;
Trong không khí chào mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - dương lịch 2024 (chính lễ ngày 15/4 Giáp Thìn, tức 22/5/2024), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam:
Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Phật đản
- Xin Hòa Thượng cho biết Đại lễ Phật đản có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa của ngày này?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Đại lễ Phật đản là một trong những đại lễ với Phật tử không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đây là dịp kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra Phật Giáo.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội. (Ảnh: Báo Giác Ngộ)
Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật sinh vào ngày trăng tròn năm 624 TCN tại một tiểu bang Ca Tỳ La Vệ thuộc Liên bang Ấn Độ. Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa, con của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. Ngài lớn lên trong hoàng cung, vâng lệnh song thân lập gia đình với công chúa Gia Du Đà La và hạ sinh Thái tử La Hầu La.
Trong các chuyến xuất cung du ngoạn ngoại thành, Ngài chứng kiến cuộc đời có quá nhiều khổ đau, thế giới vạn vật vô thường sinh diệt. Từ đó, Ngài luôn trầm tư mặc tưởng, mong muốn tìm ra niềm hạnh phúc an lạc trong cuộc sống nên đã khước từ tất cả cuộc sống và tương lai ở trong thế gian để ra đi tìm chân lý.
Sau những năm tu hành khổ hạnh, Ngài đã trở thành Đấng giác ngộ, được tôn vinh là Đức Thế Tôn hay còn gọi là Đức Phật. Sau đó, Ngài đi khắp xứ Ấn Độ giảng pháp, đem chân lý giác ngộ giảng dạy cho mọi người.
Đại lễ Phật đản là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một người vì tất cả mọi người mà hy sinh. (Ảnh: Báo Thanh niên).
Sau 45 năm thuyết pháp, từ khi 35 tuổi thành đạo (theo thuyết của Nam truyền – Phật giáo Tiểu thừa), đến năm 80 tuổi Ngài viên tịch (bắt đầu tính là năm Phật lịch). Do đó, Phật lịch năm nay là 2568.
Trong 45 năm thuyết pháp, Ngài đã đi khắp xứ Ấn Độ, độ cho tất cả vua quan đại thần và thần dân, với tư tưởng giáo lý là xây dựng cho con người một nếp sống hòa bình, không chiến tranh, hận thù, xóa bỏ phân biệt chủng tộc giai cấp... Bởi khi Ngài sinh ra, xã hội Ấn Độ chia 4 đẳng cấp: Bàlamôn (tăng lữ), Sát-Đế-Lợi (thống trị) Phệ-Xá (công nhân – nông dân) và Thủ-Đà-La (nô lệ). Không chấp sự phân biệt này nên Ngài luôn hướng đến sự bình đẳng, tình yêu thương. Đức Phật nói rằng tất cả mọi người đều giống nhau: “Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Năm 1999, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lấy ngày Lễ Phật đản để làm ngày lễ hòa bình của các tôn giáo, nêu cao giá trị hòa bình, đạo đức, nhân văn, tôn trọng sự sống, vì quyền con người...
Trong thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam có câu: Mùa Lễ Phật đản là mùa yêu thương và hiểu biết.
Kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật cũng là ngày kỷ niệm, tri ân, tôn kính một con người đã vì tất cả mọi người mà hi sinh – Đây cũng chính là quan điểm “dấn thân phục vụ” của Đạo Phật với tinh thần “vô ngã, vị tha”. Nhờ vậy mà nhân loại được an lạc, hạnh phúc.
- Thưa Hòa thượng, vì sao Đại lễ Phật đản lại tổ chức vào ngày rằm tháng tư?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Phật giáo Việt Nam đi theo 2 luồng tư tưởng, Phật Giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Đại thừa truyền về phía bắc Ấn Độ, gọi là Phật giáo Bắc truyền; Tiểu thừa truyền về phía Nam, gọi là Phật giáo Nam truyền).
Phật Giáo Bắc truyền kỷ niệm 1 năm có 4 ngày như: ngày 8/4 âm lịch là ngày sinh của Đức Phật; ngày 8/2 ngày Đức Phật rời khỏi hoàng cung; ngày 8/12 là ngày Đức Phật thành đạo và ngày 15/2 là ngày Đức Phật nhập Niết bàn.
