;
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ cổ chí kim thời nào cũng có các bậc Cao Tăng Thiền Đức xuất hiện để hoằng pháp độ sanh. Nổi bật tiêu biểu nhất là vào các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần.
Đã có các vị Thiền sư uyên thâm Phật pháp, tinh thông thế học, đem tài đức của mình mà cố vấn cho các vua trị dân giữ nước. Đến thời cận đại lại có thêm nhiều bậc danh Tăng lỗi lạc nhập thế mà hoằng pháp lợi sanh.
Ở đây xin nói đến một cao Tăng Thạc Đức mà Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước đều trân trọng kính ngưỡng. Đó là Hòa Thượng THÍCH THIỆN HOA. Ngài chính là cây đại thụ ĐẠO PHÁP DÂN TỘC đã cống hiến cả cuộc đời mình trên mảnh đất miền Nam và hôm nay, năm 1998 tất cả chúng ta trong niềm vui mừng kỷ niệm Sài Gòn Gia Định được 300 năm thì không thể nào quên được công ơn của một bậc Cao Tăng đã cống hiến đời mình cho Đạo pháp dân tộc trên mảnh đất Sài Gòn trong suốt chiều dài lịch sử 300 năm.
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA - THỜI NIÊN THIẾU.
Ngài ra đời ngày mồng 7 tháng 8 năm 1918 tại làng Tân Quy, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Vì quy y từ thuở ấu thơ, Ngài lấy pháp danh làm thế danh nên húy là TRẦN THIỆN HOA. Thân phụ Ngài là ông TRẦN VĂN THẾ, pháp danh Thiện Huệ, thân mẫu là Bà NGUYỄN THỊ SÁU, pháp danh là Diệu Tịnh. Ngài là con út trong một gia đình tám anh chị em, ba người anh chị của Ngài cũng xuất gia đầu Phật.
Riêng Ngài năm lên bảy tuổi thì xuất gia tại chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn. Sau đó Ngài được gửi tới chùa Đông Phước, huyện Cái Vồn để theo học với TỔ KHÁNH ANH, được Tổ cho pháp hiệu là HOÀN TUYÊN.
Năm 1931, Tổ Khánh Anh lãnh chùa Long An ở Đồng Đế, Trà Ôn và khai lớp học gia giáo tại đây, và ngay năm ấy, Ngài được nhập chúng theo học, lúc 14 tuổi.
Năm 1935, Phật học đường Lưỡng Xuyên Trà Vinh khai giảng, Ngài được theo học tại đây, và ngay năm ấy, Ngài được thọ giới Sa di vào lúc tròn 17 tuổi.
Năm 1938, Ngài được Ban giám đốc Phật học đường cử ra Huế học cùng với các Tăng sinh khác học lớp đầu tiên, lúc ấy Ngài được 20 tuổi. Ngài học ở Phật đường Tây Thiên hai năm. Sau đó Ngài vào chùa Long Khánh, Quy Nhơn học Phật pháp với Tổ Phước Huệ chùa Thập Tháp một năm.
Sau đó Ngài trở ra Huế dự khóa học tại Phật học đường Báo Quốc bốn năm. Đúng thời gian tám năm dài theo học Phật pháp tại miền Trung, Ngài trở về lại miền Nam và đến năm 29 tuổi Ngài đã đăng đàn thọ đại giới cụ túc tại giới đàn chùa Kim Huê - Sa Đéc.
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA - THỜI HOẰNG PHÁP.
Có thể nói: Ngài là một nhân tài xuất chúng hiếm có. Vì khi chưa thọ đại giới mà Ngài đã khí phách hùng lực phối hợp với Hòa thượng Thích Trí Tịnh thành lập Phật học đường tại chùa Phật Quang xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn. Mặc dù lúc ấy là giai đoạn năm 1945, đất nước ta mới tuyên ngôn độc lập và có cao trào chống Pháp cứu nước. Vậy mà lớp học của Ngài số Tăng Ni đến học 30 vị. Ngài là con người không dễ khuất phục trước nghịch cảnh chướng ngại, mà trái lại rất bền bỉ chịu đựng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cho nên còn lại một mình Ngài vẫn đứng lớp sau khi Hòa Thượng Thích Trí Tịnh về Sài Gòn vì ảnh hưởng thời chiến. Một mình Ngài không những lo dạy dỗ Tăng Ni mà Ngài còn hết sức quan tâm đến việc học của con em đồng bào và nạn mù chữ của nhân dân.
