;
Khi đức Phật ngụ trong vườn Ni-câu-lưu Ca-tỳ La-Việt, vương-tử Đề-Bà Đạt-Đa là em con ông chú của Phật, đến chỗ Phật cúi đầu vái Phật rồi thưa:
- Cúi xin Thế-Tôn cho con được làm Sa-môn.
Phật bảo:
- Ông nên ở tại gia làm việc bố thí, làm Sa-môn thật chẳng dễ đâu.
Đề-Bà Đạt-Đa ba lần thưa như thế, Phật cũng ba lần trả lời như thế, Đề-Bà Đạt-Đa liền nghĩ: “Sa-môn này có lòng tật đố, ta có thể tự cạo tóc, tu phạm hạnh, ta đâu cần”; Đề-Bà Đạt-Đa bèn bỏ đi về, tự cạo râu tóc, mặc áo cà-sa, tự xưng “Ta là Thích tử”.
Lúc ấy có một Tỳ-kheo tên Tu-La-Đa tu hạnh đầu-đà, thông suốt ngũ thong; Đề-Bà Đạt-Đa đến chỗ Tỳ-kheo ấy, cúi đầu lễ dưới chân, rồi thưa:
- Cúi xin Tôn-giả nói pháp cho tôi khiến tôi được yên ổn lâu dài.
Tỳ-kheo ấy liền nói pháp cho nghe, Đề-Bà y lời dạy không sai sót. Đề-Bà lại tới thưa:
- Cúi xin Tôn-giả chỉ dạy cho tôi pháp về thần túc, để tôi tu hành.
Bấy giờ Tỳ-kheo Tu-Đà-La lại chỉ cách thực hành pháp thần túc, Đề-Bà Đạt-Đa tu hànhkhông sai sót, sau một thời gian đạt ngũ-thông thần túc biến hóa vô kể, nên tiếng đồn được truyền lan nhanh chóng. Đề-Bà Đạt-Đa dùng sức thần túc bay lên Trời Đạo-Lợi hái các thứ hoa đem về dâng thái-tử A-Xà-Thế và nói:
- Đây là hoa Trời mà tôi đã lấy về tặng thái-tử.
Rồi Đề-Ba Đạt-Đa hóa hiện ra đứa bé ngồi trên đầu gối thái-tử, thái-tử và cung nữ hỏi: “Đứa bé này ở đâu đến mà ngồi trên đầu gối thế này?” Vừa bàn tán xong, Đề-Bà lại hiện hóa thân trở lại như cũ, mọi người khen: “Đây là Đề-Ba Đạt-Đa”. Thái-tử và cung nữ khen ngợi và truyền tụng: “Đề-Ba Đạt-Đa có thần túc và danh đức khó ai sánh bằng”. Từ đó thái-tử thường cung cấp đủ thứ vật dụng thức ăn cho Đề-Bà. Có Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật:
- Đề-Bà Đạt-Đa có thần túc lớn, thường nhận cúng dường đủ thứ của thái-tử A-Xà-Thế.
Phật bảo:
- Các thầy chớ có khởi niệm tham đắm lợi dưỡng của Đề-Bà Đạt-Đa, cũng đừng khen ngợi sức thần thông của ông ấy; vì những vấn đề đó, ông ấy sẽ rơi vào ba đường ác, và thần túc của ông ấy sẽ chấm dứt. Tại sao? Tại vì Đề-Bà sẽ tự tạo nghiệp thân khẩu ý.
Khi đó Đề-Bà Đạt-Đa tự nghĩ: “Sa-môn Cù-Đàm có thần túc, có trí thức, ta cũng có thần túc, có trí thức; Sa-môn Cù-Đàm là dòng họ cao qúy, ta cũng là dòng họ cao qúy. Nếu Sa-môn Cù-Đàm hiện thần túc một ta sẽ hiện hai, nếu Sa-môn Cù-Đàm hiện bốn ta sẽ hiện tám; tùy theo sức hóa hiện của Sa-môn Cù-Đàm ta sẽ hiện gấp đôi”.
Nhiều Tỳ-kheo biết việc thái-tử A-Xà-Thế cung cấp vật thực, khiến có tới năm trăm Tỳ-kheo đi theo Đề-Bà Đạt-Đa.
