;
Phận nghèo đón tết
Con đường đất ngoằn ngoèo dài gần 1 km, phải len lỏi qua những dãy nhà ẩm thấp, xây chằng chịt cho người lao động thuê trọ, rồi qua hàng chục miệng cống lớn lúc nào cũng chảy thứ nước thải đen xì xuống sông Hồng, chúng tôi mới đến được bãi Giữa. Nơi mà những người dân phường Phúc Tân, Phúc Xá gọi là qua “cửa khẩu bên kia”. Trong cái rét căm căm, những đứa trẻ ở đây vẫn phong phanh mấy tấm áo cũ, tha thẩn nghịch cát.
Những chiếc nhà "không móng" là “tổ ấm” bình yên của người dân nơi này |
Xóm bãi giữa sông Hồng còn được người dân nơi đây gọi là xóm Nổi, xóm Phao, bởi mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều gắn liền với sông nước. Một không gian nước mênh mông và khoảng eo hẹp của đôi bờ là điểm ngụ cư với hơn hai chục nóc nhà nổi dập dềnh trên mặt nước, rách rưới và liêu xiêu trong gió sông Hồng, những người vạn chài đánh bắt cá, những cư dân của xóm nổi thì vẫn mải miết mưu sinh. Với họ, Tết đến rồi Tết lại đi.
Theo lời ông Trọng quê gốc ở Thái Nguyên, trưởng xóm thuyền thì cả xóm có 23 hộ dân. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau như Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Hưng Yên…do hoàn cảnh khó khăn nên họ đành chấp nhận lui về bãi giữa này lập lán cư ngụ để sống qua ngày.
Những “ngôi nhà không móng” (thuyền bè) nổi hẳn trên mặt nước. Chủ nhân của chúng là những người lao động nghèo khổ sống bằng đủ các thứ nghề: nhặt rác, tạp vụ, phu hồ, phụ khoan giếng…. Với những công việc phần nhiều là bán sức, cuộc sống của họ cứ nổi nênh theo con nước sông Hồng.
Đối với chúng, ước mơ Tết về chỉ là để được bố mẹ cho ăn thêm những bữa ăn ngon hơn và được mặc ấm hơn. |
Cô Tâm - một người dân của xóm Nổi - cho biết: “Để có ngôi nhà này, người dân phải vào thành phố nhặt nhạnh, xin gỗ thừa, vỏ bao bì ở các công trình xây dựng về dựng, dán lên thành nhà cháu ạ”. Ngày nắng đã đành chứ những ngày mùa đông lạnh, chỉ cần cơn gió nhẹ ùa vào, len lỏi qua những kẽ hở toang hoác cũng đủ làm họ rét run người.
Những ngày giáp Tết, không khí phố phường cũng tấp nập hơn nhưng cuộc sống nơi bãi giữa vẫn yên ắng, dường như cái Tết vẫn còn xa họ lắm. Bác Tân ( quê ở Hưng Yên) tâm sự: “ Có khi mải làm chẳng biết hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu. Lán chỉ có tôi và ông chồng già, có năm hai vợ chồng đi nhặt rác đến chiều 29 Tết mới về mua nải chuối thắp hương gọi là ngày Tết thành tâm cúng khấn tổ tiên”.
Gần Tết nhưng trong nhà chị Tươi chưa sắm sửa được gì, ngoài cái hòm tôn đựng quần áo, tài sản còn lại chỉ là vài cái xoong nấu ăn, bát đĩa và đồ dùng cá nhân. Hai đứa con chị Tươi (đứa 12 tuổi và đứa 8 tuổi) ngơ ngác trong tấm chăn mỏng, mặt mày bầm tím vì lạnh..
Với những người cao tuổi ở bãi giữa sông Hồng cứ mỗi khi tết đến xuân về là lòng lại nao nao buồn nhớ về quê cũ. |
Trong ngôi nhà nổi lụp xụp (thực chất là cái bè được xây cất thô sơ với những miếng gỗ ghép vội), ánh đèn ngủ vàng xanh không đủ chiếu sáng toàn bộ ngôi nhà, chị Lĩnh vui vẻ: “Ối dào, tôi sống ở đây hàng chục năm rồi, còn sợ gì cái rét cái lạnh nữa. Nhưng năm nay đúng là rét đậm thật, rét quá nên chiều nay tôi nghỉ làm.”
Cuộc sống đầy âu lo vất vả nên cái Tết đối với chị cũng chẳng có gì đặc biệt. Khi được hỏi, chị không về quê ăn Tết à, chị cười lớn: “Giờ làm gì còn quê đâu mà về? Năm nào tôi cũng ở đây ăn Tết.”
