;
Tham dự chứng minh buổi lễ có, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Đường chủ hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh; hạ trường Trúc Lâm Hồng Lĩnh và hạ trường Ni chùa Cảm Sơn, buổi lễ có sự hiện diện Chư tôn Thượng tọa Đại đức Tăng, quý Chư Ni trong tỉnh, cùng các Phật tử thiện tín.
Tại buổi lễ, đại diện thanh niên Phật tử có lời hoài niệm nêu lên công đức sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ, và hạnh phúc sung sướng thay cho những ai khi còn cha còn mẹ trên đời, đó là đang còn cả một vùng trời bình yên, xin hãy trân trọng, không gian trở nên trầm lặng, có giọt lệ từ khóe mắt những người con như thế trào ra.
Tiếp đó, các thanh thiếu niên thực hiện nghi thức bông hồng cài áo để nhắc nhở mọi người về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bông hồng màu vàng cho người xuất gia, màu đỏ cho những ai còn cha mẹ, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời.
Hoa hồng là biểu tượng của tình thương yêu, sự cao quý, nhớ ơn hai đấng sinh thành đã chắt chiu nuôi dưỡng để ta trưởng thành qua bao năm tháng, đó cũng là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn…”, báo hiếu cha mẹ, báo ân thầy tổ là những nét đẹp tinh thần quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người, đặc biệt là với những người con Phật.
Sau mỗi mùa an cư kiết hạ kết thúc, Chư tôn đức Tăng ni thêm một tuổi đạo, là dịp để các học trò đệ tử bày tỏ lòng hiếu đạo đối với bậc tôn sư trong việc nỗ lực tinh tấn tu hành. Đức Phật cũng từng dạy: “Tùy thuận thiện sự học đắc kiến hằng sa Phật”, Thầy tổ là bậc hướng đạo của chúng đệ tử, đã thay Đức Thế Tôn dạy dỗ, giúp hàng đệ tử không chỉ xuất gia mà cả tại gia được khai tâm mở trí, tiến tu đạo hạnh. Nhờ công đức giáo hoá của bậc tôn sư, chúng đệ tử biết đường tà nẻo chánh, để nghiêm thân tu học.
Với tinh thần đó, dịp này, toàn thể Tăng ni, Phật tử Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh cũng y theo truyền thống vân tập về đây đảnh lễ, khánh tuế Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - vị tôn sư của Phật giáo Hà Tĩnh nhằm bày tỏ tình cảm của mình trước vị thầy tôn kính, thể hiện tinh thần “Kính pháp tôn nhân – Tri ân bậc thầy”, đây cũng là một nét đẹp của những người con Phật xuất gia và tại gia.
Tại buổi lễ, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử cung đối trước Hòa thượng tôn sư, TT. Thích Hạnh Nhẫn; TT. Thích Thiện Nhơn đã dâng y cúng dường; Đại đức Thích Quảng Nguyên dâng trà và cài hoa hồng, dâng lời tác bạch khánh tuế, mừng Hòa thượng 46 hạ xuân, TT Thích Chiếu Tuệ có lẵng hoa đại diện cho tứ chung môn đồ Phật giáo Hà Tĩnh dâng lên tỏ lòng tri ân kính ngưỡng, bày tỏ tấm lòng chân thật gửi đến bậc tôn sư khả kính, vị thầy đã từng chăm lo dạy bảo công đức sâu dày với Phật giáo tỉnh nhà.
Cảm động trước lời nói, hành động và tấm lòng tứ chúng đệ tử, Hòa thượng ban lời từ ái, sách tấn Chư tăng, ni cùng các Phật tử tinh tấn tu học, trau dồi thân tâm.
Từ những tình cảm và tấm lòng quý kính và tinh thần tri ân với người thầy của hội chúng, Hòa thượng có đạo từ cung kính nhắc lại những tấm gương hiếu hạnh từ Đức Phật trở xuống, các tiền nhân, bậc thánh Chư tổ.
Mở đầu pháp thoại, Hòa thượng nhắc lại câu chuyện trong kinh "Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng", Đức Phật quỳ lạy đống xương khô làm các vị tôn giả ngạc nhiên và nghĩ rằng Đức Phật là bậc Đại đạo sư Thế tôn sao lại quỳ xuống lạy đống xương khô bên đường.
Từ ngạc nhiên đó, Đức Phật đã ân cần dạy cho Ngài A Nan và chúng ta một điều rằng, đống xương khô này có thể là cha là mẹ của ta trong nhiều đời nhiều kiếp mà ta phải chịu ơn, Đức Phật tôn trọng mẹ tôn trọng cha như vậy, nhưng không chỉ là cha mẹ hiền tiền mà cả cha mẹ từ nhiều kiếp trước, là bồ đề quyến thuộc.
Ngài là đấng Đại Từ Bi là bậc đại đạo sư là Đức Thế tôn nhưng công ơn cha mẹ không bao giờ quên. Cũng như hình ảnh Ngài về thăm phụ hoàng bưng bát cháo, khiêng kim quan cho phụ hoàng. Ngài dạy, cha mẹ trong nhà là Phật ở đời, cha mẹ còn là hạnh phúc nhất đời con, chính vì vậy mà hành động Đức Phật đã dạy cho chúng ta một tấm gương hiếu hạnh vô cùng quan trọng.
Hòa thượng nhắc lại một tấm gương cao cả đầy hiếu kính đời nhà Trần là Đức Tam tổ Huyền Quang, khi tuổi già Ngài trở về quê nhà thăm cha mẹ để phát khởi cho cha mẹ lòng kính tín với Tam Bảo Ngài đã dựng chùa Ngọc Hoàng ở phía Tây của nhà cha mẹ để cha mẹ tiện bề sớm tối lễ Phật nghe kinh.
