;
1. Đối thoại giới thiệu
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tuần này, ông Minh Thạnh có thông tin gì mới về hoạt động tôn giáo?
MINH THẠNH: Có. Hoạt động giáo dục tôn giáo có chuyển biến với việc Trường Trung cấp nghề của đạo Ca tô La Mã tại Đồng Nai đã được chính quyền nâng cấp lên thành trường cao đẳng.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đây chỉ là hoạt động riêng của đạo Ca tô La Mã, có ảnh hưởng gì đến Phật giáo Việt Nam?
MINH THẠNH: Ảnh hưởng của việc này đến Phật giáo Việt Nam là có và không phải là không đáng kể. Nó là một bước thay đổi cục diện tôn giáo ở Việt Nam.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vậy thay đổi đó như thế nào?
MINH THẠNH: Cục diện tôn giáo đã định hình tại Việt Nam hiện nay là trong khi đạo Ca tô La Mã cố gắng khôi phục những hoạt động đã mất sau năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 tại miền Nam, cố gắng có được nhiều ảnh hưởng hơn đối với xã hội, thì Phật giáo Việt Nam lại ngày càng thiên về cúng bái, dạt ra ngoài lề xã hội, bị thiểu số hóa, ngày càng mất ảnh hưởng trong quần chúng.
Nay, đạo Ca tô La Mã bên cạnh Học viện Công giáo Việt Nam, là đại học tôn giáo được phép tuyển sinh rộng rãi, đào tạo đến cấp tiến sĩ, thì họ đã có một trường cao đẳng kỹ thuật. Đây là một trường cao đẳng kỹ thuật, xin nhấn mạnh, không phải giảng dạy nội dung tôn giáo và đương nhiên cũng tuyển sinh rộng rãi.
Hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã ngày càng mở rộng, phát triển, nâng cao hiệu quả. Trong khi Phật giáo vẫn tự giới hạn hoạt động giáo dục của mình trong giáo dục tăng ni và chưa có kế hoạch gì để thay đổi cả.
Vì vậy, tôi kính mong Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý đến thông tin này. Cứ chậm trễ trong hoạt động giáo dục xã hội thì đến một lúc nào đó không còn kịp nữa.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông Minh Thạnh đã đề xuất giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội từ gần 10 năm nay, nhưng chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là rất rõ ràng. Giáo dục Phật giáo chỉ là giáo dục tăng ni mà thôi. Tôi cũng nghĩ Phật giáo Việt Nam chẳng phải chạy đua với các tôn giáo khác làm gì. Phật giáo Việt Nam chăm lo giáo dục tăng ni cho tốt thì tự khắc ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội sẽ tăng lên, cần chi trường học, bệnh viện làm thế tục hóa người tu sĩ Phật giáo?
MINH THẠNH: Như vậy thì chấn hưng Phật giáo đã làm những việc không cần thiết hay sao?
Các tôn giáo không hoạt động chia cách và tĩnh tại, không phải không liên quan gì đến nhau. Ca tô La Mã và Tin Lành, các tôn giáo “loan báo tin mừng”, là những tôn giáo có mục tiêu hàng đầu là cải đạo tín đồ các tôn giáo truyền thống châu Á như Phật giáo, Ấn Độ giáo sang đạo của họ. Một trong những phương tiện cải đạo của họ là hoạt động giáo dục. Điều đó ở Việt Nam là rõ ràng, tuy tôi chưa đọc thấy thống kê. Nhưng ở Triều Tiên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tỷ lệ cải đạo do học trường Ca tô và Tin Lành chiếm khoảng 50% các trường hợp cải đạo.
Do vậy, điều đương nhiên, để giữ đạo và phát triển, Phật giáo phải chú trọng đến hoạt động giáo dục. Phật giáo Hàn Quốc, Phật giáo Đài Loan, Phật giáo miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã có nhiều bước tiến trong lãnh lực giáo dục hướng ra xã hội.
Nếu quan niệm Phật giáo Việt Nam không cần đến giáo dục hướng ra xã hội thì gần như Phật giáo Việt Nam đã trở về trước thời kỳ trước chấn hưng Phật giáo, tức là trước 1950, và xa hơn, trước 1920. Đây là xu hướng Cổ sơn môn hóa Phật giáo Việt Nam.
