Đến chứng minh và tham dự có HT. Danh Nhưỡng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; HT. Dương Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TWGH; HT. Thạch Sóc Xane – UV. Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh; chư Tôn giáo phẩm HĐTS, Ban Trị sự các tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt và gần 200 Sư sãi đại diện cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Chư Tôn giáo phẩm chứng minh và đoàn chủ tọa
Đến tham dự Hội nghị có ông Phạm Dũng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Thạch Hel – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh, ông Trần Khiêu – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; ông Phạm Văn Tám – Chủ tịch UBND Tp. Trà Vinh; quý ông, bà đại diện các Bộ ngành trung ương, tỉnh Trà Vinh, các tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt.
Nghi thức chào Quốc kỳ và Đạo kỳ
HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS phát biểu khai mạc Hội nghị:
“Hôm nay trong không khí đoàn kết hòa hợp, thắm tình đạo vị của các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng vân tập về thành phố Trà Vinh để tham dự Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V. Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tổ chức Hội nghị, tôi xin gởi đến chư vị khách quý đại diện Đảng, Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Sở, ngành tỉnh Trà Vinh, thành phố Trà Vinh; đại diện Sở Nội vụ - Ban Tôn giáo, chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ; chư Tôn đức Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Nam tông Kinh và chư vị khách quý lời chúc mừng trân trọng nhất. Kính chúc Quý Đại biểu thân tâm an lạc, cát tường như ý. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Quý Đại biểu tham dự hội nghị
Thưa Quý Đại biểu,
Kể từ năm 1981 lịch sử đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua hơn 30 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng dân tộc, đã tự khẳng định vị thế của mình trong lòng dân tộc và cộng đồng thế giới. Sự thành tựu các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua chính là nhờ vào tinh thần đoàn kết, hòa hợp của người con Phật và sự đóng góp trí huệ tập thể, tập trung dân chủ, phát huy tiềm năng và cơ cấu tổ chức từ cấp lãnh đạo ở Trung ương đến các Ban Trị sự Phật giáo địa phương, thông qua các Ban, Viện Trung ương và các Ban Ngành Phật giáo cơ sở chính là sự thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các Phật sự của từng thành viên trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các truyền thống, pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp của các hệ phái luôn được Giáo hội tôn trọng, duy trì theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã qui định.
HT. Thích Giác Toàn Thay mặt Lãnh đạo GHPGVN tặng hoa chúc mừng hội nghị
Với những thành quả đạt được của các cấp Giáo hội trong suốt thời gian qua, trong đó có sự đóng góp của một khối lượng gần 9.000 vị tu sĩ, trên một triệu năm trăm nghìn tín đồ Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer. Qua đó, cho thấy tính thống nhất về mặt tổ chức, lãnh đạo trong toàn Giáo hội, tính đoàn kết hòa hợp của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có từ hơn 2000 năm nay trên đất nước Việt Nam thân yêu này được nâng lên ở tầm cao thời đại. Ngày nay, trong xu thế phát triển bền vững và hội nhập, tinh thần đoàn kết hòa hợp cần được phát huy để tạo thành sức mạnh tổng hợp của Dân tộc và của GHPGVN để hoàn thành mục tiêu xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
Bằng niềm tự tin, lòng tự hào khẳng định ấy, chúng ta cùng nhìn lại một vài khía cạnh hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là đối với Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian qua, kể từ Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ I tại Sóc Trăng đến nay đã được 4 lần Hội nghị. Với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và các cấp Giáo hội, cho đến nay Phật giáo Nam tông Khmer đã có những hoạt động tích cực, cụ thể, nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động Phật sự. Điển hình như: Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hỗ trợ công tác in ấn và phát hành hàng vạn quyển Kinh sách Phật giáo bằng chữ Khmer; khắc và trao con dấu cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; hợp thức hóa và bổ nhiệm trụ trì, bổ nhiệm Ban Quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các Lớp học Sơ cấp Pali, Vini; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã hoàn tất công tác giảng dạy khóa I với 58 chư Tăng tốt nghiệp Cử nhân Phật học và tiếp tục khai giảng khóa II (2011 - 2015) với 36 chư Tăng theo học; tham dự hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; cử đoàn Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer sang Campuchia thỉnh một số đầu kinh sách nguyên bản tiếng Khmer; tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang nhiệm kỳ 2012 - 2017, tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Bangkok – Thái Lan; tham dự Hội nghị Phật giáo toàn cầu tại Ấn Độ; tham dự Đại lễ Kỷ niệm và hội thảo 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Về công tác trùng tu, xây dựng chùa cảnh trang nghiêm đã được tiến hành tại một số cơ sở. Đặc biệt, để nâng cao các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer, theo đề nghị của chư Tôn đức Giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer, Trung ương Giáo hội đã ra quyết định chuẩn y thành phần nhân sự Phân ban Tăng sự thuộc Ban Tăng sự Trung ương và Phân ban Văn hóa thuộc Ban Văn hóa Trung ương; Công cử nhân sự để đôn đốc Phật sự các tỉnh miền Đông Nam bộ; Việc cơ cấu nhân sự Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo nhiệm kỳ 2012 – 2017 tại các tỉnh đã Đại hội như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Phước và Tây Ninh, một số chư Tôn đức giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer được cơ cấu vào Ban Trị sự với các chức vụ như Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, Phó ban, các Trưởng ban chuyên ngành và các ủy viên, tạo sự hài hòa giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông; đồng thời tại các kỳ Hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội đều có tấn phong chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa theo đề nghị của Quý Ban Trị sự.