Một hôm, Đề-Bà Đạt-Đa dẫn nhóm Tỳ-kheo ấy đến chỗ Phật, ngang nhiên đòi đức Phậtnhường quyền lãnh đạo Tăng đoàn cho ông, Đức Phật không nói một câu, Đề-Bà liền la lốiom sòm, rồi kêu gọi các Tỳ-kheo đi theo ông sẽ được hưởng nhiều lợi lộc do A-Xà-Thế cúng dàng cho ông. Lúc đó, Tôn-giả A-Nan, là em của Đề-Bà, cố gắng giảng giải, ngăn cản, nhưng Đề-Ba vẫn ngang tàng uy hiếp. Một số Tỳ-kheo tín tâm chưa vững do sự cúng dường của A-Xà-Thế đối với Đề-Bà, nên đã đi theo.
Bấy giờ, có Tỳ-kheo thưa Phật:
- Đề-Bà Đạt-Đa có thần túc lớn mới có thể phá hoại Tăng đoàn.
Phật bảo:
- Không phải hôm nay Đề-Bà Đạt-Đa mới phá hoại Tăng đoàn, đời qúa khứ, ông ta đã từng phá hoại Tăng đoàn.
Ta chẳng thấy Đề-Bà có pháp lành nào cả, ngược lại Đề-Bà ngày càng tạo ác sâu nặng, sẽ chịu tội nhiều kiếp, chẳng thể chữa trị, ví như có kẻ rớt xuống hầm cầu tiêu, thân chìm lỉm, không còn một chỗ sạch; có người muốn cứu vớt lên, họ nhìn kỹ không có một chỗ sạch để nắm kéo lên, liền bỏ đi. Ta xem Đề-Bà ngu si, ham lợi dưỡng, tạo tội, không chịu sửa đổi, khi chết sinh trong đường ác (Tăng-Nhất A-Hàm, quyển 1, trang 126).
Mấy hôm sau, Tôn-giả Xá-Lợi-Phất biết được Đề-Bà đến gây rối Tăng đoàn, Tôn-giả bèn đến chỗ ở của họ, lúc ấy chỉ có một số Tỳ-kheo ở đó, Tôn-giả hỏi họ:
- Này qúy vị, tôi hỏi một câu: “Qúy vị xuất gia tu đạo là vì sự cúng dường hay vì sự tu đạo?”
Mọi người đều đáp:
- Chúng tôi xuất gia vì mục đích tu đạo để giải thoát sinh tử.
Tôn-giả dõng dạc nói lớn:
- Nếu vậy, các ông không theo chính đạo của đức Thế-Tôn, lại để cho lòng tin của mình bị lay động bởi một chút vật chất, các ông phải mau mau tỉnh ngộ.
Nghe vậy, một số Tỳ-kheo đi theo Tôn-giả về lại Tăng đoàn.
Một hôm, Thế-Tôn vào thành La-Duyệt đi khất thực, xa xa trông thấy Đề-Bà Đạt-Đa, Ngài liền đi ngả khác; Tôn-giả A-Nan đi theo phiá sau thấy tự nhiên Phật quẹo ngả khác, bèn hỏi:
- Sao Thế-Tôn đang đi lại rẽ ngả khác?
- Ta không muốn gặp Đề-Bà Đạt-Đa.
- Thế-Tôn sợ Đề-Bà Đạt-Đa sao?
- Ta không sợ, nhưng Ta không muốn gặp kẻ ác.
- Thế-Tôn có thể khiến Đề-Bà đi nơi khác.
- Ta không muốn làm như vậy.
- Nhưng Đề-Bà có lỗi với Thế-Tôn.
- Chẳng nên gặp người ngu si (Tăng-Nhất A-Hàm, quyển 1, trang 432).
Một ngày nọ, hai Tôn-giả Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên sau khi khất thực xong, bàn với nhau: “Chúng ta đến chỗ Đề-Bà Đạt-Đa nghe ông ấy nói pháp, xem là luận thuyết gì”, liền cùng đi đến chỗ ấy. Đề-Bà Đạt-Đa xa thấy hai người đi tới, liền bảo các Tỳ-kheo:
- Hai người kia là đệ tử của Tất-Đạt (tên của Phật trước khi xuất gia), rất được khen ngợi.
