguyện mong cho đại dịch sớm được đẩy lùi, bình an sẽ tới với người thiện tâm.
Nam mô A Di Đà Phật.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=or_rC70ZYEY|500|500}