;
Hội thảo diễn ra dưới sự chứng minh và tham dự của: Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; nhị vị Hòa thượng Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN: Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu; cùng chư Tôn đức Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN: Hòa thượng Thạch Sok Xane, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Đào Như, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Thượng tọa Thích Quảng Hà; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cùng chư Tôn đức trong Ban thường trực HĐTS GHPGVN.
Bàn chủ tọa có: Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban giáo dục Phật giáo TƯ, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Đạt - Ủy viên thư ký HĐTS, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện - Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng Phân ban Ni giới TƯ; Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Phân ban Ni giới TƯ, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ; Ni trưởng Thích Đàm Thành - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng Phân ban Ni giới TƯ; Ni trưởng Thích Đàm Lan - Ủy viên thường trực HĐTS, PHó trưởng Phân ban Ni giới TƯ.
Ngoài ra còn có sự tham dự của chư Tôn đức Tăng Ni HĐTS GHPGVN, chư Tôn đức Ni trong Phân ban Ni giới TƯ và đông đảo quý thiện nam tín nữ Phật tử thập phương.
Về phía chính quyền có: Bà Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCNVN, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hòe – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TƯ Đảng; Bà Trần Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội; Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban tôn giáo Chính phủ; Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó giáo sư Tiến sĩ Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng quý học giả, các nhà nghiên cứu đến từ các tỉnh thành trên cả nước.
Sau lời phát biểu khai mạc Hội thảo của Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã có lời tán thán công đức toàn thể Ni giới Việt Nam, đồng thời đánh giá cao Phân ban Ni giới TƯ đã có sáng kiến tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học này nhằm khẳng định giá trị cốt lõi nhân văn và giá trị bình đẳng của Đạo Phật từ hơn 2600 năm trước vẫn còn nguyên giá trị, và tỏa sáng trong xã hội ngày nay.
Đây cũng là cơ hội để Ni giới Việt Nam tiếp tục noi gương các bậc nữ lưu tinh nghiêm giới luật, trí tuệ siêu việt, tên tuổi ngang hàng với các bậc cao tăng, được tôn xưng là Tổ sư thiền như Ni sư Diệu Nhân, qua đó làm hành trang cho sự phát triển của Ni giới Việt Nam trong thời đại mới.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận rằng Ni giới đã rất phát triển ở Việt Nam từ năm đầu kỷ nguyên Tây lịch. Đó là sự ghi danh của lịch sử dân tộc đối với các vị Tỳ kheo ni có xuất thân trong hàng ngũ các tướng quân của Anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng những năm 36 – 40 Tây lịch như Tỳ kheo ni Bát Nàn, Tỳ kheo ni Thiều Hoa, Tỳ kheo ni Phương Dung, Tỳ kheo ni Chiêu Dung công chúa, Tỳ kheo ni Hương Thảo… được biết đến là những nữ tướng của Hai Bà Trưng.
Bước vào thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc, dưới triều đại nhà Lý (1009 – 1225) có Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1113) đắc pháp được ấn chứng tôn xưng là Tổ sư thiền. Ni sư Diệu Nhân tên húy là Lý Ngọc Kiều, là con gái lớn của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung. Phụng Càn Vương là em của vua Lý Thánh Tông. Thuở nhỏ, Lý Ngọc Kiều được vua Lý Thánh Tông nuôi dưỡng, nhận làm con nuôi và được phong làm Công chúa. Năm 1058, vua gả Công chúa Lý Ngọc Kiều cho Châu mục Chân Đăng họ Lê.
Sau khi Châu mục Chân Đăng mất, bà xuất gia tu học Phật. Giác ngộ được các pháp thế gian đều như mộng huyễn, khi xuất gia học đạo với thiền sư Chân Không tại làng Phù Đổng, được ban pháp hiệu là Diệu Nhân và cho phép trụ trì tại Ni viện Hương Hải, làng Phù Đổng, phủ Tiên Du, Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội). Ni sư là bậc nghiêm trì giới luật, hành thiền miên mật, đạt được Tam ma địa, là bậc tôn túc trong hàng ni chúng.
Tinh thông tâm yếu Đại thừa với bộ kinh Kim Cương chủ đạo dẫn dắt lộ trình tu tập, Ni sư Diệu Nhân đã thể nhập chân tâm Phật tính, bản tâm thanh tịnh, vượt lên trên các pháp đốn tu, tiệm tu mà thể nhập chân lý. Ni sư được ấn chứng là bậc Tổ sư thiền thuộc thế hệ thứ 17 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng toàn thể Ni giới Việt Nam tiếp tục đoàn kết, hòa hợp trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, sống tốt đời đẹp đạo, nghiêm trì và bảo tồn giới luật Phật, xứng danh là những người con gái ưu tú của Đức Phật, của Di mẫu Kiều Đàm Di, và đặc biệt là những người đệ tử xuất sắc của các bậc tôn túc Ni tiền bối của Phật giáo Việt Nam.
Sau khi Hòa thượng Thích Gia Quang báo cáo đề dẫn Hội thảo, dưới sự điều hành của đoàn chủ tọa, hội chúng đã lắng nghe các bài tham luận tiêu biểu đại diện cho hơn 120 bài tham luận đến từ quý chư tôn đức, các vị học giả, các nhà nghiên cứu đóng góp cho Hội thảo.
Ban biên tập xin cập nhật hình ảnh tới quý độc giả:
hội thảo khoa học
ni giới
tỳ kheo ni
ghpgvn tp hà nội
nữ phật tử
tổ sư ni
ni sư diệu nhân
TIN LIÊN QUAN