Hai Tôn-giả đến rồi, cùng hỏi thăm, ngồi một bên; thấy thế, các Tỳ-kheo đều nghĩ: “Đệ-tử của Sa-môn Cù-Đàm, nay hướng hết về Đề-Bà”. Đề-Bà Đạt-Đa bảo Tôn-giả Xá-Lợi-Phất:
- Nay thầy có thể thuyết pháp cho các Tỳ-kheo chăng? Tôi đau lưng muốn nghỉ một chút.
Đề-Bà bèn nằm nghiêng ngay đó, do lòng vui mừng nên ngủ luôn; hai Tôn-giả thấy thế, liền dùng thần túc đem các Tỳ-kheo lên không trung mà đi mất; khi Đề-Bà thức dậy, không thấy các Tỳ-kheo, rất giận dữ nói: “Ta phải trả thù này, nếu không thì không gọi là Đề-Bà Đạt-Đa”, vì khởi ý ác ấy, nên liền mất ngũ thông.
Đề-Bà Đạt-Đa đến nói với thái-tử A-Xà-Thế:
- Người xưa thọ mang rất dài, ngày nay qúa ngắn ngủi, nếu Thái-tử chết chắc lại sinh trong nhân gian, sao không giết phụ vương rồi lên ngôi vua, tôi sẽ giết Sa-môn Cù-Đàm và sẽ làm Phật; Vua mới, Phật mới thì có vui thích không?
Bởi vậy A-Xà-Thế nghe lời xúi ấy, bèn cấu kết với quân thị vệ bắt vua cha giam vào ngục, cấm cho mang thức ăn vào ngục cho tới chết đói!
Đề-Bà thấy A-Xà-Thế đã hại vua cha xong, bèn khởi nghĩ: “Ta sẽ giết Sa-môn Cù-Đàm để làm Phật trong ba cõi”.
Một hôm, Thế-Tôn đang đi cạnh núi Kỳ-xà-quật, Đề-Bà leo lên núi, vác một tảng đá lớn ném vào Thế-Tôn. Sơn thần Kim-Tỳ-La tại núi ấy liền lấy tay đỡ, tảng đá bị vỡ bể một mảnh đá nhỏ văng trúng chân Phật làm chảy máu. Đức Phật nói:
- Ông muốn hại Như-Lai, đây là tội ngũ nghịch.
Đề-Bà nghĩ: “Nay ta không giết được Sa-môn Cù-Đàm”, liền bỏ đi đến chỗ A-Xà-Thế, nói chuyện về việc ném đá bị thất bại và bàn kế:
- Nên cho voi uống rượu say, rồi thả nó ra khi Sa-môn Cù-Đàm vào thành khất thực ngày mai. Con voi dữ chắc sẽ hại được Sa-môn Cù-Đàm. Nếu có tha tâm thông, ngày mai Sa-môn sẽ không vào thành; nếu không có tha tâm thông, ngày mai vào thành khất thực ắt bị voi hung dữ làm hại.
Vua A-Xà-Thế nghe theo, bèn sai người quản voi làm theo kế hoạch, lại ra lệnh cho dân không nên đi lại trong khoảng giờ ấy.
Hôm sau, đức Phật đúng thời đi khất thực như hằng ngày, một số người biết được sự việc như thế, bèn đón Phật và nói những điều như thế và khuyên Phật chớ nên vào thành. Nhưng Phật bảo họ đừng lo vì: “Phàm đã là bậc chính-giác, người khác không thể hại được”.
Khi Thế-Tôn vào thành, voi dữ từ xa hý vang, vòi vung qua quật lại, rầm rập chạy như vũ bão, xồng xộc tới; Phật thấy voi giận dữ chạy tới liền nói kệ:
Voi chớ hại đến Rồng,
Voi, Rồng khó xuất hiện,
Do không hại đến Rồng,
Được sinh vào cõi lành.
Voi nghe nói kệ, liền đến gần qùy mọp, liếm chân Phật, Voi vì hối qúa không an, liền chết, sinh lên cõi Trời Đạo-Lợi; Phật tiếp tục đi khất thực, Vua A-Xà-Thế và Đề-Bà Đạt-Đa từ xa thấy voi đã chết buồn rầu không vui, Đề-Bà nói với vua:
- Sa-môn Cù-Đàm đã giết chết voi.
