;
(...)Văn hào Dostoyevsky nói về người có tâm bác ái như vầy: càng thương người bao nhiêu, thương cả thế giới bao nhiêu, thì càng ghét người hàng xóm bấy nhiêu! Đây là một tâm lý rất cụ thể, rất thực. Chúng ta cũng thấy người càng yêu nước bao nhiêu, càng sẵn sàng giết người nhiều bấy nhiêu.
Hiếm có người như Gandhi, thể hiện lòng ái quốc vĩ đại nhưng không làm tổn hại bất cứ ai, bằng đường lối đấu tranh bất bạo động. Thế gian này hiếm có lắm. Lẽ thường thế gian, yêu nước mình thì phải bảo vệ, thì phải giết người xâm phạm đất nước mình.
Ngay cả đối với những người xung quanh mình cũng vậy, ta yêu nước còn nó thì không, đây là thứ phản bội, giết nó đi.
Người trong tu Phật cũng vậy, ta tu như thế này mà nó không tu, thứ đó là thứ gì đâu không… Thành ra, càng tu Phật càng ghét người tu Phật, khi thấy mình tu quá, còn người ta tu ít, còn cho rằng đó là thứ vô làm hại Phật giáo, mình phải tìm cách loại nó ra vì mình tu nhiều quá mà nó không tu… Tu kiểu này, chắc chắn là trật rồi!
Càng giữ giới càng ghét người phạm giới, ít có tâm từ bi lắm. Mình càng mong muốn lên thiên đường lại càng mong muốn kẻ khác xuống địa ngục: tu hành kiểu đó xuống địa ngục cho rồi! Nghe thông tin về một vị sư nào đó phá giới, phạm trai, mình sẵn sàng rủa sả ngay: thứ đó đọa địa ngục hết. Chứ không hề khởi tâm từ bi, thấy người ta đi vào con đường đọa lạc, thì tìm cách để chận lại, để họ đừng rơi xuống địa ngục.
Nghĩ được như vậy, e rất khó. Mười người chưa chắc được một. Nhưng làm được như vậy, đó mới chính thực là tu tập theo Bồ tát đạo, thực hành Bồ tát hạnh…”
TUỆ SỸ, Trích Kinh Kim Cang giảng giải