Hay thời Phật giáo nhà Nguyễn - Cố đô Huế còn dấu ấn về câu chuyện ngôi chùa Từ Hiếu, với sự tích về Hòa thượng Nhất Định.
Chuyện kể rằng, có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, Ngài đã lập am trong rừng vừa tu hành, vừa hàng ngày lo thuốc thang cho mẹ nhưng bà vẫn không khỏi. Thầy thuốc khuyên Ngài dùng bằng động vật để chữa trị, Ngài nghĩ không dám để tạo tội cho người khác, thà rằng mình chịu tội mà phụng dưỡng được mẹ còn hơn để người khác chịu tội phục vụ mẹ mình, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, cứ chiều chiều Hòa thượng xuống chợ mua thức ăn cho mẹ đem về hầu thân mẫu, nhờ đó mà mẹ Ngài qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh tình thuyên giảm...
Cũng vì thường xuyên xuống chợ mua động vật mà bị người đời xì xào dị nghị thành mang tiếng này nọ, chê cười đi tu mà còn phạm giới. Không giải thích, không thanh minh, Ngài cứ mặc tình để họ mai mỉa, chấp nhận tai tiếng, một lòng chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ cho đến khi bình phục.
Cố đô Huế lúc đó, Hòa thượng là một bậc tu hành nổi tiếng từ trước đến nay mà tại sao gần đây cứ thấy ông ra chợ mua đồ ăn không hiểu ra sao tiếng đến tai vua - Vua Tự Đức là một bậc vua anh minh cũng là vị vua hiếu kính trong 13 vua nhà Nguyễn, vua đi thám thính xem sao và rất cảm phục trước tấm lòng của Hòa thượng Nhất Định tự tay nấu nướng chăm sóc cho mẹ ăn, phần thức ăn còn thừa Ngài cho động vật, còn Ngài vẫn rau dưa thanh đạm mỗi ngày. Sau này am Ngài ở trở nên ngôi chùa và được vua ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”.
Hay chuyện về Đức cố Trưởng lão Thích Tâm An, hiện bút tích vẫn còn lưu tại chùa Bằng. Ngài viết Biên niên sử trong đó ngài ghi bằng chữ hán “Tâm An hoàn tục dưỡng mẫu” Tâm An tức tên ngài là Tâm An trở về không xuất gia nữa, nuôi mẹ, và ba năm sau ngài nói “Tâm An thân mẫu từ trần”, rồi một đoạn nữa lại viết, “Tâm An tiếp tục xuất xuất gia”. Ngài hy sinh cuộc đời xuất gia của mình không nỡ để cho mẹ ở nhà đau khổ, không người trông nom, không người phụng dưỡng, dù thân đang ở chùa mà vẫn dùng từ “hoàn tục”.
Hòa thượng Quảng Dung huynh đệ với Ngài cho biết, Ngài viết như vậy chứ Ngài vẫn ăn mặc hình dáng của người xuất gia vẫn giữ giới nhưng ở nhà để trông nom nuôi mẹ và khi mẹ mất xong lo tang lễ về chùa để thụ giới.
Qua các câu chuyện tấm gương của Đức Phật của các Thánh tăng của các bậc Thánh tổ Hòa thượng muốn nhắc nhở cho tất cả Tăng ni hội chúng dù có thân xuất gia thì cũng không được coi thường cha mẹ, bởi cha mẹ sinh ra thân ta thầy tổ sinh ra giới pháp cho ta, hai đấng đó phải song toàn,“Sư trưởng giáo huấn chi ân, Phụ mẫu sinh thành chi đức”.
Hòa thượng đúc kết về thời pháp, trong mùa báo hiếu này, người xuất gia mang công đức tu tập của mình để hồi hướng cho cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tại khuyên cha mẹ kính tín Tam bảo tu điều phúc, giữ nền nếp tốt đẹp của người Việt, truyền thống gia tộc. Cha mẹ qua đời cần đọc các bài sám để cho hương linh được nghe, nghe để tỏ ngộ mà giải thoát tiêu giao.
Giáo hội có câu: “Phục vụ chúng sinh tức là thiết thực cúng dường chư Phật”, Hòa thượng cho rằng, phụng sự chúng sinh cũng là báo hiếu cha mẹ, cha mẹ ngay hiện tại. Vì vậy sự tương thân tương ái giữa Tăng ni và Phật tử, giới luật Đức Phật đã dạy cùng một thầy học như nước với sữa, nhân gian có câu rất thông dụng “sư với vãi như vải với nâu” như vậy thì Phật pháp được xương long Chư Tăng hoằng hóa, Phật tử hộ trì.
Kết thúc thời pháp, Hòa thượng chia sẻ rằng, nhân sự kiện này vì sự ưu ái, vì tình thương gắn bó trong lễ dâng trà, tặng hoa vừa rồi nên Hòa thượng đã cung kính nhắc lại gương hiếu kính của Đức Phật, của Chư tổ, các bậc tiền bối để cùng nhau ôn và nhớ, đừng bao giờ quên cha mẹ sinh ra ta và tất cả chúng sinh vạn loại vì vậy mà trong cái ơn thứ tư có ơn pháp giới chúng sinh.
Một số hình ảnh ghi nhận.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=cSmi3EsQhzU}
Ban TTTT Phật giáo Hà Tĩnh