;
An cư kiết hạ là truyền thống tu học thiết yếu từ hàng ngàn năm nay của Đạo Phật, truyền thống này có từ thời đức Phật còn tại thế, thời gian kiết hạ chư Tăng tập trung về cùng một trú xứ và sống chung một nơi suốt trong ba tháng an cư cấm túc, trau dồi tam vô lậu học, hạn chế du hóa nếu có duyên sự quan trọng như cha, mẹ ốm đau, bệnh tật, hoặc trong hàng cư sĩ tại gia đến thỉnh thọ trai Tăng, thuyết Pháp giảng kinh hay những Phật sự quan trọng… thì được phép rời khỏi nơi An cư trong vòng 7 ngày.
Thời gian các Tỳ kheo an cư cũng là dịp cho Phật tử tại gia có cơ hội tìm về tu học dưới sự hướng dẫn của chư Tăng, cúng dường hộ trì Tam Bảo, thính pháp vun trồng ruộng phước cho mình và thân quyến.
An cư ba tháng lực tiền,
Chín tuần tu học giúp muôn duyên,
Phước trí trang nghiêm tròn nhân Phật ,
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khai mạc
Thật vậy! An Cư Kiết Hạ đó là sự tinh khiết lắng đọng cao quý trong đời sống giải thoát của người xuất gia tu học Phật, nhằm phát huy đạo lực tu tập, thúc liễm thân tâm trao dồi ba môn Giới Định Huệ, đối trị tam độc Tham Sân Si. Là người Phật tử cũng biết đến câu chuyện ngày xưa của đức Tôn giả Mục Kiền Liên ngài đã nhờ sự chỉ dạy của Đức Phật Thích Ca mà nương nhờ vào oai lực và công đức tu tập trong ba tháng an cư của chư Tăng sau ngày mãn hạ, để cứu vong mẫu thoát khỏi khổ đau khi bà Thanh Đề bị đọa đầy trong cảnh giới ngạ quỷ.
Đại diện các cấp chính quyền có ông Đào Văn Hải - Phó trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo các ban ngành Công an, Dân vận, Nội vụ, Mặt Trận Tổ quốc.
Với sự tham dự của hơn hai ngàn quý Nam nữ Phật tử trong và ngoài tỉnh, Pháp hội diễn ra trong không khí trang nghiêm trên tinh thần giới luật, trong niềm tin của người con Phật và sau thành công của đại hội PG cấp huyện thị gần đây, bên cạnh những thành công trong công tác Hoằng dương Phật Pháp và sự đóng góp phúc lợi xã hội của PG đối với tỉnh nhà. Đó cũng là lời ghi nhận tán thán của đại diện các cấp chính quyền trong buổi lễ hôm nay.
Điểm nhấn nổi bật trong Lễ Khai Pháp hôm nay là thời Pháp ngắn của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn.
Thay mặt TWGHPGVN Hòa thượng tán thán và ghi nhận những thành tựu mà BTSPG tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đó cũng là tiền đề để chào mừng Đại hội Phật giáo tỉnh nhà sẽ diễn ra vào tháng tám tới đây.
Xin được sơ lược, tóm tắt thời pháp của Hòa thượng để mọi người cùng hiểu thêm về ý nghĩa lợi ích pháp an cư.
An cư ngoài ý nghĩa thúc liễm ba môn vô lậu học Giới Định Huệ, để thành tựu được ba môn Vô Tham, Vô Sân, Vô Si đồng thời là cơ hội tốt để những người con Phật tại gia và xuất gia phát triển tinh thần quyến thuộc theo lời Phật dạy. Trên năm lĩnh vực gồm :
Quyến thuộc thứ nhất là - Tự Tính Quyến Thuộc trong ba tháng an cư giúp cho mọi người trở về với nguồn tâm với tự tánh thanh tịnh sáng suốt sẵn có của mỗi người con Phật, sống tương ưng với thể tánh sáng suốt, tự tâm thanh tịnh góp phần an lạc và giải thoát cho mọi người.
