;
Sáng ngày 20 tháng 05 năm 2017, nhằm ngày 25 tháng 04 năm Đinh Dậu, tại chùa Pháp Vân – quận Hoàng Mai – Hà Nội, nhận lời thỉnh mời của Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm và thuyết giảng cho gần 200 khóa sinh tham dự khóa tu tuổi trẻ lần thứ II với chủ đề “Phật pháp với tuổi trẻ”.
Đến với khóa tu tuổi trẻ lần thứ II này, Hòa thượng đã chia sẻ cho các khóa sinh về “Ý nghĩa của ngôi chùa”.
Trước tiên, Hòa thượng đã bày tỏ niềm hoan hỷ trước tình hình tu tập tại chùa Pháp Vân. Hòa thượng đã tán thán thượng tọa trụ trì tuy công việc Phật sự đa đoan nhưng luôn luôn quan tâm chăm lo tới sự tu tập của các tầng lớp Phật tử qua các thời khóa tu tập hàng tháng, có cả những thời khóa tu tập chuyên tu Thiền – Tịnh, chuyên tu cho các Phật tử lớn tuổi, hay là các ngày tu bát quan trai…Bên cạnh đó, chùa Pháp Vân cũng là một điểm đến từ trước tới nay cho các nam nữ thanh thiếu niên Phật tử.
Như vậy, sự tu tập cũng đầy đủ, phong phú, chương trình tu học cũng đáp ứng được nhu cầu học Phật của các tầng lớp. Nhắc tới chùa Pháp Vân – quận Hoàng Mai – HN, mỗi chúng ta đều biết đây còn là một địa điểm làm từ thiện giúp đỡ những người khó khăn, kém may mắn biết tới ánh sáng Phật pháp. Ngôi chùa đã mang lại niềm an lạc cho tất cả các tầng lớp mà hiếm có được ở những nơi khác.
Sau đó, Hòa thượng cũng đã chia sẻ về tầm quan trọng của ngôi chùa đối với đời sống của người dân Việt. Cha ông ta từ ngàn xưa khi dựng lên một ngôi chùa đều với một mục đích đó chính là quy tụ mọi người được về một ngôi nhà chung. Trong cộng đồng dân cư làng xã của người Việt, mỗi một địa phương đều sinh sống theo sinh hoạt cộng đồng khép kín của làng xã. Nhưng người ta chỉ gặp nhau được ở nơi tín ngưỡng của tôn giáo, đó là một ngôi Đình do người dân dựng lên để phụng thờ những nhân vật mà người dân mang ơn, như thờ vị Tổ lập nên ngôi làng, thờ vị Tổ truyền nghề, thờ những người có công với đất nước, làng xã…
Các vị đó được gọi chung là “Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng của làng”. Tín ngưỡng được hình thành từ đó và mọi người tin rằng vị thần đó là vị thần bảo hộ, che chở cho người dân, được gọi là “Vị phúc thần”. Khi lễ tết nguyên đán xong, việc nhà nông còn nhàn rỗi, người ta mở hội làng để nhằm một mục đích “lễ và hội”. Lễ là tỏ lòng tôn kính với vị Thành Hoàng đó, vị Thần đó, và cầu mong vị Thần đó phù hộ cho con dân làng xã một năm bốn mùa tám tiết được bình an, mưa thuận gió hòa, tật dịch tiêu trừ. Bên cạnh đó “hội” là mọi người tự do vui chơi, những ngày đó không phải làm lụng, những người con làm ăn nơi xa cũng trở về làng dự hội và gặp mặt người thân.
Bên cạnh tín ngưỡng thờ Thành Hoàng đó, người dân làng xã còn có chung một niềm tin là thờ Phật. Hình ảnh Đức Phật với cộng đồng dân cư rất gần gũi, như một người luôn luôn hướng về những người đau khổ để cứu khổ ban vui. Ông cha chúng ta dựng chùa để nhằm mục đích mang lại niềm hạnh phúc cho mọi người, từ đó học những lời Phật dạy, cầu mong Đức Phật phù hộ cho một cuộc sống bình an, đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Ngôi chùa vô cùng gần gũi với đời sống tâm linh của người dân. Do đó, ông cha chúng ta luôn tìm thế đất đẹp nhất để dựng một ngôi chùa trong làng.