Vua đáp:
- Sa-môn Cù-Đàm có sức oai thần lớn nên mới hại được voi, Sa-môn này có oai đức lớn mới không bị voi dữ hại.
Đề-Bà nói:
- Sa-môn Cù-Đàm có chú thuật khiến ngoại đạo dị học thảy đều hàng phục, huống chi loài vật.
Lúc ấy Đề-Bà nghĩ: “Vua A-Xà-Thế này ý muốn như thay đổi”, nên buồn, bỏ đi ra ngoài thành. Tỳ-kheo Ni Pháp-Thí gặp Đề-Bà Đạt-Đa, liền nói:
- Điều ông làm rất sai quấy, bây giờ hối lỗi còn dễ, sau này sẽ khó.
Đề-Bà nghe nói, thì bực bội quát:
- Đồ ngu! Ta có lỗi gì mà nay dễ sau khó?
Tỳ-kheo Ni đáp:
- Nay ông đi chung với kẻ ác và tạo các điều không tốt.
Bấy giờ, Đề-Bà nổi giận như điên như khùng, đánh tới tấp vào Tỳ-kheo Ni cho đến chết mới thôi!
Hại chết bậc A-La-Hán Ni, Đề-Bà Đạt-Đa bỏ về chỗ ở, tuyên bố với các đệ tử: “Chỗ nào có ác, ác từ đâu sinh? Ai làm việc ác này phải chịu qủa báo đó, ta chẳng làm việc ác này mà phải chịu qủa báo”. (Tăng-Nhất A-Hàm, quyển 1, trang 148).
Có Tỳ-Kheo nghe được những lời ấy, đến thưa với Phật, Ngài bảo:
- Có ác thì có tội, thiện ác đều có báo ứng. Nếu Đề-Bà kia biết có qủa báo liền sẽ khô héo, sầu lo chẳng vui, máu sẽ phun lên đầy mặt; vì ông ta chẳng biết qủa báo nên mới nói như vậy.
Một hôm, Đề-Bà Đạt-Đa nói với các đệ tử:
- Ta khởi ý ác với Sa-môn Cù-Đàm, xong việc ấy không nên; vì A-La-Hán lại khởi ý ác đối với A-La-Hán, nay ta có thể hướng về Cù-Đàm sám hối.
Đề-Bà lo buồn sinh bệnh trầm trọng, ông nói với các đệ tử của mình:
- Ta không đủ sức đến chỗ Cù-Đàm để sám hối.
Nói rồi lại lén đi lấy thuốc độc bôi vào mười đầu ngón tay, xong bảo các đệ tử khiêng đến chỗ Sa-môn Cù-Đàm.
Khi ấy Tôn-giả A-Nan xa xa thấy liền thưa Phật:
- Đề-Bà Đạt-Đa đến chắc có tâm hối hận muốn hướng về Thế-Tôn cầu xin hối cải.
Phật bảo A-Nan:
- Người ác ấy không thể đến chỗ Như-Lai.
Tôn-giả A-Nan ba lần thưa như thế, Phật trả lời cũng ba lần như thế.
Bấy giờ đến gần chỗ Thế-Tôn, Đề-Bà Đạt-Đa bảo các đệ tử:
- Ta muốn xuống võng, ta không muốn nằm ra mắt Thế-Tôn.
Các đệ tử liền dừng chân, Đề-Bà Đạt-Đa vừa bước chân xuống đất, tự nhiên có lửa gió đốt cháy chân, thân; Đề-Bà bị lửa đốt
liền khởi tâm hối hận, muốn niệm “Nam Mô Phật”, nhưng chưa kịp mà chỉ nói được “Nam Mô” liền ngã lăn ra chết. Sau khi thấy Đề-Bà chết, Tôn-giả A-Nan hỏi Phật:
- Đề-Bà Đạt-Đa có đọa Địa-ngục không, nếu có thì tại Địa-ngục nào?
Phật bảo Tôn-giả:
- Ông ấy có ác tâm đối với Như-Lai, khi chết đọa Địa-ngục A-Tỳ vì phạm tội ngũ nghịch, và phải chịu khổ hết đại kiếp trong hiền kiếp này.
A-Nan nghe Phật nói, buồn khóc mà hỏi Phật:
- Đề-Bà Đạt-Đa từ Địa-ngục ra sẽ sinh về đâu? Và lâu xa về sau Đề-Bà có tạo được công đức gì đáng kể không?