Thế là Ngài mở lớp “BÌNH DÂN HỌC VỤ” với sáng kiến độc đáo là soạn tập sách “VẦN CHỮ O” để học viên dễ dàng hấp thụ nhanh. Với tấm lòng vị tha trong dòng máu từ bi của chư Phật, Ngài không những lo cho con em, đồng bào biết chữ mà còn mở phòng y tế để chữa bệnh cho nhân dân trong làng. Ngài luôn tâm niệm và dạy chúng rằng: “Muốn làm việc lớn. Trước phải làm việc nhỏ, muốn đi xa trước phải từ nơi gần”.
Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA là một vì sao sáng cho bất cứ những ai đi vào con đường chánh pháp. Ngài có một trái tim nóng bỏng thiết tha vì sự nghiệp Đạo pháp dân tộc. Ngài cương nghị, trầm lặng, nhưng rất mực hiền hậu, ôn hòa với tất cả mọi người dù thuận hay nghịch. Đặc điểm thánh thiện hơn nữa là Ngài rất trân quý giữ lấy tình huynh đệ, đồng môn.
Cho nên vào năm 1952, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Nhật Liên, Hòa thượng Thích Quảng Minh đã không ngại lặn lội đường xa xuống tận nơi miền quê Trà Ôn xứ Bang Chang để thăm và mời Ngài về Sài Gòn để chăm lo gánh vác Phật sự Giáo Hội.
Với thâm tình đồng môn, nghĩa đệ huynh, Ngài phải nhận lời. Thế là đầu năm 1953, Ngài cùng với tám đệ tử về Sài Gòn để bước sang một giai đoạn mới trong công cuộc Hoằng Pháp lợi sanh của Ngài. Giai đoạn mới này, ngay trong năm 1953 Ngài được giáo hội Tăng già Nam Việt giao phó trọng trách một lần ba nhiệm vụ quá lớn: TRƯỞNG BAN GIÁO DỤC, TRƯỞNG BAN HOẰNG PHÁP GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NAM VIỆT và kiêm ĐỐC GIÁO PHẬT HỌC ĐƯỜNG NAM VIỆT chùa Ấn Quang.
Mặc dù trên vai Ngài nặng gánh những trọng trách Phật sự lúc bấy giờ, song Ngài vẫn điềm nhiên giữ lấy sự thăng bằng thân tâm sáng suốt để điều hành Phật sự. Ngài rất chu đáo về việc giảng dạy và chuẩn mực đào tạo cán bộ khi thừa hành Phật sự. công việc của Ngài đêm cũng như ngày cứ xoay tròn như công vụ.
Ấy thế mà hoài bão trên 25 năm của Ngài vẫn có sức sống mãnh liệt. đó là hoài bão thực hiện cho bằng được CÂY THANG GIÁO LÝ để hình thành giáo lý phổ thông từ thấp lên cao để mọi người mọi tầng lớp căn cơ Tăng Ni Phật tử đều được thấu hiểu dễ dàng vào đại dương kinh tạng Phật pháp.
Ròng rã suốt thời gian dài 10 năm trên mảnh đất Sài Gòn, Ngài đã vắt máu tim của mình để cho nở thêm những đóa hoa chánh pháp. Trong 10 năm chỉ có một mình Ngài với biết bao Phật sự trọng đại, hết lo mở lớp dạy giáo lý cho tín đồ Phật tử, rồi đến mở khóa huấn luyện giảng sư, đào tạo cán bộ trụ trì và thành lập giảng sư đoàn, ấy thế mà chí nguyện của Ngài đóng CÂY THANG GIÁO LÝ vẫn được thực hiện từng ngày từng giờ trong suốt thời gian 10 năm.
Với tấm lòng bền chặt với ý chí kiên nghị, Ngài âm thầm thao thức soạn thảo từng đề cương giáo án để các giảng sư đi giảng dạy trong các lớp giáo lý cho Phật tử khắp các nơi trong cả nước.
