;
Vị cao tăng này viên tịch vào ngày 2/4 vừa qua ở tuổi 106, 84 hạ lạp tại chùa Hoằng Pháp, Thâm Quyến và đã để lại rất nhiều xá lợi long lanh sau khi trà tỳ nhục thể.
Đã có tất cả 8 người cùng tham gia chứng kiến và thu lại xá lợi của vị cao tăng này, do đích thân Hòa thượng Ấn Thuận - Phương trượng chùa Hoằng Pháp chủ trì.
Đây là thành quả nhiệm màu của vị cao tăng cả đời chuyên tâm tu hành Phật pháp.
Theo Hồng Thủy (QQ - GDVN)
Tin liên qquan
Đại lão Hòa thượng Thích Bổn Hoán viên tịch thượng thọ 106 tuổi
Ngày 2-4-2012, Đại lão HT. Bổn Hoán, bậc cao tăng nổi tiếng đương đại, Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, nguyên Phương trượng chùa Hoằng Pháp - Thâm Quyến đã an tường thị tịch, hưởng thượng thọ 106 tuổi, giới lạp 84 hạ.
Nhục thân Trưởng lão được thập phương tín thí chiêm ngưỡng di dung tại Pháp đường Chùa Hoằng Pháp, quy định từ 15 giờ đến 18 giờ ngày 2-4 là kết thúc; Pháp hội truy niệm được cử hành vào lúc 9 giờ ngày 5-4 tại chùa Hoằng Pháp, 10 giờ cử hành Pháp hội trà tỳ.
Trưởng lão Bổn Hoán hiện là Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; Hội trưởng danh dự HHPG tỉnh Hồ Bắc; Phó Hội trưởng danh dự HHPG tỉnh Quảng Đông; Hội trưởng HHPG thành phố Thâm Quyến; Hội trưởng danh dự HHPG thành phố Thiệu Quan; Ủy viên Hiệp thương Chính trị tỉnh Quảng Đông.
Mấy mươi năm hoằng pháp lợi sanh, ngài vẫn quyết tâm không thay đổi chí nguyện: tín ngưỡng kiên cố, hành giải tương ưng, vì pháp quên thân, lợi lạc hữu tình, trang nghiêm quốc độ. Trước sau thực hiện chuẩn tắc tu hành "không vì cầu an lạc cho mình, mà nguyện giúp chúng sanh lìa khổ được vui". Là bậc long tượng trong Phật môn, cây cao bóng cả cho hàng hậu học, hoằng pháp lợi sanh. Để phát triển sự nghiệp Phật giáo Trung Quốc, để xây dựng một xã hội hài hòa, ngài đã có sự cống hiến trọng đại, được chính phủ nhân dân đánh giá cao, là điển phạm sáng chói của Phật giáo Trung Quốc, là bậc tôn túc Thiền môn được tín chúng Phật giáo trong và ngoài nước tôn sùng và quý kính.
Chiều cùng ngày, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức "Pháp hội cao tăng liên phẩm hồi hướng Trưởng lão Bổn Hoán - Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thị tịch" tại chùa Quảng Tế - Bắc Kinh. Trưởng lão Truyền Ấn chủ lễ Pháp hội và phụ trách giảng thoại. Chư tăng đại đức cũng như các ban ngành đoàn thể đến tham dự: Phó Cục trưởng Tưởng Kiên Vĩnh - Cục sự vụ Tôn giáo Quốc gia; Chủ nhiệm Trần Hồng Tinh - Văn phòng Cục sự vụ Tôn giáo Quốc gia; Phó Sở trưởng Thạch Vân - Bộ Thống chiến Trung Ương...; Pháp sư Học Thành - Phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; Vương Kiện - Tổng thư ký HHPG TQ; Pháp sư Thường Tạng, Diễn Giác, Lưu Tầm, Tông Gia Thuận - Phó Thư ký HHPG TQ... và hơn 500 tứ chúng đệ tử tại thủ đô Bắc Kinh đồng tham gia. Pháp hội do Phó Hội Trưởng Học Thành chủ trì.
Trưởng lão Truyền Ấn - Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc nói, Trưởng lão Bổn Hoán là Hội trưởng danh dự của bổn hội, là bậc kỳ túc của Thiền tông, và là bậc cao tăng hiện đại, hóa duyên đã mãn thị tịch tại chùa Hoằng pháp vào ngày 12/3 Phật lịch 2556 (nhằm 2/4/2012), thượng thọ 106 tuổi, tăng lạp 84 hạ.