Sống lâu trong cái khổ, cái lạnh, những con người ở đây cũng quen với cảnh đông giá, càng quen hơn với cảnh Tết đến rồi Tết lại đi. Nhiều người nghĩ rằng, với cuộc sống nghèo khổ, ngày thường vốn đã khó khăn, Tết đến họ lại phải sắm Tết tốn hàng đống tiền, chắc họ sợ… Tết lắm. Nhưng thực ra họ lại không sợ, năm nào chẳng có mùa đông, năm nào chẳng có Tết.
Bao nhiêu năm qua, cuộc sống nơi đây vẫn âm thầm gói gọn giữa bốn bề sóng nước đầy vất vả. Nhiều con người, nhiều gia đình từ khắp nơi, mỗi nhà một cảnh, gặp nhau ở cái bờ sông và những mái nhà tạm bợ. Khái niệm ăn Tết hay chơi Tết thật xa vời, với họ Tết chỉ là những ngày kiếm được nhiều tiền hơn.
Và những giấc mơ Tết…
Những đứa trẻ được sinh ra ở đây và lớn lên cùng những tất bật và thiếu thốn của cuộc sống áo cơm không mấy dễ dàng. Chúng như cỏ cây hoang dại ven bờ bãi sông. Đối với chúng, ước mơ Tết về chỉ là để được nhận những phần quà của các tổ chức từ thiện, để được bố mẹ cho ăn thêm những bữa ăn ngon hơn và được mặc ấm hơn.
Hỏi Phương tết năm nay em mơ ước điều gì? Phương bảo: “Nhà em nghèo, có ước cũng chẳng được”. Chất giọng của đứa trẻ đã chất chứa những lo toan. Riêng ánh mắt vẫn cứ ấp ủ môt khát khao đầy thơ trẻ. Năm nào cũng vậy, đối với Phương, mấy cái bánh chưng mà “các anh chị tình nguyện” cho cũng là đủ cho sự hiện diện của Tết.
Chị Oanh tâm sự đầy chua chát: “Tết là của người ta chứ mẹ con chị thì làm gì có. 11, 12 giờ đêm 30 vẫn còn ở ngoài đường nhặt đồng nát, mồng 2 lại đã ra đường, kiếm dăm ba chục nghìn mẹ con nuôi nhau”.
Mỗi nhà một cảnh, gặp nhau ở cái bờ sông và những mái nhà tạm bợ |
Cuộc sống lặng lẽ ở đây đã cuốn đi mơ ước trẻ con của những đứa trẻ bởi bố mẹ chúng còn bận mải miết với cuộc sống áo cơm. Theo lời ông Nguyễn Văn Trọng -trưởng xóm - thì cả xóm có 23 hộ dân, với 24 đứa trẻ. Có 13 đứa đi học nhưng chúng cũng chỉ học hết lớp 7 là ở nhà giúp đỡ bố mẹ, tiếp nối cái nghề nhặt đồng nát hoặc cũng lại đi làm thuê. Bãi phía trong (thuộc Phúc Xá) có 17 hộ, cũng 5, 7 đứa trẻ. Tất cả cũng đều là dân tứ xứ. Không hộ khẩu. Không mảnh đất cắm dùi.
Tháng cuối năm, căn bè của chị Lĩnh vẫn đơn sơ vài thứ đồ cọc cạch, chị chẳng mua sắm Tết vì không có tiền và cũng vì chẳng có thời gian. Hằng ngày, chị vẫn bận rộn với công việc nhặt đồng nát, bắt đầu từ 7h sáng đến tận 9h đêm mong sao có thêm thu nhập để trả xong nợ tiền xây bè và nuôi nấng con cái, cháu chắt.
Có lẽ với chị Tết qua đi còn vui hơn, vì khi Tết xong, cứ khoảng 15 âm lịch là các tổ chức từ thiện lại tới tặng quà Tết cho các gia đình ở bãi giữa và nhà chị cũng nằm trong số đó.
Trẻ con thành phố sẽ vui mừng, tươi cười khi Tết đến. Chúng sẽ được xúng xính trong bộ quần áo mới, được lì xì những phong bao đỏ, được bố mẹ mang đi đây đi đó…. Còn với những đứa trẻ nơi đây, ánh mắt đầy lanh lợi nhưng trong ánh mắt ấy không hiện lên niềm vui Tết.
Với họ, Tết đến rồi Tết lại đi. |