Rồi sau đó, Ngài rút tỉa những ưu khuyết điểm và soạn lại cho đúng với thực tế nền tảng giáo lý Phật đà để đem vào áp dụng cho đời sống của người Phật tử.
Ngài đã hoàn tất công trình vĩ đại mà suốt 25 năm từng theo đuổi mới thực hiện được CÂY THANG GIÁO LÝ thành bộ PHẬT HỌC PHỔ THÔNG quý báu vô giá cho hàng Phật tử hậu lại chúng ta ngày hôm nay.
Ngoài công trình đóng CÂY THANG GIÁO LÝ, Ngài còn thực hiện được những quyển sách quý như BẢN ĐỒ TU PHẬT, DUY THỨC HỌC, BÀI HỌC NGÀN VÀNG... và còn rất nhiều các loại sách tạp luận, sự tích nữa…
Khi nhắc đến cuộc đời hòa thượng THÍCH THIỆN HOA, chúng ta dễ dàng cảm nhận được ngay những công hạnh rất đặc biệt của Ngài đối với Đạo pháp dân tộc thật cao cả không cùng, cuộc đời của Ngài luôn gắn liền với: HÒA BÌNH - GIÁO DỤC - TÌNH THƯƠNG - HÒA GIẢI và HIẾU HẠNH.
Với HÒA BÌNH, Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA luôn thiết tha yêu chuộng hòa bình và Ngài mong muốn đất nước dân tộc Việt Nam mãi sống trong no cơm ấm áo, đừng vì bã lợi danh mà tranh giành địa vị rồi xâu xé nhau làm tổn thương tình anh em ruột thịt một nhà, một mẹ sinh ra.
Thuở bình sinh, mỗi lần nghe ở đâu có tiếng súng nổ bom rơi, người dân chết chóc thì trên gương mặt Ngài thoáng một nét buốn đăm chiêu và hoài bão điều gì đó xa xăm với nổi niềm xót xa thương cho một dân tộc chịu đựng quá nhiều chiến tranh trong một đất nước điêu linh vì bom đạn.
Nên cuộc đời Ngài là bức thông điệp kêu gọi hòa bình, trái tim của Ngài luôn thổn thức tiếng gọi: “Những người con chung của Mẹ Việt Nam, hãy xóa bỏ hận thù, xích lại gần nhau hơn, để xây dựng lại đất nước thân yêu sau một phần tư thế kỷ bị chiến tranh tàn phá tan hoang và cùng nhau nổ lực đưa dân tộc đến bến vinh quang”.
Yêu hòa bình, Ngài mong muốn được thực hiện cho bằng được cuộc sống thanh bình để dân tộc không còn thống khổ điêu linh, cho nên không một bức thông điệp, huấn từ nào mà Ngài không nhắc đến: HÒA BÌNH - HÒA GIẢI HẬN THÙ - HÒA ĐỒNG DÂN TỘC.
Thật cảm động biết bao khi chúng ta nghe Ngài nói: “ Nếu phải đem thân xác này chia xẻ làm trăm ngàn mảnh để đổi lấy hòa bình cho Việt Nam, tôi cũng sẵn sàng”.
Với GIÁO DỤC, Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA luôn quan tâm đến hàng đầu và bất chấp mọi hiểm nguy thời lúc bấy giờ để mở cho được trường lớp mà đào tạo Tăng tài kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. với việc giáo dục con em mù chữ của đồng bào.
Ngài sáng kiến thành: “VẦN CHỮ O”, với việc đào tạo Tăng Ni, Ngài cũng sáng lập đủ các trường lớp để Giáo hội có đầy đủ đội ngủ cán bộ điều hành Phật sự. Đặc biệt Ngài luôn quan tâm sâu sắc đến hàng Ni chúng trong việc tu học và Ngài cũng hình thành được những trung tâm đào tạo Ni chúng rất quan trọng, mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn là trung tâm sinh hoạt của Ni bộ, đó là các chùa DƯỢC SƯ, chùa TỪ NGHIÊM.
