;
Đây là giải thưởng mỗi năm được tổ chức một lần, đến nay đã 5 mùa. Giải viết năm nay tuyển chọn 32 nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ đến từ các trường đại học trọng điểm của Trung Quốc, như đại học Nhân Dân Trung Quốc, đại học Thể Dục Bắc Kinh, đại học Thể Dục Thượng Hải, đại học Thượng Hải, đại học Dân Tộc Trung Nam, đại học Tứ Xuyên, đại học Chiết Giang, đại học Trịnh Châu, đại học Nam Khai, đại học Vũ Hán, đại học Tứ Xuyên, đại học Sư Phạm Hoa Đông, đại học Đông Nam, đại học Sơn Đông, đại học Hoa Kiều, đại học Bắc Kinh, đại học Tây Bắc và đại học Phật Quang (Đài Loan).
Thành phần hội đồng giám khảo gồm có các học giả: Trình Cung Nhượng (Viện Văn Học, Đại học Thượng Hải), Vương Tuyết Mai (Viện Triết Học, Đại học Tây Bắc), Ôn Kim Ngọc (Viện Triết Học, Đại học Nhân Dân Trung Quốc), Đường Trung Mao (Viện Xã Hội Học, Đại học Sư Phạm Hoa Đông), và Sư cô Diệu Phàm (Viện trưởng Viện Viên cứu Phật Giáo Nhân Gian - Phật Quang Sơn).
Học bổng học thuật viết văn năm nay đặc biệt thu hút sự chú ý của các học giả và nhiều nghiên cứu sinh các chuyên nghành khác, đến từ các khu vực và vùng miền. Thí sinh tham dự phải trải qua vòng sơ tuyển bằng cách gửi đề tài, nội dung và phương pháp nghiên cứu của mình đến hội đồng thẩm định xét duyệt. Sau khi vượt qua vòng loại, để cho tác phẩm nghiên cứu hoàn thành phù hợp với chuẩn mực học thuật nhất, các ứng viên phải có mặt trong thời gian quy định để phát biểu đề tài của mình, sau đó tiếp nhận ý kiến đóng góp và đánh giá từ ban giám khảo.
Được biết Đại đức Thích Nguyên Tú tham gia với đề tài “Đối thoại Phật giáo Nam Bắc Truyền trong thời kỳ mới: So sánh thiền nội quán của Thiền Sư Goenka [1] và Phật giáo Nhân Gian của Hòa thượng Tinh Vân” đã tạo ấn tượng sâu sắc, nhất là cung cấp cho giới học thuật Trung Quốc một góc nhìn mới dưới cặp mắt của lưu học sinh Việt Nam đối với giá trị nhân văn, ý nghĩa thực tiễn, và những đóng góp nhất định của Phật Giáo Nhân Gian cũng như Thiền Vipassana trong thời đại mới.
Là Du học tăng đã từng du học nhiều năm tại đại học Phật Quang (Đài Loan), Đại đức Thích Nguyên Tú có duyên được học và tiếp xúc với Phật giáo Nhân Gian, đồng thời cũng từng tham gia và trải nghiệm khoá tu 10 ngày thuộc hệ thống thiền Vipassana của Thiền sư Goenka, nên Đại đức phát hiện những vấn đề tồn tại, quá trình phát triển, cũng như bước ngoặc thiết yếu của Phật giáo trong thời đại toàn cầu hóa và hiện đại hóa.
Nội dung nghiên cứu chủ yếu gói gọn trong năm phần:
1. Sơ lược Phật giáo Nam Bắc truyền trong thời đương đại.
2. “Nội Quán: con đường giải thoát” - tư tưởng chủ yếu của thiền sư Goenka.
3. Tư tưởng cơ bản Phật giáo Nhân gian của Hoà thượng Tinh Vân.
4. So sánh tư tưởng của Thiền sư Goenka và Hòa thượng Tinh Vân.
5. Sự gặp gỡ và đối thoại của Phật giáo Nam Bắc Truyền trong thời đại mới.
Bài nghiên cứu học thuật chủ yếu căn cứ vào những thư tịch văn hiến và trước tác đương đại liên quan đến Phật giáo Nhân Gian và thiền Nội Quán, cũng như Hoà thượng Tinh Vân và thiền sư Goenka.
Sau khi hoàn tất bài báo cáo của mình, Đại đức đã nhận được những lời góp ý quý giá và chân thành từ ban giám khảo. Giáo sư Ôn Kim Ngọc và Giáo sư Vương Tuyết Mai đều khen ngợi khả năng ngôn từ lưu loát, văn phong rành mạch, ngôn ngữ ý tứ cụ thể rỏ ràng; và đặc biệt là tính khả thi cao của đề tài nghiên cứu; Giáo sư Trình Cung Nhượng tán thán thái độ báo cáo nghiêm túc của Đại đức, nội dung phong phú, PPT rõ ràng, thị giác dễ nhìn, tính học thuật cao, và nhất là đối với trình độ Hán ngữ của một học giả thanh niên nước ngoài như Đại đức đặc biệt biểu dương.
Là lưu học sinh duy nhất đầu tiên tham gia giải thưởng viết văn năm nay, Đại đức Thích Nguyên Tú đã tạo ấn tượng tốt cho ban giám khảo về khả năng ngôn ngữ trôi chảy, văn phong lưu loát, đề tài mới lạ, đồng thời đánh dấu sự tiến bộ trong hành trình du học, hơn nữa khích lệ huynh đệ đồng hương nổ lực tham gia hoạt động, vì đây không chỉ là môi trường giao lưu, học hỏi cho Tăng Ni sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Trung Quốc mà còn là nơi truyền bá hình ảnh “nhập thế’ của Phật giáo Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và nước sở tại.
--------------------------------------
[1] Thiền Sư S. N. Goenka (1924-2013) Ông là một Thiền sư đương đại Vipassana, người Miến Điện. Có tầm ảnh hưởng nhất định trên toàn cầu trong giới Phật giáo Nam Truyền.
Khải An