Quan điểm đào tạo tăng ni có trình độ cao thì tất yếu dẫn đến việc nâng cao ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội là đúng. Nhưng sẽ ảnh hưởng bằng gì nếu không sử dụng giáo dục làm phương tiện?
Nếu trình độ tăng ni đã cao đến một mức nào đó thì tất yếu Phật giáo sẽ có ý thức cao về nhu cầu phát triển giáo dục hướng ra xã hội.
Cũng như, khi tăng ni có trình độ cao, thì tất yếu xã hội sẽ mời họ ra làm thầy giáo, không phải chỉ đối xử với tăng ni như những thầy cúng.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như vậy, thì hãy đợi đến khi trình độ giáo dục tăng ni đã cao rồi thì Phật giáo ắt có trường đại học, trường cao đẳng, hà tất ông Minh Thạnh phải thông tin, kiến nghị?
MINH THẠNH: Đến khi đó, thì đã có thêm nhiều triệu tín đồ Phật giáo cải đạo rồi. Cũng khi đó, khoảng cách giáo dục hướng ra xã hội ở Việt Nam giữa đạo Ca tô La Mã và Phật giáo sẽ rất lớn. Giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo tiến triển thì giáo dục hướng ra xã hội của Ca tô La Mã đã tiến vượt lên nữa.
Nhưng tiếng nói yêu cầu phải thúc đẩy Phật giáo phát triển giáo dục hướng ra xã hội cho thấy bây giờ trình độ của người Phật giáo không phải hoàn toàn thấp, để ngồi đó mà chờ đợi. Phật giáo không chỉ là những “con nhang” dốt nát không thể mơ tưởng.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng đặt vấn đề kiểu như ông thì cũng là kiểu nhìn người ta rồi mơ tưởng, ước ao. Theo đạo Phật, phải chẳng là đừng mong muốn gì hết để không thất vọng? Tôi muốn khuyên ông như vậy.
MINH THẠNH: Tôi nói với những người theo đạo Phật không phải là việc những người nghèo nàn kiến thức hướng về những kẻ giàu có kiến thức, sinh hoạt trong nếp sống trí thức, phong cách trí thức, đẳng cấp trí thức một cách thèm muốn vô vọng. Khiếm khuyết giáo dục hướng ra xã hội là một khiếm khuyết bất thường của Phật giáo Việt Nam hiện nay, nó không phải là khiếm khuyết bản chất.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng việc nâng cấp một trường trung cấp lên một trường cao đẳng là việc rất thông thường, không đáng kể. Ông có quá cường điệu việc này ở đạo Ca tô La Mã?
MINH THẠNH: Từ góc nhìn toàn xã hội thì đúng như ông nói. Trường cao đẳng kỹ thuật hiện nay rất nhiều. Việc nâng cấp lên cao đẳng thêm một trường thì cũng không có gì đặc biệt.
Nhưng tôi không cường điệu, vì chúng ta nhìn vấn đề không phải từ góc nhìn xã hội, mà từ góc nhìn tôn giáo.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Từ góc nhìn tôn giáo thì vấn đề trở nên quan trọng?
MINH THẠNH: Ông có thấy tôn giáo nào có trường cao đẳng kỹ thuật? Cục diện tôn giáo đã có thay đổi đáng kể từ sự kiện này. Đạo Ca tô La Mã đã giành được một thành quả có ý nghĩa trong việc khôi phục vai trò của họ trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, hoạt động vốn là đặc trưng của họ.
Trường cao đẳng tuy không phải là trường đại học, nhưng nó vẫn nằm trong bậc đại học. Vị trí của giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã đã có thay đổi cơ bản về đẳng cấp.
Phật giáo thì không có trường nào tuyển sinh rộng rãi, còn ở đạo Ca tô La Mã giáo dục hướng ra xã hội đã có sự thay đổi trong vị thế và đẳng cấp. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi thấy có vẻ như đạo Ca tô La Mã vẫn tiến triển rất chậm. Đành rằng có bước tiến nhưng đâu phải là bước tiến lớn như ông nói?
MINH THẠNH: Bây giờ, nếu cứ xin là được cấp phép. Đạo Ca tô La Mã có thể mở ngay một chục trường đại học!