Tuy nhiên, do những yếu tố chủ quan và khách quan, nên một số công tác được đề ra tại Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV chưa triển khai thực hiện một cách trọn vẹn như:
1. Công tác đo đạc, cấp quyền sử dụng đất cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer chưa thực hiện.
2. Việc thành lập Trường Trung cấp Phật học Nam tông Khmer tại Trà Vinh có tiến hành, nhưng còn chậm nên chưa có kết quả.
3. Công tác cấp giấy chứng nhận tu sĩ còn khó khăn, do có nhiều ý kiến khác nhau và chưa thống nhất phương thức thực hiện, dù Trung ương Giáo hội đã có kế hoạch và cấp được một số giấy chứng nhận tu sĩ trong thời gian qua.
4. Vấn đề biên soạn chương trình học các cấp cho các Trường, Học viện chưa thực hiện, dù Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã có cố gắng phác họa, gợi ý thực hiện bước đầu.
5. Công tác thẩm định tái bản một số đầu kinh sách Phật giáo Nam tông bằng chữ Khmer đã in sai đến nay chỉ hoàn tất 10/34 đầu sách, do đó việc in ấn có phần đình đốn, không được hanh thông theo kế hoạch đã định.
6. Công tác đo đạc, công nhận các chùa là di tích lịch sử văn hóa, hay chùa có công với cách mạng đến nay vẫn chưa thực hiện, vì Phân Ban Văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer mới bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay.
7. Việc truy tìm danh sách, thông tin chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc để in thành tập Danh Tăng Phật giáo Nam tông Khmer chưa thực hiện được, dù Ban Văn hóa Trung ương đã lập kế hoạch.
Nhưng nhìn chung, Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ và các ngành chức năng đã dành rất nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer.
Kính thưa Quý Đại biểu,
Theo chương trình hoạt động, hai năm một lần, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ đồng phối hợp tổ chức Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer để đánh giá công tác triển khai Nghị quyết của Hội nghị, đề ra công tác cho 02 năm sau. Qua đó, Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V tại Trà Vinh lần nầy với mục đích: Tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp Giáo hội về các mặt Giáo dục, Văn hóa, tổ chức quản lý, sinh hoạt của chư Tăng, Tự viện để Phật giáo Nam tông Khmer phát triển một cách đồng bộ, về chiều rộng lẫn chiều sâu trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời vừa mang tính đặc thù của Hệ phái, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; đánh giá các hoạt động đạt được từ sau Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV; đóng góp ý kiến cho việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ V và các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiến đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vào khoảng tháng 11 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội.
Giáo hội tin chắc rằng, với tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc đã định, vì tiền đồ và tương lai Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, tại Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V này, Quý Đại biểu sẽ tham gia nhiều ý kiến phát biểu bổ sung có ý nghĩa thiết thực, mang tính xây dựng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra những định hướng và chương trình hoạt Phật sự cụ thể theo tinh thần hỗ trợ để Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng phát triển vững mạnh trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần trang nghiêm Giáo hội trong lòng dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Hôm nay dưới sự gia bị của chư Phật, trong tinh thần lạc quan, tin tưởng và hòa hợp, hội họp trong đoàn kết, thảo luận trong đoàn kết và kết thúc trong đoàn kết của tất cả chúng ta, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V tại thành phố Trà Vinh”.