Hai trung tâm này đã có biết bao vị Ni sư xuất thân thành tài để nhận lãnh trọng trách Phật sự và hiện nay có khá nhiều vị đã thành bậc Ni trưởng đứng đầu hàng Ni bộ trong giáo hội. Cho nên vấn đề giáo dục dù thời đại nào cũng là một đòi hỏi bức bách để quyết định sự mất còn, thăng trầm của một dân tộc dù nghèo hay giàu.
Với Ngài, là một bậc cao Tăng, với nhiều trọng trách Phật sự, song lúc nào Ngài cũng lấy nền tảng giáo dục làm đầu để có một lớp kế thừa cho sự nghiệp Đạo pháp dân tộc.
Việc giáo dục của một vị chân tu vừa tâm linh vừa học vị để hoàn thiện một con người tri thức có đầy đủ phẩm chất đạo hạnh đức độ mà kiến thiết nên một xã hội chân - thiện - mỹ.
Nên Ngài thường huấn thị chúng ta rằng: “ Hôm nay hàng Phật tử chúng ta đang sống trong hào quang tươi sáng của Đức Phật, trong một tổ chức có quy mô, trong một đường lối có giáo dục có phương pháp và trong tinh thần thống nhất ý chí và hành động. Đó là nhờ sự cố gắng công ý chí bất khuất của các bậc tiền bối trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam…”.
Trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh. Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA, luôn chủ trương và quan tâm hết mức vào sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài, để lấy đó làm nền tảng cho mọi vấn đề Phật sự của giáo hội cần đến. Ngoài sự nghiệp trọng đại giáo dục, Ngài còn sáng lập ra nhà xuất bản mang tên HƯƠNG ĐẠO, để việc in ấn kinh sách thuận tiện mà truyền bá chánh pháp nhanh chóng đến tầng lớp tín đồ Phật tử ở vùng sâu vùng xa. Có một câu thơ của nữ Phật tử Diệu Ngọc ca ngợi công hạnh hoằng pháp của Ngài như sau:
"Tâm huyết Thầy đã hòa trong Hương Đạo
Chánh pháp lưu truyền Phật tử đó đây
Thầy để lại một sự nghiệp cao dày
Bao la rộng không lấy gì sánh được…”
Với TÌNH THƯƠNG, Hòa thượng THÍCH THIỆN HOA như bà mẹ ân cần dịu hiền chăm sóc con cái. Ngài luôn bao dung chở che và rộng lượng tha thứ cho những kẻ phạm phải sai lầm, và khi xây dựng họ, không bao giờ Ngài chỉ trích họ trước mặt mọi người, mà Ngài từ tốn khuyên dạy nghiêm khắc những lỗi lầm kẻ sai phạm một cách kín đáo và tế nhị. Với những cán bộ giáo hội được Ngài điều đi làm Phật sự thì Ngài luôn quan tâm sâu sắc để nhắc nhở họ và có khi Ngài đích thân đi thăm hỏi những cán bộ ấy dù ở bất cứ nơi nào.
Tình thương của Ngài bắt nguồn từ dòng suối vị tha từ bi nơi trái tim đức Phật nên không biên giới, không phân biệt phe phái nào. Trong giai đoạn năm 1946 - 1947, cả đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh bởi sự đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp, vậy mà Ngài vẫn lưu tâm mở phòng thuốc để chữa bệnh cho đồng bào nghèo, Ngài rất quan tâm đến các cụ già neo đơn không con cháu và dưỡng nuôi những cô nhi mồ côi không cha mẹ.
Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh từ độ của Ngài, mỗi buổi chiều trước sân chùa Ấn Quang, Ngài cùng với đám trẻ con em Phật tử đùa vui như tình ông cháu, có đứa vô tư đến trèo lên vai để đòi Ngài cho kẹo bánh.
Có vài phật tử sợ các cháu mang tội vô phép, nên kêu chúng đến la rầy thì được Ngài dạy rằng: “Trẻ con chúng hồn nhiên lắm, chúng vô tư sống vui như vậy là điều tốt, chúng gần gũi Thầy cũng là gần gũi với Tam Bảo, la rầy chi cho chúng buồn tội nghiệp...”.
