;
Sau thời gian bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, thời điểm này là lúc toàn thể Chư Tăng ni ở Hà Tĩnh đều đang khóa hậu an cư PL 2564 – DL 2020, tuy dịch bệnh bị hạn chế mọi tương tác bên ngoài nhưng các thời khóa tu học tại đây vẫn diễn ra đầy đủ trang nghiêm như kế hoạch đã đề ra.
Bài pháp hôm nay do Hòa thượng Đường chủ chia sẻ tại đây được Thầy giảng giải từ bộ sách Thiền Lâm Bảo Huấn. Trong chốn thiền môn và các tổ đình cũng như các trường học hay dạy bộ sách này đầu tay cho người trụ trì, đó là bộ Thiền Lâm Bảo Huấn tức là lời vàng ý ngọc của các bậc Tổ được góp lại như một lời dạy quý báu. Bảo Huấn tức là lời huấn từ, huấn thị, dạy bảo, khuyên nhủ quý báu Tổ dạy cho các vị trụ trì ở một ngôi chùa. Theo Thiền Lâm Bảo Huấn, người trụ trì là phải “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.
Tại đây, Hòa thượng đã mượn nội dung lời dạy của Chư tổ để nói về phần trách nhiệm ý nghĩa của người trụ trì chùa nhằm mục đích giúp cho các hành giả Tăng ni có thêm kinh nghiệm kiến thức đối nhân ứng xử “nội ngoại” trên cương vị “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
Theo đó, trong thời buổi ngày nay, việc thông tin xã hội mang lại nhiều mặt tích cực cho việc tu học, hoằng pháp và các hoạt động Phật sự. Tuy vậy bên cạnh đó cũng mang lại nhiều phiền toái, nhiều tác động tiêu cực làm cho niềm tin tín chúng Phật tử suy giảm, ảnh hưởng tới các hoạt động Phật sự và uy tín cá nhân dù sự việc thực tế đôi lúc diễn ra không đúng như những gì dư luận lên án.
Hòa thượng lấy câu chuyện vụ “Chùa Kỳ Quang 2” làm ví dụ. “Hòa thượng Thiện Chiếu cả một đời người vì lo cho chúng sinh, Ngài không quản khó khăn cực nhọc nhưng chỉ một chút lơ là do người giúp việc lao tác mà mình đáng tuổi ông ngoài đời còn bị người ta đáng tuổi con tuổi cháu sỉ vả mắng nhiếc, họ gọi thằng nọ thằng kia, mày thế nọ, mày thế kia…
Nhưng chúng ta thấy đạo đức của Hòa thượng thật đáng học, Ngài vẫn cứ im lặng…
Trụ trì là phải quán sát tất cả trên dưới trong ngoài, tối đến đệ tử đi nghỉ bảo vệ đóng cửa rồi cũng phải lo kiểm tra từng ngọn nến, từng cây đèn…
Chư tổ dạy chúng ta “phòng phi chỉ ác” cái phi là cái sái cái ác là cái xấu, thiền vô luật tắc tăng an trụ, thiền mà không có luật thì Tăng cũng không có trụ, tu gì cũng phải có giới luật ở đời thế nên nếu dịch mà không hiểu thì không thể nào dịch được, nói tóm lại là để mà học, cho nên chương học vấn này là chương rất quan trọng, chúng tôi cũng đầu tư toàn bộ cho cái học thức này.
Hòa thượng tiếp tục chia sẻ, phân tích sâu bài thứ 13 trong cuốn Thiền Lâm Bảo Huấn: Là hành đạo, tu rồi học, học thì phải tu, tu thì phải học, chúng ta người tu sĩ, cũng tránh chuyện chênh lệch, nhiều người học thức giỏi nhưng tu không có gì cả, nhưng nhiều vị tu quá mà không học cũng không được, nhưng tất nhiên tu mà không học thì tuệ nó phát, nhưng học mà không tu là sáo rỗng.
Ngài Đại Giác nói, phàm người làm chủ một phương tức là trụ trì muốn thi hành đạo để làm lợi ích cho mọi người thì hạ mình xuống hết thảy mọi người, sau đó phải xem vàng lụa như phân như đất thì bốn chúng sẽ tôn trọng mình.