Ông Phạm Dũng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu:
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành (1981 - 2012), với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” đã quy tụ, tập hợp, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, thực hiện xây dựng Giáo hội và tích cực góp phần xây dựng đất nước. Từ khi thành lập cho tới nay, trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer cùng với Tăng Ni, Phật tử cả nước đã có nhiều hoạt động để ổn định sinh hoạt Phật giáo, giúp cho việc phát huy truyền thống yêu nước gắn bó đồng hành cùng dân tộc và tiếp tục khẳng định vai trò của GHPGVN trong xây dựng cuộc sống mới, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước. Đánh giá cao đóng góp của Phật giáo đối với đất nước, Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ một số hoạt động của GHPGVN nói chung và của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng như: việc hỗ trợ dạy chữ Pali, đào tạo tăng tài, in kinh Phật bằng tiếng Khmer cho đồng bào người Khmer....
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung hỗ trợ cho hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer, trong thời gian 8 năm qua (2004 - 2012) với sự chủ động của GHPGVN (Văn phòng 2), sự phấn khởi, nỗ lực của sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông, sự giúp đỡ có trách nhiệm cao của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, nhiều nội dung đã được thực hiện tốt như việc khắc dấu chùa Khmer: 452/452 chùa đã được khắc dấu theo mẫu thống nhất và đã đưa vào sử dụng; Về in kinh sách: tính đến nay, thông qua GHPGVN đã in và gửi xuống các chùa Phật giáo Nam tông Khmer được 36 đầu kinh sách thường tụng, với tổng số 182.468 cuốn, đang tiếp tục in 52 đầu kinh sách thường tụng, với số lượng 320.000 cuốn; Riêng đối với việc in Đại tạng kinh bằng chữ Khmer, đã có 188/452 chùa nhập trọn bộ, theo đề nghị của các vị giáo phẩm cao cấp Phật giáo Nam tông Khmer và Trung ương GHPGVN xin không in Đại tạng kinh nữa, mà dành kinh phí in ấn để hỗ trợ một phần in kinh sách thường tụng và một phần hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, các điều kiện cần thiết phục vụ việc học và dạy cho Tăng sinh của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; Hỗ trợ kinh phí cho 50 lớp học trong chùa cho các chùa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh: 20 lớp; Vĩnh Long: 07 lớp; Cần Thơ: 04 lớp; An Giang: 03 lớp; Sóc Trăng: 10 lớp; Bạc Liêu: 03 lớp; Cà Mau: 03 lớp), số còn lại tiếp tục hỗ trợ qua ngân sách địa phương; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (tại Cần Thơ) đã đào tạo xong khóa đầu tiên với 63 tăng sinh tốt nghiệp và đang đào tạo khóa 2….
Những việc làm đó đã có ảnh hưởng tốt trong GHPGVN và trong Phật giáo Nam tông Khmer, tạo nên sự tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tỏ rõ sự đoàn kết trong GHPGVN, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự ổn định và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, những kết quả đáng khích lệ đó mới chỉ là bước đầu và còn những nội dung cần phải rút kinh nghiệm và sớm điều chỉnh để việc triển khai tiếp tục có hiệu quả hơn như hoạt động của Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; vấn đề hỗ trợ dạy và học của Tăng Ni sinh tại Học viện…
Tại Hội nghị này, chúng ta đánh giá và khẳng định những đóng góp tích cực của GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo, Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố có Phật giáo Nam tông Khmer và sự hưởng ứng của sư sãi, tín đồ Phật giáo Khmer để thực hiện tốt phương châm hành đạo của GHPGVN: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tạo nên sự ổn định và phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Qua Hội nghị này, tôi cũng mong muốn quý vị đại biểu tiếp tục có những ý kiến đóng góp thiết thực để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất, thực hiện có hiệu quả những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo”.
HT. Thích Nhựt Huệ - UV. HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh phát biểu chào mừng Hội nghị:
“Hôm nay trong bầu không khí trang nghiêm, đoàn kết hòa hợp, thắm tình đạo vị, toàn thể Tăng Ni và Phật tử tỉnh Trà Vinh rất hân hoan đón mừng một sự kiện Phật sự quan trọng: Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V - năm 2012, được tổ chức tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh - một vùng đất của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, nơi bao đời nay đã tiếp nhận, đùm bọc, nuôi dưỡng cho việc hình thành và phát triển của Phật giáo Nam tông Khmer.
