;
Chiều ngày 30/4, nhận lời thỉnh mời của Đại đức trụ trì Thích Pháp Minh, HT Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ đã quang lâm về chùa Ích Minh (thôn Đồng Ích, xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và có thời pháp thoại chia sẻ cho gần 1000 Phật tử về “Ý nghĩa tượng Phật” nhân sự kiện chùa tổ chức lễ hô thần nhập tượng ngôi Đại Hùng Bảo Điện.
Trước khi vào bài giảng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tán thán công đức Đại đức trụ trì và bày tỏ niềm hoan hỷ khi ngôi chùa Ích Minh ngày nay được khang trang, tố hảo, trở thành chốn già lam trang nghiêm làm nơi quy ngưỡng tâm linh cho tín đồ Phật tử gần xa.
Trong bài giảng, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng hiểu về 3 thân của Đức Phật đó là Pháp thân, Viên mãn báo thân và Thiên bách ức hóa thân. Tượng Đức Thích Ca chính là nương vào Thiên bách ức hóa thân - tức là Đức Phật lịch sử, với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp - để những đệ tử phàm phu chúng ta hiểu và chiêm bái.
Hòa thượng cho biết, chư Tổ đã tạc tượng Phật theo điển tích vua Ưu điền, khi được chiêm bao thấy hảo tướng của Đức Phật đang trên cung trời Đao Lợi hóa độ cho Thánh mẫu Ma-gia. Sau đó, vì quá kính ngưỡng Đức Phật nên vua cho thợ tạc tượng Đức Phật để hàng ngày được ngắm nhìn, tôn thờ.
Trước lòng thành của vua Ưu-điền, chư Thiên đã hóa thân thành người thợ và tạc một tượng Phật Thích Ca giống y như thật bằng gỗ Chiên Đàn. Nhà vua vui mừng khôn xiết, cho đặt tượng vào nơi tôn nghiêm nhất trong cung điện để hàng ngày mọi người được chiêm ngưỡng, lễ bái. Theo điển tích đó, pho tượng Phật ấy được xem là pho tượng Phật đầu tiên trên thế gian này.
Hòa thượng chia sẻ thêm, mặc dù chúng ta sinh trong thời kỳ cách Phật rất xa, không được trực tiếp thấy Phật, nhưng còn phúc duyên chiêm bái tôn tượng Phật, thì cũng cảm thấy lòng vơi nỗi ưu sầu, lòng hận thù được giải tỏa, tiến đến tâm hồn được thanh thoát hơn. Đó chính là điều quan trọng nhất của người trông thấy tôn tượng Phật, lễ lạy tôn tượng Phật.
Kết thúc buổi giảng, Hòa thượng chúc các Phật tử dồi dào phúc báu, an lành, tinh tiến tu tập trong chính pháp của Đức Thế Tôn.