Với trẻ thơ Ngài dành tình cảm như vậy, còn với người lớn và bạn đồng môn, đồng sự thì Ngài sống càng hài hoà, nhu mì hơn. Không bao giờ Ngài có thái độ giữ phần phải, phần thắng về mình. Ngài rất từ tốn và khiêm nhường với tất cả mọi người. Sống trong tình thương vô ngã vị tha như Phật, nên cuộc đời Ngài luôn dịu mát, hiền lành mỗi khi gần gũi chúng ta.
Ngài luôn nhắc nhở chúng ta bằng con tim chứa chan tình thương vị tha với tiếng nói chân tình..” những người con chung của Đức từ phụ Thích Ca hãy thương yêu nhau như anh em ruột thịt để nền thống nhất của Phật giáo Việt Nam được trường tồn, hãy đặt Đạo pháp lên trên tất cả mọi nguyện vọng, xu hướng riêng tư để phục vụ dân tộc, nhân loại và Đạo Pháp một cách hữu hiệu...”
Với HOÀ GIẢI, Hoà thượng THÍCH THIỆN HOA là một con người khuôn mẫu cho sự ôn hoà và Ngài luôn chủ trương hoá giải hận thù bằng tinh thần cảm thông và hiểu biết tôn trọng lẫn nhau. Ngài luôn tâm niệm theo lời Phật dạy là: LẤY TÌNH THƯƠNG HOÁ GIẢI HẬN THÙ.
Cho nên giai đoạn năm 1966, Đạo pháp dân tộc nằm trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, các phe phái chia nhau tách rời sự đoàn kết của giáo hội, từ trong nội bộ Phật giáo có những phân tử đội lốt chạy theo tham vọng điên cuồng bán đứng giáo hội. Vậy mà ngài vẫn đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện hoá đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trọng trách lớn lao này giáo hội giao phó cho ngài đã làm cho tất cả Tăng Ni Phật tử đặt trọn niềm tin vào sự tồn tại của đạo pháp trong lòng dân tộc, nhưng cũng không ít bè phái âm mưu sát hại ngài. Song tất cả đều bị vô hiệu hoá bởi tính cương nghị lãnh đạo và vững vàng chèo chống con thuyền Đạo Pháp vượt qua nhiều sóng gió dữ dội. Nữ Phật tử Diệu Ngọc diễn tả công hạnh này của Ngài bằng câu thơ rất ý nghĩa cảm động:
“Bình sinh Thầy hiền lành nhưng cương quyết
Vững tay chèo thuyền Phật giáo Việt Nam
Thầy dung hoà mọi ý kiến dị đồng
Đưa giáo hội thoát qua cơn sóng gió...”
Với tinh thần BẤT BẠO ĐỘNG, để chống lại bạo hành quyền lực manh tâm gây xáo trộn Phật giáo để bán đứng dân tộc lúc bấy giờ, Ngài đã xin được vào ngồi tù chung với Tăng Ni Phật tử và nhân sĩ yêu Nước để cùng san sẻ gian khổ với họ. Cho nên đã có người ví Ngài như là thánh GanDhi (người luôn đấu tranh bằng tinh thần BẤT BẠO ĐỘNG để đòi hỏi hoà bình cho nhân loại).
Với tinh thần hoà giải mọi ý thức hệ bất đồng, Ngài đã để lại cho tất cả chúng ta một lý tưởng thanh cao, bất khuất mà sống mãi với hài hoà tình thương dù cho bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn lấy tinh thần BẤT BẠO ĐỘNG mà cảm thông tha thứ cho nhau. Cả cuộc đời Ngài là vậy, không thể nói hết dù cho bất cứ ngôn từ hoa mĩ nào của văn chương. Nhà thơ thời chiến Huyền Linh Tử đã vắt nát tim mình mà viết nên lời:
“Người là vị Thầy cao cả
Là ngọn đuốc soi đường
Là con thuyền Bát Nhã
Là chiến sĩ hoà bình
Là tình thương quảng đại
Người tận tụy hy sinh
Để hoà giải hận thù
Để hoá giải chiến tranh
Để hòa giải anh em
Với lý tưởng cao siêu
Người vẫn tiến trên mọi phủ phàng, hung bạo
Bao thăng trầm dâu bể
Bao tủi nhục đắng cay
Người vẫn nhẫn nhục quyết chí bền gan
Vẫn hiên ngang chèo lái
Cho giáo hội huy hoàng
Cho non sông tươi thắm...”