Thay mặt Tăng Ni, Phật tử tỉnh Trà Vinh chúng tôi xin nhiệt liệt chào mừng Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội, Chư vị khách quý cùng toàn thể Quý đại biểu và chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa Quý liệt vị,
Trà Vinh là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có 65 km bờ biển, diện tích tự nhiên trên 2.292 km2; có 7 huyện và 01 thành phố, với 104 xã, phường, thị trấn, 804 ấp, khóm. Dân số chung 1.000.933 người, trong đó có 304.845 đồng bào Khmer, chiếm 30,46% dân số, cộng đồng người Hoa chiếm khoảng 1% và một số ít người Chăm, Ấn,… các dân tộc trong tỉnh vốn có truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó mật thiết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất; mỗi dân tộc đều có đặc điểm và sắc thái văn hóa riêng, song truyền thống văn hóa của các dân tộc luôn được lưu giữ và phát huy, góp phần nâng cao đời sống văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Toàn tỉnh, có 339 cơ sở thờ tự, tín đồ các tôn giáo chiếm trên 51% dân số, có khoảng 6.700 chức sắc, chức việc; riêng Phật giáo Nam tông Khmer có 141 chùa, với 3.266 vị chức sắc, nhà tu hành (Hòa thượng: 35 vị, Thượng tọa: 53 vị, Đại đức: 218 vị, Tỳ kheo: 1.417 vị và 1.541 vị Sa di) và gần 305.000 phật tử.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, với truyền thống “Hộ quốc an dân”, “Kính Phật, Phụng đạo, Yêu nước” “Đồng hành cùng dân tộc” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhiều ngôi chùa trong tỉnh đã trở thành cơ sở cách mạng như: Chùa Phổ Quang, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần; chùa Ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long; chùa Long Thành, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú; chùa Căn Nôm, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang; chùa Pro Khúp, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải… và còn rất nhiều chùa khác nữa; nhiều Tăng, Ni, Phật tử đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia cách mạng; nhiều vị cao tăng đã hy sinh thân mình để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mà tiêu biểu là Hòa thượng Sơn Vong, Hòa thượng Thích Huệ Quang, Hòa thượng Thích Thái Không, Hoà thượng Thạch Som, sư Liệt sĩ Dương Sóc, sư Liệt sĩ Kim Sum và sư Liệt sĩ Kim Nang … đã khoát áo cà sa đi kháng chiến giành độc lập, giải phóng dân tộc. Và càng tự hào hơn vì trong những ngày lịch sử này cách đây 37 năm trước, hình ảnh vị Acha tu sĩ Sơn Sara vào dinh bắt sống Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn ở Trà Vinh, góp phần cùng thắng lợi chung của cả nước, giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Nối tiếp truyền thống đó, sau ngày thống nhất Tổ quốc (ngày 30 tháng Tư, năm 1975) Phật giáo Trà Vinh tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đặc biệt là từ năm 1981 đến nay, trải qua hơn 30 năm kể từ ngày thành lập Giáo hội, dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng, góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo nước nhà trong lòng dân tộc; nhiều vị trong hàng giáo phẩm đã tích cực tham gia nhiều phong trào ở địa phương và đã được nhân dân tín nhiệm bầu vào các cơ quan nhà nước, các đoàn thể như: Hội đồng nhân dân, UBMTTQ Việt Nam các cấp. Với trí tuệ, đức độ và uy tín của nhà tu hành, nhiều vị giáo phẩm đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp cho các cấp Ủy Đảng, chính quyền trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội … của địa phương và thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, để cùng nhau xây dựng quê hương Trà Vinh không ngừng phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội.