Phật bảo:
- Đề-Bà Đạt-Đa mạng chung ở Địa ngục sinh lên các cõi Trời, trải qua 60 kiếp không rơi vào ba đường ác, qua lại cõi Trời, Người; thân sau chót, ông ta sẽ cạo bỏ râu tóc, xuất giahọc đạo, thành vị Bích-Chi Phật hiệu là Nam-Mô. Vì ông ta có ý lành trong giây lát lúc cuối khi mạng chung, khởi tâm hòa vui nói: “Nam mô”, nên sau làm Bích-Chi Phật hiệu Nam-Mô; nghe Phật nói thế, Tôn-giả A-Nan cảm thấy phấn khởi, không còn buồn rầu nữa.
Mấy ngày sau, Tôn-giả Đại Mục-Kiền-Liên, trong đại chúng, đứng lên vái Phật và thưa:
- Nay con muốn xuống Địa-ngục A-Tỳ nói về yếu hạnh nhẫn nhục, hoan hỷ cho Đề-Bà Đạt-Đa, vì con hiểu được 64 âm thanh thông suốt ngôn ngữ, con sẽ dùng âm thanh ấy nói với Đề-Bà Đạt-Đa.
Phật bảo:
- Thầy nên biết, chớ vội vàng hung bạo, chuyên tâm chính ý chớ khởi loạn tưởng; vì hạng chúng-sanh đọa Địa-ngục khó điều phục, thầy nên biết đúng lúc.
Tôn-giả Đại Mục-Kiền-Liên vái Phật, rồi liền ở trước Phật vào Địa-ngục trong chớp mắt; khi Tôn-giả đang ở trong Địa-ngục A-Tỳ, đứng trên hư không kêu gọi : “Đề-Bà Đạt-Đa, Đề-Bà Đạt-Đa”.
Không thấy gì, cũng không nghe tiếng trả lời, nhưng sau đó có tiếng hỏi:
- Ông là ai, muốn kêu Đề-Bà Đạt-Đa nào?, ở đây có nhiều Đề-Bà Đạt-Đa.
- Ta là Đại Mục-Kiền-Liên, đại đệ tử của Thế-Tôn, nay ta muốn tìm gặp Đề-Ba Đạt-Đa là em con nhà chú cuả Phật Thích-Ca.
Ngục tốt nói:
- Xin Tôn-giả chờ một chút.
Qủy ngục ấy đốt lửa vào thân Đề-Bà Đạt-Đa cho tỉnh rồi nói:
- Kẻ ngu si này, ngủ gì mà mê mệt như thế.
Đề-Bà bị khổ bức bách, tỉnh dậy nói:
- Các ông dạy bảo tôi điều gì, tôi xin vâng hết.
Ngục tốt bảo:
- Ngươi hãy nhìn lên trên kia coi.
Vừa nói ngục tốt vừa chỉ Tôn-giả, Đề-Bà nhìn lên thấy người ngồi kiết già trên hoa sen, rực rỡ sáng ngời như mặt trời vàng chói, bèn nói:
- Vị nào đấy? Có điều chi dạy bảo tôi xin vâng hết.
Tôn-giả nói kệ:
Ta đệ tử Thích-Ca,
Thuộc dòng dõi Cù-Đàm,
Đại Thanh-Văn trong ấy,
Tên Đại Mục-Kiền-Liên.
Rồi Tôn-giả bảo:
- Tôi do Phật sai đến, muốn thương xót nhổ gốc khổ cho ông, Đề-Bà Đạt-Đa chớ lo sợ, Địa-ngục khổ nhất không hơn chỗ này; Đức Phật Thích-Ca chí chân thương xót tất cả chúng-sanh các loài cho đến côn trùng nhỏ tí như mẹ thương con.
Rồi Tôn-giả kể hết những việc Phật đã thọ ký cho Đề-Bà Đạt-Đa nghe, nghe rồi Đề-Bà vui mừng hớn hở, tâm lành phát sinh, thưa với Tôn-giả:
- Lời nói của Như-Lai tôi hoàn toàn tin, Như-Lai đại từ đại bi hóa độ kẻ ngu, dù tôi nằm ở Địa ngục A-Tỳ này trải qua một đại kiếp, tâm ý vẫn chuyên nhất không mệt mỏi.