Trưởng lão Truyền Ấn nhấn mạnh, điều quan trọng mà Trưởng lão Bổn Hoán đã cống hiến suốt cả cuộc đời cho Phật giáo Trung Quốc là:
1.- Vì pháp quên mình, chân tu thật chứng. Trưởng lão theo học đạo tham thiền cùng Đại sư Hư Vân và Thiền sư Lai Quả, tâm địa có chỗ sở đắc, nối pháp Đại sư Hư Vân làm truyền nhân đời thứ 44 Chánh tông Lâm Tế. Trưởng lão một đời tu hành không giải đãi, đạo hạnh cao kiên. Từng ba bước một lạy, triều bái Ngũ Đài Sơn; chích máu viết kinh, đốt tay làm đuốc; phổ thí phóng Diễm khẩu nghìn đài, siêu độ tướng sĩ trận vong kháng Nhật. Tuổi già tám chín mươi, nhưng hằng ngày thời khóa "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm" vẫn không bỏ sót, mấy mươi năm mà như một ngày.
2.- Kiến lập đạo tràng, tiếp tăng độ chúng. Sau khi đại hội toàn quốc lần thứ 11 của đảng cộng sản Trung Quốc, Trưởng lão trở về thăm chùa Biệt Truyền - núi Đan Hà. Tuy tuổi đã trên 70, vẫn không từ lao nhọc, lần lượt chủ trì khôi phục hơn 10 đạo tràng, trùng kiến chùa Biệt Truyền - núi Đan Hà; chùa Quang Hiếu - Quảng Châu; chùa Hoằng Pháp - Thâm Quyến; chùa Báo Ân - Tân Châu, Hồ Bắc; Thiền tự Chánh Giác Tứ Tổ - Huỳnh Mai; Tịnh tự Liên Khai - Nam Hùng, Quảng Đông; Thiền tự Đại Hùng - Quảng Đông; Thiền tự Bách Trượng - Phụng Tân, Giang Tây... tiếp tục trùng tu những ngôi tự viện một thời hết hưng rồi phế, nhưng công phu không hề bỏ sót. Đệ tử xuất gia truyền pháp hàng nghìn người, tiếp độ thiện tín quy y cả vài mươi vạn, tăng tục cùng ngưỡng vọng, chánh giáo đồng tôn sùng.
3.- Hành hóa từ bắc chí nam, hoằng dương chánh pháp, truyền bá Thiền tông. Trưởng lão Bổn Hoán rất xem trọng việc đem văn hóa Phật giáo Trung Quốc truyền bá nước ngoài. Đến Hồng Kông để hoằng truyền chánh pháp, cũng như thăm viếng các nước Âu Mỹ, Đông Á, Đông Nam Á, Australia, Thái Lan, Đức, Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Ý, Đan Mạch, Vatican, Nhật Bản... ; Bất cứ nơi nào ngài đến, đều rộng kết pháp duyên. Năm 90 tuổi, Trưởng lão đến bán đảo Đài Loan truyền bá Thiền tông, cùng chư tăng đả thất, truyền thọ thiền qui, có để lại một tập "Thiền Đường Khai Thị", và đã trở thành quy phạm Thiền học cho người đời sau.
4.- Từ bi cứu tế quần sinh, quan tâm xã hội. Trưởng lão trọn cả một đời thật hành đại nguyện đại hạnh "Không cầu an lạc cho mình, mà chỉ nguyện giúp cho mọi người lìa khổ được vui". Trên đứng đầu đức mô phạm, dưới tỏa sáng hạnh uy nghi. Luôn mang tâm niệm báo đáp bốn trọng ân, đã nhiều lần tham gia hoạt động quyên góp tài khoản vật thực, cứu giúp những nơi thiên tai bão lụt trên toàn quốc; ủng hộ "công trình hy vọng" và sự nghiệp phúc lợi xã hội cho người tàn tật, đóng góp tổng cộng hàng nghìn vạn, đã được sự khen thưởng của Quốc gia và cộng đồng xã hội.
Cuối cùng, Trưởng lão Truyền Ấn bày tỏ, Trưởng lão Bổn Hoán viên tịch, là một sự tổn thất lớn lao cho sự nghiệp Phật giáo Trung Quốc. Hạnh nguyện từ bi, tiết tháo kiên định của Trưởng lão, sẽ vĩnh viễn lưu lại nơi tận cùng sâu thẳm tâm linh chúng ta. Phẩm đức cao thượng của Trưởng lão là phụng hiến vô tư, yêu nước, yêu giáo dục; là người đã để lại cho chúng ta cả tài sản tinh thần quí báu nhất. Nghĩ đến Người, chúng ta cần phải học tập hạnh nguyện trí bi, chánh tín chánh hạnh của Người, nỗ lực không giải đãi để trang nghiêm quốc độ, lợi lạc chúng hữu tình.
Theo Thanh Như - GNO