Quyến thuộc thứ hai là - Hành Động quyến thuộc trong thời gian 3 tháng an cư chư Tăng đã tạo nên cái duyên tu tập tứ thời hay sáu thời tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền, nghe pháp… với nhau dưới sự hướng dẫn của quý thầy và ban giáo thọ Trường Hạ với hàng tại gia sự tu tập này đã tạo nên quyến thuộc thứ hai, hành động này sẽ giúp chư Tăng thành tựu nhiều hoạt động Phật sự trọn vẹn trên hai ý nghĩa Tu và Học tạo nên phước trí nhị nghiêm.
Quyến thuộc thứ ba là - Thệ Nguyện Quyến Thuộc là người con Phật dù tại gia hay xuất gia đều là đệ tử của Đức Phật với tâm nguyện sinh ra mong gặp được ngôi Tam Bảo người có đầy đủ duyên lành hơn thì được xuất gia và người chưa đầy đủ duyên lành thì quy y Tam Bảo tại gia.
Tất cả đều nguyện đời đời kiếp kiếp được sinh ra là bạn với nhau trong Chánh Pháp. Tất cả mọi ở đây dù ở phương nào nhưng khi đủ duyên lành nên mới gặp nhau ở đây và khi trở về ngôi nhà chung đó là Tỉnh hội PG Hà Tĩnh khi vào cửa Phật đều như con một nhà
“Mỗi người mỗi nước mỗi non
Khi vào cửaPhật như con một nhà
Cùng nhau thực hiện lục hòa
Chúng sinh lợi lạc chan hòa tình thương”
Mỗi người tự thân trang nghiêm, tự tâm trang nghiêm thì mới thành tựu được đạo lực, Đạo lực của Tăng Ni đã có đã mạnh thì Phật giáo Việt Nam được trang nghiêm, ngày càng hưng thịnh và phát triển và huy hoàng trong lòng dân tộc. ..Đó là sự thệ nguyện rất lớn
Quyến thuộc thứ tư là - Tập Hợp Quyến Thuộc trước mùa an cư mỗi chư Tăng đều có mỗi chùa đều có nơi trú xứ hành đạo riêng, nhưng vào mùa an cư kiết hạ mọi người công việc ở chùa tập trung về trường hạ này cấm túc an cư trong ba tháng đó là sự tập hợp sức mạnh tổng hợp của nội tâm, sức mạnh đoàn kết và hòa hợp của chư Tăng và nam nữ Phật tử tại gia cũng vậy.
Qua đó mùa An cư có hai sự tập hợp đó là của toàn thể chư Tăng và hàng Phật tử tại gia cùng tín chúng, như vậy sự tu học hôm nay trong đó mục tiêu và tâm nguyện hiện tại huớng đến xây dựng đạo pháp được xương minh tăng già hòa hợp, xã hội được an vui hạnh phúc..
“Bốn chúng đồng tu kết thiện duyên”
Quyến thuộc thứ năm là - Bồ Đề Quyến Thuộc, mỗi người con Phật đều có mối quan hệ với sự sáng suốt mỗi người đều có trí tuệ Bát Nhã, có tâm Bồ Đề, nếu không có điều kiện để khơi nguồn tuệ giác thắp sáng hiện hữu thì cũng khó mà thể hiện được tác dụng của nó, qua đó trong ba tháng An cư chúng ta có điều kiện tu tập tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, quán tưởng…thì mới thành tựu được Giới và cũng giữ cho tâm hồn được yên tĩnh thành tựu được Định khi Thân và Tam được yên tĩnh như vậy thì trí Tuệ vô lậu trong mỗi người sẽ tỏa sáng, đây cũng là cái nhân và cũng là quả vì thế Quyến Thuộc Bồ Đề rất là quan trọng nhưng nếu chúng ta không tu tập trau dồi thì cũng khó mà thể hiện dãu rằng nó có sẵn. Vậy sự tu tập của chúng ta là gạn đục khơi trong.
Thời pháp và lời sách tấn của Hòa thượng kết thúc trong sự hoan hỷ mãn nguyện của Chư tăng và hơn hai ngàn Phật tử đại chúng trong pháp hội An cư.
Hậu phần buổi lễ là lời tác bạch thành tâm của hàng Phật tử tại gia do đạo tràng các chùa và tự viện trong toàn tỉnh dâng vật phẩm cúng dường nhân mùa An cư.