;
Nhân câu hỏi của Phật tử Tuệ Thành , chúng tôi thấy đủ duyên để trình bày thành bài viết, thay câu trả lời cũng như cho các Phật tử khác tri tường quanh câu chuyện thời sự của Phật giáo trong nước.
HỎI: “Thưa thầy, thầy là một học giả có kiến thức uyên bác về Phật học. Con mạo phép xin hỏi trước tình hình một số công dân mặc áo vá, cầm cơm điện, đi du lịch xuyên việt. Ôn ấy nói rằng đang hành theo 13 hạnh đầu-đà và giờ đang truyền pháp khắp nơi, vậy theo thầy 13 hạnh đầu đà là gì? Tu thế nào cho đúng và với lối tu cực đoan như vậy có đúng pháp không?”
ĐÁP: Trước tiên, chúng ta nói về hạnh đầu-đà, đó là lý tưởng khổ hạnh có từ thời Phật. Trong Tăng đoàn thời ấy, nhiều vị tôn giả đã chọn đời sống này như Kāśyapa (Ca-diếp), Upasena Vaṅgantaputta (Ưu-ba-tư-na 優波斯那) v.v. Họ sống trong rừng, mặc y phấn tảo, tức loại vải lượm ở nghĩa địa. Đầu-đà, Phạn và Pāli tương đồng: dhūtaguṇa, nghĩa là lối sống khướt từ về chuyện ăn mặc, tham trước v.v… Đời sống này đức Phật luôn tán thán nếu ai nhẫn khả.
Về hạnh đầu-đà chỉ có 12, chứ không phải 13: 1. Thường đi khất thực; 2. khất thực không phân biệt giàu nghèo; 3. mặc y bá nạp, chỉ chung cho y phấn tảo; 4. Chỉ 3 y, không chứa y dư; 5. Sống trong mộ địa; 6. Ăn ngày một bữa; 7. Tiết lượng bữa ăn; 8. Sau ngọ không ăn, chỉ uống nước, cả nước trái cây; 9. Nghỉ dưới gốc cây; 10. Ngồi ở nơi trống trải; 11. Chỉ ngồi không nằm; 12. Sống trong rừng, nơi hoang vắng.
Ngày nay, trong giới đàn truyền giới cho tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, có 4 lời thệ nguyện, là nhằm nhắc nhở đến lối sống này:
1/ Tỳ-kheo sống với y phấn tảo. Loại y này gồm những mảnh vải vụn vứt bỏ, từ Phạn pāṃsukūla (Pāli: paṃsukūla). Monier-Williams giải thích: pāṃsu là “đất vụn, bụi, cát” hoặc “phân”, kūla là “đống” hoặc “gò”. Các nhà dịch thuật Hán ngữ y cứ vào nghĩa Phạn phiên tả lại là “y phấn tảo 糞掃衣” (y quét phân).
2/ Tỳ-kheo phải sống đời sống khất thực.
3/ Tỳ-kheo ngủ nghỉ dưới gốc cây.
4/ Tỳ-kheo sống y vào loại thuốc “hủ lạn dược”.
Hủ lạn dược 腐爛藥, được hiểu theo nghĩa đen là “thuốc mục nát” truyền thống Pāli hiểu nó là “nước đái quỷ.” xem Trung bộ kinh I, 315b - tức Pāli gọi là pūti-mutta (định nghĩa của PTS Pāli-English Dictionary: nước tiểu có mùi rất hôi; thường là nước tiểu của trâu bò được dùng làm thuốc cho tỳ-kheo.) Trong đó, mutta, nếu hiểu tương đương với mukta thì có nghĩa là “cái được trích ra.”
Còn pūti, tiếng Phạn cũng vậy; có ba gốc động từ khác nhau. Hoặc từ pūy: bốc thối, hoặc từ pū: tinh lọc; hoặc từ pā: uống. Nếu hiểu từ kép Pāli pūti-mutta gồm có pūti do động từ căn pūy và mutta tức là mūtra, như vậy sẽ có nghĩa nước đái độc thối, hoặc nước đái quỷ hoặc hủ lạn dược như Hán dịch, có lẽ không chính xác, và điều này phản lại nguyên lý y học thường được thấy trong các kinh điển, theo đó, tùy bịnh cho thuốc.
Có lẽ nên hiểu từ kép này do động từ căn pū và mukta, nó sẽ có nghĩa loại thuốc được rút ra từ tinh dầu hoặc tinh cốt của các loại thảo mộc. Điều này phù hợp với điểm được qui định trong luật: tỳ-kheo không được dùng các loại cây, rau cỏ đang sống và tươi làm thức ăn, trừ trường hợp đã tác tịnh. Về dịch ngữ khác tương đương hủ lạn dược do Nghĩa Tịnh dịch là trần khí dược 陳棄藥 có thể gần sát ý nghĩa vừa nói.
Chính bốn sự nương tựa này đã trở thành hành trang lý tưởng cho Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) phát động cuộc phân ly. Số đồ chúng theo phái Devadatta tồn tại rất lâu, đến những thế kỷ đầu của kỷ nguyên, nhà hành hương Trung Quốc là Pháp Hiển sang Ấn-độ vẫn còn gặp họ. Do đó chúng ta thấy Devadatta chủ trương đời sống xuất gia đi theo hạnh đầu-đà là đúng với ý tưởng của Phật ban đầu.
Ngày nay, trong Tăng đoàn Thái Lan vẫn còn nhiều tỳ-kheo chọn cách sống theo hạnh đầu-đà qua hình ảnh những nhà sư phái Thudong (Thudong là tiếng Thái, đọc theo từ Phạn dhūta, Hán dịch đầu-đà 頭陀). Họ là những nhà sư vân thủy hành cước lưu động, và sống trong mộ địa khi đi qua các làng mạc, phố phường.
Những nhà sư này chúng tôi đã gặp họ hai lần, lần thứ nhất tại Thái Lan vào năm 1012. Lần thứ hai, vào tháng 4 năm 2018, tôi cùng thầy Tuệ Sỹ về Lào thăm quê nhà của thầy, gặp các sư phái Thudong tại biên giới Lào-Thái.
Ở Việt Nam ngày nay, trong Phật giáo cả hai hệ Nam tông và Bắc tông hiếm có các nhà sư chọn lối sống này.
Kết luận lại cho câu hỏi của Phật tử Tuệ Thành cũng như các Phật tử cả nước đang bàn thảo về chuyện thời sự quanh các nhà sư đang sống hạnh đầu-đà. Chúng tôi đúc kết: Tỳ-kheo nào đã thọ giới đàng hoàng, sau đó chọn lối sống này là đáng khen và trân trọng. Nơi phước điền cho Phật tử và đồ chúng quy ngưỡng.