Trong khi đó, Phật giáo Nam truyền thì gọi lễ Phật đản là Đại lễ Vesak - tháng Vesak của Ấn Độ cũng được gọi là Lễ tam hợp (Ngày Đản sinh của Đức Phật, ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức phật Niết bàn cùng trong tháng Vesak).
Từ năm 1999, ngày lễ Phật đản 15/4 Âm lịch đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Trước đây, ở Việt Nam thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 Âm lịch, nhưng những năm gần đây theo văn bản của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lễ được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 15/4 Âm lịch, lễ chính vào ngày 15/4 Âm lịch.
Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 3 Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak) vào các năm 2008 tại Hà Nội); năm 2014 tại Bái Đính, Ninh Bình; năm 2019 tại Tam Chúc, Hà Nam. Dự định năm 2025 sẽ tổ chức tại TP HCM.
Các nghi lễ trong Đại lễ Phật đản và ý nghĩa của lễ tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật là nghi lễ quan trọng nhất trong Đại lễ Phật đản. (Ảnh: chùa Yên tử).
Trong những ngày này các chùa sẽ tổ chức những nghi lễ gì; các đức chư tăng, phật tử sẽ làm gì, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Trong Phật giáo thì ngày Lễ Phật đản là ngày Lễ quan trọng nhất, do đó tất cả các tự viện đều thực hành theo thông tư của Giáo hội Phật giáo hàng năm.
Trước 1 tháng khi Đại lễ Phật đản diễn ra, Giáo hội Phật giáo cũng đã có Thông tư chỉ đạo và có hai văn bản quan trọng là: Thông điệp của Đức Pháp chủ và Bài diễn văn Phật Đản của Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội. Đây là bài giáo hội sẽ tuyên đọc trong các nghi lễ tổ chức trong dịp này nhằm kêu gọi mọi người sống hòa bình cho nhân loại cho cộng đồng.
Ngoài việc đọc các bài diễn văn Phật đản sẽ cử hành các nghi lễ mừng Phật đản sinh. Trong nghi lễ mừng Phật đản sinh, phong tục tập quán của Phật giáo nói chung sẽ tổ chức nghi lễ tắm Phật. Nghi lễ tắm Phật tượng trưng cho sự gột rửa, mong muốn được thân thanh tịnh như Đức Phật (Thân không phiền não khổ đau, không ghen ghét, cạnh tranh, hận thù, báo oán.... Là tâm bình đẳng và thanh tịnh). Đây là nghi lễ quan trọng nhất.
Khi Thái tử sinh ra có 7 đóa hoa sen nâng gót đỡ chân cho nên nhiều nơi còn tổ chức lễ hạ thủy 7 đóa hoa sen. Thả hoa sen xuống dòng nước tượng trưng cho hào quang trí tuệ, Phật luôn hiện hữu trong lòng chúng ta. Phật là sự giác ngộ mà có Phật là có sự giác ngộ, giúp xua đi những điều xấu xa trong cuộc sống.
Ngoài các nghi lễ chính sẽ được tổ chức, trong dịp này giáo hội cũng kêu gọi các tăng ni trong mùa an cư hãy thực hành nghiêm giới luật. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa tu tuổi trẻ, các hoạt động xã hội giúp ích cộng đồng như: tặng nhà tình nghĩa, tặng quà người nghèo khổ, thăm hỏi những gia đình Phật tử khó khăn... Đây là tinh thần của Phật giáo, nhắc nhở tăng ni dấn thân vì đời, thực hiện các việc thiện nguyện, học theo đạo đức của đạo Phật.
Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về cách thực hiện nghi lễ Tắm Phật?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sinh của Đức Phật. Theo kinh Nam truyền ghi lại, khi Hoàng hậu Ma-da đản sinh Thái tử thì từ trên không trung có hai dòng nước của chư Thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Thái tử.
Hai dòng nước nóng và lạnh của lễ tắm Phật tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch, cảnh giới vui, buồn, sướng khổ của cuộc đời mà tất cả mọi người trong chúng ta khi được sinh ra đều sẽ trải qua. Cũng giống như Thái tử Tất Đạt Đa, ngài đã chịu đựng được hai dòng nước đó và sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong kinh sách, đức Phật cũng dạy rằng: Người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời mà vẫn giữ được tâm bình thản, an nhiên, tự tại thì người đó chính là một vị Phật của tương lai.