Vấn đề cần được xem xét trong bối cảnh đó. Trường hợp này, họ theo đúng những trình tự mà pháp luật quy định và bước phát triển của họ là có ý nghĩa. Nó sẽ mở đầu cho những bước tiếp theo. Trường kỹ thuật ở Xuân Lộc Đồng Nai đâu phải là trường duy nhất của đạo Ca tô La Mã?
Tôi nghĩ là đối với những người theo đạo Ca tô La Mã, họ sẽ suy nghĩ giống như ông, rằng họ đã tiến rất chậm. Nhưng họ sẽ không chỉ cho là như vậy, mà còn cho rằng đã không như ý họ mong muốn.
Còn tôi, từ vị trí của một người Phật giáo có suy nghĩ, thì tôi cho rằng tiến như thế là nhanh! Vì không phải họ cứ xin là được, và trường như thế Phật giáo có cái nào đâu?
Một người đứng yên nhìn một người đang tiến bước, thì không nên cho rằng người tiến bước đó là chậm.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Theo chỗ tôi biết, thì trường cao đẳng của đạo Ca tô La Mã chỉ là một cơ sở từ thiện, thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội, nhưng sao ông cứ nói là cơ sở giáo dục?
MINH THẠNH: Ông nghĩ rằng đối với tôn giáo đó là điều hay hay không hay?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông Minh Thạnh chỉ đánh giá cao hoạt động giáo dục nên vì vậy, theo cách ông nói, đó là điều không hay.
MINH THẠNH: Tôi thì cho là ngược lại. Cho dù có nằm dưới sự quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay một bộ nào khác đi nữa, thì trường cao đẳng đó vẫn là một cơ sở giáo dục, thuộc Tòa Giám mục Xuân Lộc, do các linh mục quản lý điều hành. Các linh mục đó là linh mục chuyên trách giáo dục hay linh mục chuyên trách từ thiện xã hội, điều đó không quan trọng. Quan trọng ở chỗ người điều hành quản lý là linh mục, còn việc phân công theo danh xưng không thành vấn đề.
Theo trích dẫn giới thiệu dưới đây, thì trường cao đẳng của đạo Ca tô La Mã đúng là cơ sở dưới sự chủ quản của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Điều đó làm cho sự kiện trường cao đẳng kỹ thuật thuộc tôn giáo này có ý nghĩa hơn nữa.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ý nghĩa nào nữa, vậy ông?
MINH THẠNH: Ý nghĩa đối với việc vận dụng pháp luật.
Hội đồng Giám mục Việt Nam tuy không vừa ý với nội dung đối với những quy định hoạt động giáo dục của tôn giáo trong Luật này, cụ thể là văn bản góp ý Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016, nhưng mặt khác, họ vẫn chấp hành và vận dụng luật pháp hiện hành sao cho, rốt cuộc, Hội đồng Giám mục Việt Nam vẫn có cơ sở giáo dục dưới một tên gọi nào đó, bằng một hình thức nào đó, mà hình thức trực thuộc Bộ Lao Đông, Thương binh và Xã hội là rất phù hợp, rất khéo léo và khôn ngoan!
Trong hoạt động giáo dục, chấp hành luật giáo dục, việc để xuất hiện trong nhà trường một hình thức biểu tượng tôn giáo nào đó rất phức tạp, như việc mời một người trong y phục tu sĩ Phật giáo đến giảng dạy chẳng hạn.
Trong trường hợp trường cao đẳng mà ta đang nói đến, người quản lý điều hành là các linh mục. Dĩ nhiên, đó là những biểu hiện tôn giáo rất sinh động, mà ở đây không áp dụng được các nguyên tắc cơ bản của Luật Giáo dục.
Trong nội dung trích dẫn giới thiệu, chúng ta sẽ thấy mục tiêu của nhà trường này là đào tạo đạo đức. Đạo đức gì? Đạo đức của ai, dưới sự quản lý, điều hành của các linh mục ?
Tại sao Phật giáo không có được những trường kỹ thuật đào tạo kiến thức đạo đức dưới sự quản lý, điều hành của tăng ni?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Từ thiện đối với Phật giáo là bố thí, ông đặt vấn đề như vậy sao phù hợp với đạo Phật?
MINH THẠNH: Nếu nghĩ từ thiện Phật giáo chỉ là đem tặng cho gạo muối, mì gói, nước tương, dầu ăn, bột ngọt v.v… thì quả là tai hại cho Phật giáo.