Với HẠNH HIẾU, Hoà thượng THÍCH THIỆN HOA là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Ở nơi Ngài là một trường học đạo đức dạy chúng ta làm người biết ơn cha nghĩa mẹ và cội nguồn tổ tiên. Nữ phật tử Diệu Hạnh diễn tả gương hiếu hạnh của Ngài rất cảm động như sau:
“Thầy xuất gia từ năm bảy tuổi, mồ côi cha, nhưng đối với từ mẫu, lúc nào cũng một mực hiếu thảo. Lúc Thầy còn dạy học ở chùa Phật Quang - Trà Ôn.
Cụ Bà lập am gần đó và mỗi khi cụ Bà ngã bệnh, đích thân Thầy chăm sóc, chích thuốc hay chẩn mạch, biên toa, bốc thuốc và sắc thuốc hầu mẹ. Lúc bà cụ mạnh khỏe mỗi ngày Thầy đều ghé am vấn an sức khỏe từ mẫu. Khi cụ bà yếu đau, đích thân Thầy quấn quýt săn sóc bên giường bệnh hầu mẹ.
Đem thân hiến cho Phật Pháp nhưng lúc nào Thầy cũng nhớ ơn dưỡng dục. Đến khi Thầy về Sài Gòn, gánh vác việc giáo hội, tuy Phật sự bề bộn nhưng Thầy vẫn dành thì giờ thường xuyên về thăm viếng cụ bà ở Trà Ôn.
Đến khi cụ bà mất, Thầy cố gắng hết sức mình cúng dường Tăng Ni để cầu siêu cho Mẹ. Chính quyển BÀI HỌC NGÀN VÀNG Thầy viết ra với ý nguyện đem công đức đó hồi hướng cho mẹ. Thầy tận dụng tự lực, và nhờ vào tha lực độ cho mẹ được siêu thăng.
Lúc Thầy còn tại thế, nơi phòng riêng của Thầy ở chùa Ấn Quang, một bàn thờ nhỏ được Thầy kính cẩn thiết lập để thờ mẹ.
Có những hôm tôi đến hầu Thầy, nhìn cảnh Thầy cắm nén nhang nghi ngút khói vào lư hương, mắt đăm đăm vào di ảnh hiền mẫu, một cái nhìn vừa tha thiết vừa buồn bã đủ nói lên lòng thương kính và nhớ mẹ của Thầy...”.
HOÀ THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA - CẢ CUỘC ĐỜI VÌ ĐẠO PHÁP DÂN TỘC
Đã 45 năm đi qua kể từ khi ngài viên tịch (1973 - 2019), song dư âm và hình bóng Ngài vẫn còn vang vọng, in sâu trong lòng Tăng Ni Phật tử Việt Nam. Hôm nay chúng ta ngồi lại với nhau để diễn đàn hội thảo những công ơn các bậc tiền bối đã làm rạng danh mảnh đất Sài Gòn này và hôm nay Sài Gòn tròn tuổi 300 năm qua với biết bao biến cố lịch sử và thăng trầm của đất nước, Sài Gòn cũng chung chịu số phận ấy mà anh dũng đi lên để thăng hoa cho chính mình.
Trong công cuộc xây dựng và giữ gìn mảnh đất Sài Gòn hôm nay được 300 năm của dân tộc, Phật giáo đã đồng hành từ thuở khai hoang, lập địa để làm nên Sài Gòn Gia Định hôm nay. Đã có biết bao bậc Cao tăng Thiền sư cống hiến cả cuộc đời mình cho mảnh đất Sài Gòn này ngày càng thêm huy hoàng, tráng lệ và xanh mãi một màu xanh bất tử.
Trong vô số công ơn tiền bối hữu công ấy, Hoà Thượng THÍCH THIỆN HOA đã dâng hiến trọn đời mình trên mảnh đất Sài Gòn này để thực hiện Đạo pháp dân tộc bằng tất cả con tim, khối óc. Đúng 20 năm kể từ khi về Sài Gòn gánh vác Phật sự giáo hội cho đến cuối đời, Ngài đã đem hết tấm lòng vì đạo vì đời để tạo dựng một ngôi nhà Đạo Pháp dân tộc sống trong hạnh phúc tình thương.
