;
Theo tờ Tribune ở Geneve, Thụy Sĩ của tác giả Linda Moulin đăng ngày 15/7/2009
Hằng năm hội Liên Hiệp Khai triển Tôn Giáo và Tâm Linh (International Coalition for the Advancement of Religious and Spirituality - ICARUS), đặt tại Geneve, vẫn tuyển chọn và ban thưởng văn bằng tuyên dương công đức cho một vị lãnh đạo tinh thần đã rất có công trong lãnh vực phát huy và cổ động cho mục tiêu hòa bình và nhân đạo thế giới. Nhưng năm nay không chỉ riêng một cá nhân nào được chọn cho giải thưởng đó, mà cả cộng đồng Phật giáo sẽ lãnh nhận tặng thưởng quan trọng này. Ông Hans Groehlichen, giám đốc của hiệp hội, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, đã xác nhận và cho chúng tôi biết là: “Hội thường dùng cách thức truyền thống để tuyển lựa người nhận giải thưởng, nhưng lần này chúng tôi muốn tuyên dương cái tinh thần khiêm tốn nhún nhường của cả một truyền thuyết cao đẹp nhất.” Ông phát biểu: “hầu hết mọi tôn giáo đều sử dụng công cụ và khả năng riêng tư để tạo chia rẻ và làm chấn động hơn là để hòa giải, nên chúng tôi nghĩ phải cần có một đường hướng khác biệt hơn để tạo một tí khuấy động và làm gương cho các nhà lãnh đạo những tôn giáo khác biết chút ít về khả năng của tâm từ bi nếu chúng ta thật sự biết và sống với lòng từ bi rộng lượng này, nên chúng tôi đề cử “giải thưởng Tôn giáo cao đẹp nhất toàn cầu.” Ông Groehlichen còn cho biết là giải thưởng năm nay được hoan nghênh và đồng loạt chấp thuận bởi hơn 200 đại biểu của mọi tầng lớp tôn giáo lớn nhỏ của toàn thế giới trong một hội nghị bàn tròn vừa qua. “Khi chúng tôi đưa ra ý kiến này, thì số đông các nhà lãnh đạo có mặt đều bỏ phiếu cho Phật giáo thay vì chọn chính tôn giáo của họ. Trong khi Phật giáo chỉ là một thiểu số rất ít trong những đại diện tôn giáo thành viên của hội. Thật là một việc rất hi hữu và đáng được chú ý.”
Những điều kiện để được tuyển lựa vào chung kết gồm có hoạt động để đạt sự an tịnh cá nhân hoặc đoàn thể, tăng trưởng tâm từ bi yêu thương và sự gắn bó, và khuyến khích việc bảo quản duy trì môi trường thiên nhiên. Ông Groehlichen còn cho biết: “quan niệm lớn nhất đối với Hội ICARUS mà cũng là nền tảng chính của Hội - Hội ICARUS được thành lập bởi những thành phần lãnh đạo tôn giáo và tâm linh - là ý niệm mang lại cuộc sống hòa bình, không bạo động đến cho toàn thể nhân loại. Một trong những yếu tố lớn nhất khi chúng tôi đề cử và bầu bán là chọn lựa một tôn giáo bất bạo động đã sống và thực hành theo đúng nghĩa đó.”
Khi trình bày tư tưởng này đến các thành viên của Hội, chúng tôi đã nghiên cứu rất bao quát và kỹ lưỡng hết 38 tôn giáo được nêu tên trong danh sách bỏ phiếu, kiểm tra cả về quá trình thành lập, triết lý và luân lý, và những tương quan của tôn giáo ấy trong chính quyền và quân sự cũng như trong chiến tranh bạo loạn. Ông Jonna Hult, Giám đốc ngành Nghiên cứu của hội ICARUS cho biết ông không hề “ngạc nhiên khi Phật giáo đoạt giải thưởng ‘Tôn giáo cao thượng nhất thế giới’ vì chúng tôi không thể tìm thấy một dấu vết gì dẫn chứng có sự liên quan giữa một cuộc chiến nào đó với Phật giáo, cũng hoàn toàn không có một trận chiến nào xẩy ra nhân danh Phật giáo.” Trái ngược với những tôn giáo khác – ông châm biếm – “hình như họ đều có thủ sẳn súng ống trong kho để sử dụng lỡ mà Thượng Đế có sơ suất hay mất hiệu nghiệm. Chúng tôi cũng chẳng tìm thấy một Phật tử nào tham gia trong quân đội hay ra trận chiến. Những người theo đạo Phật thật sự sống đúng theo tôn chỉ của họ nên chúng tôi không thể kiếm ra một bằng chứng nào cả.”