Tài thí (bố thí tiền và vật phẩm) chỉ là một yếu tố. Còn vô úy thí, còn ái ngữ, lợi hành, đồng sự… sao không nói đến?
Phật giáo chỉ biết làm từ thiện bằng cách cho mì gói, nước tương…, trong khi đạo Ca tô La Mã làm từ thiện bằng giáo dục, lấy học vấn, kiến thức, kỹ năng và cả bằng đạo đức nữa, thì so sánh kết quả sẽ như thế nào, cho dù thống kê ngân khoản từ thiện của Phật giáo là ngất ngưỡng, nghe tới tỷ tỷ, hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ!
Đó là chưa nói đến việc người việc người Phật giáo có tiền là gom góp xây điện thờ, tượng Phật, đúc chuông đồng, rất thỏa mãn vì các việc đó. Còn Ca tô La Mã thì một mặt họ vẫn xây nhà thờ, nhưng với một tỷ lệ tượng ứng, họ xây trường học.
Nhưng đừng nghĩ giáo dục đối với đạo Ca tô La Mã chỉ là từ thiện.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Hình như ông tự mâu thuẫn?
MINH THẠNH: Từ thiện trong trường hợp trường Cao đẳng kỹ thuật ở Đồng Nai chỉ là chiến thuật.
Giáo dục của đạo Ca tô La Mã có thể là từ thiện hay là kinh doanh giáo dục tư thục thì còn tùy vào những trường hợp cụ thể, những mục tiêu cụ thể, giai đoạn cụ thể.
Hiện nay, tại Việt Nam, trong bối cảnh tôn giáo triển khai hoạt động giáo dục dưới hình thức từ thiện là thích hợp, thì dạng trường cao đẳng kỹ thuật thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là rất đúng ý họ. Đó là lý do để chính quyền chấp nhận giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã.
Nhưng trước năm 1975, học phí của những trường học Ca tô La Mã ở trung tâm Sài Gòn có mức cao hàng đầu ở Việt Nam, không có trường tư thục nào so sánh được.
Ngay bây giờ, học phí ở một trường mẫu giáo tư thục do các xơ đạo Ca tô La Mã điều hành vẫn cao hơn trường mẫu giáo công lập. Tôi đã trực tiếp đi hỏi điều này cho cháu tôi và khi ngạc nhiên về học phí cao, thì câu trả lời là các xơ đâu có làm từ thiện (?!).
Còn trên thế giới, giáo dục tư thục “Công giáo” nổi tiếng là tốt nhất và… đắt nhất.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông nghĩ Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm đến thông tin của ông?
MINH THẠNH: Đạo Phật là đạo trí tuệ. Hầu hết thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều là trí thức, với tiêu chí là trí thức thì tốt nghiệp đại học. Như vậy, có lẽ tất cả các vị giáo phẩm Phật giáo Việt Nam sẽ không bỏ qua ngoài tai thông tin về hoạt động thuộc những lãnh vực giáo dục, kiến thức.
2. Xuất xứ tư liệu được giới thiệu
2.1. Tên tư liệu: “Trung cấp Nghề Hòa Bình được nâng lên cao đẳng”
2.2. Tác giả: Văn Quý
2.3. Thông tin xuất bản: Báo Công giáo và Dân tộc, số 2117, trang 9.
3. Toàn văn nội dung thông tin:
“Trung cấp Nghề Hòa Bình được nâng lên cao đẳng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ký quyết định nâng cấp trường Trung cấp Nghề Hòa Bình thành Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc. Theo đó, Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc là trường tư thục, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và có nhiệm vụ đào tạo theo 3 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Ngoài ra, trường còn bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc nằm tại ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trực thuộc Tòa Giám mục Xuân Lộc, do các linh mục trong giáo phận (Ban Bác ái Xã hội - Caritas) điều hành và quản lý. Trường chính thức khai giảng ngày 20.12.2012. Với phương châm “Thăng tiến con người toàn diện”, trường không chỉ chú trọng chất lượng giảng dạy mà còn xây dựng cho học sinh những kỹ năng sống vững chắc khi bước vào tuổi trưởng thành, để khi ra trường họ là những người thợ tay nghề cao và có đạo đức nghề nghiệp.”
*Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.