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa Quý liệt vị,
Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V - năm 2012, được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh - trên vùng đất địa linh nhân kiệt. Chư Tôn Đức giáo phẩm, Chư vị khách quý và Quý Đại biểu đến với Trà Vinh hôm nay là đến với cái nôi của Phật giáo Nam tông Khmer của vùng Tây Nam bộ, về với Tổ đình Lưỡng Xuyên một trong những trung tâm chấn hưng Phật giáo của cả nước trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Đến với Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần này là Chư liệt vị đã đến Đền thờ Bác Hồ - là biểu tượng của trái tim người Trà Vinh luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ; đến với Trà Vinh hôm nay là về với quê hương Mẹ Việt Nam Anh hùng Thạch Thị Thanh, quê hương “Cô ba dũng sĩ”, quê hương của “ Người mẹ Cầm súng” - nữ anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út … và Chư liệt vị cũng đã đến với vùng đất đang trên đường phát triển mà nơi đó có:
“Biển Ba Động, nước xanh cát trắng
Ao Bà Om, thắng cảnh Miền tây”
Và còn nhiều thắng cảnh khác nữa đang trải lòng mời gọi, chào đón Chư liệt vị.
Song, Phật giáo Trà Vinh cũng nhận thức được rằng, Chư Tôn Đức giáo phẩm, Chư vị Khách quý và Quý Đại biểu đến với Trà Vinh lần này đã mang theo bên mình một trọng trách mà Phật giáo Nam tông Khmer đã giao phó là: vì sự phát triển bền vững và toàn diện của Phật giáo Nam tông Khmer trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Trà Vinh vô cùng hân hoan được đón tiếp chư liệt vị; đồng thời trong những ngày này Phật giáo Trà Vinh luôn dõi mắt hướng về Hội nghị và tin tưởng rằng Nghị quyết của Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần V sẽ đáp ứng được mục tiêu của Hội nghị đã đề ra; và Nghị quyết của Hội nghị sẽ là móc son quan trọng để Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ phát triển theo sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của Giáo hội”.
HT. Thích Thiện Pháp - Phó tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng II Trung ương GHPGVN trình bày báo cáo và đánh giá công tác thực hiện Nghị quyết Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV:
“BÁO CÁO VÀ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER LẦN THỨ IV
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
Năm 1981 lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập với sự hợp nhất của 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Ban Lien lạc Phật giáo Yêu nước, Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt. Kể từ đó đến nay, Giáo hội đã trải qua 06 nhiệm kỳ, với 30 năm hoạt động ổn định và phát triển, ngày càng nâng cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Với mục đích hỗ trợ các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng phát triển trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc và Giáo hội, Trung ương Giáo hội đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh tổ chức thành công 04 Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer. Hội nghị lần thứ I tổ chức năm 2004 tại tỉnh Sóc Trăng; lần thứ II năm 2006 tại Tp. Cần Thơ; lần thứ III năm 2008 tại tỉnh Bạc Liêu và lần thứ IV năm 2010 tại Kiên Giang. Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ V được tổ chức tại Trà Vinh vào 08/5/2012, với nội dung như sau:
- Đúc kết những công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer từ Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV tại Kiên Giang ngày 15/12/2010.
- Ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề nghị của chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer đối với các hoạt động của Hệ phái.
- Đề ra chương trình hỗ trợ các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer trong nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) của GHPGVN.
II. CÁC CÔNG TÁC ĐÃ THỰC HIỆN:
A. Nhân sự:
1.1 Nhân sự các Phân ban:
- Theo đề nghị của Hòa thượng Thạch Sok Xane – Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phụ trách Phật giáo Nam tông Khmer, ngày 12/01/2011, Hòa thượng Thích Từ Nhơn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đã ký Quyết định số 013/QĐ.HĐTS chuẩn y nhân sự Phân ban Tăng sự Trung ương gồm 19 thành viên, do Hòa thượng Thạch Sok Xane làm Trưởng Phân ban.
- Theo đề nghị của Thượng tọa Danh Lung – Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 22/3/2011, Hòa thượng Thích Từ Nhơn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đã ký Quyết định số 089/QĐ.HĐTS chuẩn y nhân sự Phân ban Văn hóa Trung ương, gồm 31 thành viên, do Thượng tọa Danh Lung làm Trưởng Phân ban.
- Để gắn kết các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ như Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, theo đề nghị của chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer, Hòa thượng Dương Nhơn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đặc trách Phật giáo Nam tông đã ký Quyết định số 502/QĐ.HĐTS ngày 29/12/2011, đề cử Thượng tọa Danh Lung - Ủy viên Hội đồng Trị sự chịu trách nhiệm đôn đốc Phật sự các tỉnh miền Đông, đồng thời theo đề nghị của Ban Quản trị chùa Sirìvansa thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Hòa thượng Dương Nhơn đã ký Quyết định số 503/QĐ.HĐTS ngày 29/12/2011 đề cử Thượng tọa Danh Lung làm Viện chủ, Đại đức Danh ĐàRa làm Trụ trì chùa Sirìvansa.
2. Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo:
Căn cứ Thông tư số 316/TT.HĐTS ngày 23/8/2011 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, V/v hướng dẫn Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tiến hành Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2012 – 2017, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã tiến hành tổ chức Đại hội, bầu ra một Ban Trị sự nhiệm kỳ mới. Đến nay, đối với 14 Tỉnh, Thành hội có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt đã có các tỉnh tiến hành Đại hội như An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Phước và Tây Ninh và bầu ra một Ban Trị sự nhiệm kỳ 2012 – 2017 đều có sự tham gia của Chư Tôn đức Giáo phẩm, Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer với chức vụ Trưởng hoặc Phó Ban Trị sự đặc trách chuyên ngành và Ủy viên. Cụ thể như sau:
- Tỉnh An Giang có: HT. Chau Ty, HT. Chau Tinh – Chứng minh Ban Trị sự; HT. Chau Ty, HT. Chau Cắc, HT. Danh Thiệp, TT. Chau Sơn Hy làm Phó Trưởng Ban Trị sự; HT. Chau Sưng, TT. Chau Pros, TT. Chau Sóc Khên, TT. Chau Chanh, TT. Chau Kim Sáth, - Ủy viên Thường trực và các Ủy viên Ban Trị sự.
- Tỉnh Kiên Giang: HT. Danh Nhưỡng – Trưởng ban Trị sự; HT. Danh Nhuôn, HT. Danh Đổng, TT. Danh Lân – Phó Trưởng ban Trị sự; ĐĐ. Danh Nâng – Phó Thư ký; ĐĐ. Danh Dương - Ủy viên Thường trực kiêm Phó Văn phòng; TT. Trần Phương, ĐĐ. Danh Phản - Ủy viên Thường trực và các Ủy viên Ban Trị sự.
- Tỉnh Sóc Trăng: HT. Dương Dal – Chứng minh Ban trị sự; HT. Dương Nhơn – Trưởng ban Trị sự; HT. Tăng Nô, HT. Trà Kha Leng, HT. Kim Rêne, HT. Thạch Song Phó ban Trị sự; HT. Thạch Huônl – Phó ban Trị sự kiêm Ủy viên Kiểm soát; HT. Trần Kiến Quốc – Phó ban Trị sự kiêm Phó Thư ký; HT. Trần Sia, HT. Danh Muol, TT. Dương Nê, TT. Lâm Sương, TT. Thạch Phô, TT. Thạch Bonl, TT. Thạch Phết, TT. Lý Đức - Ủy viên Thường trực và các vị Ủy viên Ban Trị sự.
- Tỉnh Bạc Liêu: HT. Lý Xa Muoth, HT. Hữu Hinh – Chứng minh Ban Trị sự; TT. Tăng Sa Vong – Phó trưởng ban Trị sự; ĐĐ. Danh Dần – Phó Thư ký; ĐĐ. Hữu Sâm Pass - Ủy viên Kiểm soát; TT. Trần Duyên - Ủy viên Thường trực, Phó ban Hướng dẫn Phật tử; ĐĐ. Thạch Sóc - Ủy viên Thường trực, Phó ban Văn hóa; TT. Pháp Hạnh - Ủy viên Thường trực, Phó ban TTXH và các vị Ủy viên Ban Trị sự.
- Tỉnh Bình Phước: Đại đức Thích Pháp Quyền, Đại đức Danh Đà Ra - Ủy viên Ban Trị sự.
- Tỉnh Tây Ninh: Đại đức Nguyễn Văn Chạy - Ủy viên Ban Trị sự.
Các Tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Tp. Cần Thơ và Cà Mau đang chuẩn bị tổ chức Đại hội.
B. Hoạt động chuyên ngành:
1. TĂNG SỰ :
1.1. Thống kê số lượng Chư Tăng – Tự viện:
Qua báo cáo của các Tỉnh, Thành hội có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt, Văn phòng Trung ương GHPGVN đã thống kê số lượng chư Tăng, Tự viện như sau:
GHPGVN