Với Đạo pháp Ngài đã để lại một kho tàng giáo lý vô giá cho hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta hôm nay làm hành trang đi trên con đường Đạo, và Ngài đào tạo trưởng thành rất nhiều bậc Tăng tài đức độ mà hiện nay là các bậc tôn túc đang lãnh đạo giáo hội với những trọng trách tối cao.
Với dân tộc Ngài đã góp phần xây dựng nền hoà bình lâu dài hạnh phúc cho toàn dân tộc hôm nay nói chung, cho tất cả người dân Sài Gòn nói riêng. Ngài là cây đại thụ đức độ với bao công hạnh đã thầm lặng cống hiến đến cả trọn cuộc đời, rồi lặng lẽ ra đi về cõi Phật khi hoà bình sắp ngự trị trong lòng dân tộc Việt Nam.
Suốt cuộc đời vì Đạo Pháp dân tộc với ý chí cương nghị và bao dung đức độ, vị tha với tất cả mọi người, Ngài luôn cương quyết và giữ vững lập trường của mình mà hoằng pháp lợi sanh bằng bức thông điệp tâm linh nhắc nhở chúng ta rằng:
“Phật giáo không mưu đồ ngai vàng, công danh quyền thế hay độc tôn. Phật giáo không để cho một thế lực nào, dù mạnh đến đâu khuynh đảo, không để bị mua chuộc, dù tiền bạc nhiều đến mấy, Phật giáo không chạy theo ngoại ban không dựa vào quyền thế, không làm tay sai cho bất cứ một ai, mà Phật giáo chỉ trung thành với nước nhà dân tộc. Lịch sử Việt Nam, từ Đinh - Lê - Lý - Trần đã chứng minh hùng hồn và cụ thể điều đó”.
“Phật giáo từ khi có mặt trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chưa hề làm đổ một giọt máu của nhân loại hay của một quốc gia chủng tộc nào (chỉ trừ một vài cá nhân mượn lốt Tăng sĩ, vì quyền lợi riêng tư) hay có hậu ý mưu đồ xâm lăng chiếm đoạt. Phật giáo đi đến đâu chỉ mang ánh sáng từ bi, đạo đức chiếu soi đến đó và tạo dựng hoà bình an lạc cho dân tộc xứ ấy”.
Hoà thượng THÍCH THIỆN HOA đến và đi trong cõi đời này như chân thân một vị Bồ Tát sống mãi bất tử giữa lòng nhân thế. Ngài là cây đại thụ che mát lòng người và làm nên thế đứng Sài Gòn Gia Định 300 năm mà ngẩng cao đầu nhìn ra thế giới với niềm vinh dự tự hào một dân tộc anh hùng luôn yêu chuộng hoà bình để kết thân với bạn bè khắp năm châu.
Tất cả hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta hôm nay hãy cùng nhau tiếp bước theo dấu chân Ngài mà gìn giữ, dựng xây nên thế đứng Sài Gòn Gia Định mãi hiên ngang, khí phách, đứng sánh vai cùng với thế giới trong thế kỷ 21. Hãy sống và cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho tinh thần Đạo pháp Dân tộc mãi đứng vững như thế đứng bàn thạch, để Sài Gòn 300 năm và mãi mãi về sau thêm huy hoàng, tráng lệ cùng với thế giới đi vào thế kỷ mới, thời đại mới.
Kính bạch Chư Tôn đức, kính thưa các bậc đàn anh, nhân sĩ tri thức, các học giả nhà văn, nhà báo. Khi đọc bài này hãy mở lòng NHẤT THỨ NHIÊU DUNG mà hoan hỷ cho tác giả viết còn quá nhiều thiếu sót và thô thiển.
Vì cuộc đời Hoà thượng THÍCH THIỆN HOA đối với Đạo pháp Dân tộc là một nhân vật là một con người đã đi vào lịch sử. Ở đây tác giả viết với tấm lòng hậu lai hàng con cháu để gọi là một chút ít góp vào cuộc hội thảo mừng Sài Gòn 300 năm và để nói lên công đức to lớn của một bậc Cao tăng đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp muôn đời ĐẠO PHÁP DÂN TỘC.