Hòa thượng chia sẻ “Ở ngôi chùa, khi về chùa học Phật chúng ta đều được hai vấn đề: tinh thần và vật chất. Về vật chất, ngày xưa dân gian có câu “hôm nay mười tư, mai đã mười rằm, ai muốn ăn oản thì năng lên chùa”. Ngày xưa người dân thường hay nấu xôi, đóng thành oản, cùng với nải chuối dâng lên cúng Phật. Sau đó, mọi người ai đến chùa sẽ được hưởng lộc Phật là chính những miếng oản, quả chuối ngọt lành đó. Thứ hai, ở vườn chùa cây cối vô cùng xanh tốt, rậm rạp.
Dưới nhãn quan những thầy thuốc nam, những cây tưởng chừng như cây cảnh trong chùa đều là một bài thuốc nam chữa trị bệnh thông thường cho con người chúng ta. Trước đây khi ngành y học chưa phát triển, bệnh viện còn ít, cả vùng có mỗi một vị thầy lang, thì chính vị sư ở trong chùa lại là một thầy thuốc. Khi con cảm sốt, đau yếu chạy ra chùa, xin nắm lá nhọ nồi, lá tre về xông. Khi con đau bụng chạy ra chùa xin nắm lá rau mơ…Chính những vị sư đó là những người đã tư vấn, đã sơ cứu, đã chữa những bệnh thông thường cho người dân. Dần dần những vị sư trở thành những “thầy lang” nổi tiếng trong vùng, và chùa là bệnh viện chữa trị miễn phí cho mọi người.
Về tinh thần, trước đây chúng ta chưa biết tới chùa, vào chùa còn bẽn lẽn, nghi ngại, nhưng khi các vị trở về chùa nghe các thầy giảng, nghe các bài Pháp mà Đức Phật dạy để quý Thầy giảng lại cho các Phật tử. Nếu người xưa quan niệm dòng họ nào phải bảo vệ dòng họ đó, làng nào bảo vệ làng đó, thì bây giờ khi đến chùa học Phật đã biết rằng tất cả mọi người khi đến cửa Phật là con một nhà, là bồ đề quyến thuộc của nhau, phải cùng nhau tu tập tinh tiến, phải biết chuyển hóa chất liệu khổ đau thành an lạc hạnh phúc, phải yêu thương che chở đùm bọc lẫn nhau bằng tinh thần “Lục hòa”. Hơn nữa, khi bước chân vào đến chùa, ai cũng cảm thấy thân tâm được nhẹ nhàng hoan hỷ.
Nếu chúng ta học Phật, ở nơi đâu cũng có Phật, ở nơi đâu cũng an lạc hạnh phúc chứ không phải chỉ đến chùa mới có được. Thứ ba ở trong chùa, khi chúng ta đã tham gia khóa tu, chúng ta phải giữ được kỉ luật của khóa tu. Ở đâu cũng vậy, khi chúng ta luôn giữ kỉ cương kỉ luật, luôn nghiêm khắc với bản thân mình thì ta không bao giờ bị sa ngã trong cuộc sống, không bao giờ bị mất nhân cách của một con người. Điều thứ 4, mỗi người đều có một kiến thức khác nhau, và kiến thức như biển cả bao la không bao giờ chúng ta có thể học hết được. Vì vậy, phải luôn lắng nghe, siêng năng học hỏi những điều từ quý Thầy chỉ dạy, hay cả những điều từ chính những bạn đồng tu, những người xung quanh ta. Cuối cùng là sự hưởng pháp lạc, chúng ta phải nhìn nhận được ý nghĩa của việc tham dự khóa tu mang lại lợi lạc như thế nào cho bản thân ta”.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng mỗi người khi đến chùa học Phật, nghe Pháp, tụng kinh thì phải biết học được những giá trị quý báu từ chính những việc đó mang lại. Nếu hiểu được những lời Phật dạy, sống và hành trì được theo giáo pháp của Đức Thế Tôn thì cuộc sống của chúng ta sẽ được an lạc thật sự, hạnh phúc và thảnh thơi.
Cuối thời pháp thoại, Hòa thượng đã lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của các khóa sinh xoay quanh chủ đề gia đình, đời sống, những điều chưa biết khi đi chùa, quy y Tam Bảo…
Thời pháp thoại đã khép lại sau gần hai tiếng trong không khí thấm đượm tình đạo vị, tràn đầy niềm hỷ lạc của toàn thể đại chúng.