Hòa thượng lấy ví dụ về hạnh khiêm cung của những bậc Cao tăng Trưởng lão và cho hay:
Tôi hấp thụ được sự khiêm cung của hai người, đó là Thầy của chúng tôi, Đức Đệ nhị Pháp Chủ - Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch và sư thúc chúng tôi là Tổ Hội Xá - Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, mỗi lần Tăng ni ai đến chào Ngài, Ngài cũng xưng là con, một lần tôi đến chào Ngài và nói, chúng con là con cháu hòa thượng sao hòa thượng lại xưng con với chúng con, Ngài đáp, các vị là các cụ cả rồi, nay mai làm hòa thượng cả rồi, tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều làm Phật cả, chỉ duy nhất 4 vị pháp tử của Ngài là hòa thượng không bao giờ xưng con.
Không như bây giờ có những vị sư nhỏ bảo mấy bà Phật tử này lại thầy bảo con, các bà ấy bằng tuổi bà, tuổi ông mình làm sao gọi họ bằng con, người ta xưng con với mình là xưng con với giới đức, người ta kính mình là kính Phật trọng Tăng, người ta tôn trọng mình là tôn sư trọng đạo nhưng mà mình cũng phải kính lại là vì người ta tuổi già, người lớn tuổi, là những người quan chức…
Hòa thượng tiếp tục giảng giải những bài tiếp theo trong bộ Thiền Lâm Bảo Huấn về ý nghĩa, trách nhiệm có liên quan đến người trụ trì ngôi chùa.
Được biết, dịp này Hòa thượng Đường chủ sẽ dành 03 ngày liên tục (mỗi thời khóa 10 bài) để giảng trọn vẹn 30 bài được chọn lọc trong 294 bài của bộ sách Thiền Lâm Bảo Huấn. Hòa thượng hứa khả trong mùa an cư tới Thầy sẽ tiếp tục chọn lựa những bài giảng với nội dung như "phương thức của người trụ trì; Cách ứng xử của người trụ trì với tăng chúng, Phật tử, chính quyền, nhân dân..."
Sau hơn 3h đồng hồ, bằng nhiều ví dụ điển hình, sinh động thực tế qua cuộc đời tu tập hành đạo của Hòa thượng, cộng với dẫn chứng từ các bậc tôn túc và lời dạy của Chư tổ.
Theo đó, trụ trì là danh xưng của những người con Phật, trụ là trụ đạo đức, tức là giữ cái đạo đức - trì là giữ về thiền trì chính pháp, đạo thì không gì tôn bằng đạo, đức không gì đẹp bằng đức như vậy trụ ở cái đạo đức, trì ở chuyên môn, chuyên tâm, nói nôm na là giữ đạo đức để hoằng truyền chánh pháp. Phải là một con người cơ bản hoàn thiện, lợi đạo ích đời, giúp đời thêm thăng hoa.
Do đó, dù cho ở trên cương vị nào, trụ trì cũng vẫn là một Tăng ni như mọi Tăng ni khác, cũng cần phải nỗ lực ngày đêm, phát tâm tu tập dõng mãnh, nghiên tầm giáo điển, tiến tu tam vô lậu học, luôn giữ tâm bình đẳng, giáo hóa không phân biệt giàu nghèo. Làm tròn được trọng trách cao quý ấy cũng có nghĩa là đã thuyết giảng được một bài pháp vô cùng quý giá, không những đã đáp ứng được tấm lòng mong mỏi của hội chúng mà còn không phụ lòng kỳ vọng của Thầy Tổ và Tăng ni Phật tử đang mong đợi.
Buổi pháp thoại của Hòa thượng kết thúc, Thầy đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện bổ ích thiết thực chắc chắn sẽ giúp ích cho quý Tăng ni đã, đang và sẽ trụ trì trong tương lai nhiều lợi lạc bản thân, xoa dịu oi bức của cuộc đời, mang an lạc cho người, giúp người thăng hoa đời sống tâm linh, làm tròn trách nhiệm của người trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng.
*Tựa đề được trích dẫn từ lời giảng của Hòa thượng.
Một số hình ảnh ghi nhận: