Buổi lễ còn có sự tham dự của ông Trần Hoàng Thám – Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN; ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng VỤ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Huỳnh Ngọc Thành – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban tôn giáo Tp.HCM; cùng đại diện các Sở, Ban, ngành và phường sở tại đến tham dự.
Ban Nghi lễ cung thỉnh Chư Tôn giáo phẩm chứng minh
Tại buổi lễ HT. Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN thay mặt Lãnh đạo GHPGVN cung tuyên tiểu sử Bồ tát Thích Quảng Đức:
“Bồ tát Thích Quảng Đức - Vị Bồ tát tự thiêu để cúng dường Chánh pháp, tên là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nơi nổi tiếng là nhiều gió, nên gọi là xứ Tụ Phong (Tu Bông).
Song thân của Ngài là cụ Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương. Khi lên 7 tuổi, Ngài được Hòa thượng Thích Hoàng Thâm (là cậu ruột) nhận Ngài làm con nuôi, đổi tên là Nguyễn Văn Khiết.
Năm 15 tuổi, Ngài thọ Sa di, 20 tuổi thọ Tỳ khưu và Bồ tát giới, pháp danh Thị Thủy, pháp tự là Hành Pháp, hiệu Thích Quảng Đức.
Năm 1932, An Nam Phật học Hội ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến tận nơi Ngài đang nhập thất, mời Ngài về chứng minh Đạo sư tại Chi hội Phật học Ninh Hòa; sau đó Ngài lại nhận nhiệm vụ Kiểm Tăng tỉnh Khánh Hòa, do Giáo hội Tăng già cung thỉnh.
Chư tôn giáo phẩm Chứng minh và quý quan khách tham dự
Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam và Nam Vang, Ngài đã khai sơn và trùng tu 17 cảnh chùa. Tổng cộng, Ngài đã có công xây dựng và trùng tu tất cả là 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng nơi Ngài trụ trì là chùa Quán Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ (Phú Nhuận), nay đổi tên đường là số 90 đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận).
Năm 1953, tại Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt lần thứ hai, Đại hội đã mời Ngài giữ chức Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam; đối với Hội Phật học Nam Việt Ngài còn nhận thêm sự thỉnh cầu của Hội Phật học Nam Việt làm trụ trì chùa Phước Hòa (trụ sở đầu tiên của Hội).
Ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (11/6/1963), trong cuộc diễn hành trên một ngàn vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni để tranh thủ chính sách bình đẳng tôn giáo và sự tôn trọng lá cờ Phật giáo, cùng sự thực thi năm nguyện vọng chơn chánh của Phật giáo, Ngài thấu nhận “Chính pháp là ngọn đuốc thần, soi sáng thế nhân, còn thân Ngài vẫn chỉ là giả tạm” nên Ngài quyết định thực hành hạnh nguyện tự thiêu thân, cúng dường Phật pháp, và cũng để chứng tỏ những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo, đồng thời cũng để giải tỏa cho ba ngôi chùa ở Huế, lúc ấy đang bị vây khốn. Chính vì tâm nguyện ấy, nên Ngài tự tẩm xăng, ướt mấy lớp cà sa. Khi đến giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn (nay là đường Cách mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh), từ trên xe Ngài ung dung bước xuống, ngồi kiết già và tự tay quẹt châm lửa vào người. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên tịnh tọa, lưng thẳng như tượng đồng. Gần 15 phút sau lửa sắp tàn, Ngài gật đầu ba lần như cúi chào tạm biệt, rồi ngã nằm ngửa, trên tay còn kiết ấn Cam lộ.
Quang cảnh buổi lễ
Trước khi Giác linh về cõi Phật, Ngài còn để lời cảnh tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và chế độ thời ấy, hãy áp dụng sự công bình đối với tôn giáo và nhất là không nên khắc nghiệt, mà hãy mở rộng từ bi bác ái đối với quốc dân.
Đối với hàng ngũ Phật giáo đồ, Ngài căn dặn rằng : “Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật pháp”.
Nhục thân của Bồ tát Thích Quảng Đức được rước về quàng tại chùa Xá Lợi hơn một tuần. Đến ngày 20/6/1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cùng tất cả chư Tăng Ni và Phật tử đưa về An dưỡng địa cử hành trọng thể lễ trà tỳ.
Sự thị tịch của Bồ tát Quảng Đức có những điều kỳ diệu :
- Khi lửa cháy phủ người, mà Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay kiết ấn, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển.
- Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, nhiều mẫu xương phát ra những màu sắc tốt đẹp. Đặc biệt nhất là quả tim vẫn còn y nguyên. Sự huyền diệu này đã làm cho Tăng, Ni Phật tử và nhân loại trong cũng như ngoài nước vô cùng kính phục.
Ngài thị tịch, nhưng hình ảnh Bồ tát đã khắc sâu, in đậm vào lòng người con Phật. Bồ tát đã dùng nhục thân làm ngọn đuốc phá tan màn vô minh, hắc ám của Ngô triều, làm chấn động năm châu, khiến cho tất cả các nước trên thế giới đều bênh vực phong trào đấu tranh chơn chánh của Phật giáo. Sự viên tịch vô cùng cao quý của Ngài, đã gây xúc động mạnh trong mọi giới và là một gương sáng cho toàn thể Phật giáo đồ.
Bồ tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi của Ngài vẫn còn sáng và sáng chói mãi muôn đời trong lòng người Phật tử cùng nhân loại khắp năm châu.”.
HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế trung ương thay mặt Lãnh đạo GHPGVN dâng lời tưởng niệm:
“Hôm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 49, ngày Bồ Tát vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử vì Đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho chúng ta được sống và hưởng thụ những thành công tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam hơn 4 thập niên qua, với sự hình thành và phát triển liên tục, trang nghiêm, huy hoàng vững mạnh của Phật giáo Việt Nam, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là đỉnh cao của lịch sử và thời đại.
Chư Tôn giáo phẩm và quý quan khách dâng hương tưởng niệm
Để kỷ niệm và tri ân Bồ Tát, chư Thánh tử vì Đạo, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN chúng ta phải nỗ lực phát huy Chánh pháp làm cho truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên đường phát triển, giữ vững nền hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam thân yêu.
Mong rằng ngọn lửa thiêng của Bồ Tát Thích Quảng Đức và pháp thân lồng lộng của Ngài, gương hy sinh cao cả của chư Thánh tử Đạo sẽ soi đường dẫn lối cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hoàn thành sứ mạng lịch sử thiêng liêng trọng đại, phát triển vững mạnh, trang nghiêm, huy hoàng trong lòng dân tộc.”
HT. Thích Thiện Tánh thay mặt Ban tổ chức Cảm tạ
TT. Thích Tấn Đạt dẫn chương trình lễ
GHPGVN