Một linh mục của Thiên Chúa giáo – Cha Ted O’Shaughnessy (ở thủ phủ Belfast, Bắc Ái-nhĩ-lan) - có một nhận xét về Đạo Phật như thế này: “cho dù tôi rất kính trọng giáo hội Thiên Chúa giáo, nhưng tôi vẫn bực mình về việc chúng tôi luôn giảng dạy về tình yêu thương trong giáo lý kinh thánh của chúng tôi, nhưng khi đụng chuyện, người Công giáo lại thẳng tay giết chóc và còn nhân danh Thượng đế bào chữa cho việc làm đó. Vì thế nên tôi đã quyết định bỏ phiếu cho Phật giáo.” Trong khi đó, một nhà lãnh đạo Hồi giáo, Ông Tal Bin Wassad từ Pakistan trình bày qua một thông dịch viên, ông cũng đồng ý: “tôi là một tín đồ Hồi giáo rất thuần thành, nhưng tôi nhận thấy có quá nhiều sân si đố kỵ thù hận và những chém giết đổ máu biểu lộ nhân danh tôn giáo thay vì đúng ra chúng chỉ được cư xử trên cương vị cá nhân mà thôi. Đạo Phật đã biết rõ điều này.” Ông Bin Wassad là một thành viên của Hội ICARUS đại diện cho toàn khối Hồi giáo của Pakistan, ông nói ông có rất nhiều người bạn thân là Phật tử. Một giáo sĩ Do Thái khác, ông Shmuel Wasserstein, từ Jerusalem cũng có cùng quan điểm. Ông nói: “Cho dù đối với tôi Do Thái giáo là một tôn giáo cao cả hơn hết. Nhưng thú thật… tôi đã hành trì pháp môn Thiền Minh-sát (Vipassana meditation) mỗi ngày trước thời kinh Minyan của tôi từ năm 1993. Như vậy nên chắc tôi cũng hiểu được chút ít.”
Ông Groehlichen thưa rằng giải thưởng ‘Tôn giáo Cao thượng nhất Thế giới’ có lẽ sẽ được phân phối đến những vị Đại Tăng lãnh đạo nhiều Tông phái và truyền thống Phật giáo khác nhau trên toàn cầu. Nhưng cũng có những trắc trở, ông nói qua một cuộc điện đàm chiều thứ ba vừa rồi: “Chúng tôi chẳng tìm được ai để trao giải thưởng cả. Những vị chúng tôi liên lạc được đều từ chối không nhận.” Ông giải thích thái độ kỳ hoặc này: “Họ khẳng định Phật giáo không phải là một Tôn giáo, Phật giáo chỉ là một triết lý sống. Nhưng không vì thế mà Hội của chúng tôi thay đổi tầm nhìn. Qua giải thưởng này, chúng tôi thừa nhận triết lý chỉ dạy về trách nhiệm cá nhân và cách tu tập thay đổi riêng tư của từng cá nhân hầu đưa đến một thế giới hoàn hảo hơn; và quan trọng nhất là tự cá nhân họ có thể đối phó với những thử thách hằng ngày mà tất cả chúng sinh chúng ta đều phải đương đầu chịu đựng từ thế kỷ này qua thế kỷ khác.”
Khi được hỏi tại sao giáo phái Phật giáo Miến Điện không chấp nhận giải thưởng trên, một vị Hòa Thượng Bhante Ghurata Hanta cho biết qua cuộc điện thoại viễn liên: “Chúng tôi rất cảm kích sự ưu ái của Hội, nhưng chúng tôi thiết nghĩ giải thưởng này phải được trao tặng cho toàn thể nhân loại, vì mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau cả.”
Ông Groehlichen thì bảo đảm rằng “Hội chúng tôi vẫn sẽ cố gắng liên lạc tìm cho được một người Phật tử đứng ra lãnh nhận giải thưởng này. Chừng đó chúng tôi sẽ báo cho mọi người biết.
Theo: A.N.A.
(The Buddhist Translation Group)