;
Họp mặt anh chị em nghệ sĩ Phật tử
Tiếp nhận thông tin Hòa thượng Thích Thông Quả, viện chủ Thiền Viện Phước Hoa, Long Thành, Đồng Nai viên tịch khiến không ít anh em phụng sự văn nghệ Phật giáo chúng tôi bàng hoàng. Nếu có ai đó từng đến thiền viện, gặp gỡ và trò chuyện cùng Hòa thượng hẳn rằng niềm thương tiếc này sẽ càng thêm to lớn, vượt qua ngưỡng duyên trần mang tên ái lụy !
Không sao cả, chúng ta hiện đang sống và ngụp lặn trong cõi thương yêu giận hờn ganh ghét, một chút ái lụy để tỏ lòng tiếc thương người vừa khuất bóng âu đó cũng không phải là sai trái. Anh em chúng tôi mạnh dạn chấp nhận điều đó, bởi qua đó chính là lực đẩy cần thiết, như một ga nhỏ ven đường vắng, cho mình dừng chân và nhìn lại chặng đường đã qua.
Cố Hòa thượng đối với anh em chúng tôi như một dấu lặng khiêm nhường nằm bên trên những nốt nhạc tưng bừng nhiều cung bậc. Cái dấu lặng đó rất cần thiết để làm dịu đi bao cơn khát đến cháy bỏng nhân gian. Vì thế, như một chốn bình an, như một chốn đi về, Thiền Viện Phước Hoa hằng năm chào đón anh em về tụ họp, quây quần bên bóng mát của Hòa thượng, được Hòa thượng ân cần hỏi han từng người một. Một cử chỉ vuốt đầu, hay một lời gọi “Hồng Vân đâu rồi!”, “Thúy Vinh đâu rồi, ngâm cho Thầy nghe đi”.v…v..vẫn cứ như còn văng vẵng đâu đây. Bên bờ dậu thiền xá, bên từng khóm hoa vẫn còn lưu giữ biết bao ân tình êm ái đó để anh em chúng tôi có những giây phút xả bỏ hết bao phiền lụy của chính con đường mình đi qua trong thế giới văn nghệ Phật giáo còn nhiều hổn tạp này.
HT Thích Thông Quả trong một lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ.
Thế cho nên cần lắm những lời dạy của Hòa Thượng để anh em định lòng tinh tấn, cố gắng tránh xa những vết trượt trước mắt và biết từ chối những hư danh mà không ít giới làm văn nghệ Phật giáo đã và đang lạc bước.
Những nốt nhạc dù đang nhảy múa ở độ trầm hay lên cao quảng năm, quàng sáu, chỉ cần một dấu lặng ấy nằm giữa khe (la-si), tức khắc sẽ dịu êm và đi vào hư vô, trả lại cho nhân thế những xô bồ, ồn ào phiền trược mà những nền nhạc trong vắt này vốn không bị tạo nhiểm từ lâu.
Cố Hòa thượng đã làm được điều đó, cái điều mà trước giờ nhiều vị lãnh đạo văn hóa văn nghệ Phật giáo đang rất khát khao muốn có được. Ca sĩ Phương Dung sau khi cùng anh em vấn an Hòa thượng đã có nói với người viết rằng nếu Hòa thượng là người lãnh đạo thì giới văn nghệ sĩ Phật giáo mình hạnh phúc biết chừng nào. Đó cũng là ước mơ của cả một nền văn nghệ Phật giáo mà nhiều thập niên qua đã bị những bàn tay vấy bẩn mất rồi.
Nhạc sĩ Thanh Hiệp; soạn giả Dương Kinh Thành; nhà báo Minh Mẩn; nhạc sĩ Đặng Công Ninh.
Nay Hòa thượng không còn nữa ! Có lẽ rồi đây anh em chúng tôi sẽ phải tự ôn lấy bao lời dạy tốt đẹp của Hòa thượng, tiếp tục sống trong sự tự chủ, gìn giữ lấy mình và đương nhiên không quên trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ ý nghĩa trong sáng của cụm từ “Văn Nghệ Phật Giáo”.
Tiễn đưa Hòa thượng vào cõi vô cùng, anh em vẫn dàn hang ngang cúi đầu đứng đó như khi xưa đứng chờ Hòa Thượng bên dậu hoa thơm ngát chốn thiền môn.
Nnghệ sĩ Hồng Vân và Thúy Vinh chụp hình với Hòa thượng.
Thoảng đưa một tiếng chuông ngọt lịm từ chánh điện vọng sang, anh em chúng mình mới biết rằng đã vĩnh viễn mất Hòa thượng rồi. Thôi thì đành chấp nhận sự chiến thắng của vô thường, mong nơi chốn xa kia Hòa thượng vẫn còn nở nụ cười bên anh em chúng con mãi mãi, và mãi mãi...
Nguyện cầu giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.
Anh em chúng con còn ở lại để trả hết nợ trần trong muôn thuở đắng cay !.