Tôn-giả hỏi Đề-Bà Đạt-Đa:
- Thế nào, sự đau đớn ra sao, nó như thế nào?
Đề-Bà đáp:
- Sự đau đớn của tôi vô cùng tận! Bánh xe nóng đỏ nghiến nát thân tôi, lại có chày sắt đập nát thân ra, voi đen dữ dằn đạp thân tôi nát tan; lại có núi lửa đè trên đầu mặt làm cho xẹp lép. Áo mặc hóa thành lá đồng nóng đỏ cuốn lấy thân thiêu đốt hết cả da thịt, đau khổ cùng cực như thế, chịu sao thấu!
Tôn-giả nói kệ bảo:
- Đó là do tội báo ông đã gây ra, do ông bực tức nổi giận đối với bậc Thánh nên bị chày sắt đập nát thân hình. Do ông gây rối, chia rẽ Tăng đoàn nên bị xe nóng nghiền nát thân ra. Do ông vác đá lớn ném mưu hại thân Phật nên bị qủa báo núi lửa đè đầu mặt làm cho xẹp lép. Do ông bảo vua cho voi uống rượu say ý mong hại thân Như-Lai, nên bị voi đen giày đạp trên mình. Do ông nổi hung ác trước người khuyên bảo rồi đánh chết Tỳ-kheo Ni, nên bị lá đồng đốt cuốn quanh khắp thân không gỡ ra được; tội gốc chính là vậy, nay ông phải tự nhất tâm hướng về Phật sẽ được phúc.
Đề-Bà Đạt-Đa nói:
- Tôi nay cúi đầu lễ chân Phật, xin Tôn-giả cho tôi gửi lời thăm hỏi Thế-Tôn, và thăm hỏi A-Nan.
Bấy giờ, Tôn-giả Đại Mục-Kiền-Liên phóng thần lực khiến các khổ não trong Địa-ngục tạm dừng lại, rồi nói kệ:
Hãy niệm Nam-mô Phật,
Bậc Chính-Đẳng tối thắng,
Ngài sẽ ban yên ổn,
Dẹp trừ các khổ não.
Bấy giờ, có sáu vạn người được dứt qủa báo khổ, liền mạng chung nơi ấy, tái sinh đến các cõi lành. Tôn-giả liền trở về, vái Phật rồi thưa:
- Đề-Bà Đạt-Đa cung kính vô lượng lễ chân Phật và thăm hỏi Thế-Tôn, ông ta cũng thăm hỏi Tôn-giả A-Nan; ông ta nói: “Được Như-Lai thọ ký sẽ thành Bícb-Chi Phật hiệu Nam-Mô, dù cho tôi ở trong Địa-ngục một đại kiếp cũng không mệt mỏi”.
Phật nói:
- Lành thay, Mục-Kiền-Liên, thầy làm được nhiều lợi ích, thương tưởng loài ngu tối, trời, người được nhiều an lạc.
LỜI BÀN:
Đọc qua bài Đề-Bà Đạt-Đa tạo tội, chúng ta thấy khởi đầu, Đề-Bà Đạt-Đa đến chỗ Phật xin theo Phật tu hành. Lúc ấy Phật khuyên Đề-Bà nên ở tại gia tu phước và từ chối không chấp thuận cho làm Tỳ-kheo, chúng ta nghĩ: “Đề-Bà Đạt-Đa là bà con anh em cùng dòng Hoàng gia, tại sao Phật lại từ chối như thế?”. Chúng ta có biết đâu rằng Phật có Phật nhãn, Ngài thấy trước những gì có thể xảy ra nếu nhận con người ấy vào tu trong Tăng đoàn; do đó Phật đã từ chối để ngăn ngừa trước, nhưng Ngài đã không ngăn ngừa được khi Đề-Bà cố ý làm.
Đến khi Đề-Bà học được ngũ-thông, chưa phải là bậc A-La-Hán (có lục-thông), nhưng vì tính hiếu thắng, trí kiêu căng, lòng tham lợi lộc, nên đã khoe tài thần thông của mìmh; đồng thời lòng kiêu căng nổi dậy, tính phàm phu vị kỷ che khuất tất cả, nên đã khởi ra những ý nghĩ kiêu ngạo như: “Sa-môn Cù-Đàm hiện thần túc một, ta sẽ hiện hai