;
Tăng Cang các chùa Sắc Tứ trong pháp phục cà sa, mũ Hiệp Chưởng tại đám tang vua Khải Định 1925
1/ Pháp vụ Tăng Cang quản lý sự vụ của Tăng Ni và Tự Viện trong toàn quốc
2/ Oai nghi sư Tăng Cang làm giám luật mô phạm cho Tăng Ni
Chế độ Tăng Quan có rất sớm trong Phật giáo Bắc Truyền, ở Trung Quốc chế độ Tăng Quan có từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (280 -588), ở Hàn Quốc có từ thời Tân La (550), ở Nhật Bản có từ thời Thôi Cổ Thiên Hoàng (642), ở Việt Nam có từ thời triều Vua Đinh Tiên Hoàng (933-1011).
Dưới thời Nguyễn việc bổ nhiệm các chức Tăng Cang, trụ trì chùa Sắc Tứ do Bộ Lễ và Tôn Nhân Phủ đảm nhiệm. Nhà vua là người sẽ chọn Tăng Cang và cấp Độ Điệp giao chùa cho cai quản. Khi chùa khuyết thiếu Tăng Cang sẽ phải báo lên Bộ Lễ để xin chỉ nhà vua sát hạch, phê chuẩn và cấp cho Sắc Chỉ. Ngoài các vị Tăng Cang, phụ giúp còn có 1 vị Trụ Trì đảm nhiệm công việc cai quản tăng chúng trong chùa.
Các vị Tăng Cang, Trụ Trì đều được triều đình miễn sưu thuế, sưu dịch, cấp lương hàng tháng và ban Pháp Phục. Tăng Cang là một quan chức Tăng lữ cai quản tăng chúng trong Phật giáo thuộc phẩm cấp của triều đình Huế, được bổ nhiệm và thuyên chuyển đi các ngôi Quốc tự như bổ nhiệm quan lại, và hưởng lương, cấp người phục dịch như quan chế
Các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có tổ chức sát hạch để cấp Giới đao, độ điệp, quản lý sư sãi chân tu và chọn ra người tài giỏi am hiểu Phật pháp, đủ đức hạnh để ban chức Tăng Cang cai quản các ngôi Quốc tự, chùa công do nhà nước xây dựng, bảo hộ.
Tăng Cang chánh và phó chùa Thiên Mụ cùng các Tăng chúng Huế 1930s
Thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đều có quy định về việc chi cấp tiền, gạo cho các sư: Chùa Thiên Mụ: Đời vua Gia Long có quy định cấp cho 21 tăng đạo của chùa mỗi người mỗi tháng được 1 phương gạo. Đến đời Minh Mệnh lại đổi lệ cấp cho mỗi người mỗi tháng 60 quan tiền, 55 phương gạo, 5 phương gạo trắng, 6 thưng muối; Chùa Long Quang: mỗi tháng cấp tiền 15 quan, gạo 21 phương; Chùa Thánh Duyên: Sư trưởng mỗi tháng được 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư nam và sư nữ, mỗi người mỗi tháng được 1 quan tiền, 1 phương gạo, chú tiểu mỗi tháng được 5 tiền và 15 đấu gạo: Chùa Giác Hoàng: Sư trưởng mỗi tháng được cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư mỗi người mỗi tháng đều được 1 quan tiền và 1 phương gạo; Chùa Diệu Đế: Mỗi tháng cấp cho sư trưởng 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư mỗi người mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo.
Thời Tự Đức quy định rõ hơn về số lượng tăng ni, và phân chia bình quân “trợ cấp” cho tăng ni, sư sãi tại các chùa quốc tự. Năm thứ 3 (1850), nhà vua xem xét số lượng sư tăng sư ở các chùa và gia giảm cho phù hợp với công việc.
Cụ thể: Chùa Thiên Mụ hiện số Tăng Cang là 1 người, sư là 48 người. Chùa Diệu Đế hiện số Tăng Cang là 1 người, sư trưởng là 1 người, sư là 20 người. Chùa Giác Hoàng hiện có sư trưởng là 1 người, sư là 15 người. Linh Hựu hiện số sư trưởng là 1 người, sư là 10 người. Chùa Thánh Duyên hiện số sư trưởng là 1 người, sư là 9 người, 2 chú tiểu.
Tất cả các chùa trên này, Tăng Cang mỗi người mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng; sư trưởng mỗi người mỗi tháng 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng; các sư mỗi người mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo; đạo đồng mỗi người mỗi tháng 6 tiền, 1 phương gạo. Chùa Long Quang hiện tại có: 1 sư trưởng, 20 sư, 3 chú tiểu. Tất cả số người ấy mỗi tháng 15 quan tiền, 1 phương gạo trắng, 20 phương lương thực.
Giới đạo và Độ Điệp của Hòa thượng Hoằng Thông năm Bảo Đại do Bộ Lễ cấp
Ngoài ra các chùa còn được cấp Sái phu chuyên đảm trách việc bảo vệ, quét dọn và các công việc khác trong chùa. Những người này được miễn việc binh, miễn sai dịch, nhưng vấn phải nộp thuế thân đầy đủ theo lệ.
Vị Hòa Thượng được phong chức Tăng Cang đầu tiên của triều Nguyễn là Thiền Sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-1835). Theo sách [Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ] chép: “Năm Gia Long thứ 13, vua triệu Hoằng về kinh cấp cho chức Tăng Cang trụ trì chùa Thiên Mụ, quán thống tăng chúng…”.
Theo [Việt Nam Phật Giáo Sử Lược] của Thượng tọa Mật Thể ghi: “Niên hiệu Gia Long năm Ất Hợi (1815) vua sắc sửa lại chùa Thiên Mụ và triệu Ngài Mật Hoằng vào kinh cấp bằng Tăng Cang”. Chế độ phong chức Tăng Cang cho các vị tôn đức Tăng ở Việt Nam được duy trì cho đến đời vua Bảo Đại vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Tài liệu tham khảo:
1.Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 6: Bộ Lễ
2.Nội các triều Nguyễn, sđd, tập 4, tr.97 – tr.103.
3.Nội các triều Nguyễn, sđd, tập 5, tr. 181-182.
4.Nội các triều Nguyễn, sđd, 1993, tập 4, tr.187 – tr.188.
5.Nội các triều Nguyễn, sđd, 1993, tập 8, tr. 193 – tr. 199
-------------------------------------------------------------
Nguồn: Việt Nam Phong Hoá