;
Sáng ngày 11/9/2014 (ngày 18/8/Giáp Ngọ), Để tri ân các anh hùng liệt sỹ và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đối với các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hy sinh vào ngày 12/9/1930 tại Thái Lão. Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Nghệ An đã trang nghiêm tổ chức ĐẠI LỄ CẦU SIÊU CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ tại nghĩa trang Thái Lão – thị trấn Hưng Nguyên.
Lễ cầu siêu cầu an do Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Nghệ An thực hiện để tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh. Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS TWGHPGVN kiêm trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An. Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN kiêm phó thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, cùng chư tôn đức Tăng Ni trong ban trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh cùng tham dự cùng hàng nghìn nhân dân địa phương và lân cân.Đặc biệt là sự có mặt của thân nhân các gia đình chiến sỹ hy sinh ngày 12/9/1930.
Đại diện lãnh đạo UBND,các sở, ban ngành, UBMTTQVN tỉnh, công an tỉnh, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương.
Di tích được xây dựng tại thị trấn huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Di tích cách thành phố Vinh 5 km về phía Tây, nằm bên Quốc lộ 46 đi quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh( Kim Liên, Nam Đàn).
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại Bến Thủy và nông dân 5 xã ven thành phố dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ. Từ đó đến tháng 8/1930, đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nông, nổi bật là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Diêm kéo dài đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thuỷ. Ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên tập trung ở đình Xuân Hòa, kéo ra ga Yên Xuân rồi tiến về phủ Hưng Nguyên đưa yêu sách cho tri phủ, bỏ sưu, giảm thuế, đòi ruộng đất cho dân cày. Khi đoàn biểu tình vừa đến cầu Hôn thì đế quốc Pháp đã cho máy bay đến uy hiếp và ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và hàng trăm người bị thương. Cuộc khủng bố dã man này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.
Sự hy sinh của hàng trăm người dân đã đưa cuộc đấu tranh lên đến cao trào. Khí thế của Xô viết Nghệ Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10/1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Các chính quền Xô viết do giai cấp công nhân lãnh đạo đã phát triển ở nhiều vùng rộng lớn trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dù những chính quyền Xô viết non trẻ chỉ tồn tại sau bốn, năm tháng do bị thực dân Pháp trở lại khủng bố dã man, song nó để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử.
Trong lời phát biểu của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, tổ chức đại lễ cầu siêu là việc làm có ý nghĩa văn hóa truyền thống tâm linh, thể hiện mong muốn của những thế hệ hôm nay tri ân và báo ân đối với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hi sinh và cống hiến của các anh hùng liệt sĩ sẽ mãi mãi được tôn vinh, trường tồn cùng non sông Việt Nam.
Ngay sau đó, chư tôn đức và toàn thể người tham dự tiến hành nghi lễ cầu siêu cho các hương linh liệt sỹ và hơn 3000 ngọn nến hoa đăng đã được thắp lên xung quanh khuôn viên ngôi mộ tập thể các chiến sĩ tại nghĩa trang trong niềm xúc động vô biên.
Lễ cầu siêu diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính nguyện cầu hướng về những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập Tổ quốc và những chiến sỹ đã hy sinh trong ngày 12/9/1930 được siêu thoát. Qua đó, bày tỏ lòng cảm thông, chia sẻ với thân nhân, gia đình các chiến sỹ.
Đại đức Thích Định Tuệ trụ trì chùa Phúc Thành, ban tổ chức buổi lễ cho rằng: Lễ cầu siêu cầu an là bổn phận, nhiệm vụ của những người còn sống hồi hướng về những người đã quá vãng. Lễ cầu siêu cần an đúng vào dịp Ngày 12/9 càng có ý nghĩa hơn, sự kết hợp hài hòa Phật giáo và văn hóa tâm linh truyền thống người việt mong muốn mang lại hòa bình, thịnh vượng cho đất nước.