Nghi thức tắm Phật hàm chứa một ý nghĩa vô cùng vi diệu: Đó là hành động để mỗi người liên tưởng tới việc gột rửa đi thân tâm của mình mong thân tâm được như Đức Phật - “Phật tâm thanh tịnh tựa lưu ly, không tỳ vết, không có sự khổ đau, phiền não, bon chen, hận thù....”.
Đặc biệt, nghi thức tắm Phật cũng chính là dịp để các Phật tử, cộng đồng Phật giáo khắp nơi thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Khi thực hiện nghi thức tắm Phật thì cần đọc lời nguyện: “Hôm nay tắm gội cho Như Lai trí tuệ quang minh, công đức lớn. Nguyện 5 trưởng chúng sinh người trần cấu. Nguyện chứng được thân của Như Lai”.
Rồi lấy 3 gáo nước dội lên 2 vai và 2 bàn chân của Ngài. Không dội lên đầu. (Gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái tôn tượng Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác. Gáo nước thứ hai xối lên vai bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành. Gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật nguyện độ tất cả chúng sinh).
Tinh tấn thực hành theo đạo hạnh của Đức Phật
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm mong mỗi tăng ni, phật tử ngày lễ Phật Đản hãy hướng tâm về Đức Phật, đoạn trừ tham sân si trong mỗi người.
Thưa Hòa thượng, các Phật tử khi đến chùa thì cần làm những nghi thức gì để thể hiện đúng theo lời Đức Phật đã dạy?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Phật tử khi đến chùa quan trọng nhất là lòng thành. Nhiều Phật tử khi đến chùa mang theo lễ vật bởi người Việt luôn lấy lễ vật để biểu thị tấm lòng, cho nên bông hoa hay đĩa quả đều thể hiện lòng thành, chúng tôi không ngăn cản nhưng tùy tâm Phật tử.
Chúng tôi kêu gọi một nén hương cho thơm, một bông hoa cho ngát, về chất lượng chứ không phải số lượng. Vì vậy, việc quan niệm có Lễ mới được ban phúc còn không có lễ là không được ban phúc là hoàn toàn không đúng.
Nếu Phật tử muốn làm lễ kính Đức Phật tại nhà thì nên chuẩn bị những gì và làm như thế nào, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Tại gia Phật tử có thể dùng hình tượng của Đức Phật để làm lễ, có thể thực hiện lễ tắm Phật tại tư gia. Chúng tôi cũng khuyến khích thiết lập Lâm Tỳ Ni (quang cảnh nơi Đức Phật sinh ra tại rừng cây), lập lễ đài, chậu tắm đản sinh để mọi người cùng đến, cùng hưởng phước lành của Đức Phật trong mùa Phật Đản, khi đến với Đức Phật thì tâm người ta an lành, thánh thiện hơn.
Hòa thượng có lời khuyên nào dành cho mọi người trong dịp đại lễ này?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Đối với mỗi tăng ni, phật tử ngày lễ Phật Đản là một niềm vui mừng, hạnh phúc, vì được sống trong những ngày Phật đản sinh để hòa cùng và tưởng tượng như Đức Phật hiện hữu. Một bậc vĩ nhân, đấng toàn giác đã đem lại cho chúng ta những lời dạy trân quý, đó là sống vị nhân sinh, vị tha, bớt đi tham muốn ích kỷ không cần thiết, đoạn trừ tham sân si trong mỗi người.
Trong mùa Phật Đản, tôi mong muốn tất cả mọi người hãy hướng tâm về Đức Phật, lấy tấm gương trong sáng, hi sinh của Ngài để soi rọi cho chúng ta. Hãy sống vị nhân sinh, vô ngã vị tha, vì mọi người mà phục vụ, như Đức Phật đã dạy rằng: Phục vụ mọi người là phục vụ cho mình.
Chư tổ Việt Nam cũng nói rằng: Phục vụ chúng sinh cúng dường chư Phật, bởi vì “Đức Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, cho nên phục vụ người khác chính là phục vụ một vị Phật trong tương lai.
Thanh Hà - Minh Trang - Báo Pháp Luật