;
Đằng sau sự việc hôn môi sư thầy đấu giá rượu là gì?
Họ tin rằng, đó là do khi san núi làm đền đã chạm đến long mạch của làng, bị thần linh "quở" nên về bắt dân làng phải đền mạng. Câu chuyện được người ta đồn thổi, thêu dệt làm rúng động cả một miền quê nghèo.
Nỗi lo sợ của mẹ con bà bán nước
Người dân làng Đại (xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương) vốn chỉ quen với tay cày, tay cuốc, với những ruộng lúa, bãi ngô. Cuộc sống của họ chưa giàu song yên bình như nhiều làng quê thuần nông trên dải đất hình chữ S này. Cho đến một ngày, cả làng Đại nháo nhác, hoang mang khi có những cái chết liên tiếp diễn ra. Điều trùng hợp là chính trong năm ấy, ngôi đền Vua vừa mới hoàn thiện.
Bây giờ, khi những nấm mồ của người chết trong làng có liên quan đến "động long mạch" kia đã xanh cỏ thì những người làng Đại vẫn còn nơm nớp lo sợ. Ngay như mấy mẹ con bà bán nước gần chân núi Bàn Cung, khi nghe tôi gặng chuyện cũng ngập ngừng. Bởi họ không muốn khơi lại quá khứ đau buồn của làng. Và quan trọng nữa là "chẳng biết thế nào mà lần, ở đất thánh mà nói những chuyện nhảm nhí sẽ bị rắc rối chứ chả chơi" như lời người đàn ông - con bà bán nước ngay chân núi nghi ngại, nhất định không chịu nói tên mình như sợ sẽ bị "phạt".
Hay như ông Trưởng thôn Dương Văn Đông dù có xua tay lia lịa "làm gì có chuyện người chết nhiều vì động long mạch trên núi như đồn đại" thì cũng phải thừa nhận rằng: "Năm 2006, thời điểm đền Vua vừa hoàn thiện, số người chết trong làng nhiều hơn hẳn. Tính đến nay cũng không có năm nào nhiều hơn thế".
Câu chuyện về sự trùng hợp giữa việc xây đền với việc số người chết đột biến trong làng đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện.
Ngôi đền trên đỉnh Bàn Cung
Bà Dương Thị Hoa năm nay 69 tuổi. Bà là người gốc ở làng này nên bao nhiêu chuyện trong làng bà đều tỏ tường.
Bà Hoa bảo, người làng bà chưa giàu nhưng bao thế hệ làng Đại đều mang trong mình niềm tự hào khi được sinh ra ở vùng đất của thánh thần. Sở dĩ như thế là vì, ở làng có quần thể đền Cao thờ 5 anh em họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược ở thế kỷ thứ X. Ngôi đền Cao còn nổi tiếng linh thiêng khắp vùng.
Trong trí nhớ của bà Hoa, năm 2003, ngôi đền Vua thờ vua Lê Đại Hành được khởi công xây dựng. Trước đó đã có hẳn một cuộc hội thảo, mời các nhà khoa học lịch sử đến trao đổi, phát biểu để đưa đến quyết định chọn địa điểm xây đền. Tuy nhiên, khi nghiên cứu lại những tài liệu kết hợp với khảo sát thực địa đã phát sinh vấn đề. Chỗ vua về triệu quân đánh giặc rồi dựng trại là ở Đồng Dinh, nhưng vì nơi đó đã xây nhà trẻ nên không thể phá đi để xây đền được. Thêm nữa, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Vua thì phải ở trên cao, cao hơn cả nơi thờ tự 5 anh em họ Vương nên đã quyết định chọn xây dựng ngôi đền trên đỉnh núi Bàn Cung.
Đền Vua trên đỉnh Bàn Cung, nằm ngay sau đền Cao. |
Tôi đem câu chuyện này tới hỏi ông Trưởng thôn Dương Văn Đông, ông cũng gật gù xác nhận.
Chỉ tay về hướng núi, bà Hoa còn cho biết thêm: "Từ nhỏ, tôi đã nghe các cụ bảo rằng, ngọn núi Bàn Cung có thế hình Kim Quy (hình rùa). Riêng con dốc nối từ núi Bàn Cung sang núi Thiên Bồng - nơi đặt đền Cao gọi là yên ngựa".
Việc xây dựng ngôi đền kéo dài trong gần 3 năm, đến đầu năm 2006 thì hoàn thiện. Cụ thể vào ngày nào thì bà Hoa và cả ông Đông cũng không còn nhớ chính xác.
Ông Cao Văn Sánh vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về ba cái chết liên tiếp của họ hàng trong dịp lễ hội đền Cao năm 2006, ngay sau khi đền Vua khánh thành. |
Đền Vua thờ vua Lê Đại Hành, nằm trên đỉnh núi Bàn Cung, phía sau đền Cao, nối với nhau bởi con dốc có tên "yên ngựa". Tương truyền, năm 981, khi quân Tống xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Đến khi nhà vua hành quân đi đánh giặc qua địa phận xã An Lạc hiện nay, nhận thấy ở đây địa thế hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân ngay trong thôn Đại. Cũng tại đây, vua đã gặp 5 anh em nhà họ Vương, nhận thấy họ đều là người tài năng liền cho thử tài và chiêu dụng. 5 anh em họ Vương đã góp phần đánh đuổi quân Tống ra khỏi bờ cõi, được nhân dân lập đền thờ. Đền thờ vua Lê Đại Hành mới được xây dựng ở thôn Đại để tưởng nhớ vị vua này. |