nguoiphattu.com Sáng ngày 17 tháng 01 năm 2014, nhằm ngày 17 tháng 12 năm Quý Tỵ, sau khi kết thúc chuyến từ thiện trao tặng nhà đại đoàn kết tại tỉnh Lai Châu, nhận lời mời của Đại đức Thích Minh Huy - Phó Trưởng ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm chùa Ngọc Am (Tùng Lâm tự) – phường Hồng Hà – thành phố Yên Bái chia sẻ pháp thoại cho hơn 1000 Phật tử với chủ đề “Xuân Di Lặc”.
Mở đầu, Hòa thượng đã nhắc lại những kỉ niệm vào một ngày Đông giá lạnh cuối năm 1996, khi Hòa thượng cùng Hòa thượng Thích Thanh Duệ và Đạo hữu Tường Long về làm lễ động thổ. Vì khi đó phương tiện giao thông còn khó khăn, nên khi lên tới nơi phái đoàn phải làm lễ động thổ lúc 23h00. Lúc ấy tại nơi đây chưa có chùa, trên mảnh đất này là một xưởng gỗ của xí nghiệp. Nhưng với lòng mộ Đạo của nhân dân Phật tử, họ đã mượn tạm một gian nhà rất đơn sơ để thờ Phật. Vậy mà ngày nay nhờ công đức gia trì của Tam Bảo, sự phát tâm của Đàn Việt, nỗ lực của chư Tăng – đặc biệt là Đại đức Thích Minh Huy cùng sự tạo điều kiện của chính quyền tỉnh Yên Bái, nơi đây đã trở thành một Đại già lam nguy nga, tráng lệ, là trụ sở của BTS Phật giáo tỉnh Yên Bái, là Đạo tràng tu tập hàng tháng của các Phật tử.
Trong bài pháp thoại, Hòa thượng đã nhắc tới ý nghĩa của mùa xuân Di Lặc trên tinh thần đại từ Di Lặc kết hợp cùng với phong tục tập quán Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Đặc biệt, Hòa thượng đã nêu lên ý nghĩa giá trị nhân bản của Tết cổ truyền qua tinh thần “ngày đẹp” năm mới của Đại sư Thích Trí Hải đã dạy - Ba ngày tết là ba ngày đẹp nhất trên tinh thần vui khỏe, an nhàn, hạnh phúc của dân tộc Việt. Đồng thời cũng là ngày kính mừng khánh đản Đức Phật Di Lặc – vị Phật tương lai qua hình tượng Phật Di Lặc với “Thân khỏe, tâm an" được phổ biến, tôn thờ ở các ngôi chùa Việt.
Từ đó, Hòa thượng nói lên sự gắn bó giữa Đạo Pháp với Dân tộc. Tuy ngày Tết là của dân tộc nhưng cũng là ngày tết của Phật giáo. Hòa thượng đã nhấn mạnh điểm tương đồng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với văn hóa Phật giáo Việt Nam qua các nghi lễ, như Tết nguyên đán – là Tết của dân tộc nhưng Phật giáo cũng có ảnh hưởng trong đó trên tinh thần ngày khánh đản của Đức Phật Di Lặc. Lễ Phật Đản tuy là của Phật giáo nhưng cũng ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân “mùng 8 tháng 4 trời không mưa bỏ cả cày bừa mà đi ăn xin”; lễ Vu Lan – lễ tri ân báo ân của Phật giáo, nhưng đã hòa cùng nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn – nhớ ơn Tổ tiên” truyền thống của dân tộc Việt. Hơn nữa lễ Vu Lan đã trở thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt "Tiết tháng 7 xá tội vong nhân"…
Cuối bài pháp thoại, Hòa thượng đã gửi lời chúc năm mới tới toàn thể đại chúng, và mong rằng tinh thần xuân Di Lặc sẽ được đến với mọi người, mọi nhà trong suốt một năm.